The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.16)


SGT PEPPER’S LONELY HEARTS CLUB BAND (1967)

Năm 1967 là một năm quan trọng trong lịch sử của âm nhạc đương đại. Nó đánh dấu sự toàn cầu hoá của chủ nghĩa hippie và cái được gọi là “mùa hè của tình yêu”. Ở Mỹ, khi các nhóm acid rock như Doors, Jefferson Airplane, Grateful Dead bắt đầu cho ra đời những album mang tính thử nghiệm với ảnh hưởng của ma tuý ngày càng rõ rệt thì ở Anh, Beatles là nhóm đầu tiên khơi mào cho loại âm nhạc đầy tính sáng tạo. Nếu như Revolver đánh dấu sự bứt phá của nhóm ở mức ban đầu thì Sgt. Pepper năm 1967 làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mọi người về khái niệm album. Cho đến những năm giữa thập niên 60, thành công của một ban nhạc còn dựa vào sự phổ biến của đĩa single. Thông thường, nếu một nhóm nhạc có đĩa single bán chạy và có tên trên bảng xếp hạng thì hãng đĩa sẽ góp nhặt khoảng mười bài hát vô thưởng vô phạt nào đó để cho nhóm nhạc đó thu âm rồi dồn tất cả vào một album. Và một single ăn khách cho tới thời điểm đó phải thoả mãn ba yêu cầu nhất định: không được dài quá ba phút, có nội dung về tình yêu, càng đơn giản càng tốt và quan trọng là phải dễ thuộc.. Nhưng Beatles là một nhóm hoàn toàn không chịu để khả năng sáng tạo tuyệt vời của mình bị trói buộc bằng những qui định mang đầy tính thương mại như vậy. Với single “Penny Lane/ Strawberry Fields Forever” nhóm làm các fan cũ sửng sốt thậm chí quay lưng. Nhưng bù lại, Beatles mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến những đối tượng trước đây chỉ xem nhóm như là một nhóm nhạc pop bình thường. Khi Sgt Pepper ra đời, bỗng nhiên mọi bài hát trong album đều có giá trị ngang nhau, và các bài hát trong đĩa single không xuất hiện trong album như một chiêu thức câu khách. Điều đó có nghĩa là người nghe nhạc mua album để thưởng thức những ca khúc hoàn toàn mới chứ không phải mua album vì đĩa đơn trích từ album đó ra đạt được thành công. Với 130 ngày thu âm cùng với những điều kiện thu âm hiện đại nhất, nhóm có cơ hội vươn tới những giới hạn thiên tài và điên rồ nhất của sáng tạo. Trong album này, người nghe có thể cảm nhận được sự kết hợp hài hoà giữa rock, blues, jazz với nhạc thánh ca hay thể loại country and western. Và dĩ nhiên công thức guitar + bass + trống không còn đủ sức để chuyển tải sự vĩ đại về mặt nghệ thuật và tư tưởng của album này nữa. Thay vào đó là sự tận dụng hiệu ứng của dàn nhạc dây, bộ kèn đồng, bộ kèn gỗ và cả dàn nhạc dân tộc của Ân Độ.

Nhiều người vẫn cho rằng Sgt. Pepper là concept album đầu tiên của nhạc rock, thật ra điều này không chính xác lắm. SP chưa bao giờ là một concept album theo đúng nghĩa của từ này mặc dù nó được dự định làm theo hướng đấy. Giữa các bài hát trong album không có mối liên kết như các bài hát trong một concept album thực sự ngoài trừ ca khúc chủ đề “Sgt. Pepper’s Lonely Heart Club Band” và phần reprise của nó. Nỗ lực thực hiện một loạt các ca khúc có liên quan chặt chẽ về mặt nội dung của nhóm bị thất bại vì John và Paul đều sáng tác riêng và những tác phẩm của họ mặc dù không có sự kết nối nhưng lại quá hay để bị loại.Thật vậy, một điều không thể chối cãi được là mỗi ca khúc trong album đều có một vẻ đẹp không cưỡng lại được và được tác giả đầu tư khá kĩ lưỡng về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Có thể nói nguyên cả album là một phòng triển lãm tranh theo phong cách trừu tượng và mỗi bài hát là một bức tranh có giá trị nghệ thuật riêng. Trong suốt cả album, không có bài hát nào chỉ đơn thuần nói về tình yêu trai gái bình thường. Một điều quan trọng hơn nữa là SP khuyến khích các nhóm nhạc và nghệ sĩ Anh viết và hát về những gì xung quanh mình, về cuộc sống của những người Anh chứ không phải hát lại hoặc bắt chước theo người Mỹ. Có thể nói không ngoa rằng, từ sau album này, British pop mới thực sự được sinh ra với những nhóm nhạc Anh viết và hát những ca khúc “thuần Anh” như Kinks, Bee Gees, Traffic, những nhóm nhạc theo gót Beatles đưa văn hoá Anh vào âm nhạc của mình.

