The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại (P.13)



WITH THE BEATLES (1963)

Sau thành công của album đầu tay, Beatles có khoảng 4 tháng để cho mắt album thứ hai của mình. Được phát hành ngày 22/11/1963, album With the Beatles leo thẳng lên hạng nhất bản xếp hạng và trụ lại đó 21 tuần liên tiếp. Ở Mỹ, album được phát hành dưới cái tên Meet the Beatles vào đầu năm 1964 và Beatles-the Second Album sau đó. Ngay tuần đầu phát hành, Meet the Beatles đã bán hơn 750,000 đĩa (hơn nửa triệu bản đĩa đã được đặt hàng trước) và đến giữa tháng 3năm 1965, con số này đã lên tới 3,56 triệu, một con số mà không có nhóm nhạc hoặc ca sĩ nào của Anh dám mơ tới trên đất Mỹ.

With the Beatles được thu âm trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1963 xen kẽ với những buổi diễn, những chương trình truyền hình và những buổi thu âm cho đài BBC. Cũng như album trước, With the Beatles bao gồm 8 sáng tác riêng của nhóm (7 bài của John và Paul cùng một sáng tác đầu tay của George) và 6 bài hát lại, phần lớn là các bài hit theo thể loại R&B của Mỹ. Hai nhạc sĩ chính Paul và John phải tập làm quen với việc sáng tác cấp tốc ở bất cứ nơi nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người hâm mộ. Hầu hết các bài hát của album With the Beatles ra đời trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của nhóm khi không phải lưu diễn hoặc tham gia vào các chương trình. Đối với nhiều người, đó là một việc làm quá tải và nguồn cảm hứng sáng tác có thể bị vắt cạn. Nhưng đối với Paul và John, đây lại là thử thách giúp họ cạnh tranh với nhau về tài năng. John và Paul bắt đầu viết những ca khúc riêng lẻ mà không cần sự trợ giúp của nhau mặc dù cả hai vẫn thống nhất việc kí tên chung. Cũng trong album này, George Harrison có cơ hội chứng tỏ tài năng viết nhạc của mình qua ca khúc “Don’t Bother Me”.

Về mặt thu âm, album mới được đầu tư kĩ lưỡng và trau chuốt hơn Please Please Me. Kĩ thuật thu âm hiện đại nhất lúc bấy giờ là kĩ thuật thu chồng tiếng (double-tracking) được sử dụng trong một số ca khúc. Trong quá trình thực hiện album này, John và Paul bắt đầu làm quen với việc hoà âm phối khí với sự dẫn dắt của George Martin. Nhờ đó mà những ý tưởng thu âm tưởng như điên rồ của Beatles được chuyển tải một cách trọn vẹn.

Bìa đĩa của album chụp nửa mặt bốn thành viên mặc áo kiểu cổ lọ trên nền sáng tối tương phản được chụp bởi Robert Freeman, một người bạn của John và Cynthia, lấy cảm hứng từ tấm hình Astrid Kirchner chụp John khi nhóm còn ở Hamburg. Tấm ảnh bìa đĩa này đã giúp Freeman trở thành nhiếp ảnh chính của nhóm Beatles trong thời gian nhóm lưu diễn tại Mỹ. Khi được phát hành ở Úc, do hãng EMI không nhận được hình bìa đĩa chính thức nên đã thay hình bìa này bằng một hình vẽ theo dạng biếm hoạ của nhóm trong cùng một phong cách. Cả nhóm Beatles không biết việc này cho đến khi sang Úc lưu diễn. Lập tức nhóm đã gọi cho đại diện EMI của Úc để phàn nàn và để nghị thay thế bìa album.

With the Beatles được đánh giá là album tiên phong của trào lưu British Invasion. Nó có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhóm nhạc cùng thời. Maurice Gibb của Bee Gees thừa nhận rằng mình bị sự bí ẩn của bìa đĩa hớp hồn và ông đã học chơi bass theo tất cả các ca khúc trong album này. Tạp chí Rolling Stone xếp album này hạng 420 trong số 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bìa Album With the Beatles


It Won’t Be Long
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums

John viết ca khúc này như một lời bộc bạch nổi sợ sự cô đơn của mình khi không có những người thân ở bên cạnh. Bài hát không chỉ đơn thuần là lời của chàng trai kêu gọi người yêu của mình trở về với mình mà nó còn thể hiện sự khao khát được sống chung với cha mẹ mình trong một gia đình, ước mơ không bao giờ được thực hiện của John. Nó giống như ca khúc “Mother” của John sau này. Trong bài này, John thể hiện tài chơi chữ của mình với “be long” và động từ “belong”, điều mà George Harrison đã “mượn” lại trong bài “Blue Jay Way” năm 1967. Đây cũng là ca khúc đầu tiên của Beatles sử dụng kĩ thuật thu chồng âm.

