The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.6)


MƯỜI CA KHÚC ĐẤU TRANH NỔI TIẾNG CỦA JOHN LENNON

Trong nhóm Beatles, John Lennon nổi tiếng là người có tính cách thẳng thắn và nổi loạn nhất. Không như một số thần tượng nhạc rock khác, những người biến sự nổi loạn của mình thành những hành động tiêu cực phá hoại để nổi tiếng thậm chí tự huỷ hoại bản thân mình, John Lennon đã sử dụng sự nổi loạn của mình một cách rất tích cực: viết nên những ca khúc đấu tranh vì hoà bình và nhân quyền. Tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ đó của John đã nâng anh lên một tầm vóc vĩ đại hơn so với những nghệ sĩ nhạc rock nổi tiếng cùng thời: người phát ngôn cho hoà bình thế giới. Tuy chưa bao giờ được UNICEF hay Liên Hiệp Quốc cử làm đại sứ thiện chí một cách chính thức, John Lennon luôn thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với những tầng lớp bị áp bức trong xã hội và những đất nước vẫn còn chìm đắm trong bom đạn chiến tranh. Những kẻ không thích Lennon thường hay xuyên tạc rằng anh mượn những phong trào đấu tranh để củng cố tên tuổi mình. Lennon không cần làm điều đó, vì với tư cách thủ lĩnh của nhóm Beatles, anh có thừa danh vọng và tiền bạc và với tài năng sáng tác của mình, cho dù chỉ viết những bản tình ca êm ái, Lennon vẫn có thể giữ vững tên tuổi mình như một nhạc sĩ hàng đầu của thế kỉ 20. Xét cho cùng, những hành động đấu tranh của John gây cho anh nhiều bất lợi hơn là giúp anh vun vén lợi ích cá nhân. Ngày 25/11/ 1969, để phản đối sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với cuộc xâm lược của Mỹ ở VN và việc Anh tăng cường quân chiếm đóng ở một số nước Châu Phi, John Lennon đã gửi trả lại điện Buckingham huân chương MBE cao quí mà nữ hoàng Anh đã ban thưởng cho anh năm 1965. Là người Anh, John lại lên tiếng phản ứng khá gay gắt trước sự kiện “ngày chủ nhật đẫm máu” khi lính Anh bắn chết 13 người biểu tình hoà bình tại Cộng Hoà Bắc Ireland tháng 1/1972. Muốn được nhập tịch ở Mỹ nhưng John vẫn thắng thắn chống đối đến cùng cuộc chiến xâm lược Việt Nam của chính quyền Nixon. Anh công khai giao du với những nghệ sĩ cánh tả, kết bạn với những thủ lĩnh các phong trào đấu tranh đòi nhân quyền. Thậm chí, anh còn sử dụng nhóm nhạc rock mang tư tưởng Marxism-Leninism ở New York là Elephant’s Memory làm ban nhạc đệm cho mình trong một thời gian dài. Kết quả là việc xin thẻ xanh của anh bị gây khó dễ rất nhiều. Nhà riêng của John ở New York bị theo dõi, điện thoại của anh bị gài máy nghe lén và CIA thậm chí còn lập cả một tủ hồ sơ mật về John Lennon như đối với một phần tử nguy hiểm của chính phủ. Tất cả những thử thách đó đều không làm John Lennon lùi bước.

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của John Lennon, một nghệ sĩ luôn đấu tranh cho hoà bình thế giới, xin được giới thiệu 10 ca khúc đấu tranh nổi tiếng nhất của John Lennon giai đoạn còn là một thành viên nhóm Beatles và khi trở thành một nghệ sĩ solo.

I. Revolution
(Album: The Beatles 1968)

Đây là ca khúc khởi đầu cho một loạt các bài hát mang khuynh hướng phản chiến của John nhắm chống lại sự leo thang chiến tranh của Mỹ tại chiến trường miền nam Việt Nam. Revolution là ca khúc duy nhất của Beatles xuất hiện với ba phiên bản, phiên bản nhanh được phát hành duới dạng đĩa đơn cùng với Hey Jude của Paul McCartney, phiên bản “Revolution No.1” chậm hơn xuất hiện trong bộ album đôi White Album và “Revolution No. 9” một thử nghiệm thu âm khá điên của John và Yoko cũng trong White Album. Ca khúc thể hiện rõ quan điểm đấu tranh bất bạo động theo chủ nghĩa Gandhi của John: “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới này thì trước tiên hãy thay đổi chính bản thân mình. Còn nếu bạn muốn nói về phá hoại hay đổ máu thì đừng hòng tôi ủng hộ bạn.” Năm 1988, những thành viên còn lại của Beatles cùng rất nhiều fan Beatles đã rất tức giận khi Yoko đã cho phép hãng Nike sử dụng ca khúc này để quảng cáo cho sản phẩm giày thể thao. Theo họ, điều đó đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của bài hát. Sau môt năm đấu tranh dai dẳng, Nike đành phải nhượng bộ không sử dụng ca khúc này cho chương trình quảng cáo.

II. Give Peace a Chance
(Single đầu tiên của John với tư cách nghệ sĩ solo 1969)


John Lennon viết ca khúc này khi đang ở chiến dịch Beds-in for Peace với Yoko Ono tại khách sạn Queen Elizabeth, Toronto, Canada. Mặc dù kí tên tác giả là Lennon-McCartney nhưng đây là ca khúc hoàn toàn của John. John làm như thế để trả ơn Paul đã giúp mình thu âm ca khúc "The Ballad of John and Yoko” khi cả George và Ringo từ chối. "Give Peace a Chance" được thu bằng một máy thu âm 8 track mà John thuê vào đặt trong phòng với nhạc cụ duy nhất là cây guitar thùng và tiếng vỗ tay của những người đi ngang qua.Lời bài khác có vẻ rối rắm vì John dùng một loại những từ ngữ có kết cấu giống nhau.Thực ra ý nghĩa của bài hát khá giản dị nhưng sâu sắc:"Chúng ta suốt ngày nói về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ,chức vị này chức vị kia,xem vào chuyện đời của những nguời nổi tiếng,nhưng những gì chúng ta cần nói bây giờ là "Hãy cho hoà bình một cơ hội!"."Give Peace a chance" trở thành câu khẩu hiệu bất tử của các cuộc đấu tranh vì hoà bình sau này.
  
III. Working Class Hero
(Album Plastic Ono Band 1970)


Được giới trẻ của thập niên 60-70 tôn sùng như một lãnh tụ tinh thần vĩ đại của những cuộc đấu tranh vì nhân quyền và phản chiến, John cảm thấy giằng xé giữa cuộc sống giàu sang của một ngôi sao nổi tiếng và sứ mạng đại diện cho giai cấp lao động mà mình gánh vác. Working Class Hero là câu chuyện của một người lớn lên trong thế giới tư bản, chịu nhiều áp lực từ nhỏ đến lớn để cố gắng thoát khỏi xuất thân lao động của mình mà chen chân vào giới tư sản. Anh ta vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân của những cám dỗ trong xã hội tư bản: sex, ma tuý và phương tiện truyền thông. Và lời khuyên dành cho chàng trai này là: “Hãy làm một người hùng của giai cấp công nhân.”

IV. Power to the People
(Single thứ 4 của John và nhóm Plastic Ono Band.1971)


Với lời ca lặp đi lặp lại như một khẩu hiện “Quyền lực cho nhân dân! Hãy trao ngay quyền lực cho người dân”, “Power to the People” nhanh chóng được các phong trào đấu tranh vì nhân quyền chọn làm thánh ca của mình trong những cuộc biểu tình. Trong ca khúc, John nhấn mạnh quyền lợi của giai cấp lao động và quyền lợi của phụ nữ đang bị bóc lột và chà đạp, cần có một hành động cụ thể đế đấu tranh giành lại sự công bằng cho những người bị áp bức.

V. Imagine
(Album: Imagine 1971)


Cũng như "Give Peace a Chance", "Imagine" được xem như ca khúc phản chiến hay nhất của John Lennon và không thể thiếu trong những cuộc đấu tranh vì hoà bình.Lời lẽ của John trong ca khúc này khá súc tích nhưng đầy ý nghĩa: thiên đàng hay địa ngục, tất cả đều do con nguời tưởng tượng ra, cũng như lòng tham, tôn giáo hay chính trị đều là những cái cớ để con nguời chém giết lẫn nhau mà thôi. Cứ tưởng tượng rằng một ngày nào đó,những thứ như vậy không hiện hữu trên đời,thế giới sẽ thanh bình biết mấy,sẽ chẳng còn chiến tranh và thù hận chỉ còn tình anh em giữa các dân tộc với nhau.


VI. I Don’t Want to Be a Soldier
(Album: Imagine 1971)


“Con không muốn làm một người lính vì con không muốn chết. Mẹ ơi con không muốn làm một luật sư vì con không biết nói dối” Giai điệu đơn giản như tiếng kinh cầu được lặp lại trên nền nhạc khá nặng nề như một lời than vãn của những thanh niên sắp bị bắt ra trận đã đánh vào tâm lí chán ghét chiến tranh của cả giới trẻ và những người mẹ mất con ở chiến trường. Mặc dù không phải là một bài hit của John, ca khúc này vẫn được nhiều người yêu hoà bình trên thế giới biết đến.

VII. Happy Xmas (War Over)
(Single 1972.)


Ca khúc này được viết mùa Giáng sinh năm 72,khi chiến tranh xâm lược Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối.Vào thời điểm này nguời ta bắt gặp trên những trung tâm thương mại ở 12 thành phố lớn trên thế giới như New York, London, Paris và Tokyo những tấm pano màu trắng với dòng chữ "War is over! If you want it. Happy Christmas from John and Yoko." Mong mỏi của John Lennon và Yoko Ono cũng là mong mỏi của nhân loại yêu hoà bình trên thế giới, sớm chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa để mọi nguời được hưởng một mùa giáng sinh an lành.Để tăng thêm tính phản chiến của bài hát,John đã dùng một dàn đồng ca thiếu nhi hát phần hợp xướng của ca khúc bên cạnh tiếng guitar thùng đơn giản của mình.

VIII. John Sinclair
(Album: Some Time in New York City 1972.)


John Sinclair là một nhà thơ, nghệ sĩ và lãnh đạo của tổ chức chống phân biệt chủng tộc White Panthers ở Mỹ. Cũng như hầu hết giới thanh niên hippie của thập niên 70, John Sinclair cũng hút và tàng trữ cần sa. Năm 1969, ông bị kết án mười năm tù vì đã đưa cho một tay hippie (thực chất là cảnh sát chìm) hai điếu cần sa. Việc bắt giữ và kết án quá nặng tay với John Sinclair đã gây nên nhiều làn sóng phản đối khắp nước Mỹ. Tháng 12 năm 1971, nhiều nghệ sĩ cánh tả trong đó có John Lennon đã biểu tình đòi thả John Sinclair. Trong ca khúc có tên Sinclair, John Lennon kêu gọi: “Hãy thả John Sinclair về với vợ con, hãy để anh ta hít thở khí trời” và lên án chính phủ Mỹ: “Nếu anh ta là một tên lính viễn chinh đang ra tay tàn sát người vô tội ở VN thì có lẽ các người sẽ không bỏ tù anh ấy.”

IX. The Luck of the Irish
(Album Some Time in New York City 1972.)


Là một người Anh, John lại đứng về phía nhân dân Ireland lên tiếng chống lại sự thống trị của người Anh trên đất nước Ái Nhĩ Lan. “Nếu bạn có vận may của một người Ireland thì bạn thà rằng mình chết đi còn hơn” Trong ca khúc, John không người lên án sự tàn bạo của thực dân Anh trên mảnh đất Ireland xinh đẹp, gọi chính phủ Anh là những kẻ đằng sau giật dây gây ra cuộc nội chiến đẫm máu giữa Bắc Ireland và cộng hoà Ireland và gọi tội ác của đế quốc Anh đối với người dân và đất nước Ái Nhĩ Lan là tội diệt chủng.

X. Sunday Bloody Sunday:
(Album: Some Time in New York City 1972.)



Ngày Chủ nhật, 30/1/1972 là một ngày không thể nào quên đối với người dân Bắc Ireland, 27 người biểu tình không vũ trang ở Bogside, Bắc Ireland bị lực lượng lính dù Anh xả súng bắn trong một cuộc biểu tình bất bạo động. Mười ba người chết tại chỗ, một người chết trong bênh viện sau nhiều tháng điều trị. Sự kiện khiến nhiều nhà bảo vệ hoà bình trên thế giới căm phẫn. Ngày 25/2/1972, Paul McCartney thu âm ca khúc “Give Ireland back to the Irish” và lập tức bị đài BBC cấm phát hành. Cùng một cảm xúc bất bình, John Lennon viết ca khúc “Sunday Bloody Sunday” để tưởng niệm mười ba người tử nạn trong ngày chủ nhật đẫm máu đó. Trong ca khúc của mình, John lên tiếng ủng hộ quan điểm của Paul: “Hãy trả Ireland về cho người Ái Nhĩ Lan, đẩy nước Anh về phía bên kia bờ biển.”