Bìa Album Sgt. Pepper Lonely Heart Club Band

Về mặt hình ảnh, nhóm Beatles đã thay đổi hình tượng của mình bằng cách để tóc dài và ria mép từ khi làm album Revolver, tuy nhiên, họ vẫn chưa thực sự dám giới thiệu hình ảnh mới của mình với công chúng cho đến khi phát hành single “Penny Lane/ Strawberry Fields Forever”. Điều này giải thích tại sao Beatles lại chọn giải pháp cắt dán những hình ảnh của nhóm trên báo từ những năm trước để làm bìa cho album Revolver. Sự thay đổi về mặt nghệ thuật cũng như hình ảnh bên ngoài đối với Beatles là một thắng lợi lớn, nhưng đối với ông Brian Epstein, đó là một trong những bất lợi. Với vai trò là một người quản lí, lợi nhuận chính mà ông Epstein thu đựơc là từ những show diễn live của nhóm. Việc Beatles quyết định ngừng lưu diễn vĩnh viễn là một đòn khá nặng giáng vào vai trò dẫn dắt và quan trọng hơn là chén cơm của ông Epstein. Giờ đây, các con bọ trút bỏ luôn cái vỏ bên ngoài “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” để khoác vào cái lớp vỏ già dặn hơn là hoàn toàn đi ngược lại qui luật của thị trường. Ông Brian có thể không quan tâm đến sự phát triển về mặt âm nhạc của nhóm vì điều đó không có lợi gì cho ông một khi Beatles thay đổi hình tượng và ngừng lưu diễn. Ngược lại, nhóm Beatles cũng không cần quan tâm đến cái gọi là lợi nhuận thị trường của thời kì “đầu nấm” với những chuyến lưu diễn và họp báo bất tận. Điều quan trọng nhất đối với Beatles trong thời điểm đó là chứng tỏ được năng lực sáng tạo thật sự của mình. Từ bỏ vai trò những ngôi sao nhạc pop, tứ quái bắt đầu gánh vác sứ mạng nặng nề hơn, sứ mạng của những nhà tiên tri, những người lãnh đạo về văn hoá (hay đúng hơn là của phong trào phản văn hoá) của giới trẻ trong thập niên 60.

Với tầm vóc vĩ đại của album, tất nhiên bìa đĩa cũng là một chuyện đáng phải bàn đến. Ý tưởng về bìa đĩa của SP là do Paul đề xướng với ý nghĩa là “mọi người” tập hợp xung quanh tâm điểm là tứ quái trong hình tượng mới Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Và dĩ nhiên, “mọi người ở đây” không phải là bất cứ ai mà là những người nổi tiếng, trong đó có cả nhóm Beatles cũ. Bìa đĩa thể hiện tham vọng của nhóm Beatles vượt lên tất cả những đỉnh cao về mặt văn hoá, chính trị, nghệ thuật của thời đại. Mỗi thành viên của Beatles được hỏi ý kiến về việc chọn lựa những gương mặt muốn đưa lên bìa đĩa. George muốn sử dụng những hình ảnh các thầy tu Ấn Độ, Ringo thì không hứng thú lắm với chuyện này nên để việc chọn lựa cho John và Paul đảm nhiệm. Trong số những gương mặt mà John chọn có chúa Jesus, thánh Gandhi của Ấn Độ và nhà độc tài Hitler. Với scandal Beatles nổi tiếng hơn chúa Jesus năm trước, hãng EMI không dại gì mà đưa hình ảnh chúa Jesus lên bìa đĩa một lần nữa. Hình của Hitler cũng bị loại do không muốn chọc giận người Do Thái mà gần nhất là ông Brian Epstein. Cuối cùng cả hình của Gandhi cũng bị loại vào giờ chót thay vào đó là hình của nữ diễn viên Diana Dors. Người khổ nhất trong vấn đề này không ai khác hơn là ông Epstein. Là đại diện của nhóm về mặt pháp lí, ông Epstein phải liên hệ với hầu hết những người có mặt trên bìa đĩa để xin phép họ cho sử dụng hình ảnh của mình trong vòng thời gian một tuần. Nhiều người tỏ ra dễ chịu nhưng cũng có nhiều ngôi sao không cảm thấy thoải mái trong việc sử dụng hình ảnh của mình trên đĩa của Beatles. Shirley Temple đòi phải cho nghe album trước khi cho phép sử dụng hình của mình còn Marlon Brando thì lúc đầu cực lực phản đối. Cho đến ngày chụp bìa đĩa vẫn có hơn một nửa số nhân vật chưa được xin phép. Do quá căng thẳng vì sợ bị thưa kiện, trong chuyến bay từ New York về London, ông Epstein đã đánh điện về cho trợ lí của mình rằng nếu ông có mệnh hệ nào do tai nạn máy bay thì album phải được phát hành với bìa giấy màu nâu đơn giản để tránh phiền phức về mặt pháp luật.

Pete Blake, người chịu trách nhiệm thiết kế bìa đĩa phải mất hai tuần để sắp xếp các nhân vật cho hợp lí. Nhóm Beatles xuất hiện với bộ quân phục kiểu Victorian sặc sỡ và thay vì cầm những cây guitar quen thuộc, nhóm lại ôm những cây kèn như một ban quân nhạc. Mặt trống Ludwig với logo Beatles nổi tiếng được thay thế bằng mặt trống kẻ tên Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Các nhân vật đứng cùng hàng với Beatles là tượng sáp được mượn từ bảo tang Madam Tussaud, còn lại tất cả đều được làm bằng bìa cứng.

Không chỉ dừng ở đó, bên trong đĩa là cuốn sách mỏng với tên của tất cả các nhân vật ngoài bìa đĩa được đánh số thứ tự cẩn thận theo trình tự sắp xếp, một postcard, hai cầu vai và huân chương cùng với ria mép của Sgt. Pepper và một bức hình nổi của nhóm Beatles có thể cắt ra, (những thứ này không có trong booklet của đĩa CD). Và quan trọng hơn hết là lần đầu tiên trong lịch sử nhạc pop, tất cả lời của các ca khúc được in ở phần mặt trong của bìa đĩa kèm theo album.