All I’ve Got to Do
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

John viết bài này theo phong cách của Smokey Robinson, ca sĩ R&B da đen mà John và Paul rất hâm mộ. Trong album “With the Beatles”, nhóm cũng cover lại “You Really Got a Hold on Me” của Robinson.


All My Loving
(McCartney 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums.

Paul viết ca khúc này dành tặng cho người yêu mới quen Jane Asher, lúc này là một diễn viên truyền hình nổi tiếng của đài BBC. Phần lời của bài hát này được viết trước, Paul viết phần nhạc trên đường đi tour với Beatles. Mặc dù không sôi nổi như các ca khúc trước, “All My Loving” thể hiện sự tinh tế trong việc phối bè và phần guitar phức tạp hơn. John luôn tỏ ra ganh tị với Paul vì theo anh đây là một ca khúc hay và đáng ra phải do mình viết. Khi phát biểu cảm nghĩ về “All My Loving”, John nửa đùa nửa thật bảo rằng: “Thật đáng tiếc khi nó lại là tác phẩm của Paul vì nó là một ca khúc hay. Nhưng phần guitar tôi chơi trong bài này mới đáng chú ý.”


Little Child
(Lennon 5/ McCartney 5)

McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: rhythm guitar, harmonica, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Một bài hát sôi động kích thích đôi chân nhúng nhảy nhưng không thật sự xuất sắc kể về một chàng trai cô đơn đang tìm mọi cách gây sự chú ý đối với cô gái mình thầm thương trộm nhớ. Một tác phẩm mà John và Paul cùng góp công bằng nhau. Lúc đầu John định để Ringo hát bài này nhưng sau lại đổi ý. Phần harmonica intro cũng là ý tưởng vào phút cuối của John khi thu âm.


Don’t Bother Me
(George Harrison 10)

McCartney: bass, claves
Lennon: rhythm guitar, tambourine
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums, bongos, loose-skin Arabian bongo.

Ca khúc đầu tay của George được Beatles thu âm. Được viết vào tháng 8 năm 1963 khi nhóm Beatles diễn tại rạp Gaumont ở Bournemouth sáu đêm liên tiếp. George ngã bệnh do làm việc quá sức. Trong thời gian anh nằm dưỡng bệnh tại khách sạn Palace Court, anh bị Bill Harry, người sáng lập toà báo Mersey Beat quấy rầy liên tục. Harry chê rằng George không viết được ca khúc nào có lời như John và Paul ngoài bản hoà tấu guitar “Cry For a Shadow” mà George viết với John trước đó. George viết “Don’t Bother Me” như câu trả lời dành cho Bill Harry, còn bản thân ông thú nhận rằng mình không thích ca khúc này lắm. Đối với George, bài này giống như một bài tập sáng tác hơn là một ca khúc thật sự.


Hold Me Tight
(McCartney 8/ Lennon 2)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums

Nhóm Beatles thu một phiên bản của ca khúc này vào đầu năm 1963 với dự định đưa vào mặt B của single “From Me to You” nhưng không sử dụng. Rủi thay cuộn băng ghi âm phiên bản đầu tiên bị thiêu rụi trong một trận hoả hoạn. Phiên bản trong album “With the Beatles” được thu ngày 12/9/63 với sự ảnh hưởng của nhóm nữ da đen the Shirelles. Đây cũng là ca khúc đầu tiên đề cập đến tình dục một cách khá thẳng thắn chứ không úp mở như những bài hát khác (making love to only you, so hold me tight). Trong khi Paul khá hứng khởi khi nói về ca khúc này, John thường lảng tránh những câu hỏi liên quan tới bài hát và luôn khẳng định nó là một trong những bài “tồi” nhất của Beatles.