(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

0 nhận xét:

The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.5)


IMAGINE, ALBUM NỔI TIẾNG NHẤT THỜI HẬU BEATLES

Sự tan rã của the Beatles, nhóm nhạc lừng danh nhất thế giới năm 1970 đã gây nên sự tiếc nuối khôn nguôi của hàng triệu fan trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự tan rã này mà người hâm mộ lại có cơ hội để thưởng thức sự tranh tài của bốn cựu thành viên John, Paul, George và Ringo với tư cách những nghệ sĩ solo trong suốt thập niên 70. Không còn sự ràng buộc nhau về mặt sáng tác, các cựu thành viên của the Beatles có dịp bộc lộ cái tôi của mình một cách rõ nét hơn qua những tác phẩm mang đậm những nét đặc trưng riêng biệt. Trong suốt thập niên 70, mỗi thành viên của nhóm Beatles đã cho ra đời ít nhất một album solo thực sự xuất sắc có thể so sánh với bất kì tác phẩm nào mà họ đã từng tạo ra trước đây. John Lennon thì có Imagine, Paul McCartney có Band on the Run, George Harrison, con bọ trầm lặng nhất lại đạt được thành công sớm nhất với bộ ba đĩa All Things Must Pass và Ringo Starr, mặc dù không được đánh giá cao trong vai trò một ca sĩ solo cũng có được một album Ringo đáng để sưu tầm. Thật khó có thể nói dược album nào là hay hơn album nào nhưng nếu nói về album có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất và được biết đến nhiều nhất thì Imagine vượt xa những album còn lại. Với ca khúc chủ đề “Imagine” đã trở nên bất tử trong trái tim những người yêu hoà bình thế giới, album cùng tên dường như đã gắn liền vời tên tuổi của John Lennon. Hễ nhắc đến Imagine là người hâm mộ lại nhắc đến John Lennon và hễ nhắc đến John Lennon thì người ta lại nhớ đến Imagine.

Imagine - Bức chân dung hoàn chỉnh nhất của John Lennon:


Nếu những ca từ và nốt nhạc có thể vẽ nên chân dung của một người thì những ca khúc trong album Imagine chính là những gam màu hoàn hảo nhất để vẽ nên một bức truyền thần về tính cách của John Lennon, một nghệ sĩ thiên tài và một con người bình thường với đầy đủ các cung bậc tình cảm: yêu thương, giận dữ, ghen tuông, sẳn sàng mở lòng mình cho hoà bình thế giới nhưng cũng rất nhỏ nhen với người từng là bạn tri kỉ của mình. Với 10 ca khúc và thời lượng tổng cộng khoảng 40 phút, Imagine thể hiện khá trung thực nhiều khía cạnh tính cách của John Lennon.

Năm 1969, John và Yoko mua một biệt thự lớn màu trắng tinh nằm giữa một hòn đảo nhỏ biệt lập ở Ascot, Anh Quốc để làm tổ ấm cho riêng mình và đặt tên nó là Tittenhurst Park. Chính tại thiên đường nhỏ bé của mình, John Lennon đã xây dựng một phòng thu và thu âm hai album quan trọng trong sự nghiệp solo của ông ở đây là Lennon/Plastic Ono Band năm 1970 và Imagine năm 1971. Nếu như album Plastic Ono Band album solo đầu tiên mang tính âm nhạc đích thực của John được đón nhận một cách khá dè dặt bởi giới phê bình và người hâm mộ vì sự thẳng thắn đến mức trần trụi của nó thì Imagine cũng với những ca khúc thiên về tự sự lại được quảng bá một cách hiệu quả hơn. Được sản xuất bởi nhà sản xuất lừng danh Phil Spector và sự giúp đỡ của những người bạn thân như Klaus Voorman (bass), George Harrison (guitar), Jim Keltner và Alan White (trống), King Curtis (saxophone), album được thu chủ yếu tại Ascot Sound Studio và mix tại Record Plant Studio ở New York, nơi một số nhạc cụ khác được đưa vào.

Mở đầu album là bài thánh ca vì hoà bình “Imagine” với tiếng dạo đàn piano không lẫn vào đâu được của John Lennon. Ca khúc vẽ nên một thế giới đại đồng không tưởng nơi không có chiến tranh, không có hận thù, không có sở hữu và cũng không cần đến tôn giáo. Mặc dù thế giới đó chỉ có trong trí tưởng tượng của những người mơ mộng, nhưng ước mơ về một thế giới như vậy không chỉ là ước mơ của riêng mình John mà còn là ước mơ của hàng triệu người yêu hoà bình trên thế giới đang lên án cuộc chiến vô nghĩa của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tính thời sự của ca khúc đã khiến nó trở nên bất tử và những ca từ trong ca khúc hầu hết đều được sử dụng như những khẩu hiệu đấu tranh vì hoà bình. Ca khúc kế tiếp “Crippled Inside”, một ca khúc country rock với tiếng đàn slide guitar của George Harrison, là sự lên án thói đạo đức giả của giai cấp thượng lưu trong xã hội Anh Quốc. “Jealous Guy”, ca khúc nổi tiếng không kém “Imagine” với phần đệm piano dễ gây liên tưởng đến bài hát đầu lại là một bản ballad nhẹ nhàng như một lời tạ lỗi của John đối với Yoko về thói ghen tuông của mình. Là một người chịu nhiều mất mát và thiếu thốn trong tình cảm lúc nhỏ, John thường sợ mất đi những người mình yêu thương. Càng sợ hãi, anh càng ghen tuông và thường sử dụng bạo lực để thể hiện tình cảm của mình. Cả Cynthia lẫn Yoko đều là nạn nhân của những cơn ghen vô cớ của chồng mình. Trong ca khúc đầy ấn tượng này, John biện bạch rằng mình không muốn làm thương tổn người mình yêu, tất cả đều do tính ghen tuông quá đáng của mình. Ít ai biết được rằng, phần nhạc của ca khúc này đã được John viết từ năm 1968 với phần lời hoàn toàn khác có tên “Child of Nature” lấy cảm hứng từ chuyến đi Ấn Độ học thiền của nhóm Beatles. Khi Paul McCartney thu âm ca khúc “Mother Nature’s Son” với cùng chủ đề cho Album Trắng, John đã quyết định giữ lại “Child of Nature” làm của riêng và sau đó đổi lời thành “Jealous Guy”. Ca khúc tiếp theo “It’s So Hard” là một ca khúc rock khá nặng nề thể hiện sự chán chường và thất vọng của John đến mức nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Được sáng tác trong lúc thu âm album “Plastic Ono Band”, ca khúc này mang đậm âm hưởng khá tiêu cực của những ca khúc cùng thời điểm đó. Và bài hát cuối cùng của mặt A “I don’t wanna be a soldier” với lời hát lập đi lập lại rất ảm ảnh “Mẹ ơi con không muốn làm một người lính vì con không muốn chết.” thể hiện rất rõ thái độ của John Lennon với cuộc chiến tại Việt Nam.

Bìa đĩa Album Imagine
Mặt B của album bắt đầu bằng một ca khúc phản chiến nữa mang tên “Gimme Some Truth”. Ca khúc này là sự đả kích không khoan nhượng vào sự dối trá của chính quyền Nixon khi trả lời về những sự việc có liên quan đến trách nhiệm của quân đội Mỹ trong cuộc thảm sát Mỹ Lai và những trò hề chính trị của giới cầm quyền Mỹ thời bấy giờ. Được sáng tác và thu âm bản demo trong thời gian nhóm Beatles thực hiện dự án Let It Be, “Gimme Some Truth” đã bị loại khỏi album cuối cùng của the Beatles do sự lên án quá công khai của nó. Khi đã thoát khỏi sự kìm hãm của cái tên the Beatles, John đã không ngần ngại sử dụng ca khúc này trong album solo của mình. Đối lập với những phút giây bùng nổ dữ dội với “Gimme Some Truth”, người nghe sẽ tìm thấy được sự tĩnh tại và thư thái đến mức kì lạ với một bản ballad mang âm hưởng nhạc thiền Nhật Bản “Oh My Love”. Với ca từ và giai điệu khá đơn giản nhưng rất lắng đọng, John chứng tỏ cho mọi người biết mình không chỉ biết yêu mà còn yêu rất nồng nàn và sâu sắc. Cùng với “Jealous Guy” và “Woman”, “Oh My Love” luôn xứng đáng là một trong những bản tình ca hay nhất của John Lennon thời hậu Beatles. Ca khúc tiếp theo “How Do You Sleep?” lại là một bài hát đả kích nữa, nhưng lần này không phải đả kích xã hội hay cuộc chiến phi nghĩa mà lại là những lời cay độc nhắm thẳng vào người đã từng là bạn tri kỉ của John trong suốt thập niên 60, cựu Beatles Paul McCartney. Thật khó có thể tưởng tượng một người với tấm lòng bao dung rộng mở cầu phúc cho hoà bình thế giới lại có thể nhỏ nhen và thù hận kinh khủng như vậy với người dồng chí của mình. John chế giễu tài viết nhạc của Paul, bảo rằng: “Những gì mà mi làm được đã thuộc về ngày hôm qua, còn từ lúc mi rời nhóm, mi chằng làm đựơc gì mới mẻ cả” Với tài chơi chữ của mình, John đã khéo léo ghép tên hai ca khúc “Yesterday” và “Another Day” của Paul vào lời bài hát với hàm ý rằng, khi còn ở trong nhóm the Beatles, Paul chỉ viết được một bài đáng giá là “Yesterday”, còn trong sự nghiệp solo, chỉ có ca khúc “Another Day” là nghe được mà thôi. Không dừng ở đó, John tiếp tục nặng lời: “Một gương mặt đẹp trai thì chỉ có thể tồn tại một vài năm mà thôi. Không sớm thì muộn thiên hạ sẽ nhận biết đựoc tài năng thật sự của mi” Góp sức cho ca khúc đầy tính khiêu khích này là tiếng đàn guitar slide rất ma quái của George Harrison, thành viên nhóm Beatles vốn cũng có nhiều ân oán với Paul McCartney. Dường như để thành lập một liên minh trút giận lên đầu của Paul, John còn nhờ Ringo Starr chơi trống cho ca khúc nhưng sau khi nghe bài hát, Ringo đã nổi giận với John và từ chối giúp đỡ trong việc thu âm. Sau khi đã cà khịa chán chê với Paul McCartney, John lại quay sang dằn vặt chính mình với bản ballad “How?” Anh tự hỏi: “Làm sao tôi có thể tiếp tục bước đi về phía trước khi tôi chẳng biết mình phải đi về đâu? Làm sao tôi có thể cho em tình yêu khi tình yêu là thứ mà tôi chưa bao giờ có được?” Dường như trong John Lennon luôn tồn tại một nỗi sợ hãi và sự cô đơn khá mơ hồ. Cái vẻ bất cần lãng tử bên ngoài thực chất đã không thể che giấu được sự đa cảm và yếu đuối bên trong của một tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ bài hát mang âm điệu vui tươi duy nhất của cả album là bài hát cuối cùng “Oh Yoko!” với tiếng kèn harmonica gợi nhớ đến Bob Dylan và ca từ đơn giản nhưng chân thật. Có một câu ngạn ngữ cổ đã từng nói: “Tình yêu chân thật có thể làm cho kẻ dữ dằn nhất trở nên hiền lành.” Giai điệu lạc quan vui vẻ của “Oh Yoko!” đã minh chứng được câu nói trên. Sau khi gây sự chán chê với xã hội, với bạn thân và với chính bản thân mình, chàng John lắm chuyện lại vui như trẻ con được mặc áo mới khi nói về tình yêu của mình. Tình yêu dành cho Yoko dường như là sự cứu rỗi thật sự về mặt tâm hồn, cái mà danh vọng và tiền bạc của một ngôi sao nổi tiếng không mang đến được cho John.



Imagine và những sản phẩm “ăn theo”

Dường như khi bắt tay vào làm album này, John đã quyết định rằng mình phải chơi nổi hơn những người bạn cùng hội cùng thuyền trước đây. Bằng chứng là năm 1972, John và Yoko đã tung ra cuốn video dài gần 1 giờ đồng hồ để quảng bá cho album. Cuốn băng được mở đầu bằng video clip khá nổi tiếng “Imagine” với cảnh vợ chồng John cùng nhau bước đi trong vườn rồi mở cánh cổng dẫn tới một căn phòng trắng toát nơi John ngồi bên cây đàn piano cũng tuyền một màu trắng và hát ca khúc “Imagine” với Yoko, gương mặt hoàn toàn không hề biểu lộ một cảm xúc nào, ngồi kế bên. Đối với nhiều người hâm mộ John, đoạn clip kể trên đã trở thành kinh điển nhưng khi vừa ra đời, nó đã bị nhiều người chỉ trích vì họ cho rằng John và Yoko cố tình khoe khoang sự xa xỉ của mình trong khi hát về một thế giới không có sở hữu, tranh giành cùng với vẻ lạnh lùng vô cảm của Yoko. Khác với hình ảnh một John Lennon râu tóc xồm xoàm của một năm trước đó, John Lennon của Imagine nhìn rất bảnh bao và sạch sẽ với mái tóc cắt ngắn như thời kì đầu của Beatles. Cặp kính tròn nổi tiếng cũng được thay thế bằng những cặp kính mát khác nhau. Phần lớn các clip minh hoạt của album Imagine được quay tại ba địa điểm chính. Một là tại tư gia của cặp vợ chồng nổi tiếng này: điền trang Tittenshurst Park nơi John và Yoko có những giây phút lãng mạn bên nhau. Họ cùng nhau uống trà, đánh cờ, chèo thuyền (ca khúc “How?”) thậm chí âu yếm nhau trong bồn tắm (trong bài “Oh Yoko!”). Địa điểm quay thứ hai là tại thành phố New York. Ngưòi xem có thể thấy cảnh John và Yoko trong bộ quân phục và mũ nồi đội lệch cùng nhau rảo bước trên những con phố và giơ nắm tay về phía tượng Nữ Thần Tự Do (I don’t Wanna be a Soldier). Địa điểm quay thứ ba là tại một ngôi đền ở Tokyo trong một không khí đậm chất thiền, John và Yoko yên lặng ngồi bên nhau nhìn ra khu vườn kiểu Nhật Bản tuyệt đẹp (Oh My Love). Riêng với ca khúc “Jealous Guy” thì máy quay vào tận bên trong phòng thu để quay lại toàn bộ cảnh John thu âm phần lời của bài hát này. Còn đối với “How Do You Sleep?” John cố tình sử dụng những thước phim mang tính avant-garde với hình ảnh một đôi cánh dơi màu đen bay chập chờn ma quái. Bên cạnh những ca khúc trong album, cuốn phim còn kèm thêm hai ca khúc mang tính thử nghiệm của Yoko là “Mrs. Lennon” và “Don’t Count the Waves”. Với thời lượng ban đầu là 70 phút, những nhà biên tập đã cắt bớt một bài “Mind Train” của Yoko và gần một nửa ca khúc “I Don’t Wanna Be the Soldier” của John để đủ thời lượng phát sóng trên truyền hình. Năm 1986, bộ phim này xuất hiện trên thị trường Anh và Mỹ dưới dạng băng video.