Như vậy với khẩu hiệu “a splendid time is guaranteed for all,” và một album được đầu tư cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất, SPLHCB ngay từ khi chưa phát hành đã đảm bảo một thành công rực rỡ. Thật vậy, khi được phát hành ngày 1/6/67 ở Anh, album đã leo thẳng lên hạng nhất bảng xếp hạng và bán được 250.000 bản ngay trong tuần đầu tiên. Ở Mỹ, thắng lợi của album còn kinh khủng hơn. Ngay từ lúc trước phát hành, album đã được đặt hàng trước 1 triệu bảng và trong vòng ba tháng đầu tiên, doanh số bán ra đã vượt con số 2,5 triệu bảng. Album đã đứng nhất Billboard suốt 15 tuần liên tiếp. Cho đến nay, album đã được bán trên 30 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 1968, album này được đề cử 7 giải Grammy và giành được bốn giải ở các hạng mục: album của năm, bìa đĩa đẹp nhất, hoà âm phối khí hay nhất và album đương đại hay nhất. Trong tất cả những cuộc bầu chọn album của các tờ báo âm nhạc uy tín thế giới, SPLHCB luôn thắng với số điểm gần như tuỵệt đối để trở thành quán quân.

Tuy nhiên, tình cảm của từng con bọ đối với album này hoàn toàn trái ngược nhau. Bắt đầu từ album này, Paul bứt phá lên giành vị trí đầu tàu, ý tưởng của album cũng là của Paul, phần lớn các sáng tác trong album cũng là của Paul nên việc Paul hoàn toàn thoả mãn với đứa con tinh thần của mình cũng là điều dễ hiễu. John, mặc dù không có nhiều đất diễn như Paul vẫn coi thời gian nhóm làm album này là thời gian hạnh phúc nhất trong đời mình. Trong khi đó George và Ringo cảm thấy mình bị phân biệt đối xử nhất là Ringo. Anh có cảm giác mình chỉ là một kẻ đánh thuê vì phần lớn các ca khúc được thu âm với dàn nhạc giao hưởng hoặc dàn kèn đồng. Cho đến nay, SPLHCB vẫn là album ít được yêu thích nhất của Ringo thời kì Beatles.

Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (and reprise)
(McCartney 10)

McCartney: bass, hát chính
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr:drums
George Martin: organ
Dàn nhạc hỗ trợ: kèn đồng

Phần reprise:
McCartney: bass, hát chính
Lennon: lead guitar, maracas, hát chính
Harrison: lead guitar,hát chính
Starr: drums

Paul có ý tưởng về một ban nhạc Beatles trá hình dưới một cái tên và hình ảnh khác khi bay từ Nairobi về London. Là một Beatles, các thành viên của nhóm mất đi cái quyền tự do cá nhân khi đi lại. Mỗi lần đi du lịch, các thành viên của nhóm thường phải mang tóc và râu giả để mọi người không để ý đến sự hiện diện của mình. Theo cách nghĩ của Paul, bằng cách cải trang thành một ban nhạc khác, nhóm Beatles có thể tự giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc về mặt sáng tạo. Cái tên Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band là do tay roadie Mal Evans nghĩ ra. Có hai giả thuyết cho cái tên Sgt. Pepper, giả thuyết thứ nhất là ông trung sĩ Pepper này thực ra là do từ Salt and Pepper đọc trại ra. Giả thuyết thứ hai là Mal Evans nghĩ đến loại nước giải khát có gas mang tên Dr. Pepper khá phổ biến ở Mỹ. Bài hát được thu âm với tiếng reo hò của khán giả như là một buổi diễn thật sự và phần reprise ở cuối album. Có lẽ đây là cách bù đắp của Beatles cho các fan khi nhóm quyết đinh ngừng lưu diễn. Ca khúc thể hiện sự kết hợp giữa nhạc rock vùng West Coast California với guitar điện và trống và phần nhạc marching được thể hiện qua phần giang tấu bằng kèn đồng. Như vậy, Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band là một ban nhạc vừa cổ điển vừa hiện đại, kết hợp giữa những giá trị hiện thời với những giá trị truyền thống.

With a Little Help From My Friends
(McCartney 75/ Lennon 25)

McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: hát bè
Harrison: tambourine
Starr: drums, hát chính

Là một nỗ lực tạo sự kết nối với ca khúc chủ đề, ca khúc này được giới thiệu như là phần trình điễn của Billy Shears, ca sĩ hư cấu của Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Nhà báo Hunter Davies là người may mắn được chứng kiến quá trình Paul và John sáng tác ca khúc này cho “Billy Shears” mà ngoài đời chính là Ringo Starr. Vì là ca khúc viết cho Ringo nên phần giai điệu khá đơn giản. Tuy nhiên đối với phần lời, cả Paul và John đều rất vất vả để hoàn tất. Theo Davies, những lúc bị cạn nguồn cảm hứng, cả hai lại chơi lại một số bài rock and roll cũ xem có khai thác gì được từ đấy không. Cuối cùng John gợi ý viết bài hát này dưới dạng một câu hỏi xen lẫn với một câu trả lời. Vì John vô ý bị đứt tay trong lúc sáng tác ca khúc này nên cả hai gọi nó là “Bad Finger Boogie” trước khi đổi thành “With a Little Help From My Friends” ngày hôm sau. Cái tên Badfinger sau này trở thành tên của nhóm nhạc the Iveys của Pete Ham do Beatles bảo trợ.