I Wanna Be Your Man
(McCartney 7/ Lennon 3)

McCartney: bass, hát bè.
Lennon: rhythm guitar, organ hiệu Hammond, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drum, maracas, hát chính

Paul và John viết ca khúc này cho nhóm Rolling Stones trong một buổi tập của nhóm Stones ở phòng thu Studio 51. Nhóm Stones lúc này chỉ mới chập chững vào nghề nên cần một ca khúc của một nhóm có tên tuổi với hi vọng biến nó thành một single thành công. Bài hát được viết trong vòng 20 phút với phần lời lập đi lập lại dựa trên một đoạn riff mà Paul viết trước đây. Cả Paul và John đều xem đây là một ca khúc “đáng vứt đi” vì vậy cả hai không ngại ngần để cho nhóm Stones thu âm trước. Và để chứng tỏ rằng đây là một bài hát không có giá trị, John và Paul để cho Ringo hát chính. Phiên bản của Beatles không được phát hành thành đĩa single, nhưng phiên bản của nhóm Stones lại là một thành công khi đạt hạng 12 vào tháng 10 năm 1963, khiến nhóm trở thành đối thủ đáng gờm của Beatles trong những năm sau đó.


Not a Second Time
(Lennon 10)

Lennon: acoustic rhythm guitar, hát chính, hát bè.
Starr: drums
George Martin: piano

John viết bài này theo phong cách của Smokey Robinson và nhóm Miracles. Đây là ca khúc đầu tiên của nhóm Beatles không được thu âm với tất cả các thành viên. Đây cũng là ca khúc đầu tiên của Beatles gây được sự chú ý cho một tờ báo không chuyên về âm nhạc. William Mann của tờ Times (London) đã viết cả một bài phê bình về ca khúc này, so sánh nó với bài “Songs of the Earth” của Gustav Mahler. Trong bài viết của mình, Mann có nhắc đến thuật ngữ “Aeolian cadences” bảo rằng John đã sử dụng kĩ thuật này rất tự nhiên trong ca khúc của mình. Nhưng John hoàn toàn mù tịt về cái gọi là “Aeolian cadences”. Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy năm 1980, John bảo: “nó giống như tên một loài chim lạ.” Không những đối với John mà những nhà phê bình âm nhạc cũng bó tay với thuật ngữ này. Không ai dám chắc rằng William Mann sử dụng thuật ngữ này để nói về cái gì.



A HARD DAY’S NIGHT (1964)

Với thành công của “I Wanna Hold Your Hand”, Beatles đã được ban cho một đặc ân mà trước đây chưa từng có một nhóm nhạc nào ở Anh (và cũng rất hiếm ở Mỹ) có được. Đó là việc cho ra đời một album toàn những ca khúc do nhóm sáng tác. Nếu như ở hai album đầu tiên, cứ khoảng 2-3 bài của Beatles thì nhóm phải chơi lại một bài của các nhóm nhạc và ca sĩ Mỹ thịnh hành, thì lần này A Hard’s Day Night chỉ giới thiệu 13 ca khúc toàn của Beatles. Một điều đáng chú ý hơn là album này đánh dấu vai trò thủ lĩnh của John Lennon đối với nhóm. Trong 13 ca khúc của album, 10 bài là tác phẩm của John. Mối quan hệ giữa Paul và John cho đến lúc này John vẫn là kẻ cả do tuổi tác lớn hơn, nên đôi lúc Paul phải nhượng bộ.

Năm 1964 là một năm đặc biệt bận rộn đối với Beatles. Đây là giai đoạn “ cơn cuồng Beatles” lên đến đỉnh điểm. Sau tour lưu diễn mệt nhoài ở Mỹ, nhóm trở về Anh để quay bộ phim A Hard Day’s Night rồi lại tiếp tục đi tour thế giới. Hậu quả là Ringo đã bị ngất xỉu trong một buổi thu âm ngày 3/6 để rồi được thay thế bởi Jimmy Nichol trong một số tour diễn của Beatles ở Úc. Cái tựa đề A Hard Day’s Night (đêm của một ngày vất vả, theo chữ của Ringo Starr) phần nào phản ánh được thực trạng của nhóm Beatles lúc đó.

