The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.15)


RUBBER SOUL (1965)

Nhiều nhà phê bình âm nhạc xem Rubber Soul như một trong những album hay nhất và “chin” nhất về mặt tài năng của Beatles nhất là khi nhóm phải làm việc với một thời khoá biểu vô cùng khắc nghiệt để cho ra đời album vào dịp Giáng Sinh năm 1965. Bắt đầu thu âm ngày 12/10/65, John và Paul chỉ có khoảng 4 bài hát trong khi đòi hỏi lần này là phải có trên 10 bài và không được cover lại những bài hit khác. Trong thời gian 4 tuần, hai tay sáng tác chính phải vừa thu âm vừa sáng tác để kịp thời hạn, và cũng do vì gấp rút như thế nên George Harrison mới có cơ hội đóng góp 2 bài trong tổng số 12 bài của album. Không như những lần thu các album khác, đây là lần đầu tiên tứ quái có thể ở trong phòng thu suốt một khoảng thời gian liên tục để thu âm mà không bị ngắt quãng bới những tour diễn hoặc những buổi thu hình.

Về mặt nghệ thuật, Rubber Soul là một bước chuyển khá tinh tế của nhóm trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm cách tân sau này. Nhiều nhà phê bình âm nhạc đã gọi đây là thời kì “dậy thì” trong âm nhạc của Beatles, ngầm ám chỉ những thay đổi khá rõ nét trong phong cách âm nhạc.Với những thử nghiệm mang tính đột phá như sử dụng hộp fuzz box của guitar cho bass, đàn sitar của Ấn Độ, những đoạn gian tấu mang âm hưởng cổ điển, đến việc sử dụng những dụng cụ đơn giản như hộp diêm quẹt làm bộ gõ để tạo hiệu ứng lạ, cả album là một sự tự khẳng định mình dể trưởng thành. Giai điệu các bài hát trở nên “mềm mại, trau chuốt”, ca từ trở nên hướng nội và già dặn, trải nghiệm. nhóm Beatles đang tìm cách để thoát khỏi hình ảnh một nhóm nhạc chỉ biết chơi những ca khúc pop sôi động nhưng đơn điệu để trờ thành một ban nhạc có cả chiều sâu và chiều rộng về sức ảnh hưởng.

Trong thời gian thu âm album này, mâu thuẫn giữa John và George với Paul ngày càng căng thẳng. Lí do chính là Paul trở nên “lộng hành” nắm quyền lãnh đạo. Anh thường bắt nhóm bỏ ra hàng giờ để sửa theo đúng ý của mình. Là một người chi li, rất nhiều lần Paul đã thu lại phần solo guitar của George vì không vừa ý. Bên cạnh cây bass, Paul luôn mang theo cây guitar sẳn sàng tranh phần thu của John và George. Điều này làm George cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. John cũng rất bất mãn vì đôi lúc Paul thay ông George Martin chỉ đạo việc mix và sắp xếp ca khúc theo ý của mình. Với thiết bị thu âm hiện đại nhất thời bấy giờ là máy thu âm bốn line, các thành viên của Beatles có thể thu riêng rẽ phần của mình rồi mix lại với nhau. Phần lớn các track của John và George đều được Paul tự tiện sửa theo ý mình. Cái tựa đề “Rubber Soul” cũng là do Paul đặt. Đựoc phát hành năm tháng 12 năm 1965, album lên thẳng hạng nhất bảng xếp hạng Giáng Sinh ở cả Anh lẫn Mỹ. Đây là album đầu tiên của Beatles được phát hành với âm thanh mono và stereo.

Bìa Album Rubber Soul
Bìa album hình bộ tứ dường như được kéo dài ra và chỉ có vẻn vẹn tên album mà không có tên ban nhạc là một ý tưởng xuất phát từ một tai nạn ngẫu nhiên. Khi dùng máy chiếu để chiếu hình ban nhạc lên trên nền bìa carton lấy ý tưởng làm bìa đĩa, Robert Freeman vô tình để cho hình gốc hơi lệch với góc chiếu của đèn khiến cho ảnh phóng lên bị kéo dài ra và hơi bị méo. Không ngờ, nhóm lại thích ý tưởng đó và thế là hình ảnh vô tình đó được sử dụng làm bìa đĩa chính thức.

Cái tên Rubber Soul là chữ của Paul McCartney sau khi nghe một số ca sĩ Mỹ da đen đánh giá rằng các ban nhạc Anh chơi nhạc “soul”, thể loại đặc trưng của ngươì Mỹ da đen với một cái hồn không thực (plastic soul). Khi đặt tên album là Rubber Soul, Paul muốn ám chỉ rằng ngưòi Anh hát nhạc soul theo phong cách riêng của mình. Font chữ trên bìa đĩa do Charles Front thiết kế đã tạo ra một cơn cách mạng về kiểu chữ dạng psychedelic được sử dụng rất nhiều trong những năm cuối thập niên 60.

Năm 2000 tạp chí Q bầu chọn album này ở vị trí 21 trong 100 album hay nhất của Anh. Năm 2003, tạp chí Rolling Stone xếp nó hạng 5 trên bảng tổng sắp 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại. Ngoài ra album cũng nằm trong top 100 album xuất sắc do tạp chí Time bầu chọn năm 2006


Drive My Car
(McCartney 7/ Lennon 3)

McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: tambourine, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr:drums

Paul gặp khó khăn trong khi viết ca khúc này và khó khăn đó đã được John giải quyết. Lúc đầu, Paul viết “ I can give you diamond rings, I can give you everything” nhưng John chê là không sáng tạo. Anh gợi ý sao không viết một cái gì đó cụ thể và rõ ràng hơn như là “drive my car” chẳng hạn. Bài hát phần nào phản ánh mối quan hệ giữa Paul và Jane và tham vọng “wanna be a star” của Jane, một phần đả kích tính thực dụng của trong các mối quan hệ tình cảm: anh phải có xe hơi chiến, phải nổi tiếng thì em đây mới yêu anh. Đây cũng là ca khúc đầu tiên George chơi slide guitar phần solo.

