The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.7)


PAUL MCCARTNEY
 CHÀNG QUÝ TỘC HÀO HOA CỦA NHẠC ROCK

Đối với một quốc gia có nền quân chủ lâu đời như nước Anh, sự cổ hủ thường gắn liền với bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá. Được phong tước hiệu cao quí “hiệp sĩ’ là một vinh dự vô cùng to lớn mà không phải bất cứ ai ở xứ sương mù cũng có thể mơ tới được. Vinh dự đó lại càng khó đạt được hơn nếu bạn là một ca sĩ nhạc rock vì thứ nhạc nổi loạn đầy cá tính này xem ra không phù hợp với tính cách bảo thủ của triều đình Anh cho lắm. Vậy mà cựu thành viên của nhóm nhạc Beatles huyền thoại, Paul McCartney, người mà giờ đây khi gọi đầy đủ người ta phải thêm chữ “Sir” trước tên tục, là một trong những trường hợp hiếm hoi đã nhận được danh hiệp hiệp sĩ cao quí của đế chế Anh nhờ những đóng góp to lớn của mình trong nhiều lĩnh vực.

Người không hề biết mệt mỏi

Năm 1957, khi mới là một cậu thiếu niên 15 tuổi, James Paul McCartney đã viết một ca khúc “già” hơn cái tuổi của mình rất nhiều, bài hát “When I’m Sixty Four” với mong ước khi mình 64 tuổi mình sẽ được an hưởng một tuổi già thật thanh bình bên con cháu đầy đàn. Chắc hẳn lúc đó, cậu trai trẻ lo xa kia không thể tưởng tượng được rằng năm 2010, ở cái tuổi 68, lão tướng Paul McCartney vẫn chưa chịu về hưu để an hưởng thú điền viên mà vẫn còn rất sung sức trong việc sáng tác, thu âm và lưu diễn vòng quanh thế giới. Thật vậy, trong vai trò của một nghệ sĩ, Paul McCartney, thành viên có gương mặt dễ thương nhất của nhóm Beatles vẫn chưa có một dấu hiệu gì là mình sẽ “rửa tay gác đàn” trong một tương lai gần.

Sinh ngày 18/6/1942 tại Liverpool, cậu bé James Paul McCartney khi vừa chào đời đã khiến bố của mình, ông James McCartney bật khóc vì thất vọng trước vẻ xấu xí của con mình. Trớ trêu thay, đứa trẻ xấu xí đó hai mươi năm sau lại trở thành gương mặt dễ thương nhất của ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới, làm tan vỡ triệu trái tim thiếu nữ trên khắp thế giới. Cuộc sống của cậu bé Paul thời thơ ấu có thể nói là khá êm ấm với một nền giáo dục hoàn hảo từ cha mẹ. Ở trường, Paul luôn tỏ ra mình là một học sinh có năng lực nhất là trong lĩnh vực văn học, âm nhạc và hội hoạ. Bắt đầu làm quen với âm nhạc khá sớm với kèn trumpet và sau đó là trống, Paul McCartney đã bỏ tất cả để chuyển sang chơi guitar khi nhạc rock and roll bắt đầu xâm lược nước Anh với những thần tượng như Elvis Presley, Little Richard…đơn giản vì khi chơi guitar cậu có thể hát.