Ở Anh, album được phát hành ngày 26/6/1964 và lập tức leo lên ngôi đầu bảng trong vòng 14 tuần lễ. Đến tháng 10, album đã bán được 2 triệu bảng, một con số khổng lồ lúc bấy giờ. Trong khi đó ở Mỹ, hãng United Artist nhận phát hành album này sau khi đã cắt đi 5 bài, chỉ giữ lại 7 bài trong phim và ca khúc “I’ll Cry Instead”. Bốn bài còn lại trong album là bốn bài nhạc không lời do George Martin sản xuất. Điều này cho thấy, mặc dù bị Beatles hoàn toàn chinh phục, các hãng đĩa Mỹ vẫn tiếp tục thao túng cắt ráp các album gốc của Beatles theo ý của mình để có nhiều lợi nhuận hơn khi người sưu tập muốn mua cả hai bản đĩa phát hành ở Anh và Mỹ để so sánh sự khác biệt.

Nhìn chung, A Hard Day’s Night tuy vẫn còn đóng khung trong khuông khổ guitar, bass và trống, nhưng phần giai điệu và ca từ đã có những tiến bộ vượt bậc, trong đó có thể dễ dàng thấy được bước chuyển hướng từ những ca khúc rock and roll đơn thuần sang những ca khúc uyển chuyển và tinh tế hơn như “And I Love Her” hoặc “If I Fell”. Cũng trong album này, George Harrison giới thiệu với thế giới âm thanh vang vang như tiếng chuông đặc trưng của cây guitar 12 dây mà hiệu đàn danh tiếng Rickenbacker đóng riêng theo đơn đặt hàng của George. Tiếng đàn Rickenbacker 12 dây của George đã có ảnh hưởng lớn đến các nhóm folk rock của Mỹ như the Byrds, Buffalo Springfield, Lovin’ Spoonful. Sau khi A Hard Day’s Night ra đời, hầu như các nhóm nhạc trên đều đưa cây guitar 12 dây vào phần âm thanh của mình. Với 3 ca khúc hit: “A Hard Day’s Night”, “And I Love Her” và “Can’t Buy Me Love”, album và bộ phim cùng tên đã trở thành những cột mốc kinh điển trong sự nghiệp lừng lẫy của Beatles.

Năm 2000, tạp chí âm nhạc Q của Anh xếp A Hard Day’s Night thứ 5 trong số 100 album hay nhất của Anh, còn theo Rolling Stone, album này xếp thứ 388 trong 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại

Bìa Album A Hard Day's Night


A Hard Day’s Night
(Lennon 10)

UK Chart 1/ US Chart 1

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison:lead guitar (Rickenbacker 12 dây)
Starr: drums
George Martin: piano

Ngay sau khi bộ phim A Hard Day’s Night được hoàn tất, các nhà làm phim và nhóm Beatles vẫn chưa nghĩ ra đựoc một cái tên thích hợp cho bộ phim. Một số cái tựa như “On the Move”, “Let’s Go” hay “Beatlemania” đều bị bác vì quá tầm thường. Theo Dick Lester, đạo diễn của bộ phim, trên đường về nhà chung xe với John và Ringo sau một ngày mệt nhoài, tay trống của Beatles đã buột miệng than rằng: “Đây là đêm của một ngày làm việc vất vả!” (It’s been a hard day’s night). Câu nói vô tình ấy của Ringo làm cho ông Dick Lester thích thú. Ông hỏi John có thể viết một ca khúc với cái tựa đề “A Hard Day’s Night” được không? John đồng ý và ngày hôm sau mang đến phòng thu bản nháp của “A Hard Day’s Night” viết trên mặt sau của tấm thiệp sinh nhật của Julian Lennon. Nhóm hoàn thành, tập và thu âm ca khúc ngay trong ngày hôm đó. Với phần intro bằng hợp âm guitar Fadd9 chơi trên cây đàn Rickenbacker 12 dây của George, A Hard Day’s Night trở thành một trong những ca khúc dễ nhận ra nhất của Beatles.

Theo Maureen Cleave, nữ kí giả tờ Evening Standard, người được đặc cách viết bài về Beatles cho báo, lời gốc của bài hát có đoạn như sau: “But when I get home to you, I found my tiredness is through, and I feel alright.” Lúc này, Maureen Cleave rất được John ưu ái, có thể nói cô là một trong những nhân tình của John trong những năm 64-66. Vì thế John đã đưa phần lời cho Maureen xem thử. Cô cho rằng câu “I feel my tiredness is through” không hay và đề nghị John sửa lại. John đã sửa lại thành “ I found the things that you do, they make me feel alright”. Maureen Cleave cũng chính là người đăng cuộc phỏng vấn “nối tiếng hơn cả chúa cứu thế” năm 66.