Norwegian Wood
(Lennon 8/ McCartney 2)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: sitar
Starr: tambourine

Trong thời gian sống chung với Cynthia, John có vô số mối quan hệ “ngoài luồng” với hàng trăm người đẹp khác nhau và Cynthia mặc dụ biết rõ về những mối quan hệ đó vẫn phải giả ngơ cho yên chuyện. John viết “Norwegian Wood” khi đi trượt tuyết ở Thuỵ Sĩ với vợ năm 1965 như một lời thú tội với Cynthia về việc lăng nhăng của mình. Tuy nhiên người con gái trong bài hát này vẫn là một ẩn số. Có người cho đó là Maureen Cleave, kí giả kiêm nhân tình của John. Người thì quả quyết rằng đó là nữ diễn viên Eleanor Bron, người cùng đóng phim Help! với Beatles. Còn có người thì cho rằng nàng thơ trong bài hát này là nữ ca sĩ nhạc folk nổi tiếng Joan Baez của Mỹ, người từng là bạn đồng hành của Bob Dylan. John khá láu cá khi đổ thừa rằng mình là người bị dụ dỗ chứ không phải là kẻ dụ dỗ (I once had a girl or should I say, she once had me) và kết quả là mình bị bỏ rơi (when I awoke I was alone this bird has flown). Từ một kẻ đáng trách John biến mình thành nạn nhân. Lúc đầu John gọi bài hát này là “This Bird Has Flown” và kết thúc ở chỗ chàng trai bị bỏ rơi. Nhưng Paul đề nghị viết thêm đoạn anh chàng điên tiết đốt những vật dụng bằng gỗ Na Uy (loại gỗ tạp rẻ tiền dùng làm đồ nội thất ở những gia đình nghèo) trong nhà của cô gái để hả giận (so I lit the fire, isn’t it good, Norwegian wood) Dĩ nhiên trò đùa tinh quái này lập tức được John hưởng ứng. Tuy nhiên theo Peter Shotton, một người bạn thân của nhóm Beatles, việc đốt bàn ghế để sưỏi ấm là một thói quen của John lúc còn học tại trường Mỹ Thuật Liverpool. Căn hộ của John trọ nhỏ đến mức nếu có người đến chơi thì khách hoặc chủ phải ngủ trong bồn tắm.Việc này cũng được nhắc đến trong bài hát.

“Norwegian Wood” cũng còn được biết đến nhiều với tiếng sitar của George Harrison, lần đầu tiên một thứ nhạc cụ phương đông được đưa vào thu âm trong nhạc pop phương Tây. Lúc đầu George đã định bỏ cuộc vì chơi sitar quá khó, nhưng John thách thức George khiến anh quyết tâm chơi bằng được sau nhiều giờ thu không thành công. Sau này lời của “Norwegian Wood” được đưa vào tuyển tập thơ Anh Quốc như một bài thơ hay đương đại. Tác phẩm nổi tiếng cùng tên của tiểu thuyết gia người Nhật Haruki Murakami được viết lấy cảm hứng từ ca khúc này. Tiếc rằng khi dịch sang tiếng Việt, người dịch đã không hiểu được sự liên hệ này nên đã dịch sai tựa đề thành “Rừng Na Uy” thay vì “Gỗ Na Uy” như tên của bài hát.

You Won’t See Me
(McCartney 10)

McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: tambourine, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Mal Evans: Hammond organ

Bài này là một bài hát nữa của Paul nói về việc mâu thuẫn với Jane Asher. Trong thời gian Jane Asher đóng vở kịch Great Expectations tại Theatre Royal, Bristol, Paul thường gọi điện cho cô nhưng Jane không tiếp điện thoại. Nhiều lần như thế khiến chàng Paul lạc quan trở nên cáu giận và doạ rằng khi cô về thì sẽ không còn gặp anh nữa. Bài hát chịu ảnh hưởng của “It’s the Same Old Song” của nhóm the Four Tops, một nhóm soul chủ chốt của Motown.

Nowhere Man
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr:drums

Với chủ đề tương tự như “Help!” đây là tự sự khá chân thành của John Lennon về bản thân mình. Mặc dù có tất cả nhưng không có gì làm thoả mãn đựoc John, anh vẫn là một “nowhere man” sống trong “nowhere land” với những kế hoạch chẳng đi tới đâu. John thú nhận với người viết tiểu sử của mình là Hunter Davies rằng khi viết “Nowhere Man”, anh muốn buông xuôi tất cả vì quá mệt mỏi sau 5 giờ đánh vật với các ý tưởng sáng tác không thành công. Đây là bài hát đầu tiên của Beatles không nói về tình yêu.

Think For Yourself
(Harrison 10)

McCartney: fuzz bass, hát bè
Lennon: tambourine, hát bè
Harrison: hát chính, lead guitar
Starr: drums, maracas

Sáng tác của George khá hằn học về những lời nói dối. George không nhớ rằng mình viết bài hát này cho ai, nhưng chắc chắn không phải cho cô vợ mới đính hôn Pattie Boyd vì lúc đấy tình cảm của hai người còn rất mãnh liệt. Có người cho rằng đó là phản ứng của George trước sự lấn lướt của Paul trong việc chỉ đạo âm nhạc vì trong bài có đoạn: “Hãy làm những gì anh muốn làm, đi những nơi anh muốn đến. Hãy nghĩ về bản thân mình vì tôi sẽ không ở bên anh nữa.” Một lời doạ sẽ rời bỏ nhóm Beatles chăng? Tiếc là câu trả lời chính thức vẫn chưa có. Điều thú vị về ca khúc này là Paul đã thử dùng bộ phận fuzz distortion của guitar cho cây bass Rickenbacker của mình để tạo âm thanh rất đặc biệt ở đầu một đoạn.