Ngày 15/6/1956 là một ngày có thể gọi là cực kì quan trọng trong lịch sử rock and roll khi cậu thiếu niên Paul McCartney bị nhóm nhạc địa phương the Quarry Men thu hút trong hội chợ làng Woolton ở Liverpool. Cầm đầu nhóm nhạc trẻ măng này là một chàng trai có vẻ ngổ ngáo và cây đàn guitar chỉ có năm dây. Giọng hát của cậu ta chưa hẳn có thể gọi là hay nhưng đầy chất lửa. Ngón đàn của cậu vẫn còn đơn giản nhưng phong cách biểu diễn của cậu rất cuồng nhiệt. Đặc biệt hơn nữa là những ca khúc rock and roll mà cậu biểu diễn hầu như chẳng có bài nào đúng lời gốc cả, nhưng cậu ca sĩ thông minh kia rất khôn khéo khi ứng tác ngay trên sàn diễn những ca từ mới để lấp vào những lúc mình quên lời. Cậu thanh niên đặc biệt đó là John Lennon, trưởng ban nhạc Quarry Men, người lớn hơn Paul hai tuổi. Không bỏ lỡ cơ hội, Paul nhờ Ivan Vaughan, một người bạn chung giới thiệu mình với John. Lúc đầu John không thèm đếm xỉa gì đến cậu em 14 tuổi kia cho đến khi Paul thể hiện bản lĩnh của mình bằng cách chơi ngay tại chỗ ca khúc “Twenty Flight Rock” một ca khúc rock thịnh hành thời bấy giờ với kĩ thuật hoàn chỉnh thì John mới thay đổi thái độ. Rõ ràng mặc dù nhỏ tuổi hơn nhưng tài chơi guitar của Paul có thể nói là hơn hẳn những thành viên khác của nhóm Quarry Men kể cả John. Với sự gia nhập nhóm Quarry Men của Paul McCartney, John Lennon đã tìm được một người tri kỉ, và tình bạn của hai nhân vật này đã mang đến cho thế giới nhạc rock bộ đôi sáng tác huyền thoại Lennon-McCartney. Mỗi ngày Paul đến nhà John để dạy John đàn và cùng John viết ca khúc. Vì là người thuận tay trái nên Paul thường đứng trước tấm gương lớn để bấm những hợp âm trên cần đàn và John sẽ nhìn vào gương và tập theo. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Paul khoe rằng thời gian nhóm Beatles còn mang tên Quarry Men, John và Paul đã viết cùng nhau cả trăm ca khúc. Nếu những gì Paul nói là thật thì chúng ta, những fan của the Beatles vẫn chưa có dịp nghe rất nhiều ca khúc chung của John và Paul vì chỉ có một số ít những ca khúc sáng tác trong thời điểm này được thu âm và phát hành chính thức.Năm 1990, trong một buổi diễn unplugged cho kênh MTV, Paul đã làm người hâm mộ bất ngờ và sung sướng khi giới thiệu ca khúc “I Lost My Little Girl”, ca khúc Paul sáng tác năm 14 tuổi.


Một nghệ sĩ đa tài

Mặc dù các tác phẩm thời Beatles đều được kí tên chung Lennon-McCartney, nhiều fan của nhóm có thể đoán được rằng rất nhiều bài hát trong số đó lại là sáng tác riêng của Paul hoặc của John dựa vào một công thức khá thú vị: những bài có giai điệu mạnh mẽ của nhạc rock, ca từ đầy vẻ mỉa mai cay đắng hay triết lí sâu xa ắt hẳn là tác phẩm của chàng John nổi loạn, còn những bản tình ca phong phú hơn về tiết tấu, hoa mĩ hơn về giai điệu và lãng mạn hơn về nội dung đích thị là tác phẩm của chàng trai có gương mặt baby Paul McCartney. Quả thật, giai điệu đẹp và ca từ lãng mạn là một thế mạnh của Paul McCartney trong việc sáng tác ca khúc. Nhắc đến Paul McCartney, fan âm nhạc không thể không nhớ đến những “And I Love Her, “Yesterday”, “Here, There and Everywhere”, “The Long and Winding Road” hay “Michelle” như những bản tình ca hay nhất của the Beatles. Sau này khi tách ra chơi solo với nhóm Wings, Paul vẫn tiếp tục đắm say với “No more Lonely Nights” “My Love” hay “Blue Bird”. Ngay cả đến những album sau này như “Chaos and Creations in the Backyard” (2005) hoặc “Memory Almost Full” (2007) người nghe vẫn tiếp tục sửng sốt trước khả năng không bao giờ cạn trong việc tạo ra những giai điệu đẹp như tranh của Paul. Có thể nói, tuổi tác hay những thay đổi của nhịp sống hiện đại đã không cướp đi mất của Paul cảm hứng sáng tác thiên phú mà còn làm cho tài năng này thêm hoàn thiện. Thật ra khả năng viết tình ca của Paul thực sự bắt đầu được phát huy từ sau sự thành công của ca khúc “Yesterday” năm 1965. Với tư tưởng mình là một rocker theo phong cách nổi loạn đặc trưng của Little Richard hay Jerry Lee Lewis, Paul đã không thực sự tự tin khi viết những bản ballad êm dịu kiểu “And I Love Her” hay “Yesterday” mặc dù chất giọng truyền cảm của anh rất phù hợp với thể loại này. Rất may là với thành công của “Yesterday”, Paul đã mạnh tay hơn trong việc sáng tác những ca khúc đúng với sở trường của mình, những bản tình ca êm dịu.