Lucy In the Sky With Diamonds
(Lennon 8/McCartney 2)

McCartney: bass, Hammond organ, hát bè
Lennon: lead vocal, lead guitar
Harrison: sitar, hát bè
Starr: drums

Một bài hát psychedelic kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu thể loại nhạc huyền ảo này. Giai điệu bồng bềnh huyền ảo và ca từ siêu thực của ca khúc như dẫn người nghe lạc vào một xứ sở thần tiên đầy màu sắc. John sáng tác bài hát này dựa trên bức tranh của bé Julian, con trai anh, mang về từ lớp học mẫu giáo. Trong bức tranh Julian vẽ cô bạn học cùng lớp bay trên bầu trời có những vì sao lấp lánh như kim cương. Cô bé Lucy trên thực tế có tên là Lucy O’Donnell, bạn học thời mẫu giáo của Julian. Điều thú vị là mãi đến năm 13 tuổi, Lucy mới biết đựoc rằng mình đã ảnh hưởng cho một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc rock. Ngày 22/9/2009, Lucy qua đời do bệnh ban đỏ ở tuổi 46. Những hình ảnh siêu thực trong bài hát đựơc John lấy từ hai quyển sách thiếu nhi nổi tiếng của nhà văn Lewis Carroll là “Alice in Wonderland” và “Through the Looking Glass” và chương trình hài kịch Goon Show, một chương trình mà John rất hâm mộ. Theo John, Paul đóng góp những cụm từ như “cellophane flowers” và “newspaper taxi”. Điều mà John không ngờ là bài hát bị cấm phát sóng trên đài BBC vì các chữ đầu của tựa đề đựơc ghép lại thành LSD. Cũng trong năm 1967, hoá thạch của một vượn người được xem là “bà tổ của nhân loại” đã dược đặt tên là Lucy lấy cảm hứng từ ca khúc này.

Getting Better
(McCartney 65/Lennon 35)

McCartney: bass, hát chính và hát bè
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, tamboura, hát bè
Starr: drums, bongos
George Martin: piano

Paul viết bài hát này dựa trên những kỉ niệm với tay trống Jimmy Nichol, người thay thế Ringo trong tour diễn thế giới năm 1964. Vì chưa quen với các ca khúc của Beatles, Nichol phải tập gấp rút để có thể chơi như Ringo. Sau mỗi lần tập như thế, khi mọi người hỏi anh cảm thấy thế nào, câu trả lời thường xuyên của Nichol là “It’s getting better”. Trong một ngày nắng đẹp, Paul và chú chó cưng Martha đi dạo trên đồi Primrose, bỗng dưng Paul nhớ lại những câu nói của Jimmy Nicol và bắt đầu có cảm hứng về một bài hát mới. Chiều hôm ấy, Paul mời John đến để giúp mình hoàn tất bài hát. Bài hát thể hiện rất rõ rệt hai cá tính đối lập của hai tay sáng tác chính nhóm Beatles. Trong khi Paul luôn lạc quan cho rằng mọi việc đều có thể trở nên tốt hơn, John lại chem vào một câu lót khá mỉa mai là “bởi vì nó chẳng còn có thể nào tệ hơn thế nữa”. John cũng công nhận đoạn “I used to be cruel to my woman, I beat her and kept her apart from the things that she loves" là do mình viết. Anh tự nhận rằng mình là một kẻ vũ phu với vợ, mỗi khi không biết thể hiện cảm xúc của mình thế nào, John lại giở võ ra với Cynthia. Ngay cả với Yoko thời kì đầu, John cũng dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề.

Một giai thoại khá lí thú khi thu âm ca khúc này là John do ảnh hưởng của LSD đã không dám cầm micro thu âm vì sợ. Anh đòi được ra ngoài để hít thở không khí một chút. Vì bên ngoài studio luôn có hàng trăm fan đứng chầu chực bất kể ngày đêm, George Martin đề nghị Mal Evans đưa John lên sân thượng hóng mát. John suýt té lộn cổ xuống đất nếu không có Mal ở đó vì anh không nhận ra rằng sân thượng không có phần lan can bảo vệ. Tối hôm ấy Paul phải đưa John về nhà vì sợ John lái xe một mình không an toàn. Điều đáng nói là khi về tới nhà John, Paul cũng bị John dụ thử LSD. Đó là lần đầu tiên Paul nếm mùi LSD.

Fixing a Hole
(McCartney 10)

McCartney: bass, harpsichord, lead guitar, hát chính
Lennon: maracas, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr:drums

Bài hát này cũng là một bài trong album SP bị nghi là có dính líu đến ma tuý vì “fixing a joint” là tiếng lóng của dân nghiện ám chỉ việc hút cần sa. Thật ra bài này nói về công việc sửa chửa lại căn nhà gỗ mà Paul mua ở Scotland để làm nơi thư giãn và trốn các fan. Do căn nhà đã xuống cấp vì không có người ở, Paul quyết định bỏ thời gian ra sửa chữa lại và sơn nó “in a colorful way” như trong bài hát. Hôm thu âm ca khúc này, một kẻ lạ mặt đã xuất hiện trước cửa nhà Paul và tự giới thiệu rằng mình là chúa Jesus. Cảm thấy thú vị, Paul mời ông Jesus này đến phòng thu để giới thiệu với mọi người. Khi đến phòng thu, trứơc khi các tay Beatles khác có vinh dự được gặp mặt Jesus, kẻ mạo danh đã lẳng lặng đánh bài chuồn không để lại dấu vết nào.

She’s Leaving Home
(McCartney 65/ Lennon 35)

McCartney: hát chính và bè
Lennon: hát chính và bè
Dàn nhạc hỗ trợ: strings and harp.