Cụm từ “a hard day’s night” còn được tìm thấy trong truyện ngắn “Sad Michael” của John trong cuốn In His Own Write, trong đó John viết: “ He’d had a hard day’s night that day, for Michael was a Cocky Watchtower”.

I Should Have Known Better
(Lennon 10)

McCartney: bass
Lennon: acoustic guitar, harmonica, hát chính
Harrison: lead guitar (12 dây)
Starr: drums

Đây là một trong những ca khúc khá hiếm hoi của John với một happy ending mà không có ẩn chứa cái gì đó cay đắng hoặc bất mãn. Trong bộ phim A Hard Day’s Night, tứ quái vừa hát ca khúc này vừa chơi bài ở toa sau xe lửa nơi nhốt gia súc và gia cầm. Trên thực tế, cảnh này được quay trong một chiếc xe van tại trường quay Twickenham, chứ không phải trên xe lửa. Những fan của Beatles khi xem đoạn này trong bộ phim đều có thể nhận ra Pattie Boyd, vợ tương lai của George Harrison trong vai một trong những cô gái đứng bên ngoài cổ vũ các chàng trai Beatles chơi nhạc.

If I Fell
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

John luôn tự hào về bài hát này của mình như một bản ballad hay với phần phối bè khá điêu luyện giữa Paul và John. Nó cũng đánh dấu sự chuyển hướng trong phong cách sáng tác: từ những ca khúc rock sôi động nhưng đơn giản chuyển sang những tác phẩm cầu kì hơn bằng cách phối bè và sử dụng những hợp âm phức tạp. Sau này, anh sử dụng lại vòng hợp âm của bài “If I Fell” để viết “In My Life”. Trong một cuộc phỏng vấn, John úp mở tiết lộ rằng bài hát này là một bản tự truyện của mình. Nhiều người cho rằng, nó phản ánh sự rạng nứt trong hôn nhân giữa John và Cynthia và người thứ ba xen vào không ai khác hơn là Maureen Cleave. Trên thực tế, lời bài hát đựơc John viết trên tấm thiệp Valentine mà Maureen gửi cho John ngày lễ tình nhân năm đó khi nhóm Beatles đang ở Miami. John đã viết: “I hope that she will cry/ when she hears we are two” nhưng rồi sửa lại là “And that she will cry, when she learns we are two” cho đỡ “tàn nhẫn” ít ra là đối với người nghe. Bản thảo lời bài hát này được mua với giá 7800 bảng Anh trong cuộc đấu giá kỉ vật của John năm 1988 tại nhà bán đấu giá Sotherby’s, London.

I’m Happy Just to Dance with You
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums, Arabian bongo.

Trong thời gian làm phim, George có sáng tác vài ca khúc nhưng đều bị John và Paul bác bỏ. Điều này khiến George khá bất mãn. Cảm thấy được sự bất mãn đó, John và Paul nhất trí sẽ viết một ca khúc để George hát trong phim để cho “hắn có việc để làm.” Sự chèn ép của hai ông lớn trong nhóm làm cho George luôn cảm thấy ấm ức vì tài năng của mình không được công nhận một cách đầy đủ. Trong cuốn tự truyện I Me Mine hơn 200 trang, George đã bày tỏ sự bực tức của mình trong những năm tháng Beatles bằng cách chỉ nhắc đến tên của John đúng 3 lần. John, người luôn xem George như đàn em của mình cả về tuổi đời lẫn tài năng, đã vô cùng tức giận khi biết được điều này. Qua ca khúc này, có thể thấy trong bộ tứ Beatles, George Harrison là người mang thổ âm Liverpool nặng nhất và có vẻ như anh không có ý định sửa chất giọng của mình.