Nói như vậy không có nghĩa là trong nhóm Beatles chỉ có John Lennon mới là tác giả của những ca khúc rock mạnh mẽ gai góc. Chịu ảnh hưởng rất lớn từ thần tượng của mình là Little Richard, Paul trong thời kì đầu của the Beatles đã có hai ca khúc bắt chước phong cách của “Lucille” là “I’m Down” và “She’s a Woman” Giai đoạn 67-70, Paul cũng là tác giả của những ca khúc “thô ráp” nhất của nhóm như “Birthday”, “Helter Skelter” và “I’ve Got a Feeling”, những ca khúc tiên phong định hình cho thể loại hard rock/metal sau này. Để chứng tỏ cho người hâm mộ biết rằng mình luôn có thể viết được những ca khúc rock nặng nếu mình muốn. khi rời khỏi the Beatles để theo đuổi sự nghiệp solo, Paul vẫn tự tin cùng “Jet”, “Live and Let Die” hay “Maybe I’m Amazed” rất cuốn hút nhất là trong những buổi diễn live. Không chỉ có nhạc rock và tình ca, có lẽ trong nhóm Beatles, Paul là người sử dụng nhiều thể loại nhạc khác nhau nhất trong việc hoà âm phối khí các tác phẩm của mình từ folk, country, cabaret, reggae, ball room dance cho đến nhạc điện tử đương đại. Thậm chí, từ năm 1991 đến năm 2006 Paul còn cho ra đời 5 album nhạc cổ điển viết cho dàn nhạc giao hưởng, tất cả đều được đánh giá rất cao. Là một nhạc sĩ đa năng, Paul có thể tự chơi được tất cả nhạc cụ và hoà âm cho cả album của mình mà không có sự trợ giúp của một nghệ sĩ nào khác.

Càng ngạc nhiên hơn khi biết được rằng, ngoài những thành công vô cùng to lớn trong âm nhạc, Paul McCartney còn gặt hái được những thành tựu đáng kể khác trong hội hoạ, điện ảnh (trong vai trò nhà sản xuất) và văn học (với tập thơ Blackbird Singing năm 2001 và cuốn truyện thiếu nhi High in the Clouds: the Urban Funny Tail năm 2005). Có thể nói ông trời sinh Paul McCartney để làm nghệ thuật và để thành công trong hầu hết mọi lĩnh vực nghệ thuật. Thành tựu của gần 50 năm hoạt động nghệ thuật của Paul McCartney thật đáng nể Với 24 album pop rock (trong đó có 7 album với nhóm Wings), 5 album cổ điển và 8 album nhạc điện tử thử nghiệm (electronic ambient), khó có ai dám mơ tới một sự nghiệp đồ sộ như Paul McCartney. Về mặt thương mại, Paul là một trong ba nghệ sĩ solo có số đĩa bán chạy nhất trong lịch sử nhạc pop rock bên cạnh Elvis Presley và Michael Jackson với hơn 200 triệu bản đĩa được bán trên toàn thế giới (chưa tính những album thời Beatles) và là một gương mặt trong top 5 nghệ sĩ thành công nhất về doanh số bán đĩa (Beatles, Elvis Presley, Michael Jackson, Paul McCartney và Bee Gees). Ngoài vô số giải thưởng cao quí trong ngành âm nhạc, Paul còn được sách kỉ lục Guinness ghi tên với buổi diễn live thu hút 184000 fan tại Rio de Janeiro ngày 21/4/1990. Với hơn 3000 show diễn live với tư cách là thành viên của nhóm the Beatles, Wings và với tư cách nghệ sĩ solo, Paul McCartney là một trong những nghệ sĩ đạt kỉ lục lưu diễn nhiều nhất. Với số lượng đĩa bán ra hơn 100 triệu bảng và 188 đĩa vàng, Paul McCartney nằm trong list top 10 nghệ sĩ/ nhóm nhạc thu âm thành công nhất thời đại. Và năm 2000, Paul McCartney được khán giả đài BBC bầu chọn là nghệ sĩ của thiên niên kỉ khi ca khúc “Yesterday” đựơc công bố là bài hát có nhiều phiên bản chơi lại nhất với 2200 phiên bản khác nhau. Và cũng chính Paul McCartney là người duy nhất của nhóm Beatles có vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng ở Anh ở các hạng mục đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, ngũ ca và hợp ca. Không cần phải tiếp tục kể lể bản thành tích gần như bất tận của Paul, người đọc chắc cũng có thể hiểu được rằng ai là người có sự nghiệp solo sáng chói nhất thời kì hậu Beatles.
  