Thập niên 60, nhất là giai đoạn từ năm 1967 đến 1969 được mệnh danh là giai đoạn nổi loạn của giới trẻ. Thanh thiếu niên của giai đoạn này, dưới sự ảnh hưởng của cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, các phong trào phản văn hoá và dĩ nhiên là chất ma túy, tìm mọi cách để thoát khỏi sự quản lí của cha mẹ và những người lớn tuổi để được sống theo bản năng của mình. Được sự khuyến khích của Timothy Leary, một nhân vật có ảnh hưởng khá lớn đối với các phong trào hippie, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bỏ học và từ chối những công việc bình thường. San Francisco trở thành thủ đô của dân hippie. Theo số liệu của FBI năm 1967, số lượng thanh thiếu niên bỏ nhà đi theo các nhóm hippie lên đến con số kỉ lục là 90,000.

Ở Anh, mục tìm người thân trên các tờ báo đầy ắp tên tuổi của các cô cậu mới lớn. Câu chuyện về bài hát “She’s Leaving Home” là một ví dụ điển hình về mẩu tin nhắn tìm người trên báo. Cô gái trong bài hát ngoài đời có tên là Melanie Coe, 17 tuổi. Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở London, Melanie được bố mẹ cung cấp đầy đủ nhu cầu về vật chất nhưng luôn phải chịu sự quản thúc nghiêm ngặt và rất ít tình cảm. Melanie nhớ lại rằng bố mẹ cô sắm cho cô những thứ mà các cô gái khác phải ghen tị như nhẫn kim cương, áo khoác lông đắt tiền nhưng chưa bao giờ hôn cô hoặc chúc cô ngủ ngon. Một ngày kia, Melanie đã bỏ lại tất cả để đi theo một cậu trai mà cô quen ở một casino. Cả hai thuê một căn hộ nhỏ ở vùng Sussex và sống với nhau được khoảng hơn 10 ngày thì gia đình của Melanie tìm được chỗ làm của người bạn trai và làm áp lực buộc cô phải trở về nhà. Năm 18 tuổi, Melanie lại tìm cách thoát khỏi gia đình bằng cách kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi hơn mình. Tuy nhiên cuộc hôn nhân cũng không tồn tại lâu. Đến năm 21, cô dọn đến Hollywood với hi vọng trở thành một diễn viên điện ảnh. Hiện tại Melanie đang sống ở Tây Ban Nha với hai người con bằng nghề buôn bán những mẫu của nữ trang thập niên 50. Cũng như Lucy O’Donnell (xem phần Lucy in the Sky with Diamonds), Melanie mãi đến những năm sau này mới biết được mình là cảm hứng của ca khúc này khi xem một chương trình phỏng vấn Paul trên truyền hình. Một điều khá thú vị là Melanie Coe đã có duyên gặp gỡ với nhóm Beatles từ trước. Năm 14 tuổi, cô đoạt giải nhất cuộc thi khiêu vũ của đài BBC và được chọn làm người múa phụ hoạ cho nhóm Beatles trên show truyền hình Ready! Steady! Go! Một tấm ảnh hiếm hoi thời đó chụp Melanie đứng bên cánh gà sân khấu xem nhóm Beatles biểu diễn. Cô nhớ rằng đã có dịp nói chuyện với George và Ringo sau buổi diễn, còn Paul và John trong kí ức của cô thì “không được thân thiện cho lắm”.

Khi thu âm bài hát này, Paul nhờ George Martin phối phần nhạc nền giúp mình vì ông Martin có trình độ về nhạc cổ điển và giao hưởng nhưng vì đang bận một dự án khác, George Martin đã bảo Paul hoãn lại vài ngày. Paul lập tức liên hệ với nhạc sĩ Mike Leander và nhờ ông này viết giúp mình phần nhạc dây và harp rồi thu âm luôn. Khi biết được chuyện này, ông Martin cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm vì trước nay ông vẫn là người phụ trách phối âm và sản xuất cho nhóm. Phải mất nhiều năm ông Martin mới có thể tha thứ cho Paul về sự qua mặt này.

Being For the Benefit of Mr. Kite
(Lennon 10)

McCartney: bass, lead guitar
Lennon: Hammon Organ, hát chính
Harrison: harmonica
Starr:drums, harmonica
George Martin: Wurlizter organ, piano
Mal Evans: harmonium
Neil Aspinall: harmonium

John mua được tấm poster cổ những năm 40 của thế kỉ 19 về gánh xiếc rong của Pablo Fanquer và John Henderson trong chuyến đi quay ngoại cảnh của bài “Strawberry Fields” ở Kent. Bị hấp dẫn bởi lời văn khá trau chuốt trong tờ quảng cáo, John quyết định sử dụng nó để làm lời cho bài hát mới của mình. Kết quả là gần như toàn bộ những dòng quảng cáo trên tờ poster được John đưa vào bài hát. John chỉ sửa địa danh Rochdale thành Bishopgate cho có vần với “don’t be late”. Khi thu âm bài hát, John nói với ông George Martin rằng mình muốn ngửi thấy không khí của một rạp xiếc lưu động với mùi bột mạt cưa và kim tuyến bay trong không khí. So với Paul, John có những đòi hỏi khá trừu tượng và mang nhiều tính thách đố hơn trong việc phối âm. Tuy nhiên, điều đó không làm cho ông Martin nản lòng hay phật ý. Mỗi yêu cầu đưa ra là một thử thách về mặt chuyên môn đối với ông. Để thực hiện ý tưởng này, ông Martin đã đề nghị phần giang tấu chuyển sang điệu valse thay vì chơi với nhịp 4/4 như trong bài hát. Được voi đòi tiên, John lại tiếp tục đòi sử dụng nhạc cụ đàn hơi nước (steam organ), loại nhạc cụ tự chơi nhờ áp suất của hơi nước đun nóng thường dùng ở các hội chợ làng trong thế kỉ 19. Do không thể lắp đặt đàn hơi trong phòng thu âm, ông Martin phải làm vừa ý John bằng cách tìm một đoạn băng thu âm tiếng đàn hơi, cắt ra làm nhiều đoạn, sau đó nối các đoạn lại với nhau rồi chơi với tốc độ nhanh ở nhịp ¾ cho khớp với phần giang tấu.