The Word
(Lennon 6/ McCartney 4)

McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums, maracas
George Marin: harmonium

Khi Beatles viết bài này, phong trào hippie đang nhen nhóm trở thành một hiện tượng của thập niên 60, bắt nguồn từ đống tro tàn của phong trào beatnik của thập kỉ trước. Mọi người bắt đầu nói về tình yêu tự do, về hoà bình và về ma tuý. “The Word” được xem như là thông điệp đầu tiên của Beatles với thế giới hippie. Nó còn đựoc xem như bước chuyển tiếp giữa những bản tình ca kiểu cổ như “She Loves You” với những bài hát mang tính kêu gọi về một tình yêu theo nghĩa rộng kiểu “All You Need Is Love”. Về mặt nghệ thuật, bài hát được xem là tác phẩm tiền thân của thể loại rock ảo giác psychedelic.

Năm 1970, Maurice Gibb của Bee Gees đã nhại giọng John Lennon để thu ca khúc “Have You Heard the Word?” như một bài hát ăn theo ca khúc này. Việc giả giọng của Maurice giống đến mức ngay cả Yoko Ono, vợ của John cũng không nghĩ đó là đồ giả. Với cái tên giả “The Fut”, bài “Have You Heard the Word?” đã khiến nhiều fan của Beatles đã lầm tưởng đây là một ca khúc quí hiếm còn sót lại của John mà không được chính thức phát hành cho đến gần 30 năm sau, Maurice đã thừa nhận trò đùa dai của mình bằng việc trưng ra bằng chứng là bản thu âm gốc tại phòng thu với những số liệu liên quan.

Michelle
(McCartney 65/ Lennon 35)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic guitar, hát bè
Harrison: acoustic guitar, hát bè
Starr: drums

Nhạc của bài này được Paul viết từ những năm Beatles còn ở Liverpool mà cảm hứng chính có lẽ những buổi tiệc theo kiểu Pháp của Austin Michell, thầy giáo mỹ thuật của John tổ chức. Đầu những năm 60, Liverpool chịu ảnh hưởng khá sâu sắc bởi văn hoá Pháp. Sinh viên mỹ thuật Liverpool ăn mặc theo kiểu Pháp, đội beret, để râu theo kiểu Pháp và cầm baton. Đôi khi họ lại hát một số bài hát mang âm hưởng Pháp với giọng giả Pháp. Paul viết “Michelle” như một bài hát “nhái” kiểu Pháp thời đó. Tuy nhiên, John thích giai điệu bài này và đề nghị Paul viết lời một cách nghiêm túc. Phần tiếng Pháp của bài hát được Jan Vaughan, vợ của Ivan Vaughan, lúc bấy giờ là một giáo viên dạy tiếng Pháp viết. (Ivan là người giới thiệu Paul với John năm 1957). Đoạn giữa “I love you” được John viết với chữ “love” ngân dài bắt chước theo bài “ I Put a Spell on You” của Nina Simone. Riêng Paul rất tự hào với phần đệm guitar thùng độc đáo theo phong cách Chet Atkins trong bài “Trambone” năm 1961 và hợp âm “khó” F7#9 học được từ Jim Gretty, một chủ hiệu đàn ở Liverpool.

What Goes On
(Lennon 6/McCartney 2/Starr 2)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar
Starr: drums, hát chính

Được viết từ năm 1963 và là 1 trong 4 bài được Beatles chơi cho ông George Martin khi gặp mặt. Tuy nhiên ông Martin không thích bài này nên nó bị bỏ quên tới năm 1965. Paul và Ringo lôi nó ra để thêm thắt chút ít phần điệp khúc và để cho Ringo hát chính. Khi được hỏi về đóng góp của mình cho ca khúc này, Ringo bảo “tôi thêm vào đựơc khoảng 5 chữ!’ Đây là ca khúc đầu tiên của Beatles có ghi tên Ringo trong phần tác giả.

Girl
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic, hát chính
Harrison: hát bè
Starr: drums

John mơ về một cô gái thông minh, sắc sảo, nhưng cũng khá lạnh lùng và tàn nhẫn. Đó là mẫu người mà John mong muốn khi anh đã chán ngấy cô vợ ngoan ngoãn ở nhà và hàng tá các cô gái hâm mộ chỉ biết dâng hiến vô điều kiện. Có lẽ vì vậy mà sau này John mới mê mẩn Yoko Ono vì cô khá giống với cô gái trong ca khúc này. Đây có lẽ là ca khúc được John nói đến nhiều nhất trong các cuộc phỏng vấn thời hậu Beatles. Trong bài hát, John châm biếm giáo điều Cơ Đốc giáo về việc khuyên tín đồ phải chịu nhẫn nhịn và đau khổ trong cuộc sống để được hưởng thanh bình trên thiên đàng (that the man must break his back to earn his day of leisure, does she still believe it when he’s dead). Chỉ 4 tháng sau bài hát này ra đời, John lại tiếp tục chọc giận tín đồ Thiên Chúa giáo với cuộc phỏng vấn “Beatles nổi tiếng hơn Chúa Cứu thế”. Phần guitar chơi mô phỏng theo tiếng đàn bouzouki của dân nhạc Hi Lạp chịu ảnh hưởng từ lối chơi của Marcello Minerbi trong bài “Zobra’s Dance”. Còn phần hát nền “tit tit tit tit” nhái theo bài “ You’re So Good to Me” của Beach Boys

I’m Looking Through You
(McCartney 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, tambourine
Starr: drums, Hammond organ

Mặc dù đây là ca khúc của Paul, nó có vẻ khá cay đắng và có cái gì đó rất giống những ca khúc của John. Vẫn bị ám ảnh bởi việc ra đi của Jane Asher, Paul bắt đầu tán tỉnh những cô gái khác để thế chỗ nhưng anh nhận ra mình vẫn còn yêu Jane rất nhiều. Paul tiết lộ với Hunter Davies rằng anh biết mình là người ích kỉ nhưng không thể thừa nhận điều đó vì sợ mất mặt vì thế anh phải tìm cách đổ thừa rằng Jane là người thay đổi để trút bớt gánh nặng trong lòng.