Kẻ lãng tử trong tình trường

Đẹp trai theo kiểu baby, giọng hát truyền cảm và lối nói chuyện cuốn hút dí dỏm là những điều khiến Paul McCartney trở thành một cục nam châm “hút gái” từ những năm khi nhóm the Beatles còn là một nhóm nhạc vô danh. Cuộc tình chính thức đầu tiên của Paul McCartney là Dot Rhone, một cô gái trẻ xứ Liverpool. Chính Dot đã cùng Cynthia đến Hamburg để thăm John và Paul khi nhóm Beatles còn chơi nhạc trong các hộp đêm ở Đức. Mối tình mặn nồng kết thúc sau ba năm khi Dot sảy thai đứa con của Paul và khi cô nhận ra rằng mình không thích hợp với cuộc sống của một người nổi tiếng. Gần như ngay sau đó, Paul dọn vào sống chung với diễn viên trẻ Jane Asher, người anh gặp lần đầu tiên năm 1963 sau buổi diễn của nhóm Beatles tại Royal Albert Hall. Mối tình của cặp tài tử giai nhân trong giới văn nghệ đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của cánh nhà báo hóng hớt trong suốt năm năm trời. Nhưng chuyện tình này đã kết thúc một cách không có hậu khi ngày 20/7/1968, chính Jane Asher đã lên truyền hình xác nhận huỷ bỏ đính hôn của cô và Paul với lí do cô muốn phát triển sự nghiệp điện ảnh của mình trong khi Paul luôn tìm cách ngăn cản điều đó. Thật ra, Jane Asher đã phải ngấm ngầm chịu đựng thói trăng hoa của Paul khi có không ít phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới đã nhận Paul là bố đẻ của những đứa con của mình, kết quả của những mối tình một đẹp của tay bass đào hoa này. Và khi đã không còn tiếp tục chịu đựng, Jane đành dứt áo ra đi.