Xin được nói một chút về lai lịch của những nhân vật trong bài hát nổi tiếng này. Mr. Kite, Pablo Fanque và nhà Hendersons đều là những nhân vật nổi tiếng có thật. Mr. Kite tên thật là William Kite, con trai của ông chủ gánh xiếc James Kite. Là một diễn viên xiếc, William Kite lập nhóm Kite’s Pavillion Circus năm 1810 và sau đó là gánh Well’s Circus. Thời điểm từ năm 1843-45, tức là thời điểm tấm poster được in, William Kite biểu diễn với gánh xiếc của Pablo Fanque.

Pablo Fanque, tên thật là William Darby, là một diễn viên xiếc tạp kĩ sinh năm 1796 trong một gia đình gốc Phi ở Norwich, Anh. Từ năm 1830, ông này đổi tên thành Pablo Fanque và lập gánh xiếc riêng. Ở Anh, Pablo Fanque là chủ gánh xiếc da đen đầu tiên.

Nhà Hendersons bao gồm John Henderson, nghệ sĩ đu dây và nhào lộn cùng với vợ là Agnes, cũng là một nghệ sĩ xiếc. Hai vợ chồng lập gánh xiếc rong lưu diễn khắp Châu âu trong thập kỉ 40-50 của thế kỉ 19. Còn chú ngựa Henry trong bài hát có tên là Zanthur, sở hữu của nhà Hendersons.

Lúc đầu John tỏ ra không thích bài này vì anh cho rằng mình không tự viết lời. Nhưng về sau, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy, John cho rằng đây là một bài hát đẹp và tinh khiết như một bức tranh vẽ bằng màu nước.

Within You, Without You
(Harrison 10)

Harrison: tamboura, vocal
Neil Aspinall: tamboura
Dàn nhạc dân tộc Ấn Độ: dilruba (một loại đàn dùng vĩ kéo), tamboura, tabla, sitar, swordmandel
Dàn nhạc cổ điển phương Tây: 9 violins, three cellos

Từ sau khi làm quen với cây đàn sitar và nhà ẩn sĩ Maharishi Maheshi Yogi, George trở nên mê mẩn với văn hoá và âm nhạc Ấn Độ. Từ một thành viên trẻ nhất và ham vui nhất của Beatles, George trở nên thâm trầm, già dặn và đầy triết lí. Bài “Within You, Without You” được George viết sau một buổi ăn tối tại nhà của Klaus Voorman, lúc này đang chơi bass cho nhóm Manfred Mann. George đã sử dụng cây đàn harmonium (một dạng đàn organ có bàn đạp để ngân tiếng) của Klaus để viết bài này với cảm hứng là cuộc đối thoại trong buổi ăn tối mà chủ đề chính là cái tôi của từng cá nhân. Theo George, nếu mọi người có thể từ bỏ được cái tôi của mình thì tự nhiên các bức tường vô hình ngăn cách sẽ bị phá vỡ và mọi người có thể xích lại gần nhau hơn. Một đoạn của bài hát này ảnh hưởng lời răn của chúa Jesus với các tín đồ trong Kinh Thánh rằng không nên dùng linh hồn mình để đánh đổi bất cứ thứ gì, cho dù đó là cả thế giới. Bài hát này nâng tầm vóc sáng tác của George lên ngang với John và Paul về cả nội dung lẫn nghệ thuật. John phải công nhận rằng đây là một bài hát hay và là bài hát yêu thích của mình. Còn Stephen Stills, ca sĩ và nhạc sĩ của nhóm Crosby, Stills and Nash sau khi nghe bài này đã thuê thợ khắc toàn bộ lời bài hát lên bia đá trong vườn nhà mình.

Mỗi khi nhóm Beatles có một ý tưởng thu âm lạ, người khổ nhất không ai khác hơn là ông George Martin. Để dàn nhạc dây phương Tây chơi cho khớp với dàn nhạc cổ truyền Ấn Độ, ông Martin phải tìm cách chuyển những kĩ thuật chơi nhạc của đàn tamboura, dilruba sang ngôn ngữ âm nhạc phương Tây để cho violins và cellos chơi theo. Pete Blake, người thiết kế bìa đĩa Sgt. Pepper đã mô tả buổi thu âm ca khúc này như một buổi ngồi thiền thực sự với George và các nhạc sĩ Ấn Độ ngồi xếp bằng trên một tấm thảm trải dưới đất trong mùi nhang trầm nghi ngút. Các micro khi thu âm đều được giấu đi vì các nhạc sĩ dân gian người Ấn cảm thấy không được thoải mái khi tiếp cận với các phương tiện thu âm hiện đại.