Năm 1988, cái tên Imagine được sử dụng lại một lần nữa cho bộ phim tài liệu về cuộc đời của John Lennon do hãng Warner Bros sản xuất. Trong bộ phim tài liệu này, những fan lần đầu tiên được xem những thước phim chưa từng được công bố về John Lennon trong vai trò một thành viên của Beatles và một nghệ sĩ solo. Lời dẫn trong bộ phim phần lớn được trích từ những băng lưu trữ các cuộc phỏng vấn của John lúc sinh thời. Và đặc biệt, lần đầu tiên người hâm mộ được thưởng thức phiên bản acoustic của ca khúc “Real Love” một ca khúc John viết dang dở vào năm 1979 chưa từng được thu âm hoặc công bố. Được đánh giá là khắc hoạ khá thành công tính cách của John Lennon, bộ phim tài liệu Imagine nhận dược sự ủng hộ nhiệt tình của các fan và cho đến nay, bộ phim này vẫn là một trong những bộ phim tài liệu có giá trị nhất về nhóm Beatles và John Lennon.

Năm 2000, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày mất của John Lennon, người hâm mộ lại được thoả lòng mong ước khi DVD Gimme Some Truth: The Making of John Lennon’s Imagine được tung ra thị trường. Với độ dài trên dưới 1 giờ đồng hồ, các fan được theo chân thần tượng của mình vào phòng thu Ascot Sound Studio ở Tittenhurst Park để theo dõi gần như toàn bộ quá trình thu album.Trái với hình ảnh thư thái và tươi tỉnh trong cuốn video quảng bá album Imagine, John Lennon trong thời gian thu album có vẻ khá bơ phờ mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều lần trong lúc thu âm, do không giữ được sự bình tĩnh, John đã văng tục và tỏ ra cáu kỉnh. Giọng của anh đôi lúc cũng gần như lạc đi nhất là khi thu âm phần lời của ca khúc “Gimme Some Truth”. John đã hát gần như thét trong bài hát này. Cùng làm việc với John là nhà sản xuất Phil Spector, tay bass kiêm hoạ sĩ người Đức Klaus Voorman, tay trống Alan White, cựu Beatles Geroge Harrison và dĩ nhiên không thể thiếu Yoko Ono. Trong suốt thời gian thu âm album, John thường ngồi bên cây đàn piano để chơi phần giai điệu cơ bản và những người còn lại sẽ cùng bàn bạc ý tưởng phối âm. George Harrison, gầy gò hốc hác với bộ râu xồm xoàm và bộ quần áo jean bạc màu là người chơi guitar lead cho hầu hết các tác phẩm trong album này. Trong một cảnh quay, John đã không giấu được sự thoả mãn và hả hê khi chơi thử một đoạn bài “How Do You Sleep?” trên piano cho George nghe và dường như George cũng tỏ ra ủng hộ cách trả thù bằng âm nhạc của John đối với Paul. Ở một cảnh quay khác, George tỏ vẻ khá khó chịu khi Yoko không ngừng góp ý vào phần chơi guitar của mình. Cũng trong bộ phim này, người xem có thể thấy cảnh John mặc chiếc áo phông có in cờ của Mặt Trận giải phóng miền Nam Việt Nam trước ngực với ngôi sao vàng in trên nền đỏ và xanh da trời hay cảnh John mời một tay thanh niên hippie vào cùng ăn trưa. Người thanh niên này,có vẻ là một người Mỹ, đã lặn lội đến Anh và tìm cách đột nhập vào Tittenhurst Park chỉ để tìm gặp John và hỏi về ý nghĩa của lời những ca khúc của Beatles như Carry That Weight. Và John đã trả lời cho anh chàng fan ngớ ngẩn rằng những ca khúc mà anh sáng tác phần lớn đều xuất phát từ bản thân chứ không có ý định ám chỉ ai hay có một ý nghĩa mang tính tiên tri nào như chàng này đã lầm tưởng. Nếu người nghe cảm thấy có một sự liên hệ nào đó với mình thì đó chỉ là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên. Một lần nữa, những thước phim tư liệu quí giá này lại giúp ngưòi hâm mộ hiểu rõ hơn về quá trình lao động nghệ thuật để tạo ra một tác phẩm âm nhạc có giá trị.

(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

0 nhận xét:

The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.4)


John Lennon- Một thiên tài nổi loạn.

John Lennon là một cái tên có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với âm nhạc của thế kỉ 20. Với tư cách là một thành viên của nhóm Beatles, cùng với Paul McCartney, anh là tác giả của hàng trăm ca khúc tuyệt tác làm say đắm lòng người. Không chỉ như thế, John luôn là một nghệ sĩ luôn đi tiên phong trong sáng tạo âm nhạc. Với tư cách một nghệ sĩ solo, John luôn giữ vững vai trò một chiến sĩ đấu tranh không ngừng nghỉ cho phong trào hoà bình và nhân quyền trên thế giới. Nổi loạn, cáu kỉnh, châm biếm, ghen tuông nhưng cũng rất lãng mạn, tinh tế và hài hước, John Lennon tập trung những cá tính đối lập khiến việc đánh giá thế nào cho đầy đủ con người thật sự của John là một việc không đơn giản. Có thể nói trong bốn thành viên của Beatles, John là ngưới có tính cách phức tạp nhất.

 Nổi loạn từ thời niên thiếu

John Lennon khi còn là thành viên ban nhạc Quarryman
“Mọi việc đang trở nên tốt hơn bởi vì chúng không còn chỗ để tiếp tục tệ” (It’s getting better ‘cause it can’t get much worse)-Getting Better, 1967.

Ông Fred Lennon
 Có thể sự nổi loạn trong con người của John được hình thành từ rất nhỏ. Cha anh, ông Fred Lennon là một thuỷ thủ kiêm nhạc sĩ hát rong đã gặp và yêu cô gái năng động Julia Smith, lúc này chỉ mới 16 tuổi và kết quả của cuộc tình này là cậu bé John Winston Lennon, ra đời ngày 9/10/1940, trong một cơn oanh tạc ác liệt của không quân Đức ở Liverpool. Quen với cuộc sống tự do rày đây mai đó, ông Fred đã để lại vợ và con để tiếp tục những chuyến lênh đênh trên biển của mình và không lâu sau đó, bà Julia cũng tái giá để lại John cho chị mình là bà Mary Smith, người đựơc biết đến với cái tên dì Mimi, cùng chồng là dượng George nuôi nấng. Trong suốt thời thơ ấu của mình, John chỉ gặp cha một lần duy nhất năm 6 tuổi khi ông Fred đột ngột xuất hiện, dẫn con trai đi nghỉ ở Blackpool và nói với cậu rằng muốn đưa cậu sang Úc với mình. Nếu bà Julia, không xuất hiện kịp thời với khuôn mặt đẫm lệ thì có lẽ lịch sử âm nhạc đã khác rất nhiều, John Lennon đã có thể trở thành một anh chàng vô danh nào đó ở xứ sở chuột túi chứ không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng như chúng ta đã biết.

John trải qua thời thơ ấu của mình dưới sự yêu thương chăm sóc nhưng cũng rất nghiêm khắc của dì và dượng. Tuy nhiên sự giáo dục chu đáo và có phần hơi bảo thủ của dì Mimi vẫn không kìm hãm được tính cách nổi loạn bẩm sinh của John. Ở trường, John là một cậu học sinh khá đặc biệt có năng khiếu về mĩ thuật nhưng lại lười học và hay bày những trò tai quái để trêu chọc các thầy giáo. Hầu hết các giáo viên của John ở trường Quarry Bank đều đánh giá rằng cậu học trò ngỗ nghịch này sẽ không có được một tương lai xáng lạn và trại cải huấn trẻ vị thành niên có thể là nơi cậu sẽ dừng chân. Chỉ khi một giáo viên phát hiện tài năng của John và giới thiệu cậu vào học tại học viện Mỹ thuật Liverpool, John mới tạm yên ổn một thời gian.

Những người bạn thời niên thiếu của John ở Liverpool như Ivan Vaughan hay Peter Shotton đều kể về John như một người thông minh, năng động nhưng cũng rất thất thường trong tính cách. John có thể nổi cáu một cách bất ngờ và không ngại dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Từ nhỏ, John đã có một thú tiêu khiển khá quái dị đó là quan sát những người tàn tật rồi nhái lại những khuyết tật của họ. Những bức tranh John vẽ thời thiếu niên phần lớn mô tả những người hoặc con vật dị dạng. Một trò tai ác mà John hay chơi trong thời gian còn ở Liverpool là giả vờ tốt bụng đưa một người mù qua đường nhưng khi đến giữa đường thì cậu giật lấy cây gậy và bỏ chạy, mặc cho con người khốn khổ kia không biết xoay sở thế nào, Khi nhóm Beatles đang ở đỉnh cao của cơn Beatlemania, nhiều fan cuồng tín đã mang người thân của mình, những người bị tàn tật hoặc thiểu năng về trí tuệ, đến bất cứ nơi nào nhóm Beatles có mặt để nhờ các thành viên của nhóm chạm vào người họ, với niềm tin quyền năng siêu phàm của Beatles sẽ chữa khỏi bệnh cho thân nhân của họ. John đã quan sát rất kĩ những đứa trẻ bị bênh down và khi lên sân khấu biểu diễn, anh đã nhại lại những cử động khó khăn hay vẻ mặt đần độn của những đứa trẻ tội nghiệp đó.

Trong thời gian đầu với the Beatles, John luôn là người làm khó các thành viên khác trong những biểu quyết chung. Cho dù anh có thích điều đó đi nữa thì John vẫn là người đồng ý cuối cùng sau khi đã mè nheo đủ kiểu. Là người sau cùng đổi sang kiểu tóc mop top và luôn phản đối việc mặc complê để biểu diễn, John thích hình ảnh áo da đen và quần bò bạc phếch cùng với mái tóc chải ngược kiểu Elvis Presley vì đó là một hình ảnh mang tính phản kháng của giới trẻ thời đó. Và cũng chính John là người luôn có những lời lẽ châm biếm cay độc sự đồng tính của ông bầu Brian Epstein, người có công rất lớn trong thành công của Beatles khiến ông nhiều lần bị tổn thương sâu sắc. “Gã Do Thái đồng tính giàu sụ” (rich fag Jew) là từ mà John dùng để ám chỉ Brian Epstein mỗi lần nhắc đến ông. Và cũng chính John là người đã có câu phát biểu gây shock khi trả lời báo chí rằng nhóm Beatles nổi tiếng hơn cả Chúa Cứu Thế trong một phút bốc đồng, dẫn đến sự tẩy chay nhóm Beatles ở nhiều nơi trên thế giới năm 1966. 

Sự ghen tuông mù quáng và sự yếu đuối trong tình cảm

“Anh không muốn có ý làm em tổn thương, anh xin lỗi vì đã làm em khóc. Anh chỉ là một gã ghen tuông” (I didn’t mean to hurt you, I’m sorry that I’ve made you cry. Oh no, I didn’t want to hurt you. I’m just a jealous guy.)-Jealous Guy (1971)

“Jealous Guy” ca khúc nổi tiếng trích từ album “Imagine” năm 1971 của John là lời tự thú chân thật nhất về tật xấu này. Thật vây, những cơn ghen khủng khiếp của John thường nổi lên không kiểm soát được khi John thấy người phụ nữ của mình nói chuyện với một nguời con trai khác, ngay khi người đó là bạn thân nhất của mình. Cynthia, người vợ đầu của John là nạn nhân của những trận đòn ghen của anh nếu cô lỡ dại có một hành động thân thiện với một chàng trai nào đó. Một lần khi thấy Cynthia nói chuyện một cách khá vui vẻ với Stuart Sutcliff, bạn nối khố của mình, John đã quật Stuart xuống đất và đá liên tiếp vào đầu của bạn. Rất nhiều người sau này cho rằng khối u não ác tính dẫn đến cái chết bất ngờ của Stu năm 21 tuổi chính là hậu quả của hành động bạo lực này. Với Yoko, John thường hay bắt vợ liệt kê tất cả những mối tình trước khi hai người đến với nhau để rồi dằn vặt cô rất nhiều.