Paul Mc Cartney và Linda Eastman
Có lẽ mối tình sâu đậm nhất và lâu dài nhất của Paul McCartney là mối tình dành cho Linda Eastman, người vợ trong suốt 30 năm của ông. Sau khi chia tay Jane Asher, Paul lại phải lòng cô phóng viên ảnh người Mỹ Linda Eastman, người dã một lần dang dở trong tình cảm và có một đứa con riêng. Rất nhiều fan của Beatles đã so sánh ảnh hưởng của Linda đối với Paul với ảnh hưởng của Yoko đối với John nhưng theo chiều hướng tích cực hơn nhiều. Là một người không thích sự chú ý ồn ào của dư luận, Linda McCartney hài lòng với vai trò người đồng hành của chồng trong suốt ba mươi năm trời từ lúc Paul rời nhóm Beatles để lập nên nhóm Wings cho tới khi bà mất do ung thư vú năm 1998. Không có những phát ngôn ngông cuồng hay những hành động gây shock như Yoko, Linda chiếm được cảm tình của báo giới lẫn người hâm mộ bằng sự giản dị trong ứng xử và sự tận tâm với sự nghiệp của chồng. Khi nói về người vợ yêu quí của mình, Paul đã gọi Linda là “sức mạnh phía sau những quyết định đúng đắn của tôi”. Cũng theo Paul, trong suốt ba mươi năm chung sống. chỉ có khoảng thời gian Paul bị bắt ở sân bay Narita Nhật Bản khoảng mười ngày do bị xét có giấu cần sa trong hành lí năm 1980 là thời gian hai vợ chồng sống xa nhau. Chính khoảng thời gian xa cách này đã tạo cảm hứng để Paul viết nên một trong những bản tình ca đẹp nhất của mình “No More Lonely Nights”. Trong suốt thời gian chung sống, hai người đã có với nhau ba người con chung trong đó có Stella McCartney, một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.

Sau cái chết của người vợ yêu quí, những tưởng người chồng chung thuỷ McCartney sẽ không còn có thể yêu ai được nữa. Nhưng chàng lãng tử trong tình trường chỉ giữ gìn trái tim chung thuỷ được 4 năm. Năm 2002, Paul McCartney lại kết hôn lần nữa với Heather Mills, cựu người mẫu Anh Quốc bị mất một chân trong một tai nạn giao thông. Mặc dù có với nhau một đứa con và cùng nhau tham gia vào nhiều chiến dịch từ thiện chống địa lôi gây sát thương ở những đất nước từng có chiến tranh, cuộc sống gia đình của Paul và Heathers lại là một thảm hoạ. Hai người tuyên bố li thân sau hai năm chung sống và khi một số hình ảnh khoả thân của Heather chụp thời mới bước chân vào nghề người mẫu bị tung lên những tờ báo lá cải thì cuộc hôn nhân này hoàn toàn chấm dứt bằng một cuộc li hôn khá rùm beng và tốn kém. Heather đòi Paul chu cấp cho mình 125 triệu bảng Anh sau khi li hôn và doạ sẽ vạch trần bộ mặt thật của Paul là một kẻ nghiện rượu, ma tuý và sa đoạ trong tình dục. Những lời vu khống và cáo buộc đó đã bị bác bỏ do không có chứng cứ cụ thể và thay vì phải trả cho cô vợ lắm chiêu này số tiền trên, Paul chỉ phải chi 15 triệu bảng. Một điều khá mỉa mai là, vụ scandal hôn nhân tình ái của Paul xảy ra đúng năm ông 64 tuổi, năm mà theo bài hát “When I’m sixty four” mà ông viết năm 16 tuổi, Paul sẽ có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc bên người vợ già và các cháu nội ngoại quấn quanh.

Từ năm 2007, Paul lại tiếp tục công khai mối quan hệ của mình với Nancy Shevell, một quả phụ trung niên, chủ tịch tập đoàn New York Metropolitan Transportation Authority nổi tiếng. Cũng như trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình, con đường tình của chàng lãng tử Paul McCartney cho đến ngày nay dường như vẫn chưa có điểm dừng.