In My Life
(Lennon 6,5/ McCartney 3,5)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums
George Martin: piano

John viết lời bài này dưới dạng một bài thơ năm 1964 mang đầy tính hoài niệm và tự sự. Trong thời gian còn ở Beatles, John ít khi nào chịu để lộ con người thật giàu tình cảm của mình. Anh luôn tìm cách che giấu nó bằng cái vẻ bên ngoài nổi loạn khó gần để tránh bị xem như uỷ mị, yếu đuối. “In My Life” là một dip hiếm hoi để John bộc lộ những tình cảm thật của mình. Mặc dù đi khắp thế giới, John vẫn yêu mến quê hương Liverpool của mình. Anh luôn giữ những kỉ vật thời thơ ấu và trong năm 1974, John đã viết thư nhờ dì Mimi tìm cho anh chiếc cà vạt đồng phục của trường Quarry Bank để gửi sang New York cho John. Bài hát này có nhiều điểm tương đồng về mặt cảm xúc với bài thơ “The Old Familiar Faces” của nhà thơ lãng mạn thế kỉ 18 của Anh là Charles Lamb. Phần solo piano theo phong cách baroque là đóng góp của George Martin để tôn thêm vẻ đẹp của bài hát. Nó được thu âm với nhịp chậm sau đó chơi ngựơc lại với tốc độ nhanh gấp đôi để tạo hiệu ứng đặt biệt. John rất thích đóng góp này của George Martin, anh gọi đó là “một tác phẩm nghệ thuật thật sự” Bản thảo của bài hát này được Elliot Minz, người mà Yoko mướn để thống kê tài sản của John sau khi anh bị ám sát, tìm được trong một cuốn sổ to, trong đó John lưu giữ nhiều bản thảo của các ca khúc. George Harison rất thích ca khúc này, anh đã hát lại nó trong buổi diễn năm 1974 của mình với câu” In my life, I love you more” được đổi thành “I love God more” khiến các fan của Lennon không vừa ý.

Wait
(Lennon 5/ McCartney 5)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: tambourine, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Paul viết bài hát này khi quay bộ phim Help! ở Bahamas, tuy nhiên bài hát này không được đưa vào bộ phim hay album Help!. Nếu album Rubber Soul mà không thiếu một bài, chắc có lẽ nó cũng sẽ bị rơi vào quên lãng. Cả John và Paul đều không thích bài này vì nó quá tầm thường. Đây cũng là bài hát ít được biết đến nhất của Beatles.

If I Needed Someone
(Harrison 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: tambourine, hát bè
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums
George Martin: harmonium

George viết bài này dành cho Pattie Boyd trong thời kì trăng mật của đôi trai tài gái sắc này. Khi nhân viên chịu trách nhiệm về báo chí của Beatles là Derek Taylor chuẩn bị sang Los Angeles để làm việc với nhóm the Byrds, George đã nhờ nhắn lời với nhóm Byrds rằng “If I Needed Someone” chịu ảnh hưởng từ hai ca khúc “The Bells of Rhymney” và “She Don’t Care About Time” của nhóm Byrds.

Run For Your Life
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
George Martin: tambourine

John lấy câu mở đầu “ I’d rạther see you dead little girl than to be with another man” từ bài hit năm 1955 của Elvis Presley “Baby, Let’s Play House”. Tuy nhiên, trong bài “Let’s Play House” câu này có ý nghĩa khá trìu mến thể hiện cảm xúc sâu đậm của chàng trai đối với cô gái. Nhưng khi qua miệng John, nó trở nên một lời đe dọa khá đáng sợ. John công nhận rằng mình là một người ác độc (wicked guy) với tính ghen bẩm sinh (I was born with a jealous mind) và nếu người con gái mà anh yêu để anh bắt gặp với người con trai khác thì đó là sự kết thúc (that’s the end). Sau này John luôn bảo đây là một trong những ca khúc dở nhất mà anh đã từng viết do áp lực của việc phải cho ra đời các bài hát mới liên tục.



REVOLVER (1966).