Nếu tinh ý, người nghe sẽ thấy được sự đối lập khi nói về tình yêu trong những bản tình ca của John và của Paul thời kì 1963-1966  Những ca khúc về tình yêu của John trong giai đoạn này luôn chất chứa sự bức xúc ngấm ngầm, sự ghen tuông và sự châm biếm cay độc. Nếu Paul hấp dẫn người nghe bởi những bản tình ca lí tưởng theo kiểu "tình cho không biếu không" như " All My Loving", "And I Love Her", "Can't Buy Me Love" hay "Eight Days a Week" thì John lại đưa những người đang yêu vào một thế giới rất thật, thậm chí khá bi quan về tình yêu. Tình yêu của John không có sự dâng hiến trọn vẹn như Paul. Đó là lời than trách của chàng trai vì sao cô gái suốt ngày cứ ca cẩm trong khi chàng quần quật từ sáng đến tối trong "Please Please Me": Anh không muốn than thở nhưng em phải hiểu rằng anh không cảm thấy thoái mái chút nào/ Anh làm tất cả để cho em vui lòng nhưng thật là khó khi phải cãi lí với em vì em luôn làm cho anh bực bội! (I don't wanna sound complainin', but you know there's always rain in my heart/ I do all the pleasin' with you, it's so hard to reason with you, whoah yeah, why do you make me blue.) John luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi và phản bội, vì thế cơn ghen của anh đôi khi thật quá quắt và tàn nhẫn. John hăm doạ người yêu rằng sẽ bỏ rơi cô gái nếu anh bắt gặp cô nói chuyện với người con trai khác trong "You Can't Do That" bởi vì "mọi người đều cảm thấy ganh tị khi anh có được em/ Nhưng họ sẽ cười vào mặt anh nếu họ thấy em nói chuyện với hắn" (Ev'rybody's green,'cause I'm the one who won your love/ But if they've seen,You're talking that way they'd laugh in my face). John tuyên bố trong "Run For You Life" rằng : " Tôi  thà rằng nhìn thấy em chết còn hơn thấy em yêu một người đàn ông khác/ Em liệu mà giữ lấy hồn vì tôi đang lên cơn điên...Em hãy chạy cho thật xa, trốn cho thật kĩ vì nếu tôi nhìn thấy em với một người khác  thì coi như em hết đời" (Well I'd rather see you dead, little girl than to be with another man/You better keep your head, little girl or I won't know where I am. You better run for your life if you can, little girl. Hide your head in the sand little girl. Catch you with another man. That's the end'a little girl). John cay cú và giành giật trong " You're Gonna Lose that Girl", nhạo báng tình yêu của người khác trong "You've Gotta Hide Your Love Away" rồi quay ra dằn vặt chính mình trong " I'm A Loser" khi người mình yêu lại không phải là người yêu mình như chàng trai trong "Baby's In Black". Đôi khi anh cảm thấy mình lạc lõng trong một bữa tiệc đông người để rồi lặng lẽ ra đi vì không muốn sự thất vọng của mình làm hỏng không khí vui tươi của buổi tiệc ( I Don’t Wanna Spoil the Party). So với các bản tình ca của Paul, những ca khúc về tình yêu của John đem lại cho người nghe một cảm giác thật hơn, đầy đủ hơn nhưng lại bi quan và yếm thế hơn về một mối quan hệ.

John Lennon và Mẹ Julia. Ảnh chụp năm 1948.
Sự ghen tuông và mất tin tưởng trong tình yêu của John là kết quả của một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm. Thời niên thiếu của mình, John trải qua hai sự mất mát lớn đó là cái chết của hai người cậu yêu thương nhất: ông dượng George, chồng của dì Mimi và bà Julia mẹ John. Chính bà Julia là người dạy John chơi guitar, khuyến khích John chơi nhạc và bao che cho cậu những lần trốn học đi chơi nhạc với nhóm Quarry Men. Cũng chính bà là người mua cho John cây đàn guitar đầu tiên trong đời. Năm John 17 tuổi, tai nạn giao thông đột ngột đã cướp đi của John một người mẹ, một người mặc dù không luôn ở bên John nhưng lại là người hiểu cậu nhất. Điều đó làm cho John luôn cảm thấy mình thiếu thốn tình mẫu tử thiêng liêng. Anh tâm sự khi trả lời phỏng vấn rằng mình đã mất mẹ hai lần. Hình bóng của người mẹ yêu dấu và tình mẫu tử mà John không bao giờ được hưởng trọn vẹn luôn ám ảnh John qua những ca khúc khá xúc động viết về mẹ như “Julia”, “Mother” và “My Mommy’s Death”. Cynthia Powell, vợ cũ của John, đã lí giải về mối quan hệ của John và Yoko Ono trong cuốn tự truyện của mình rằng do mất mẹ từ nhỏ, John luôn cần có một người phụ nữ lớn tuổi hơn để cho anh cảm giác được chở che như một đứa trẻ và Yoko là người đã làm được điều đó. Trong ca khúc “Woman” nổi tiếng, John bộc bạch: “Người phụ nữ ơi, anh biết em hiểu được rằng bên trong than xác một người đàn ông là tâm hồn của một đứa trẻ.” Năm 1971, sau những biến cố lớn trong đời như sự tan rã của nhóm Beatles và những vụ kiện tụng mệt mỏi, John đã tham gia khoá trị liệu tâm lí mang tên Primal Scream, phương pháp trị liệu giúp người bệnh đối diện với những nỗi ám ảnh trong tâm hồn, trong một nỗ lực đoạn tuyệt với ma tuý. Khoá trị liệu tuy thất bại nhưng nó phần nào giúp John lấy lại cân bằng trong cuộc sống và tình yêu. Và Yoko Ono, tội nhân thiên cổ trong nghi án “cái chết của Beatles” lại là người mang lại được cho John thứ tình yêu anh cần. Quả vậy, hầu hết những ca khúc đẹp và lãng mạn nhất về tình yêu như “ Love”, “Oh My Love” hay “Woman” đều viết để dành tặng cho Yoko Ono.

Nỗi cô đơn thầm kín

“Phía sau chiếc mặt nạ cưòi là một gương mặt ủ ê” (Beneath that mask I’m wearing a frown)-I’m a Loser (1964)

Là người chịu nhiều mất mát về mặt tình cảm trong cuộc sống thời niên thiếu, John Lennon có thể nói là một người có tính cách khá lập dị, cái lập dị của một thiên tài. Nếu có dịp đọc “In His Own Write” bộ sưu tập những bài thơ, truyện ngắn và tranh vẽ của John thời niên thiếu, người đọc ắt hẳn sẽ phải giật mình kinh ngạc trước trí tưởng tượng cực kì phong phú của một cậu thiếu niên. Trong sáng tác, không bao giờ John muốn lập lại một lối mòn nào cả. Anh muốn những tác phẩm của mình phải mang những dấu ấn riêng không thể lẫn vào đâu được. Chẳng hạn khi thu âm “Tomorrow Never Knows” một bài hát được lấy cảm hứng từ cuốn “Sinh Tử Kinh” của phật giáo Tây Tạng, John muốn giọng ca của mình giống như tiếng của “hàng ngàn lạt ma tụng kinh vang vọng trên đỉnh núi Himalaya tuyết phủ” Còn trong “Being for the Benefit of Mr. Kite” ca khúc mà John viết hoàn toàn dựa trên những dòng quảng cáo của một poster rạp xiếc của thế kỉ 19 anh mua được tại một tiệm bán đồ cổ, anh muốn thính giả phải ngửi được mùi mạt cưa và kim tuyến của một gánh xiếc rong thật sự khi nghe ca khúc này. Rất may cho John, nhà sản xuất George Martin luôn là người lắng nghe những ý tưởng điên rồ đó và cố gắng để biến nó thành hiện thực.

Có thể trong tất cả bốn thành viên của Beatles, John là bậc thầy trong việc chơi chữ. Rất hâm mộ Lewis Carroll, tác giả của Through the Looking Glass và Alice’s Adventure in Wonderland, John viết nhiều bài hát với lời ca là sự kết hợp một cách sáng tạo những ngôn từ vô nghĩa và những hình ảnh siêu thực để tạo thành một bức tranh lập thể đẹp một cách trừu tượng. Những sáng tạo nghệ thuật của John trong giai đoạn Sgt. Pepper vừa ngây thơ trong sáng như những bài đồng dao trẻ thơ vừa huyền bí khó hiểu như chứa đựng một thông điệp bí ẩn nào đó.  Khi nhắc tới những tác phẩm kiểu này của John, không thể không nhắc đến “Lucy in the Sky With Diamond”, bài hát được xem như là cổ suý cho phong trào dùng chất kích thích LSD và vì thế bị cấm trên đài phát thanh, “I Am the Walrus” bài hát chịu ảnh hưởng lớn của hai bài thơ của Lewis Carroll là “The Walrus and the Carpenter” và “Jabberwocky”, “Glass Onion” bài hát đối với nhiều người là lời giải cho câu đố phức tạp “I am the Walrus” và “Come Together” một ca khúc mang tính tuyên truyền cho chủ nghĩa hippie. Mặc dù không hiểu phần lớn nội dung của những ca khúc nói trên, hầu hết fan (người hâm mộ) của Beatles đều công nhận đó là những ca khúc hay với vẻ đẹp khó có thể lí giải bằng ngôn ngữ thông thường. 

Chính vì sự lập dị thiên tài của mình, John luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng trên đỉnh cao danh vọng và tiền bạc. Vợ anh Cynthia là một người vợ tốt, một nội trợ kiểu mẫu nhưng không phải là người có thể chia sẻ những suy nghĩ của chồng. Paul, George và Ringo, những tay Beatles còn lại là những người bạn thân, những đồng nghiệp nhưng mỗi người là một thế giới nghệ thuật riêng. Họ vừa là người đồng hội đồng thuyền vừa là đối thủ cạnh tranh ngấm ngầm từ bên trong. Bắt đầu từ năm 1964, sau lần tiếp xúc đầy ấn tượng với huyền thoại nhạc folk Mỹ là Bob Dylan và được Bob khuyên tìm sang tác những ca khúc thể hiện nội tâm, John bắt đầu viết những ca khúc để thể hiện sự cô đơn về tâm hồn như “Help!”, “I’m a Loser”, “I Don’t Want to Spoil the Party”, “I’m Only Sleeping”, “Nowhere Man” và “Strawberry Fields Forever”. Qua những ca khúc này, người nghe có thể thấy được một John Lennon thật sự cô đơn giữa vòng vậy của những phù phiếm, cái giá phải trả của sự nổi tiếng. Có lẽ vì thế, khi gặp được Yoko Ono, một nghệ sĩ tạo hình trường phái tiên phong  avant-garde, ngưòi có những ý tưởng quái chiêu không kém, John đã bị cuốn hút và giữa hai tâm hồn nổi loạn này hình thành một tình yêu bất chấp khoảng cách về mặt tuổi tác và những định kiến xã hôi.

Quan điểm chính trị của John Lennon

“Nếu bạn nói sự phá hoại thì đừng bao giờ lôi kéo tôi vào.” (But when you talk about destruction, don’t you know that you can count me out!) Revolution 1.

 Bắt đầu từ cuối năm 1965, ông bầu Brian Epstein đã phải rất vất vả để canh chừng các thành viên nhóm Beatles không được nhắc đến những vấn đề thời sự nhạy cảm thời đó, đặc biệt là cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam vì điều đó không ít thì nhiều có ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nhóm Beatles. Nhưng John là người luôn tìm cách để thể hiện tinh thần chống chiến tranh của mình bất cứ khi nào mà anh có thể. Và đến khi tách ra khỏi nhóm Beatles để bắt đầu sự nghiệp solo, John đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm chính trị của mình qua những ca khúc mang đậm chất đấu tranh

 Rất nhiều tay cánh hữu cực đoan đã xem John như một phần tử cánh tả nguy hiểm, thậm chí là một gián điệp của Liên Xô dưới cái lốt nghệ sĩ dùng âm nhạc để tẩy não thanh thiếu niên phương Tây. Tờ báo Times năm 1968 đã gọi John Lennon và chủ tịch Mao Trạch Đông của TQ là hai nhân vật chính trị có ảnh hưỏng nhất của thập kỉ. Thậm chí cục tình báo trung ương CIA của Mỹ còn lập cả một hồ sơ mật trên 400 trang về mọi hoạt động của John Lennon. Nhưng những người hiểu rõ về John nhất thì đều cho những điều đó là hoang tưởng, một “chứng bệnh” mà những chính trị gia của cả hai khối thời chiến tranh lạnh đều mắc phải. Thật ra cái gọi là tư tưởng cộng sản hay quan điểm chính trị tả khuynh của John đều bắt nguồn từ tính cách nghệ sĩ nổi loạn của John. Bất bình trước những thảm hoạ do quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam, với bản tính bộc trực của mình, John đã lên tiếng chống đối như một vịêc hết sức tự nhiên, hết sức bản năng. Nhất là từ sau khi tham gia đóng bộ phim hài về chiến tranh “How I Won the War” năm 66, John bắt đầu cảm thấy căm ghét những gì do chiến tranh gây ra. Cùng với sự phát triển của phong trào hippie phản chiến bắt đầu từ “mùa hè tình yêu” năm 1967, cũng như bao nhiêu văn nghệ sĩ cấp tiến khác, John Lennon cảm thấy mình có nhiệm vụ dùng sức ảnh hưởng từ danh tiếng của mình để làm một điều gì đó có lợi cho hoà bình. Và một cách rất bản năng, John đã làm điều anh nghĩ là đúng.

Quan điểm chính trị của John trong giai đoạn 67-68 là một quan điểm hoà bình bất bạo động theo kiểu cách mạng Ấn Độ của Gandhi. “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu” (All you need is love) bài hát nổi tiếng của nhóm Beatles do John sáng tác năm 1967 thể hiện rất rõ quan diểm đó. “Đừng lôi kéo tôi đến chiến hào của bạn nếu nơi đấy không cắm đầy hoa”, John đã trả lời phỏng vấn về thái độ của mình đối với chiến tranh. Là một người có thói quen sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn lúc còn trẻ, John Lennon dường như đã trưởng thành hơn khi nhận thức được rằng bạo lực không thể giải quyết bằng bạo lực mà cần có một giải pháp hoà bình.