When I’m Sixty-Four
(McCartney 85/ Lennon 15)

McCartney: bass, piano, hát chính và hát bè 
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: hát bè
Starr: drums
Dàn nhạc nền: bass clarinet, 2 clarinets

Paul viết bài này năm 15 tuổi, một thời gian ngắn sau khi gia nhập Quarry Men theo phong cách cabaret của những năm 20-30, như một món quà dành cho cha mình ông James McCartney người cũng là một nhạc sĩ. Về ca khúc này Paul phát biểu: “ Khi tôi viết bài này, cha tôi chỉ mới 56 tuổi, nhưng ở Anh, tuổi về hưu là 65, vì thế tôi lấy số 64 làm mốc đánh dấu tuổi về già.” Do lúc này Paul hoàn toàn không biết rằng mình sẽ trở nên giàu có và nổi tiếng nên ước mơ tuổi già của anh khá bình dân: hai vợ chồng già sống với nhau trong một căn nhà nhỏ bằng tiền dành đụm với các cháu quanh quẩn bên chân. Trong khoảng thời gian 61-62, Paul thường chơi độc tấu bài này trên piano để thay đổi không khí sau khi nhóm đã mệt nhoài với những bài rock and roll. Bài hát được viết với dạng một bức thư tỏ tình của một người đàn ông với một người đàn bà không quen, nhưng thay vì những lời ngọt ngào tán tỉnh, người đàn ông lại đặt ngược câu hỏi với người đàn bà rằng “Em có còn yêu anh và chăm sóc cho anh không khi anh trở nên già cả vô dụng?” Paul thu âm bài này trong album Sgt.Pepper năm 67, đúng dịp ông James 64 tuổi. Một điều khá mỉa mai là năm nay khi Paul 64, ông lại phải đối mặt với vụ li dị đầy tai tiếng với người vợ Heather Mills. Trên đời có ai học được chữ ngờ?

Lovely Rita.
(McCartney 10)

McCartney: bass, piano, lược và giấy, hát chính, hát bè
Lennon: acoustic guitar, lược và giấy, hát bè
Harrison: acoustic guitar, lược và giấy, hát bè
Starr: drums
Martin: honky-tonk piano

Ở các nước tiên tiến như Anh và Mỹ, khi đậu xe trên đường phố công cộng, người đậu xe phải đậu trước những đồng hồ gọi là parking meter. Sauk hi đậu xe, người đậu ấn nút ở đồng hồ để bắt đầu tính giờ. Thường thì sau một khoảng thời gian nhất định, nếu người đậu xe không quay về lấy xe, đồng hồ bắt đầu tính tiền phạt. Công việc kiểm tra đồng hồ đậu xe ở Anh lúc bấy giờ được giao cho nữ là chính. Ở Mỹ, nữ cảnh sát cũng làm công việc này như không phổ biến bằng. Một người bạn Mỹ của Paul khi đến Anh đã cảm thấy rất ngạc nhiên khi phần lớn người làm công việc này là phụ nữ. Paul cũng cảm thấy thú vị khi những “parking-meter women” ở Anh được người Mỹ gọi là “meter maid”. Paul viết ca khúc này để thi vị hoá cái nghề chỉ chăm chăm viết giấy phạt mà không mấy ai có cảm tình này. Trong mắt của Paul, các cô meter maid mặc dù ăn mặc giống như nhà binh và khá thiếu “nữ tính” cũng có thể trở nên rất đáng yêu. Và nếu bị một cô nàng dễ thương như thế ghi giấy phạt, Paul sẽ dùng số điện thoại trên biên lại phạt để gọi và tán tỉnh cô nàng. Trên thực tế, Paul đã dùng bộ mặt ngây thơ và tiếng tăm của mình để tán tỉnh một cô meter maid để cô này xoá tên anh khỏi sổ phạt. Sau khi bài hát được phát hành, một nữ cảnh sát viên với cái tên Meta Davies đã tự nhận rằng mình là người trong bài hát. Theo câu chuyện của Meta này thì năm 1967, cô có ghi giấy phạt đậu xe của Paul ngay lúc Paul trở lại xe của mình. Thế là chàng Paul chạy theo và giở ngón năn nỉ để được miễn đóng phạt. Tuy nhiên Paul chỉ năn nỉ để thoát nạn chứ không tán tỉnh gì Meta Davies vì bà này trên thực tế hơn anh đến 22 tuổi và có một đứa con gái là fan của Beatles. Để đổi lại, Paul phải tặng Meta chữ kí để mang về cho con gái mình.

Lúc thu âm bài này, Paul nảy ra ý định tạo ra tiếng lạo xạo để nhái tiếng xé biên lai phạt của các nữ cảnh sát viên bằng cách dung những cây lược bằng kim loại cọ xát trên giấy. Tony King, người phụ tá của ông George Martin lúc bấy giờ đã phát biểu rằng: “Nhóm Beatles được ông Martin nuông chiều hết mức. Chỉ có họ mới có thể khiến ông chấp thuận những yêu cầu điên rồ nhất.”