Bìa Album Revolver

Sau những chuyến lưu diễn mệt nhoài và những giao kèo sản xuất các album theo kiểu vắt kiệt sức để đáp ứng cơn khát của thị trường, Beatles cuối cùng cũng có được vài tháng nghỉ ngơi năm 1966 trước khi cho ra đời album được đánh giá là hay nhất trong lịch sử nhạc rock Revolver. Album đánh dấu sự thăng hoa toàn diện về mặt âm nhạc của Beatles. Ca từ của các bài hát trở nên sâu sắc và phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống hơn chứ không chỉ là những bản tình ca sôi nổi nhưng đơn điệu. Trong khi John thiêng về những cảm xúc cá nhân như trong “I’m Only Sleeping” hay “She Said, She Said” và những cảm giác siêu thực, kết quả của những lần thử LSD như trong “ Tomorrow Never Knows” thì Paul bắt đầu quan tâm đến cuộc sống những người chung quanh với những “Eleanor Rigby” và “Paperback Writer” đầy cảm thông. George trong album này thực sự chứng tỏ được tài năng của mình bằng ca khúc mỉa mai “Taxman” nhắm vào chế độ thuế khoá nặng nề ở Anh và ca khúc mang đậm màu sắc Ấn Độ “Love You To”. Về mặt kĩ thuật âm thanh, nhóm đã vượt qua sự giới hạn của công thức guitar và trống để đưa vào âm nhạc những thứ âm thanh chưa từng được giới thiệu trong nhạc pop như tabla, sitar, và dàn kèn đồng. Với sự giúp đỡ của ông George Martin cùng với sự phát triển của kĩ thụât thu âm, Beatles bắt đầu thử nghiệm và tạo ra những hiệu ứng âm thanh khá “cách mạng” như hiệu ứng backward trong “Rain” hay hiệu ứng tiếng tàu ngầm trong “Yellow Submarine”. Mặc dù mang đầy tính thử nghiệm, Relvover vẫn đảm bảo được sức hấp dẫn của nó với những bài ballad chuẩn mực như “Here, There, and Everywhere” hay “For No One”. Album Relvover đặt dấu chấm hết cho thời kì “đầu nấm dễ thương” với những ca khúc dễ nghe kiểu “She Loves You” hay “I Wanna Hold Your Hand” và mở đầu kỉ nguyên psychedelic của nhóm Beatles với các sáng tác có giá trị cao cả về mặt lượng và chất.

Bìa đĩa của album này cũng là cả một câu chuyện thú vị. Theo Pete Shotton, bạn thân của John thì anh cùng với John và Paul nảy ra ý định làm bìa đĩa bằng cách cắt những tấm ảnh Beatles chụp từ các tờ báo rồi dán nó lại với nhau trên một tấm bìa cứng. Sau đó, Klaus Voorman được giao nhiệm vụ vẽ các hình của tứ quái theo phong cách siêu thực để nối các ảnh dán lại với nhau. Lúc đầu nhóm định gọi album là Abracadabra nhưng bỏ ý định đó vì đã có album mang tên như vậy xuất hiện trên thị trường. Những cái tên như Beatles on Safari (ý tưởng của Paul sau những chuyến du lịch ở Nam Phi), Freewheeling Beatles (ảnh hưởng của Bob Dylan), Magical Circles, Four Sides of an Eternal Triangle (ý tưởng của John từ những lần phê LSD), After Geography (ý tưởng của Ringo nhại lại tựa album Aftermath của Rolling Stones) và Bubble and Squeak đều bị loại để cuối cùng cái tên Revolver được chọn làm tên của album vì cả bốn đều đồng ý về sự chơi chữ dí dỏm: Revolver vừa là súng lục, vừa là sự quay vòng của đĩa hát.

Album được phát hành vài ngày trước khi Beatles bắt đầu tour diễn cuối cùng của mình. Không có bài hát nào trong album được nhóm chơi lại trong chuyến lưu diễn, đơn giản vì với guitar và trống, nhóm không thể nào thể hiện lại các kĩ thuật phức tạp khi thu âm. Đó cũng là một trong những lí do Beatles ngừng lưu diễn hẳn vì những ca khúc sau này đều không thể chuyển tải được bằng giai điệu của trống, bass guitar thông thường.

Ở Anh, album được phát hành ngày 5/8/66 và đứng nhất bảng xếp hạng trong vòng 7 tuần liên tiếp. Trong khi đó ở Mỹ, Revolver đươc phát hành ngày 8/8 với ba bài của John “I’m Only Sleeping,” “And Your Bird Can Sing” và “Doctor Robert” bị cắt ra và ghép vào album Yesterday and Today. Đây cũng là lần cuối cùng album của Beatles ở Mỹ bị cắt xén với mục đích thương mại như vậy. Album ở Mỹ lên hạng nhất vào ngày 9/10 và trụ lại đó sáu tuần.

Mặc dù bỏ khá nhiều công sức vào album, nhóm Beatles có vẻ khá hoài nghi về sự thành công của nó. Khi đang lưu diễn ở Đức, Paul đã mua album và nghe nó cùng với John và George. Sau khi nghe xong, Paul bỗng dưng có ý định thu hồi lại tất cả các album đã phát hành vì theo anh, album này không giống với những gì nhóm đã từng làm trước đây. Mọi người phải vất vả thuyết phục Paul rằng mọi việc đều ổn và album được giới phê bình lẫn người hâm mộ đón nhận khá nồng nhiệt, Paul mới bỏ ý định dừng phát hành nó. Trong các cuộc bầu chọn những album xuất sắc nhất của các tạp chí uy tín về âm nhạc như Q (Anh), Rolling Stone (Mỹ) và kênh truyền hình VH1, Revolver luôn chiếm ngôi đầu bảng, đánh bại cả album Sgt. Pepper, người kế nhiệm cũng lừng lẫy không kém.


Taxman
(Harrison 9/ Lennon 1)

McCartney: bass, hát bè, lead guitar
Lennon: tambourine, hát bè
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums

Với “Taxman”, George Harrison là người đầu tiên lên tiếng với chế độ thuế đánh vào nghệ sĩ rất nặng ở Anh. Cứ mỗi một bảng Anh, nghệ sĩ phải nộp thuế đến 96 xu. Do không phải là sáng tác chính như John và Paul, George và Ringo mất đi khoản thu nhập đáng kể từ tiền bản quyền ca khúc. Do vậy mặc dù ở trên đỉnh cao của danh tiếng, trên thực tế, thu nhập của George và Ringo thấp hơn nhiều so với John và Paul. Điều này khiến cho George rất chi li về tiền bạc. Anh cảm thấy mình bị bóc lột công sức lao động qua việc đóng thuế. Trong bài hát George mai mỉa: “Nếu anh đi ra đường người ta sẽ đánh thuế con đưòng anh đi, nếu anh ngồi trên ghế, chỗ ngồi của anh cũng bị đánh thuế, ngay cả nhiệt độ cũng bị đánh thuế.” Thủ tướng Anh Edward Heath và Harold Wilson được nhắc đến trong bài hát và trở thành những chính trị gia đầu tiên xuất hiện trong các bài hát của Beatles. Sau này Lennon rất bực tức khi trong cuốn tự truyện I Me Mine, George đã lờ đi không nhắc tới sự đóng góp của John với “Taxman”. Phần lead guitar rất “ngầu” trong bài này là sản phẩm của Paul chứ không phải George, tác giả bài hát và là tay lead guitar chính của nhóm.