John và Yoko biểu tình trên giường ngủ để phản đối những cuộc chiến tranh vô nghĩa

Với suy nghĩ đó, John và Yoko trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 đã dấu tranh không ngừng nghỉ cho hoà bình bằng những biện pháp bất bạo động, bắt đầu bằng chuỗi sự kiện “Bed-ins” trong tuần trăng mật của hai người năm 1969 ở Amsterdam và Toronto. Trong những bộ pyjama trắng giữa chăn gối cũng mang một màu trắng, John và Yoko tổ chức họp báo để tranh thủ rao giảng cho hoà bình, Đây có thể nói là một hành động cực kì khôn ngoan vì thời gian đó cái tên John và Yoko đồng nghĩa với những scandal. Các tay phóng viên hí hửng đến phòng riêng tân hôn của cặp đôi lập dị này với một niềm tin chắc như bắp rằng thế nào mình cũng sẽ thấy được nhiều trò sexy quái đản nào đó, phen này thì tha hồ bán báo. Nhưng tất cả đều bị hố, mọi thứ mà họ thấy đều rất đẹp một cách thánh thiện. Trả lời phỏng vấn, John thắng thắn nói: “Chúng tôi sẳn sàng biến mình thành những tên hề cho cả thế giới cười cợt, miễn sao trò hề của chúng tôi đóng góp phần nào cho việc chấm dứt chiến tranh” Từ khi thoát ra khỏi cái vỏ bọc the Beatles để được tự do là chính bản thân mình, John đã thoát khỏi mọi ràng buộc để theo đuổi đến cùng niềm tin của mình. Và chưa bao giờ anh chùng bước hay cảm thấy hối hận về những điều mình đã làm.

Một kết cục không có hậu cho một thiên tài

“Tại sao chúng ta lại không cùng nhau cất cánh bay đến một nơi nào đó thật ra để sống hạnh phúc bên nhau như những ngày đầu?” (Just Like Starting Over, 1981)

Cuối năm 1980, John Lennon làm cho người hâm mộ khắp nơi phấn khởi khi tuyên bố anh sẽ trở lại với âm nhạc sau 5 năm sống ẩn dật để chăm sóc cho cậu con trai Sean tại căn hộ khu chung cư Dakota ở New York. Với đĩa single đầy hi vọng “(Just Like) Starting Over” và album “Double Fantasy”, ở tuổi 40, John Lennon trưởng thành và chin chắn hơn bao giờ hết. Gạt bỏ cái quá khứ huy hoàng cũng như những hệ luỵ mệt mỏi do cái tên the Beatles mang lại, vượt qua những vấn đề cá nhân trong hôn nhân, ma tuý và cả cuộc đấu tranh dai dẳng để được quyền ở lại Mỹ thường trú, John Lennon đã có một khoảng thời gian 5 năm thật đẹp để sống một cách bình dị ở New York. Anh học cách làm bánh mì, có thời gian nối lại những mối quan hệ bằng hữu với những tay Beatles trước kia, và quan trọng hơn hết là có thời gian chăm sóc bé Sean, đứa con thứ hai của anh mà như một phép lạ, ra đời đúng vào ngày sinh của cha. Những ca khúc của John trong thời gian ở ẩn này thể hiện niềm hạnh phúc từ những điều hết sức đơn giản như dọn dẹp nhà cửa (Cleanup Time), đi ra ngoài dạo chơi (Stepping Out), chăm sóc cho con (Beautiful Boy), những điều đơn giản mà gần 20 năm làm một nghệ sĩ nhạc rock, anh chưa bao giờ có được. Con người nổi loạn, ghen tuông và giận dữ của một John Lennon thời trai trẻ đã được thay thế hoàn toàn bằng một người đàn ông yêu thương và đầy trách nhiệm. Và trong thế giới âm nhạc, những người hâm mộ vẫn chưa quên anh, họ vẫn mong chờ anh trở lại.

Thế nhưng khi John Lennon quyết định quay trở lại đối với công chúng, thì đó cũng là lúc mọi người mất anh mãi mãi. Đêm 8/12/1980, sau khi trở về từ phòng thu để hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng của album Double Fantasy cùng với Yoko, John Lennon đã bị một fan tâm thần tên Mark Chapman, kẻ đã kiên nhẫn đứng chờ anh suốt cả ngày trước cổng khu nhà Dakota bắn chết. Chỉ vài tiếng đồng hồ trước đó thôi, kẻ sát nhân đã xin chữ kí của nạn nhân mình trên bìa đĩa của album vừa phát hành. Trong năm phát đạn mà Mark dành cho John, hai viên đạn đầu tiên đã đủ để lấy đi sinh mạng của một thiên tài. Cả thế giới mất đi một huyền thoại.

Cái chết của John là một sự mai mỉa của số phận. Không mai mỉa sao khi John đã bị sát hại ở New York, nơi anh chọn để làm nơi dừng chân của mình vì theo anh, ở New York anh có thể sống một cuộc sống yên bình, mọi người gặp anh đều thân thiện chào hỏi anh chứ không vồ vập anh như đối với một ngôi sao. Không mỉa mai sao khi chỉ trước khi chết bao lâu, John đã có một bài phỏng vấn đầy hi vọng về sự trở lại của mình cho báo Playboy và một bài hát anh viết cho album mới của mình có tựa đề là “Life Begins at 40”. Rõ ràng là ở tuổi 40, John cảm thấy tự tin và sẳn sàng để sống hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày trước khi chết, John đã tặng một số tiền khá lớn cho cảnh sát New York để họ trang bị áo giáp chống đạn. Và cũng thật chua xót khi kẻ giết chết anh lại là một fan cuồng nhịêt của the Beatles, người đã học chơi guitar và cưới một cô vợ người Nhật để giống thần tượng của mình. Một người đấu tranh hết mình để chống lại bạo lực cuối cùng lại là nạn nhân của bạo lực.

John Lennon ký tặng Mark Chapman vào buổi chiều trước khi bị fan hâm mộ này ám sát vào buổi tối.

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của John Lennon. Có người cho rằng kẻ sát nhân là một điệp viên CIA được phái đến để ám sát anh. Có người vẫn từ chối tin rằng thần tượng của mình đã chết. Nhưng dù cho là lí do gì đi nữa, cái chết của John Lennon vẫn là một trong những cái chết gây đau xót và tiếc nuối nhiều nhất trong lòng người hâm mộ. Không như những ngôi sao nhạc rock khác như Jim Morrison, Jimi Hendrix hay Elvis Presley, những người tự huỷ hoại mình do lối sống vô độ của rượu và ma tuý, John Lennon đã chết vì điều mà anh luôn đấu tranh không ngừng nghỉ. Cái chết của anh không hề vô ích; nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực và hậu quả của nó, khiến mọi người ý thức hơn về vai trò của mình trong việc ngăn chặn bạo lực. Như một câu ngạn ngữ cổ “Khi kẻ thù giết đi một người anh hùng, chúng chỉ làm cho ngưòi đó trở thành bất tử”, cái chết của John Lennon khiến anh trở thành bất tử trong lòng những người hâm mộ hôm nay và của những thế hệ sau này.

DANH MỤC ALBUM SOLO CUA JOHN LENNON

Album phòng thu:

•           Unfinished Music No.1-Two Virgins (1968)

•           Unfinished Music No.2- Life with the Lions (1969)

•           The Wedding Album (1969)

•           John Lennon/Plastic Ono Band (1970.

•           Imagine (1971)

•           Some Time in New York City (1972).

•           Mind Games (1973).

•           Walls and Bridges (1974)

•           Rock 'n' Roll (1975)

•           Double Fantasy (1980)

•           Milk and Honey (1984)

Album tổng hợp:

•           Shaved Fish (1975)

•           John Lennon Collection (1982)

•           Menlove Ave (1986)

•           John Lennon: Imagine (1988)

•           Lennon (1990): 4 CD Box set

•           Lennon Legend: The Very Best of John Lennon (1997)

•           John Lennon Anthology (1998): 4 CD Box set

•           Wonsaponatime (1998)

•           Acoustic (2004)

•           Working Class Hero: The Definitive Lennon (2005)

•           The U.S. vs. John Lennon (2006)

Album trực tiếp (live):

•           Live Peace in Toronto (1969)

•           Live in New York City (1972)

(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

0 nhận xét:

The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.3)


Cái chết của người khổng lồ Beatles

Ngày 18/4/1970 là một ngày không thể quên được đối với những fan trung thành của nhóm nhạc vĩ đại nhất thế giới, the Beatles. Paul McCartney đã cho đăng một bài phỏng vấn trên tờ báo âm nhạc New Musical Express với mình đóng cả hai vai phóng viên và người trả lời phỏng vấn. Tất cả những câu hỏi đều xoay quanh câu hỏi về sự tồn vong của nhóm Beatles. Và đáng buồn thay tất cả những câu trả lời đều có chung một ý: ban nhạc Beatles sẽ không tiếp tục tồn tại như một tập thể mà các thành viên sẽ đi theo con đường của mình. Để chứng minh cho việc đó, một tuần trước khi cho in bài phỏng vấn giả này, Paul đã tung ra album solo đầu tiên của mình mang tên McCartney mặc cho các thành viên còn lại đã yêu cầu dời ngày phát hành album riêng để tránh cạnh tranh với album cuối cùng của nhóm là Let It Be. Người hâm mộ trên toàn thế giới dù muốn dù không vẫn phải ngậm ngùi công nhận rằng cái tên Beatles giờ đây chỉ còn trong quá khứ. Và trong suốt những năm sau đó, mặc dù có hàng trăm đề nghị hấp dẫn để nhóm Beatles tái hợp với nhau dù chỉ là trong một show diễn đều bị các thành viên thẳng thừng từ chối. Năm 1972, một triệu phú Mỹ đã đánh tiếng trên báo chí sẽ chi một khoảng tiền khổng lồ là 50 triệu dollars để nhóm Beatles có thể cùng nhau đi tour vòng quanh nước Mỹ. Cả thế giới hồi hộp chờ đợi, nhưng tất cả đều là một sự hi vọng hão huyền. Và ngày 8/12/1980, khi họng súng của kẻ sát nhân điên khùng Mark Chapman đã cướp đi mạng sống của John Lennon ở New York, mọi tin đồn về sự tái hợp của nhóm Beatles mới thực sự chấm dứt.

Thực sự thì từ năm 1969, mặc dù John, Paul, George và Ringo vẫn xuất hiện với cái tên chung the Beatles, họ đã không còn là một tập thể nữa. John trong năm 1968 đã ra hai album solo theo thể loại avant-garde và nhiều đĩa đơn cùng với nhóm nhạc riêng Plastic Ono Band cùng vợ là Yoko Ono. George Harrison thì liên tục đi tour với nhóm nhạc soul da trắng Delaney and Bonnie ở châu Âu, hay cùng Eric Clapton và Bob Dylan bù khú ở một nơi nào đó. Tay trống Ringo Starr chuyển hướng sang nghệ thuật thứ bảy khi diễn xuất của anh trong bộ phim the Magic Christian của Peter Sellers được đánh giá cao. Người duy nhất trong bộ tứ Beatles có những nỗ lực níu kéo sự sống của ban nhạc là Paul McCartney. Anh vạch ra những kế hoạch thu âm, lưu diễn và đóng phim nhằm cứu vãng thực trạng bi thảm của nhóm. Đáp lại những nỗ lực đó là sự lạnh lùng của những thành viên khác. Khi Paul đề nghị nhóm Beatles sẽ tổ chức một buổi diễn qui mô lớn ở đấu trường La Mã hoặc nhà hát lớn ở New York để quay phim, John dội thẳng một gáo nước lạnh vào mặt bạn bằng câu nói nửa đùa nửa thật:” địa điểm tốt nhất để làm show ấy là trong một nhà thương điên, Paul ạ!” Không lâu sau khi trở về từ liên hoan nhạc rock Peace Festival ở Toronto, trong buổi họp với các thành viên và ông bầu mới Allen Klein, John thẳng thắn tuyên bố: “Tôi muốn một cuộc li dị, giống như cuộc li dị giữa tôi và Cynthia” nhưng từ chối trách nhiệm phát ngôn trước công chúng về sự tan rã của nhóm Beatles. Tiếp theo sau đó là những vụ kiện tụng liên miên giữa các thành viên với nhau và với ông bầu mới. Hai năm 1969 và 1970 quả thực không phải là khoảng thời gian tốt đẹp cho the Beatles.

Chuyện gì đã xảy ra với nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới, những chàng trai đã từng là tri kỉ, là đồng chí với nhau? Họ đã cùng sát cánh bên nhau để lên được đỉnh cao của thế giới nhạc pop, nhưng khi đã đạt được danh vọng tột đỉnh đó, họ lại quyết định đường ai nấy đi? Chuyện gì đã thực sự xảy ra với the Beatles?

Thành công của bất cứ của một ban nhạc nào cũng cần có sự lèo lái của một người quản lí giỏi.