  
Lãng mạn trong âm nhạc, độc đoán trong công việc

Khó ai có thể ngờ được rằng một người nghệ sĩ lãng mạn như Paul lại là một người khá độc tài và quyết đoán trong công việc. Chính sự độc tài trong việc lãnh đạo của anh đã không ít thì nhiều dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ nhóm the Beatles nhất là từ sau cái chết của ông bầu Brian Epstein. Trái ngược với vẻ ngoài phong trần rắn rỏi, về mặt tình cảm John Lennon lại yếu đuối hơn Paul McCartney rất nhiều. Nếu như John từng tuyên bố rằng “tôi là người lười nhất nước Anh,” Paul trái lại là một người cực kì năng động. Hầu như anh không bao giờ bỏ phí thời gian của mình. Là một người cầu toàn trong công việc, dường như Paul chưa bao giờ vừa lòng với những gì mà John, George hay Ringo chơi nhất là trong những ca khúc do chính anh sáng tác. Có những ca khúc như Obladi Oblada, Paul đã bắt mọi người phải thu đi thu lại hơn 50 lần mà vẫn chưa vừa ý. Hoặc có nhiều lúc, sau khi mọi người đã trở về nhà sau một ngày thu âm mệt mỏi, Paul lại lẻn vào phòng thu với cây đàn guitar để thu lại những đoạn solo của George hay John chơi mà anh không hài lòng. Mối quan hệ cá nhân của Paul với John và George ngày càng trở nên xấu đi khi Paul luôn tự ý quyết định mọi thứ trong nội bộ Beatles. Phát biểu về Paul, George Harrison nhận xét: “Paul luôn tìm cách phớt lờ những sáng tác của tôi, hoặc hoạ hoằn lắm thì mới chịu ban ơn thu một ca khúc của tôi sau khi tôi đã thu cho anh ấy 10 bài. Thật là ích kỉ” Năm 1988, khi nghe Paul có ý định viết chung ca khúc với mình, George nói với vẻ mỉa mai không giấu giếm: “Tôi đã từng ở trong cuộc đời Paul trong ba mươi năm trời, thế sao bây giờ anh ấy mới nghĩ đến chuyện hợp tác với tôi.” Rất may là trong thập niên 90, mối qua hệ giữa hai cựu thành viên Beatles được cải thiện đáng kể. Sau ngày John bị ám sát, George đã mời Paul và Ringo đến cùng thu âm ca khúc “All Those Years Ago” để tưởng nhớ John và năm 1995, một lần nữa, ba thành viên còn lại của the Beatles đã cùng nhau góp sức hoàn thành hai ca khúc còn dang dở của John mang tên “Free As the Bird” và “Real Love”, một sự kiện lớn đánh dấu việc hoà giải hận thù giữa các cựu thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Và Paul đã là người ở bên cạnh George Harrison những ngày cuối cùng trước khi ông mất do bệnh ung thư năm 2001.

Cũng như với George, mối quan hệ của John và Paul trở nên cực kì căng thẳng khi Paul trả đũa việc nhóm the Beatles chọn Allan Klein làm ông bầu mới bằng cách mua lại 51% cổ phần của công ty Northern Songs khiến John không còn quyền sử dụng những ca khúc do anh sáng tác thời Beatles. Tuy nhiên đến giữa thập niên 70, mối mâu thuẫn giữa hai người bạn thân dần dần được tháo bỏ. Khi Paul và nhóm Wings đang thu âm cho album mới ở New Orleans năm 1974, John đã bay đến thăm bạn và kể từ đó mối quan hệ của hai người được cải thiện một cách đáng kể. Thời gian John sống ở New York, Paul hay đến chơi nhà bạn với cây đàn guitar và trong một lần xem TV cùng nhau, cả hai đã định đến trường quay của chương trình Saturday Night Live khi người dẫn chương trình hứa sẽ thưởng ngay 3000USD cho ai có thể mời được những thành viên của Beatles cùng đến trường quay. Trước khi John bị ám sát chỉ vài ngày, cả hai đã có một cuộc nói chuyện thân mật với nhau qua điện thoại. Nếu John còn sống, có lẽ nhóm nhạc the Beatles lừng lẫy có thể đã tái hợp với nhau, ít ra là trong một buổi diễn chung. Tiếc rằng điều này không bao giờ thành hiện thực.