Eleanor Rigby
(McCartney 8/ Lennon 2)

UK Chart 1/ US Chart 11
McCartney: hát chính
Lennon: hát bè
Harrison: hát bè
Phần nhạc đệm được chơi bởi dàn nhạc dây gồm 4 violins, 4 violas và 2 cellos

Paul viết phần nhạc bài này theo kiểu “Yesterday”, có nghĩa là có nhạc trước còn phần lời phải sau một thời gian mới được viết. Ca khúc bày tỏ sự cảm thông dành cho những người cô đơn trong cuộc đời. Cái tên Eleanor Rigby được kết hợp từ tên của Eleanor Bron, nữ diễn viên cùng đóng phim Help! với Beatles và cửa hàng rượu mang tên Rigby & Events mà Paul tình cờ thấy được trong một lần dạo phố với Jane Asher. Lúc đầu, tên nhân vật chính trong bài hát là Miss Daisy Hawkins, nhưng Paul cảm thấy cái tên này không được tự nhiên cho lắm. Vì thế anh đổi lại thành Eleanor Rigby cho tự nhiên hơn. Một điều trùng hợp khá lí thú là vào thập kỉ 80, người ta tìm thấy tại nghĩa trang St Peter của hạt Woolton, Liverpool nơi John và Paul lần đầu tiên gặp nhau có một ngôi mộ mang tên Eleanor Rigby được chôn năm 1939. Có lẽ Paul đã từng biết đến ngôi mộ này lúc còn ở Liverpool nhưng không nhớ và câu chuyện hư cấu về Eleanor Rigby trong bài hát một cách vô thức có liên quan đến ngôi mộ của Eleanor Rigby người thật tại Liverpool.

Về tác quyền, đây là một ca khúc gây nhiều tranh cãi. John bảo rằng Paul chỉ viết lời đầu, còn phần lời còn lại, kể cả phần điệp khúc là do mình viết. Điều này làm Paul rất tức giận vì theo anh, John chỉ đóng góp được vài từ trong bài này. Tuy nhiên theo Pete Shotton, người chứng kiến sự ra đời của bài này thì tất cả các tay Beatles đều có đóng góp nhất định, cụ thể là George góp câu: “Ah, look at all the lonely people!” Ringo đề nghị câu: “Father McKenzie, darning his sock in the night”. Cái tên Father McKenzie là do Shotton đề nghị Paul tìm trong danh bạ điện thoại để thay thế Father McCartney, còn đóng góp của John thì không rõ ràng lắm. John chê đoạn cuối là “sến” nhưng không có ý kiến nào xây dựng cụ thể. Sau này, lời của ca khúc được các trường đại học ở Anh và Mỹ sử dụng để giảng dạy trong chương trình văn học hiện đại Anh. Đây là ca khúc đầu tiên mà nhóm không trực tiếp chơi nhạc cụ khi thu âm.

I’m Only Sleeping
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums

Ca khúc này được sáng tác trong thời gian nhóm Beatles ngừng lưu diễn hẳn. Các thành viên có thời gian để mà tập trung thu âm và hưởng thụ cuộc sống bình yên mà trong thời gian đỉnh cao của cơn Beatlemania họ đã không được hưởng thụ. Lúc này John vừa mua được một căn biệt thự rất đẹp ở Kenwood và anh gần như dành trọn thời gian của mình ở đây. Bản thảo của "I'm Only Sleeping" được John viết trên bì thư của sở Bưu chính gửi đến nhắc nhở về món tiền 12 pound và 3 shiling John còn nợ thuê bao điện thoại với cái tựa đề đầu tiên là " I'm Sleeping" và hai câu mở đầu: "Try to sleep again, got to get to sleep".

Khoảng thời gian thu âm 1966 là khoảng thời gian John bắt đầu chán cuộc sống của một Beatles. Anh thường rút lui để tìm sự yên tĩnh để cho Paul dần dẫn tiến lên nắm lấy quyền lãnh đạo nhóm. Trong cuộc phỏng vấn cho tờ báo Everning Standard (bài phỏng vấn gây scandal khi John phát biểu Beatles nổi tiếng hơn cả Jesus và Cơ Đốc giáo), người phỏng vấn Maureen Cleave đã gọi John là "người lười nhất nước Anh". Chẳng những không phật lòng, John còn khẳng định rằng mình rất lười: " Ngoài việc xem TV, nói chuyện, viết ca khúc và...làm tình, tôi chỉ nằm suốt ngày, chẳng làm gì cả." Lần này đến lượt George Harrison thử nghiệm với kĩ thuật backward bằng cách yêu cầu ông Martin chơi ngược đoạn solo của mình để tạo nên hiệu ứng uể oải, mệt mỏi.


Love You To
(Harrison 10)

Harrison: vocal, guitar, sitar
Anil Bhagwat: tabla

George tự hào khoe tài chơi sitar và phong cách âm nhạc Ấn Độ huyền bí trong bài hát này, kết quả của thời gian tầm sư học đạo với nghệ sĩ sitar trứ danh Ravi Shankar, Cái tên “Love You to” được chọn một cách ngẫu nhiên vì George không tìm được cái tên nào thích hợp đặt cho nó. Anh gọi nó là “Granny Smith” theo tên một giống táo trước khi đổi thành “Love You to”. Không có tay Beatles nào tham gia thu ca khúc này với George.