Và nhóm Beatles cũng không phải là một ngoại lệ. Năm 1967 đánh dấu sự thăng hoa về nghệ thuật của nhóm Beatles với siêu tác phẩm Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band nhưng lại là sự lạc hướng trong kinh doanh của nhóm sau cái chết bất đắc kì tử của ông bầu Brian Epstein. Là một người cực kì tài giỏi trong kinh doanh, ông Epstein đã đưa nhóm Beatles, một ban nhạc quán bar ở Liverpool, ra giới thiệu cho toàn thế giới. Dưới sự quản lí và ngoại giao khéo léo của ông Epstein, nhóm Beatles chỉ việc chơi nhạc, sáng tác, thu âm và xuất hiện trên truyền hình. Còn tất cả những vấn đề khác đều có một ê kíp hậu đài lo lắng hết sức chu đáo. Tuy nhiên, do quá mệt mỏi với danh tiếng do chính mình tạo ra, nhóm Beatles đã quyết định chấm dứt lưu diễn năm 1966 để tập trung thu âm. Khi một ban nhạc ngừng lưu diễn thì vai trò của một ông bầu cũng như thu nhập của nhân vật này bị giảm thiểu đáng kể. Cùng những mặc cảm của một người đồng tính (cho đến năm 1968, đồng tính luyến ái vẫn bị coi là một tội theo luật pháp Anh), ông Epstein đã trở thành con nghiện thuốc an thần. Và kết cục là khi nhóm Beatles đang tham thiền với thiền sư Ấn Độ Maharishi ở Wales thì người đã giúp họ đạt được tất cả chết một cách tức tưởi do sốc thuốc tại nhà riêng. Mất đi người quản lí, nhóm Beatles lập tức phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong việc vạch ra những kế hoạch trong tương lai. Bộ phim truyền hình không đầu không đuôi “Magical Mystery Tour” do chính các thành viên viết kịch bản, phân vai và đạo điễn là một minh chứng điển hình cho thất bại của nhóm trong việc tự quản lí. Chỉ sau vài ngày ra mắt, bộ phim ngớ ngẩn này đã bị các nhà phê bình “đánh” không thương tiếc. Báo Daily Mirror chê bộ phim là “một mớ hỗn độn”, tờ Daily Express gọi đó là “một thảm hoạ của điện ảnh, một trò vô nghĩa”, Daily Mail thì nặng lời hơn khi gọi bộ phim là “ sự hợm hĩnh quá đáng của những kẻ có thừa tiền lắm của”. Chỉ có tờ New Musical Express là còn nhẹ tay một chút, vớt vát thể diện của Beatles rằng: “mặc dù bộ phim vi phạm những nguyên tắc cơ bản về đạo diễn, ít ra nó cũng mang lại không khí tươi vui giải trí nhân dịp Giáng Sinh”. Đó là thất bại lớn nhất về mặt nghệ thuật của nhóm Beatles từ lúc thành danh cho đến ngày tan rã.

Sai lầm thứ hai của nhóm về mặt thương mại là vịêc thành lập ra công ty xấu số Apple năm 1968, một tập đoàn bao gồm hãng đĩa, phòng thu âm, xưởng thiết kế thời trang và cả một cửa hàng chuyên bán đồ quần áo và trang sức cho dân hippie với trụ sở đặt tại Saville Road, London. Với ảo tưởng về khả năng kinh doanh và sự tự tin thái quá vào danh tiếng của mình nhóm Beatles còn dự định mở rộng sang lĩnh vực điện ảnh bằng xưởng phim mang tên Apple, và cả một hiệu cắt tóc nữa. Khi trả lời họp báo về dự án Apple, Paul đã hào hứng tuyên bố với báo giới rằng nhóm Beatles đang tạo ra cái gọi là “chủ nghĩa xã hội theo kiểu phương Tây, một chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn cả Liên Xô và chủ nghĩa tư bản Mỹ cộng lại” Không có một chút kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và quản lí, công ty Apple bắt đầu tuyển nhân viên một cách vô tội vạ. Chỉ cần bạn là người Liverpool hoặc có liên quan tí gì đó tới quê hương của nhóm Beatles là bạn có thể có được một việc làm có lương khá hậu tại công ty Apple. Với phương châm: “giúp đỡ mọi người để giúp chính mình”, cửa hiệu thời trang Apple đã bán hàng theo cách nửa bán nửa cho và thường thì người vào mua thì ít mà lấy không thì nhiều. Và cũng trong thời gian này, trong vô số những kẻ theo đóm ăn tàn xuất hiện nhiều tên bịp bợm chuyên nghiệp bằng những trò nịnh bợ khoác lác của mình đã cuỗm đi một số tiền đáng kể. Điển hình trong số này là tay xỏ lá ba que Alex Madrass (được biết đến cái tên Magic Alex). Với ba tấc lưỡi của mình, Alex hứa hẹn những phát minh không tưởng vào thời đó như hộp điện thoại cho phép người đối thoại có thể nhìn thấy mặt nhau, hệ thống xung điện từ để chống trộm hay đĩa hát hình trái táo, biểu tượng của hãng Apple. Các thành viên Beatles, đặc biệt là John tin Magic Alex như sấm và sẳn sàng chi những số tiền khổng lồ cho những phát minh nhảm nhí của hắn. Khỏi cần nói cũng biết, tất cả những kinh phí nghiên cứu đó đã vào túi riêng của Alex. “Phát minh” vĩ đại nhất của Alex trong thời gian đó là chiếc hộp nhựa bên trong chứa những bóng đèn nhấp nháy vô dụng. Với cách kinh doanh “nghệ sĩ” như vậy, chỉ hơn nửa năm kinh doanh, số tiền thu được từ việc bán đĩa của nhóm không đủ để bù lỗ cho thất bại của Apple. Nợ nần chồng chất, nhóm Beatles bắt đầu cắt bớt những dự án kinh doanh vô ích và tìm một người quản lí. Nhưng đi đến đâu họ đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Không ai dại gì mà dấn than vào để tát nước một con tàu bị đắm.

Khi cái tôi cá nhân giết chết lợi ích tập thể

Thuở hàn vi, các chàng trai John, Paul và George đã cùng nhau chơi nhạc một ngày từ 8 đến 10 tiếng ở các quán bar tồi tàn nhất từ Liverpool đến Hamburg với đồng lương không đủ để sắm sửa nhạc cụ. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, họ vẫn sát cánh bên nhau và là một khối thống nhất, đoàn kết chặt chẽ. Trên sân khấu các thành viên tung hứng với nhau thật ăn ý từng nốt nhạc, câu bè. Trong suốt nhiều năm liền, John Lennon và Paul McCartney là một cặp sáng tác chung hoàn hảo, hai tính cách âm nhạc bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời. Không thể chối cãi, sự đoàn kết như anh em một nhà đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của the Beatles. Và lẽ dĩ nhiên, khi sự đoàn kết đó không còn, thất bại là một điều tất yếu.

Trong vai trò sáng tác chính của ban nhạc John và Paul luôn nắm quyền quyết định ca khúc nào sẽ được thu âm, ca khúc nào bị loại. Đôi khi làm việc chung, đôi khi riêng rẽ, giữa John và Paul luôn có một sự cạnh tranh ngấm ngầm. Lúc đầu sự cạnh tranh chỉ dừng ở chỗ ganh đua để cùng tiến bộ, càng về sau nó càng trở thành sự ganh tị. John luôn miệng chê bai những ca khúc riêng của Paul là “vứt đi” hay “rác rưởi” và tỏ ra thái độ bất hợp tác khi Paul đề nghị thu âm. Nếu có khen một bài hát nào đó của Paul, chắc chắn John sẽ kèm thêm một câu đại loại như: “nếu để tôi hát chính thì bài hát sẽ hay hơn.” Trái lại, Paul luôn kiên quyết làm được những gì mình muốn làm, bất chấp mọi lời khích bác. Có những ca khúc Paul bắt nhóm thu đi thu lại trên 50 lần mà vẫn chưa vừa ý. Thậm chí anh còn lấn sân bằng cách lén xoá đi phần guitar của John hoặc George để thu lại cho vừa ý mình. Sự cầu toàn thái quá của Paul đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong nhóm.

Trong khi hai ông lớn tranh giành ảnh hưởng với nhau từng chút một thì George Harrison, thành viên nhỏ tuổi và ít lời nhất của nhóm phải chịu một sự bất công quá đáng. Những ca khúc của anh đều bị gạt ra một cách không thương tiếc. Hoặc hoạ may John và Paul chỉ đồng ý cho George thu một hai ca khúc của mình sau khi đã thu xong hơn mười bài của họ. Có hai lí do dẫn đến sự chèn ép vô lí này. Lí do thứ nhất là cả John và Paul đều muốn nắm giữ vị trí độc tôn về  mặt sáng tạo nghệ thuật. Trong mắt của hai người thủ lĩnh, George vẫn là một cậu bé đàn em, không có tư cách đứng chung sân với mình. Trên thực tế thì kĩ thuật chơi guitar của George hơn hẳn John và Paul. Tài năng sáng tác của anh cũng được khẳng định qua những ca khúc thuộc hàng hay nhất của Beatles như “Something”, “While My Guitar Gently Weeps” hay “Here Comes the Sun”. Về nghệ thuật, George đã đóng góp không nhỏ vào thành công của Beatles khi đưa âm nhạc dân gian Ấn Độ vào trong hoà âm và phối khí tạo một âm hưởng huyền bí. Rõ ràng, George không phải là một người bất tài. Lí do thứ hai khiến những sáng tác của George thường bị từ chối là một lí do khá tế nhị. Nguời sáng tác ca khúc ngoài tiền lợi nhuận thu được từ số lương đĩa bán ra còn nhận thêm 30% tiền bản quyền tác phẩm. Điều đó có nghĩa là số lượng tác phẩm tỉ lệ thuận với số tiền thu nhập do bán bản quyền. Ở vai trò nhạc công trong ban nhạc, George và tay trống Ringo chỉ nhận được 1,5% trên tổng doanh thu bán đĩa, một thu nhập không thấm tháp vào đâu so với số tiền khổng lồ của John và Paul kiếm được qua tác quyền. Điều này khiến George cực kì bất mãn. Những ca khúc solo của anh sau này như “Not Guilty” hay “Wah wah” thể hiện rất rõ sự bất mãn khi bị đối xử không công bằng.

 Mâu thuẫn cá nhân do cạnh tranh ngày càng được khoét sâu khi Yoko Ono luôn xuất hiện với John như hình với bóng. Điều này phá vỡ qui luật bất thành văn của nhóm- không một thành viên nào có quyền mang vợ hay người yêu vào phòng thu trong lúc đang thu âm. Chẳng những ở lì trong phòng thu với John, Yoko còn mang cả giường ngủ vào và sẳn sàng lên tiếng phê bình cách chơi nhạc của những người còn lại mặc dù bản thân mình không hiểu biết gì nhiều về nhạc rock. Chẳng những không can thiệp, John còn hưởng ứng những hành động thái quá của Yoko. Sự quá đáng này khiến cho Ringo Starr, thành viên hiền lành và dễ dãi nhất của nhóm cũng phải bực bội và căn vặn John về sự hiện diện túc trực của Yoko. Rõ ràng việc kết tội Yoko gây chia rẽ nội bộ của nhóm Beatles và làm John trở nên quái đản hơn trong mắt mọi người không phải là không có căn cứ.

Nếu ai đã từng xem bộ phim tài liệu “Let It Be” của Beatles sẽ có thể thấy rằng, sự chia tay là không tránh khỏi. Trong một cảnh quay ở trường quay Twickenham,  John và Yoko ngồi tụm lại một góc thì thầm với nhau những điều gì không rõ, mặc kệ những người xung quanh. George thì nhẫn nại hứng chịu những lời phê bình và chỉ trích của Paul về cách chơi guitar như thế nào cho hay. Còn Ringo thì ủ rũ gõ trống cho có lệ. Cả trường quay bị bao phủ bởi một không khí vừa căng thẳng vừa lạnh lẽo. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi George, sau khi chịu đựng hết nổi sự chỉ đạo của Paul và sự thờ ơ của John, đã đứng bật đậy, nói với Paul một cách bực dọc: “Thôi được, hoặc là tôi chơi theo cách của anh hoàn toàn, hoặc là tôi sẽ không chơi gì nữa.” rồi xách đàn ra về. Với tư cách một nhạc sĩ, George cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Trả lời phỏng vấn, anh bày tỏ tâm sự của mình: “Đối với Eric Clapton hay Bob Dylan, tôi nhận được sự tôn trọng như một nghệ sĩ thực sự. Còn đối với Beatles, tôi chỉ là một nhạc công chơi lót không hơn không kém. Tôi không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục chơi nhạc với Paul trong cùng một ban nhạc một lần nữa.”

Sau bao nhiêu năm được khoác lên người, chiếc áo the Beatles đã trở nên quá chật chội đối với những cái tôi đang lớn dần. Khi các thành viên trong một tập thể từ chối nghe nhau và hiểu nhau vì ai cũng có một mục tiêu riêng và cái tôi cá nhân quá lớn, tập thể đó chắc chắn sẽ không tồn tại. Khi chưa có tiền bạc và danh vọng, nhóm Beatles luôn cần có nhau để đạt được mục đích đó nên họ đã kết hợp thật chặt chẽ và bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời. Nhưng khi đã có được mọi thứ trong tay, cái họ cần là sự tự do để khẳng định bản than mình. Cái tên Beatles ngày nào đã trở thành một gánh nặng mà ai cũng muốn tìm cách thoát ra và chứng tỏ mình là John Lennon, là Paul McCartney, là George Harrison, những nghệ sĩ độc lập tài năng chứ không phải là thành viên của một nhóm nhạc nổi tiếng.