And I Love Her
(McCartney 6,5/ Lennon 3,5)

US Chart 12
McCartney: acoustic guitar, hát chính
Lennon: acoustic guitar
Harrison: acoustic lead guitar
Starr: bongos

Đẹp một cách đơn giản nhưng cũng thật quyến rũ, “And I Love Her” là một trong những bài hát nổi tiếng nhất và dễ nhận ra nhất của Beatles, bên cạnh “Yesterday” và “Let It Be”. Từ khi ra đời đến năm 1972, bài này đã được cover lại 372 lần. Đây là lần đầu tiên Paul có can đảm để viết một ca khúc theo đúng ý thích của mình mà không phải là rock and roll. “And I Love Her” cũng là ca khúc đầu tiên mà Beatles thu âm hoàn toàn bằng nhạc cụ acoustic. Theo Paul, giai điệu du dương của bài hát phần nào chịu ảnh hưởng ca khúc “Till There Was You” mà nhóm đã thu âm trước đó. Mặc dù Paul bảo rằng mình viết ca khúc này không dành cho một người đẹp cụ thể nào, nhiều người vẫn tin đây là ca khúc Paul viết để xoa dịu cơn ghen của Jane Asher vì trước đó khoảng 1 tháng, Jane đã than phiền với báo chí ở Mỹ rằng: “Paul là một người ích kỉ. Anh đã có tình yêu của tôi nhưng vẫn muốn chinh phục những cô gái trẻ tuổi khác. Anh ta không biết rằng chỉ có tình yêu của tôi mới là thật, còn đối với các fan nữ, đó đơn thuần chỉ là sự hâm mộ nhất thời!”


Tell Me Why
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

John viết bài hát này theo phong cách của các nhóm nữ da đen như Shirelles và Supreme của Mơtown vì bộ phim cần một bài sôi nổi. Về mặt nội dung, chủ đề quen thuộc của John “tôi yêu em, tôi bị em phản bội và lừa dối” lại được sử dụng. Thật ra chẳng có cô nào phản bội John cả, chỉ có John là kẻ đùa giỡn với tình yêu. Sau mỗi lần “ăn vụng” John cảm thấy có lỗi với Cynthia và thay vì đứng ra nhận lỗi, anh lại viết một ca khúc đổ lỗi cho người yêu và biến mình thành nạn nhân thay vì thủ phạm. John công nhận mình là một kẻ tồi trong thời gian sống với Cynthia, vì mỗi lần như thế, anh lại kiếm chuyện để hành hạ Cynthia nhằm che giấu tội lỗi của mình. Mãi đến năm 1971, được sự khuyến khích của Arthur Janov, người điều trị cho John bằng phương pháp “Primal Scream”, John mới dám viết những ca khúc bộc bạch hết những nỗi niềm của mình.

Can’t Buy Me Love
(McCartney 9/ Lennon 1)

UK Chart 1/ US Chart 1
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar
Harrison: lead guitar (12 dây)
Starr: drums

Bài hát kinh điển này của Beatles được viết ở khách sạn George V, Paris ngay sau đêm nhóm được tin “I Wanna Hold Your Hand” đạt hạng nhất ở Mỹ trên cây đàn piano trong đại sảnh. John có lúc bảo mình cùng Paul viết ca khúc này có lúc thì bảo đó là tác phẩm hoàn toàn của Paul. Paul viết bài này như câu trả lời cho bài “Money” của Gordy và Bradford, một ca khúc được Beatles thu âm trước đây. Lúc đầu nhóm định thu âm với phần phiên khúc trước nhưng ông George Martin đưa ra ý kiến nhóm nên bắt đầu bài hát bằng phần điệp khúc vì ông cho rằng như thế sẽ hiệu quả hơn. Trong phim, bài hát này được dùng để minh hoạ cảnh quay tứ quái sau khi chạy lòng vòng trong hành lang tối thoát ra ngoài bằng lối thoát hiểm và cùng vui đùa ngoài trời. Dick Lester nhớ lại rằng đây là cảnh tự nhiên nhất của nhóm Beatles trong phim, có lẽ vì họ đã lâu không được thoải mái vui đùa như thế.

Năm 1966, một tờ báo Mỹ khi phỏng vấn Paul về bài hát này đã hỏi rằng liệu có phải bài này ám chỉ về nạn mại dâm không. Paul bực mình bảo rằng họ đã suy diễn quá mức cần thiết.


Any Time At All
(Lennon 10)

McCartney: bass, piano
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

John không đánh giá cao bài này mặc dù đây là tác phẩm của anh viết. Theo John, đây chỉ là một bản copy của “It Won’t Be Long” vì John sử dụng cùng một chuỗi hợp âm cho cả phần điệp khúc và phần lời ở cả hai bài hát. Bản thảo bài hát này được mua với giá 6000 bảng Anh tại chợ đấu giá Sotherby’s năm 1988.