Here, There and Everywhere
(McCartney 10)

McCartney: acoustic guitar, hát chính
Lennon: hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums

Một trong những bài hát đẹp nhất về ca từ lẫn giai điệu của Beatles nói chung và của Paul nói riêng. Paul viết bài này bên hồ bơi của nhà John ở Kentwood. Paul đến khi John còn ngủ, trong lúc chờ đợi, anh đã viết ca khúc này với sự ảnh hưởng của ca khúc “God Only Knows” của Beach Boys và giọng ca của Marianne Faithful trong đầu. Sau này, John trả lời phỏng vấn đã gọi bài này là một trong những bài hát mình yêu thích nhất.

Yellow Submarine
(McCartney 8/ Lennon 2)

US Chart 2
McCartney: acoustic guitar, hát bè
Lennon: acoustic guitar; hát bè
Harrison: tambourine, hát bè
Starr: drums, hát chính
Dàn nhạc đệm: kèn đồng
Tham gia hát phụ hoạ gồm: Mal Evans, Neil Aspinall, George Martin, Geoff Emerick, Pattie Harrison, Marianne Faithful và các nhân viên phòng thu.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, đây là đứa con tinh thần của Paul chứ không phải của John. Khi làm album Revolver, nhóm Beatles vô tình phá vỡ qui luật bất thành văn của các ca khúc là: dài không quá ba phút, giai điệu và ca từ dễ thuộc và nhất thiết phải viết về tình yêu trai gái. Tài năng sáng tác của John và Paul không chấp nhận bị qui luật đó bó buộc, từ sau Revolver, cặp sáng tác này viết về bất cứ những gì họ thích. “Yellow Submarine” là một bài hát như thế, một bài hát cho thiếu nhi, gợi nhớ đến những kỉ niệm và trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ. Rủi thay, bài hát ra đời khi nhóm Beatles dính líu đến ma tuý nên bài hát bị liên tưởng đến những cảm giác siêu thực mà ma tuý mang lại. Có người còn đoán già đoán non rằng “Yellow Submarine” là tiếng lóng chỉ loại thuốc kích thích Nembutan hình con nhộng màu vàng mà Paul hay sử dụng. Vì đây là bài hát theo kiểu vui là chính nên Ringo được phân công hát chính. Một điều khá thú vị là để tạo ra hiệu ứng như tàu ngầm đi dưới nước, John và George đã dùng ống hút thổi bong bóng vào li nước và sục tay vào một bể nước. Còn tiếng thuỷ thủ và thuyền trưởng đối đáp nhau qua hệ thống liên lạc trên tàu ngầm được Jọhn và Paul nói qua một cái li giấy.

She Said, She Said
(Lennon 10)

McCartney: bass,
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Năm 1965, nhóm Beatles trong chuyến lưu diễn ở Los Angeles đã thuê một ngôi biệt thự to ở số 2580 Benedict Canyon để nghỉ ngơi và dĩ nhiên là …hút hít. Nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Mỹ được mời đến nơi đây cùng với Beatles trong đó có vợ chồng của diễn viên Peter Fonda và Jane Fonda. Theo lời kể của Don Short, phóng viên tờ Daily Mirror thì tất cả mọi người có mặt ngày hôm đó đều phê LSD, ngoại trừ Paul. Khi George nói với Peter Fonda về cảm giác gần chết khi lần đầu tiên thử LSD, Pete bắt đầu lải nhải về kỉ niệm của mình năm 10 tuổi khi vô ý tự bắn vào bụng. Pete hứng chí kể tiếp rằng tim mình ngừng đập thế nào, bị mất bao nhiêu máu và trải qua giải phẫu ra sao để chứng tỏ với mọi người rằng mình mới là người hiểu được cảm giác cận kề cái chết. John vô tình đi ngang qua và nghe đựơc câu chuyện. Dưới tác dụng của LSD, John cảm thấy bực dọc vô cớ vì giống như bị Pete dạy khôn. John giận dữ nói với Peter Fonda rằng: “You’re making me feel like I’ve never been born/ Who put all this shit in your head?” Cơn giận vô lí đó ám ảnh John suốt cả tuần lễ cho đến khi anh quyết định viết nó thành bài hát. Lúc đầu John đặt tựa bài hát là “He Said. He Said” với lời lẽ thô bạo và trực tiếp nhắm vào Peter Fonda: “I said, who put all this crap in your head? I know what it’s like to be mad. And it’s making me feel like my trousers are torn” Nhưng sau này khi nghĩ lại, để tránh phiền phức về kiện tụng có thể xảy ra, John đổi thành “She Said, She Said” với lời lẽ nhẹ nhàng hơn. Pete Fonda sau khi nghe bài này biết ngay John ám chỉ mình nhưng không làm lớn chuyện cũng như nói cho những người khác biết.

Good Day Sunshine
(McCartney 10)

McCartney: bass, lead vocal
Lennon:hát bè
Harrison: hát bè
Starr:drums
George Martin: piano.

Paul viết bài hát này tại nhà riêng của John trong một ngày nắng đẹp hiếm hoi của nước Anh với sự ảnh hưởng của ca khúc “Daydream” của nhóm folk rock Mỹ Lovin’ Spoonful. Nhóm Spoonful kết thân với nhóm Beatles trong tour diễn của Beatles tại Mỹ năm 1965. Sau buổi diễn ở Shea Stadium, John Sebastian đã ra sau sân khấu để chúc mừng nhóm Beatles. Điều khá thú vị là John Sebastian có ngoại hình khá giống John Lennon nên hai tay John thường gọi đùa nhau là anh em song sinh.