Tát nước để cứu một con tàu đang chìm dần là việc làm vô ích

Allen Klein
Thật vậy, với tình hình kinh doanh thua lỗ liên tục và mâu thuẫn cá nhân ngày một nặng nề thì sự xuất hiện của Allen Klein, người quản lí mới của ban nhạc do John, George và Ringo chọn lựa chỉ là một nỗ lực vô vọng. Là người nổi tiếng tham vọng cũng như cách hành xử mafia trong công việc, với vai trò ông bầu của nhóm Rolling Stones, Allen Klein đã đem lại nhiều thành công đáng kể cho nhóm này. Với sự thuyết phục của Yoko, John đồng ý để cho Allen Klein về quản lí công ty Apple lẫn nhóm Beatles. Điều này vấp phải sự phản đối gay gắt của Paul, người đang muốn sử dụng cha vợ và anh vợ của mình để làm quản lí. Tuy nhiên, với ba phiếu thuận từ John, George và Ringo, Paul đành phải nhượng bộ để Allen Klein giữ ấn kiếm. Để trả đũa, Paul sử dụng cha vợ và anh vợ làm quản lí riêng và lén lút mua lại 51% tác quyền những ca khúc của Beatles và trở thành ngưòi độc quyền khai thác chúng. Điên tiết do bị chơi xỏ, ba tay Beatles còn lại và Allen Klein đâm đơn kiện Paul và bị Paul kiện ngược lại. Và sau khi nhóm Beatles tan rã, Allen Klein đã kiện tất cả những thành viên còn lại do vi phạm hợp đồng quản lí, bắt đầu cho chuỗi ngày kiện tụng lẫn nhau của những người trước đây từng là bạn bè chí cốt của nhau. Được dịp tốt, các tờ báo lá cải thi nhau thêm mắm dặm muối vào những lời phát biểu của mỗi thành viên để biến chúng thành những cuộc cãi nhau thực sự nhằm trục lợi từ những mâu thuẫn của nhóm.

Allen Klein chụp ảnh cùng Ban Beatles 

 Công bằng mà nói, Allen Klein đã nỗ lực rất nhiều trong việc vực dậy tên tuổi của Beatles. Việc làm đầu tiên của ông này khi về quản lí là sa thải hơn 1/3 số nhân viên ăn không ngồi rồi của công ty Apple và bắt đầu kế toán lại sổ sách tính ra con số nợ cụ thể mà công ty phải gánh. Tiếp theo là việc đề ra kế hoạch kinh doanh để trả nợ trong tương lai bao gồm dự án “Get Back”, một dự án kết hợp việc thu âm album mới theo phong cách live, phát hành hai album tổng hợp những bài hit cũ của nhóm, một bộ phim tài liệu ghi hình lại quá trình thu âm album và một tour diễn hoành tráng sau hơn 4 năm ngừng đi lưu diễn. Theo dự tính, lợi nhuận thu được từ những buổi diễn live thôi cũng đã lên tới 2 triệu bảng Anh, dư sức trả số nợ mà công ty Apple đã gây ra. Tuy nhiên, dự án mang cái tên đầy hi vọng “Get Back” đã bị các thành viên bỏ dở không thèm ngó ngàng tới để lo cho những dự án riêng tư của mình. Và một lần nữa, ông bầu Allen Klein đã đắc tội với Paul khi dám tự tiện nhờ nhà sản xuất Phil Spector chỉnh sửa khá nhiều những ca khúc trong album “Let It Be” album cuối cùng của nhóm  mà trong đó có nhiều bài của Paul. Tức nước vỡ bờ, Paul quyết định không dời ngày phát hành album solo của mình lại và lên báo tuyên bố mình sẽ rời khỏi Beatles. Nhóm Beatles chính thức bị khai tử.

Kết luận

Có lẽ đối với những ai còn ấm ức trước sự tan rã của một ban nhạc the Beatles, bài phân tích này hi vọng phần nào sẽ giải toả được tâm lí bất mãn trên. Cũng như bao nhiêu chuyện lớn nhỏ khác trên đời, đoạn kết tuy không có hậu của một huyền thoại đều tuân theo một qui luật thịnh suy, hưng vong không tránh khỏi. Sự thất bại của the Beatles là một điều tất yếu khi quyền lợi cá nhân mạnh hơn tập thể. Mặc dù không ai mong đợi nhưng sự tan rã này là điều ai cũng có thể dự đoán được. Một Beatles tập thể không còn, nhưng những cá nhân xuất sắc của nhóm vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật của mình trong nhiều năm sau đó. “Hùm chết để da, người chết lưu danh”, với những thành tựu xuất sắc không thể phủ nhận trong nghệ thuật, cái tên the Beatles chưa bao giờ thật sự chết đi trong lòng người hâm mộ. Đó mới là điều quan trọng nhất.


(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học  xuất bản.

0 nhận xét:

The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.2)


Âm nhạc nối liền hai bờ Đại Tây Dương.
King of Rock 'n' Roll - Elvis Presley
Năm 1956, cả nước Mỹ lên cơn sốt bởi một chàng trai trẻ với cái tên Elvis Presley. Với mái tóc chải ngược về phía sau, cây đàn guitar khoác hờ trên vai, những cái lắc hông gợi tình và giọng ca rực lửa, Elvis Presley khiến giới trẻ điên đảo và những phụ huynh đứng đắn lên cơn đau tim vì tức giận qua phần trình diễn ca khúc “Heartbreak Hotel” trên show truyền hình tạp kĩ của Ed Sullivan. Thứ âm nhạc kích động mang tên rock and roll ra đời từ khi đó. Rock and roll là biểu tượng của sức sống trẻ, sự khao khát được tự do yêu đương và tự do thể hiện chính bản thân mình, vượt khỏi mọi sự ràng buộc của xã hội. Đối với những người thế hệ trước, rock and roll là một sự sa đoạ về đạo đức không hơn không kém. Thứ nhất, đó là thứ nhạc giải trí rẻ tiền của người da đen, những kẻ nô lệ tôi tớ trước kia của dân da trắng. Tuy rằng dân da đen đã được tự do, nhưng trong mắt giới trung lưu và thượng lưu da trắng, họ vẫn là những công dân hạng hai. Trên xe bus, trong rạp hát và những nơi công cộng khác, người da đen đều bị cách li khỏi người da trắng như thể họ là một thứ bệnh dịch. Làm sao các quí ông quí bà da trắng có thể chịu được khi con cái của họ say mê và bắt chước hát theo loại nhạc hạ cấp đó được. Thứ hai, rock and roll khơi dậy những ham muốn mang tính bản năng nhất. Nó khiến những thanh niên nam nữ ngoan đạo và vâng lời cha mẹ trốn những buổi lễ ở nhà thờ mà quây quần với nhau cùng nhảy múa theo điệu nhạc cuồng dại. Trong mắt nhiều nguời thủ cựu, rock and roll là thứ nhạc của quỉ dữ cám dỗ và làm sa đoạ con người. Hãy nhìn anh chàng Elvis trên TV kia, trước bao nhiêu cặp mắt như thế mà anh ta dám lắc mông của mình một cách khiêu khích. Còn gì mất mặt hơn, còn gì xấu hổ hơn thế nữa? Nhưng cũng như nhiều điều hiển nhiên khác, cái gì càng bị cấm đoán thì nó càng được khao khát. Mặc cho những định kiến bất công dành cho nó bởi xã hội cổ hủ, nhạc rock and roll vẫn phát triển mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ như một lời thách thức. Và sự phát triển của rock and roll không dừng lại ở đó.

Ở bên kia Đại Tây Dương, nước Anh bảo thủ trên lục địa châu Âu già cỗi cũng chuyển mình trước sự ảnh hưởng của rock and roll. Những thuỷ thủ tàu viễn dương và những lính Mỹ đồn trú tại Anh sau thế chiến thứ hai là những kẻ đã mang thứ âm nhạc kích động này theo bên mình như một đặc sản của quê hương. Là một thành phố cảng, Liverpool đón nhận nhạc rock and roll một cách nồng nhiệt. Những cái tên như Cliff Richard, Donnie Logan hay nhóm Shadows trở thành niềm tự hào của người Anh về nhạc rock. Tuy nhiên ở quê hương của nhạc rock and roll, những ngôi sao của Anh vẫn không gây được một ấn tượng nào mạnh mẽ. Họ vẫn là những bản sao không hoàn hảo của Elvis Presley, Chuck Berry hay Jerry Lee Lewis. Cho đến khi nhóm Beatles ra đời.

Đúng vậy, khi hàng ngàn fan (người hâm mộ) đứng chen nghẹt sân bay JFK để đón bốn chàng trai trẻ tuổi từ Liverpool đến nứơc Mỹ lần đầu tiên và hơn 73 triệu người dán mắt vào TV để xem buổi diễn của nhóm nhạc Anh này trong chương trình tạp kĩ Ed Sullivan show năm 1964, người Anh đã chứng tỏ cho nước Mỹ biết rằng, rock and roll đã không còn là độc quyền của dân Yankee nữa. Người Anh đã tạo ra thể loại rock and roll của họ, thậm chí còn mạnh mẽ và lôi cuốn hơn cả rock and roll của nước Mỹ. Vậy sự hấp dẫn của thể loại rock and roll của Anh nằm ở đâu?

Ban nhạc The Beatles lần đầu tiên lưu diễn tại Mỹ
Hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt mong chờ được gặp bốn chàng trai đến từ Liverpool

Sức mạnh của sự đoàn kết:

“So với Elvis thì cá nhân mỗi người chúng tôi không thể nào bằng được. Nhưng khi bốn chúng tôi hợp lại, Elvis đành phải đầu hàng!” Đó là lời tuyên bố của John Lennon, thủ lĩnh nhóm Beatles khi được so sánh với Elvis Presley trong một cuộc phỏng vấn năm 1964. Thật vậy, thành công của Beatles chính là sức mạnh của tập thể đoàn kết. Nếu trước khi the Beatles ra đời, khái niệm một ban nhạc cùng chia sẻ với nhau mọi việc từ việc sáng tác, hoà âm, chơi nhạc và hát với nhau hoàn toàn chưa có. Thường thì một số nhạc sĩ sẽ được đặt hàng để viết một số ca khúc cho một ca sĩ nào đấy, sau đó ca sĩ đó sẽ thu âm bài hát với sự giúp sức của ban nhạc đệm trong phòng thu. Và nếu có biểu diễn trến sân khấu thì ban nhạc một là sẽ đứng phía sau tấm màn sân khấu hoặc đứng lùi hẳn về phía sau so với ca sĩ. Nói một cách ngắn gọn, tác giả, ca sĩ và ban nhạc đệm là ba thành phần tách rời nhau trong nhạc rock thời đó. Đối với the Beatles thì khác, những thành viên trong ban nhạc cùng viết ca khúc với nhau. Ca từ trong những bài hát của họ có thể ngô nghê và không trao chuốt bằng những nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng nó trong sáng hơn, tự nhiên hơn và có nét riêng đặc sắc hơn. Vì cùng nhau chơi nhạc nên việc trình diễn của họ ăn ý hơn, hoà điệu hơn. Vì là bạn bè than thiết với nhau từ thời niên thiếu, các thành viên của nhóm Beatles dường như hiểu ý nhau rất rõ trong việc phối bè sao cho thật hoà quyện với giọng hát chính. Và trong nhóm, ai cũng có thể là ca sĩ chính cả, kể cả tay trống. Ranh giới giữa nhạc công và ca sĩ bị xoá nhoà vì nhạc công cũng là ca sĩ.. Với tuổi đời chỉ mới đôi mươi, bộ tứ Beatles mang lại sức trẻ sôi nổi cho những buổi diễn. Họ đùa giỡn với nhau trên sân khấu, chọc ghẹo khan giả và luôn luôn cười thật tươi. Nhìn tổng thể, sức hấp dẫn của nhóm Beatles được thể hiện toàn diện với hình thức những chàng trai trẻ sung sức, nói lên tiếng nói của chính bản thân mình một cách thân thiện và tươi trẻ. Có thể nói tất cả những ban nhạc tự sáng tác và tự chơi nhạc của mình sau này đều nợ nhóm Beatles một lời cảm ơn vì nếu không có Beatles, họ đã không có được những gì mình có.

Sức mạnh của các chiến dịch ăn theo



Có thể nói, góp phần rất quan trọng trong việc đưa the Beatles vượt qua mọi rào cản để trở thành số một thế giới là công lao cực kì to lớn của ông bầu Brian Epstein. Mặc dù chơi nhạc hay, nhóm Beatles vẫn không phải là những nhà kinh doanh với tầm nhìn rộng lớn có thể vạch ra một kế hoạch chinh phục thế giới hoàn hảo. Chính ông Brian Epstein đã đưa nhóm Beatles ra khỏi những quán bar tăm tối đầy mùi rượu và thuốc lá ở Liverpool để đặt họ vào những khách sạn sang trọng nhất trên thế giới, thậm chí vào cả điện Buckingham của nữ hoàng Anh để nhận huy chương MBE (Members of the British Empire). Chính ông Brian Epstein đã xây dựng nên hình tượng những con bọ với mốt tóc moptop nổi tiếng và những bộ veston lịch lãm. Để chinh phục được nhiều tầng lớp khán thính giả khác nhau, bộ cánh nổi loạn áo khoác da và quần jean bạc phếch được thay thế bằng những bộ vest thanh lịch.

Chính Brian Epstein đã xây dựng nên hình tượng những con bọ 
với mốt tóc moptop nổi tiếng và những bộ veston lịch lãm. 