I’ll Cry Instead
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm, hát chính, tambourine
Harrison: lead guitar
Starr:drums

Một bài hát nữa rất “John”. John đe doạ rằng sau khi đã khóc đã đời, anh sẽ “làm cho nhiều cô gái trên thế giới đau khổ” (break the hearts (of girls) around the world) để trả thù. Bài hát cũng phần nào nói lên tâm trạng căng thẳng của John trên đỉnh cao của danh vọng (I got chips on my shoulder that’s bigger than my feet). Lúc đầu bài hát này được dự định sử dụng cho cảnh nhóm Beatles chạy ra cửa thoát hiểm nhưng sau bị loại ra khỏi phim và thay bằng bài “Can’t Buy Me Love”. Khi bộ phim được tái phát hành năm 1986, bài hát này được sử dụng trong phần giới thiệu đầu phim, trước khi chuyển sang bài “A Hard Day’s Night”


Things We Said Today
(McCartney 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic guitar, tambourine, hát bè
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Paul viết bài này khi đi nghỉ mát ở Bahamas với Jane Asher và vợ chồng Ringo trên chiếc du thuyền mang tên Happy Day. Bài hát phản ánh khá chân thật mối quan hệ của Paul và Jane lúc bấy giờ. Đây là một trong số ít bài hát của Paul được John khen là hay.


When I Get Home
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Được John miêu tả như một bài hát chịu ảnh hưởng phong cách của Wilson Pickett và Marvin Gaye hãng Motown, ca khúc này có phần lời tương tự như “A Hard Day’s Night.” So với các Beatles khác, sau mỗi tour diễn, John chỉ thích về nhà nằm xem tivi chứ không thích la cà đây đó. Điều này được phản ảnh qua một số ca khúc của John. Có lẽ lúc nào John cũng mong được sống yên ổn trong một mái ấm gia đình do sự thiếu thốn tình cảm từ nhỏ.

You Can’t Do That
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar (12 dây), hát bè
Starr: drums, cowbell, bongos

Lần đầu tiên John thử chơi lead trong ca khúc của Beatles để khai trương cây Rickenbacker mới cáu Model 1966. Đây cũng là ca khúc đầu tiên George thu âm bằng cây đàn 12 dây. Mặc dù không thích phần lead guitar của mình lắm, John vẫn vớt vát bảo rằng dù có để cho George chơi solo thì cũng chẳng hay hơn được là bao. Trong bài hát này, John công khai đe doạ người yêu của mình rằng sẽ bỏ rơi cô nếu còn bắt gặp cô gái nói chuyện với người con trai khác thêm một lần nữa. John luôn nổi tiếng với các cơn ghen bóng gió nhưng rất khủng khiếp và Cynthia luôn là người gánh chịu hậu quả. Chỉ cần thấy Cynthia nói chuyện khá thân mật với một chàng trai nào đó (trong đó có cả Stuart Sutcliff) là John sẳn sàng dùng vũ lực với cô. Về sau John có viết một bài hát nổi tiếng mang tên “Jealous Guy” để thanh minh cho tính xấu này của mình. Phần video của bài hát được quay trong tour diễn đầu tiên của Beatles ở Mỹ với dự định đưa vào bộ phim “A Hard Day’s Night” nhưng sau bị loại ra vì không biết phải nhét vào đâu cho thích hợp.

I’ll Be Back
(Lennon 10)

McCartney: bass, acoustic guitar, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: acoustic guitar,
Starr: drums

Lúc đầu bài hát này chơi theo nhịp ¾ nhưng John đổi sang nhịp 4/4 cho dễ hát. Phần điệp khúc được John viết dựa trên chuỗi hợp âm của bài “Runaway” do Del Shannon trình bày năm 1961. So với “You Can’t Do That”, ca khúc này có vẻ như lời xin lỗi trước thói ghen tuông quá đáng của mình, nhưng John vẫn đổ lỗi cho người yêu làm tan nát trái tim mình chứ không thành khẩn nhận lỗi. Anh quay trở lại với tư cách người tha thứ chứ không phải là kẻ được tha thứ.



(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học  xuất bản.


About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.