Một nhà hoạt động xã hội tích cực

Bên cạnh những đóng góp vô cùng quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật, Paul McCartney còn là một nhà hoạt động xã hội hết sức tích cực. Từng là người công khai cổ suý cho việc tự do sử dụng cần sa và LSD trong thập niên 60, giờ đây Paul lại là một trong những nghệ sĩ tuyên chiến mạnh mẽ nhất với các chất gây nghiện. Là một người ăn chay từ lúc còn rất trẻ, Paul và người vợ quá cố Linda McCartney đều là thành viên của tổ chức bảo vệ dộng vật PETA và tổ chức bảo vệ môi trường Green Peace. Trong những buổi diễn live của mình, Paul thường chiếu những thước phim cảnh động vật bị đối xử dã man hoặc bị giết hại vô tội vạ để kêu gọi các fan của mình cùng tham gia bảo vệ các loài vật khỏi nạn tuyệt chủng. Với thành tích trong việc bảo vệ động vật, Paul McCartney đã được hãng phim hoạt hình Walt Disney đặc cách cho biên tập lại đoạn nai mẹ bị thợ săn bắn chết trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Bambi vì theo ông, cảnh đó gây ảnh hưởng xấu đến tâm lí của trẻ em. Cũng chính Paul là người viết thư dùng giáo lí cấm sát sinh của đạo Phật khuyên Dalai Lama của Tây Tạng ăn chay.
Sau khi Linda mất, cùng người vợ mới Heather Mills, Paul đã rất tích cực trong việc gây quĩ ủng hộ những nạn nhân bị mất tay chân do dẫm phải địa lôi còn sót lại sau chiến tranh. Với sức ảnh hưởng của mình, Paul không ngần ngại tham gia vào bất cứ một chương trình biểu diễn hoặc thu âm nào với mục đích từ thiện nào như Concert for Kampuchea (1979), Live Aid, Ferry Aid, Band Aid trong thập niên 80 và buổi biểu diễn tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York.


Ngày nay với bản thành tích dài bất tận trong các lĩnh vực văn hoá xã hội cũng như có mặt trong danh sách top 10 nghệ sĩ rock giàu nhất thế giới với tài sản ứơc tính lên đến 750 triệu bảng Anh, tương đương với 1,2 tỉ dollar Mỹ, Paul McCartney chắc chắn là tay Beatles thành công nhất sau khi tách nhóm. Mặc dù có rất nhiều ý kiến trái ngược về Paul McCartney, một điều mà ai cũng phải công nhận rằng, danh hiệu hiệp sĩ của vương quốc Anh ban tặng cho ông là hoàn toàn xứng đáng cho một người lao động và sáng tạo không ngừng.

DANH MỤC ALBUM SOLO CỦA PAUL MCCARTNEY

Album phòng thu:
Với tư cách là nghệ sĩ solo:
•           McCartney (1970)
•           Ram (1971)
•           McCartney II (1980)
•           Tug of War (1982)
•           Pipes of Peace (1983)
•           Give My Regards to Broad Street (1984)
•           Press to Play (1986)
•           Снова в СССР-Back in the USSR (1988)
•           Flowers in the Dirt (1989)
•           Off the Ground (1993)
•           Flaming Pie (1997)
•           Run Devil Run (1999)
•           Driving Rain (2001)
•           Chaos and Creations in the Backyard (2005)
•           Memory Almost Full (2007)

Với nhóm Wings:
•           Wild Life (1973)
•           Red Rose Speedway (1973)
•           Band on the Run (1975)
•           Venus and Mars (1976)
•           Wings at the Speed of Sound (1978)
•           London Town (1978)
•           Back to the Egg (1979)

Album tổng hợp:
•           Wings Greatest (1978)
•           All the Best (1987)
•           Wingspan: Hits and History (2001)

Album trực tiếp (live):
•           Wings Over America (1976)
•           Tripping the Live Fantastic (1990)
•           Unplugged-the Official Bootleg (1991)
•           Paul is Live (1993)
•           Back in the U.S (2003)
•           Back in the World (2003)
•           Good Evening New York (2009)

Album hoà tấu cổ điển:
•           Paul McCartney’s Liverpool Oratorio (1991)
•           Standing Stone (1997)
•           Working Classical (1999)
•           Ecce Cor Meum (2006)

Album nhạc điện tử (với tên gọi the Fireman):
•           Strawberries Oceans Ships Forest (1993)
•           Rushes (1998)
•           Liverpool Sound Collage (2000)
•           Twin Freaks (2005)
•           Electric Argument (2008)

(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.