Dưới tài phù phép của ông Epstein, nhóm Beatles nhìn vừa đứng đắn vừa năng động, giống những chàng sinh viên trí thức biết chơi nhạc hơn là những nhạc công quán rượu nhếch nhác. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi con mình mua đĩa của nhóm Beatles. Cũng chính ông Epstein đã dốc tiền túi mua hết những đĩa đơn phát hành đầu tiên của nhóm để bài “Love Me Do” lọt vào bảng xếp hạng ở vị trí 17, một vị trí tuy khiêm tốn nhưng cũng đủ để cho mọi người chú ý đến nhóm. Với tài ngoại giao tuyệt vời của mình, ông Epstein không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để quảng bá tên tuổi của nhóm Beatles trong và ngoài nước. Và khi the Beatles chinh phục được nước Mỹ, đầu óc kinh doanh của ông Epstein đã mách bảo cho ông biết rằng tất cả những gì có tên Beatles đều đồng nghĩa với hai chữ “lợi nhuận”. Thế là hàng ngàn  sản phẩm mang tên Beatles lần lượt ra đời, từ tóc giả Beatles, kẹo chewing gum Beatles, nhãn vở Beatles, cho đến kem đánh răng và quần lót phụ nữ có in hình nhóm Beatles. Trong thời gian cơn cuồng Beatles lên đến đỉnh điểm từ giữa năm 1963 đến cuối năm 1964, có hàng triệu thương phẩm ăn theo Beatles đựoc bán ra với lợi nhuận thu được lên đến sáu số không, một kỉ lục thương mại ăn theo giải trí mà chưa ai có thể phá được, kể cả Elvis Presley. Sự nhạy bén trong kinh doanh đã biến tài năng âm nhạc của Beatles thành “con gà đẻ trứng vàng” đúng nghĩa.


Sức mạnh của sự cách tân và cải tiến trong nghệ thuật

Nếu nhìn lại cả giai đoạn cao trào của cơn Beatlemania một cách công bằng, những fan âm nhạc khó tính sẽ lên tiếng phê phán sự dễ dãi của những nguời thần thánh hoá nhóm Beatles vì xét cho cùng, ngoài sự đoàn kết gắn bó, sự trẻ trung sôi nổi, và sự đỡ đầu của một ông bầu thông minh, nhóm Beatles thời kì 63-65 vẫn chưa xứng đáng được xem như một huyền thoại. Thật vậy, mặc dù các ca khúc của Beatles thời gian đó có giai điệu hay và dễ thuộc, hầu hết chúng đều không có một chiều sâu nghệ thuật để tồn tại mãi mãi với thời gian. Với sức ép của thị trường và thời khoá biểu sát sao của những chuyến lưu diễn bất tận, những sáng tác của Beatles của Beatles thời kì đầu gói gọn trong công thức thương mại: sôi động, kích thích đôi chân nhún nhảy, không dài quá ba phút, phối âm đơn giản với guitar, trống, bass và nói về tình yêu của tuổi teen. Nói tóm lại, nhóm Beatles trong thời kì đầu là một ban nhạc thị trường đúng nghĩa, tạo ra thị trường và chịu sự chi phối của thị trường do chính mình tạo ra.

Rất may mắn cho nhóm Beatles và dĩ nhiên là cũng rất may mắn cho những fan thực sự của nhóm, the Beatles không phải là những nhạc sĩ, ca sĩ thị trường vì lẽ dĩ nhiên, nếu họ thuộc về thị trường, họ sẽ bị chính thị trường đào thải khi có một làn sóng khác mạnh hơn cuốn qua. Vậy mà trong hơn nữa thế kỉ nay, cái tên the Beatles vẫn đứng vững vàng trứơc bao nhiêu thay đổi của các trào lưu âm nhạc. Điều kì diệu đó là do chính dộng lực luôn làm mới mình của những nghệ sĩ chân chính. 

Không vừa lòng với thành công do tên tuổi mình tạo ra, những con bọ Beatles luôn trăn trở dể cải tiến chính mình. Việc đó bắt nguồn tự sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai tay sáng tác chính John Lennon và Paul McCartney. Từ việc viết ca khúc chung với nhau, cả hai tách riêng làm việc để tạo ra những tác phẩm mang đậm tính cá nhân hơn. Khi đã quá ngán ngẩm với những “She loves you yeah yeah yeah” hay “I wanna hold your hand”, John và Paul bắt đầu viết những ca khúc sâu sắc nói về nỗi cô đơn của con người, ảnh hưởng của thế giới vật chất đối với đời sống tâm linh hay lời mỉa mai châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội và trên tất cả, sự đấu tranh cho quyền tự do của con người trên khắp mọi nơi trên thế giới. Cá tính đặc trưng của từng thành viên được thể hiện rõ qua từng tác phẩm riêng. John luôn cay đắng, châm biếm và rất thích chơi chữ với thể loại rock thô ráp, mạnh mẽ. Paul thì nhẹ nhàng bay bổng và lãng mạn với những bản tình ca đẹp như thơ. Còn George Harrison, tuy không đóng góp nhiều như John và Paul, cũng tạo được dấu ấn rất riêng bằng những ca khúc mang đậm chất thiền và triết lí phương đông qua giai điệu mang âm hưởng Ấn Độ. Chính sự cạnh tranh bên trong đã khiến cho nhóm Beatles trở nên hấp dẫn và đa dạng hơn. Sự trải nghiệm cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ đã giúp cho những ca khúc của nhóm giai đoạn 1966-1969 mang đậm tính nhân văn và chiều sâu cảm xúc.

 George Martin được coi là nhà sản xuất, thu âm, phối khí, chỉ đạo nghệ thuật, nhạc công và kỹ thuật viên phòng thu vĩ đại nhất mọi thời đại với hơn 30 ca khúc số 1 tại Anh và 23 ca khúc số 1 tại Mỹ. George Martin cũng được coi là Beatle thứ năm khi ông là người có vai trò quyết định trong các album của The Beatles

George Martin
Sự cách tân trong nội dung ca từ đã dẫn đến sự thay đổi trong phương thức biểu diễn và thu âm. Những phối âm đơn giản do trống, bass và guitar mang đến đã không còn đủ sức để truyền tải nội dung ngày càng phức tạp của ca từ. Chính vì lí do đó mà nhóm không ngừng tìm kiếm những âm thanh mới. Việc ngừng lưu diễn hoàn toàn để tập trung vào thu âm những ca khúc chất lượng là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc cách mạng Beatles. Với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhóm Beatles đã tạo nên những siêu phẩm âm nhạc như Revolver (1966), Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967) và Abbey Road (1969). Không để mình bị bó buộc vào thể loại rock and roll đơn điệu, nhóm Beatles sử dụng khá nhiều thể loại nhạc khác nhau như folk, country, blues, jazz, cabaret, reggae, heavy rock, nhạc điện tử và thậm chí là nhạc dân gian của Ấn Độ để hoà âm và phối khí với nhiều nhạc cụ khác nhau từ dàn nhạc hoà tấu cổ điển cho đến những thiết bị âm thanh hiện đại nhất thời bấy giờ như Mellotron hay bộ tổng hợp âm Moog. Thậm chí những thứ thông dụng trong đời sống như hộp diêm, lược chải tóc, giấy hay nước cũng được nhóm sử dụng để tạo hiệu ứng trong âm nhạc. Và nếu như công lớn giúp đưa tên tuổi của Beatles trở thành một nhãn hiệu thương mại quốc tế thuộc về ông Brian Epstein, công lao nâng cấp nghệ thuật và sang tạo của Beatles chắc chắn phải thuộc về ông George Martin, thầy phù thuỷ đứng sau những tác phẩm ghi âm của nhóm. Chỉ có ông Martin mới có đủ kiên nhẫn và niềm tin để biến những ý tưởng điên rồ xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của John Lennon thành hiện thực. Chỉ có ông Martin mới có khả năng chiều lòng Paul thuê cả dàn nhạc giao hưởng vào chỉ để chơi 25 giây trong đoạn nối của ca khúc “A Day in the Life”. Và cũng chỉ có ông  Martin mới đồng ý cho George Harrison mang những nhạc công Ấn Độ vào hoà tấu với dàn nhạc dây cổ điển phương Tây trong những tác phẩm của mình. Tóm lại, chính ông Martin là người lắng nghe, thấu hiểu và tìm mọi cách thực hiện bằng được những yêu sách “không giống ai” của nhóm Beatles trong việc thu âm. Vì không biết đọc và viết nhạc nên những yêu cầu về phối khí của John, Paul hay George đều rất mơ hồ. Họ chỉ có thể nói được những cảm nhận mà họ có được. Ví dụ như John đã từng đòi hỏi rằng: “người nghe phải ngửi được mùi của bột mạt cưa và kim tuyến khi nghe bài hát Being for the Benefit of Mr. Kite như đang ở trong một rạp xiếc thực thụ.” Với những nhà sản xuất khác, yêu sách đó có thể bị bác bỏ, nhưng đối với ông George Martin, mỗi đòi hỏi là một thử thách và ông luôn tìm cách giúp nhóm hoàn thành ý nguyện của mình. Chính sự cầu tiến và nghiêm túc trong công vịêc khiến cho âm nhạc của Beatles luôn đa dạng về âm sắc và quyến rũ về giai điệu.

Ý nghĩa xã hội của hiện tượng Beatles
Có thể chia sự nghiệp của nhóm Beatles ra hai giai đoạn chính: giai đoạn từ 1963-1966, giai đoạn thành công trong thương mại và giai đoạn từ 1966-1970, giai đoạn trưởng thành về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, dù cho bất kì trong giai đoạn nào, nhóm Beatles luôn đóng vai trò tiên phong, là cánh chim đầu đàn trong sự đổi mới.

Sự nổi tiếng của Beatles khiến tỉ lệ tội phạm ở Liverpool giảm hẳn. Các băng đảng thanh thiếu niên thay vì tụ tập gây rối hoặc đánh nhau thì nay lập những ban nhạc để chơi với hi vọng đổi đời, thoát khỏi đời sống lao động cực nhọc nơi bến cảng. Không những ở Liverpool mà ở cả những thành phố khác của Anh như Birmingham, Manchester, và London, hang loạt các ban nhạc mọc lên như nấm. Trong hơn ba trăm ban nhạc đựơc thành lập trong giai đoạn 1963-1965 trên khắp nước Anh, có nhiều ban nhạc đã thực sự thành danh và góp phần vào phong trào British Invasion, cuộc xâm lấn của người Anh về văn hoá trên đất Mỹ, như Rolling Stones, the Who, Kinks, the Hollies. Và từ đó trở đi, thị trường âm nhạc thế giới được chia đều cho cả Anh và Mỹ chứ không còn là độc quyền của nước Mỹ nữa.

Nữ Hoàng Elizabeth 2 trao Huân chương Members of the Britisht Empire cho bộ tứ The Beatles

Do những đóng góp to lớn của mình về mặt văn hoá nhất là do số ngoại tệ khổng lồ mà nhóm Beatles mang lại cho nước Anh qua những sản phẩm âm nhạc, bộ tứ đã phá lệ trở thành những chàng thanh niên thuộc giai cấp lao động đầu tiên được nữ hoàng Anh ban cho huân chương cao quí Members of the British Empire. Khi bị giới quí tộc Anh phản đối vì cho rằng nhóm Beatles không xứng đáng được hựởng vinh dự trên, John đã phản pháo: “Chúng tôi giành được vinh dự này từ việc tạo nên âm nhạc, còn các ông có được huân chương nhờ tạo ra chiến tranh. Vậy thì ai xứng đáng hơn ai?” Lập luận của John không phải là không có cơ sở.

Trong giai đoạn 1967-1970, mặc dù không còn gắn bó đoàn kết với nhau như thời gian đầu, nhóm Beatles vẫn trở thành những nhà tiên tri của thời đại hippie. Với phương châm: “nghệ thuật là một sự sáng tạo không có giới hạn”, nhóm đã thành công trong việc đưa nhạc rock từ một thể loại âm nhạc thuần tuý thị trường trở thành một dạng nghệ thuật nghiêm túc với nhiều thể loại phong phú và đa dạng. Nhờ Beatles mà các nhóm nhạc rock sau này chịu khó đào sâu về mặt tư duy hơn để cho ra đời những tác phẩm thực sự có giá trị để khẳng định bản thân mình và để cạnh tranh trên thị trường. Nếu như thứ nhạc rock của Elvis Presley và Jerry Lee Lewis chỉ đơn thuần nói về tình yêu của tuổi trẻ và khẳng định cái tôi cá nhân một cách bộc phát, thứ âm nhạc mà Beatles đã làm được sứ mạng to lớn hơn: kết nối những trái tim lại với nhau. Nó đi vào từng ngõ ngách của tâm hồn con người, chạm vào những nỗi buồn thầm kín nhất và xoa dịu chúng bằng những giai điệu thật đẹp. Âm nhạc của Beatles thách thức sự đào thải khắc nghiệt của thời gian vì đơn giản nó không phải là một thứ thời trang thịnh hành trong chốc lát rồi bị chìm vào quên lãng. Các cô cậu thanh thiếu niên từng say mê âm nhạc của ban nhạc Beatles trong thập niên 60 giờ đã trở thành những ông bà già lưng còng tóc bạc. Và nhiều người trong số họ chắc hẳn đã rất hãnh diện khi những đứa cháu của mình cũng tập làm quen và bắt đầu nghiện nhạc của the Beatles.  Âm nhạc của Beatles cũng không phải là tài sản của một tầng lớp giai cấp nào cả vì mỗi thính giả của thứ nhạc này đều thấy được một phần của mình trong những ca khúc. Bằng tiếng nói riêng của mình, đôi khi có phần ngây thơ và cảm tính, âm nhạc của the Beatles đã dám đấu tranh cho lẽ phải, chống lại những nghịch lí bất công của xã hội áp đặt cho con người. Tất cả những gì chúng ta cần là tình yêu. Thật vậy, chỉ có tình yêu là tồn tại mãi mãi và đó cũng là tất cả những gì mà nhân loại trên thế giới này cần để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chừng nào triết lí “All you need is love” vẫn còn giá trị thì giá trị của the Beatles, người đã tạo ra nó, vẫn còn nguyên vẹn mặc cho những biến đổi không ngừng của thế giới.

(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học  xuất bản.

1 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.