And Your Bird Can Sing
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, tambourine

Từ năm 1965 trở đi, Paul dành nhiều thời gian để mở rộng kiến thức của mình để nhanh chóng hoà nhập vào giới tư sản ở London, trong khi John, George, và Ringo vẫn hài lòng với xuất thân “working class” của mình. Paul không bỏ lỡ một cơ hội nào đến tham dự những vở kịch cổ điển, opera hay tham gia vào các buổi triễn lãm nghệ thuật dành cho giới thượng lưu cũng như du lich vòng quanh thế giới. John cảm thấy “ngứa mắt” trước thói trưởng giả của Paul nên viết bài này để châm chọc. Trong bài hát, John viết “You said you’ve seen seven wonders, and your bird can sing, but you can’t see me” ám chỉ việc Paul ngày càng tự cách li mình với các tay Beatles khác. Tuy nhiên Paul phủ nhận bài hát này nói về mình. Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo Playboy, John gọi bài hát này là một bài hát tệ nhất của mình.

For No One
(McCartney 10)

McCartney: bass, piano, hát chính
Starr: drums, tambourine
Alan Civil: French horn

Paul viết bài này trong kì nghỉ trượt tuyết với Jane Asher tại Thuỵ Sĩ với tựa đề “Why did I die?” Tất cả công việc sáng tác và thu âm chỉ diễn ra trong một ngày, sau đó Paul gửi bài hát về để thêm phần trống và kèn vào. Mãi đến năm 1984, Paul mới chơi lại bài hát này trong bộ phim “Give My Regards to Broad Street”. Bài hát phản ánh tâm trạng bất an của Paul trong mối quan hệ của Jane Asher vì không như Cynthia và Pattie, Jane không chịu làm cái bóng của Paul mà nhất định theo đuổi sự nghiệp diễn viên của mình. Điều này khiến Paul cảm thấy khó mà giữ được mối quan hệ giữa hai người.

Doctor Robert
(Lennon 7,5/ McCartney 2,5)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: harmonium, maracas, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Nhân vật bác sĩ Robert trong bài hát này lúc đầu được nhiều người cho rằng đó là Charles Robert, phụ tá của hoạ sĩ lập dị Andy Warhol, người chuyên lo về việc hút hít cho ông này. Tuy nhiện, sau này mọi người mới phát hiện ra Dr. Roberts là một nhân vật tưởng tượng không có thực. Kì thực, ông bác sĩ Robert trong bài hát của John là bác sĩ người Đức mang tên Robert Freymann, người chuyên cung cấp chất amphetamine cho giới nghệ sĩ như một thứ thuốc an thần. Cho đến năm 1967, chất amphetamine vẫn được cho là hợp pháp tại Mỹ.

I Want to Tell You
(Harrison 10)

McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: tambourine, hát bè
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums

George viết bài này như để giải toả những khó khăn không thể nói bằng lời. Trên thực tế, là người trầm lặng nhất và bị chèn ép bởi cái bóng của hai ông khổng lồ Lennon và McCartney, George luôn cảm thấy rằng tiếng nói của mình không có trọng lượng. Lúc viết bài hát này, George không nghĩ rằng nó sẽ được đưa vào album nên chỉ gọi nó bằng cái tên “Laxton’s Superb” theo tên một giống táo, sau đó gọi là “I Don’t Know”. Cái tựa “I Want to Tell You” là do ông Martin đề xuất.

Got to Get You Into My Life
(McCartney 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: tambourine
Harrison: lead guitar
Starr: drums
George Martin: organ
Eddy Thorton, Ian Hamer, Les Colon: trumpet
Alan Branscombe, Peter Comb:tenor sax

Paul viết bài này theo phong cách Motown của nhóm Supreme. Đây cũng là bài hát đầu tiên nhóm Beatles thu âm với dàn kèn đồng. John thích ca khúc này vì theo anh đây là một bài có ca từ đẹp. Tuy nhiên John cho rằng Paul viết bài hát này về ma tuý dưới dạng một bản tình ca. Ca từ “ another kind of mind” ám chỉ đến việc sử dụng ma tuý. Năm 1967, Paul đã thú nhận trên truyền hình về vịêc sử dụng chất kích thích khiến nhiều fan tức giận và thất vọng.

Tomorrow Never Knows
(Lennon 10)

McCartney: bass,
Lennon: tambourine, hát chính
Harrison: tambourine, sitar
Starr: drums
George Martin: piano

Đây là ca khúc “điên” nhất của Beatles cho tới thời điểm này. Mặc dù là track cuối cùng của album, đây lại là ca khúc được viết đầu tiên và thu âm đầu tiên. Cảm hứng của bài hát này được lấy từ cuốn sách Psychedelic Experience của Timothy Leary viết năm 1964, dịch lại từ cuốn kinh the Book of the Dead (Sinh Tử Kinh) của Phật giáo Tây Tạng. The Psychedelic Experience là cách giải thích thiên về ảo giác do ma tuý đem lại của cuốn the Book of the Dead. John thích cuốn sách này và lập tức viết ca khúc “The Void” dựa vào những triết lí trong sách. Tựa đề “Tomorrow Never Knows” là ý tưởng của Ringo. Khi thu âm ca khúc này, mỗi Beatles được giao nhiệm vụ tạo ra những âm thanh ngẫu nhiên trên những băng gốc rồi mang những băng này đến giao cho Paul sắp xếp chúng với nhau trên chiếc máy thu âm hiệu Grundig. Paul để cho các băng gốc này chạy với tốc độ nhanh qua một đầu tẩy của bút chì và lợi dụng sự ma sát đó gọt bớt đi những tạp âm. Về phần hát, John muốn giọng hát của mình phải nghe như tiếng cầu kinh của hàng ngàn lạt ma Tây Tạng vọng từ trên núi cao xuống thung lũng. George Martin đã dùng loa xoay Leslie để tạo ra hiệu ứng mà John đòi hỏi.


(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học  xuất bản.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.