Good Morning, Good Morning
(Lennon 10)

McCartney: bass, lead guitar, hát bè
Lennon: hát chính, hát bè
Harrison: lead guitar
Starr:drums
Dàn kèn Sounds Incorporated: 3 saxophoness, 2 trombones, French horn

Trong khoảng thời gian 66-67, John hầu như giao phó việc điều khiển Beatles cho Paul đảm nhận. John tự nhận mình là kẻ lười nhất nước Anh, suốt ngày nằm ườn ở nhà, xem tivi, ngoài việc đến studio, John hầu như không đi đâu cả. Hiếm lắm mới thấy John rời nhà đi dạo lúc chạng vạng tối đến phòng thu hoặc đến một hộp đêm nào đó ở London. Bài “Good Morning, Good Morning” phản ánh khá đúng đắn tâm trạng và sinh hoạt của John trong thời điểm này. Tựa đề của bài hát được ảnh hưởng bởi mục quảng cáo bột ngũ cốc Kellogg’s với tiếng gà gáy và bài hát: “Good morning, good morning, the best to you each morning”. Mặc dù tựa bài hát là “Good Morning” nội dung của bài hát khá u ám và chán nản. Sau này John thú nhận rằng hình bóng của Yoko bắt đầu xuất hiện trong bài này ở đoạn “Go to the show, you hope she goes”. “The show” ở đây là những buổi triễn lãm của Yoko và lí do duy nhất của John đến đó là hi vọng có thể gặp Yoko ở đó. Bài hát này được thu âm với ảnh hưởng của album Pet Sounds. John muốn George Martin sử dụng những tiếng gia súc trong album để tạo hiệu ứng đặc biệt với điều kiện, tiếng của con vật sau phải lấn át tiếng của tiếng con vật trước. Và dĩ nhiên, yêu cầu không giống ai của John một lần nữa được ông Martin chiều theo.

A Day In the Life
(Lennon 6/McCartney 4)

McCartney: piano, hát chính
Lennon: acoustic guitar, lead guitar, hát chính
Starr: drums, piano
George Martin: piano
Mal Evans: piano
Dàn nhạc giao hưởng 41 người.

Đó là một buổi sáng tháng 1 năm 1967, khi nhóm Beatles đang bắt tay vào thu âm album nổi tiếng "Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band". John Lennon tỉnh dậy, vớ vội lấy tờ nhật báo Daily Mail vừa đọc vừa chơi đàn piano. Giai điệu đến một cách bất chợt kết hợp một cách hài hoà với những mẩu tin tức trên báo. Lennon lẩm nhẩm hát: "I read the news today oh boy...". Hai mẩu tin gây chú ý cho John trên tờ báo hôm đó là cái chết do tai nạn giao thông của Tara Browne, người thừa kế của hãng bia Guinness, đồng thời cũng là một người bạn thân của nhóm Beatles. Tin thứ hai là về kế hoạch lấp hơn 4000 ổ gà trên những con đường vùng Blackburn, Lancashire. Thế là một cách tự nhiên, John đưa hai mẩu tin đó vào bài hát mới của mình. Phần lời còn lại về cuốn phim trong đó quân đội Anh thắng trận là những kỉ niệm của John khi đóng bộ phim "How I Won the War" năm 1966.

Ca khúc mới được tạm gọi là "In the Life of..." được viết theo kiểu "một giai điệu" (single-verse) tức là không có phần điệp khúc hoặc hợp xướng. Cảm thấy ca khúc vẫn thiếu thiếu một cái gì đó, John tìm đến Paul nhờ giúp sức. Một điều trùng hợp là Paul vừa có một đoạn của một sáng tác mới về những kỉ niệm thời còn thiếu niên tại Liverpool. Thế là hai bài hát chưa hoàn chỉnh được ráp nối với nhau bằng một đoạn 24 khuông nhạc để trống. Để tạo hiệu ứng đặc biệt, phụ tá của nhóm Beatles lúc bấy giờ là Mal Evans được phân công đếm từng ô nhịp từ 1 đến 24. Giọng đếm của Evans được khuyếch đại từ từ và tăng echo dần lên. Đến ô nhịp thứ 24, một chiếc đồng hồ báo thức được cài sẵn sẽ reng chuông để báo hiệu chuyển sang phần nhạc của Paul. Lúc đầu tiếng chuông báo thức được dự định loại khỏi bản thu âm chính thức, nhưng vì phần ca khúc của Paul bắt đầu với "Woke up, got out of bed..." nên George Martin quyết định giữ tiếng chuông báo thức lại như một sự trùng hợp ngộ nghĩnh.

Khoảng trống 24 ô nhịp giữa hai đoạn nhạc vẫn là một thách đố với cả nhóm Beatles lẫn George Martin vì nó vẫn không thể làm tròn trách nhiệm là làm cho bài hát được liền mạch. Paul McCartney đề nghị sử dụng một dàn nhạc giao hưởng 91 người để chơi một đoạn nhạc nối liền khoảng trống đó. Nhưng đối với những nhạc sĩ giao hưởng cổ điển, việc chơi ngẫu hứng là một điều cấm kị nên họ từ chối tham gia. Hơn nữa việc chi cho một dàn nhạc giao hưởng để chơi một đoạn nhạc ngắn là một điều phung phí không thể chấp nhận. Không bỏ cuộc, Paul đã thuyết phục George Martin viết một đoạn hoà âm ngắn 24 khuông nhạc và mướn dàn nhạc gồm 40 nhạc sĩ để thu âm đoạn đó. Kết quả là đoạn "cực khoái âm nhạc" được sáng tác trong đó tất cả các nhạc cụ chơi từ nốt E thấp nhất dần lên đến nốt E cao nhất mà tai người có thể nghe thấy và chơi từ nhỏ đến lớn dần. Phần hợp tấu này tiếp tục được sử dụng để kết thúc ca khúc với tiếng piano ngân dài đến 45 giây. Tiếng piano này là kết quả của ba cây piano được John, Paul,Ringo, George (Martin) và Mal Evans chơi cùng một lúc.

Ê kíp sản xuất Sgt. Pepper đã mất hơn 36 giờ để thu âm hoàn chỉnh ca khúc "A Day in the Life", một thời gian kỉ lục để thu âm một ca khúc. So với album đầu Please Please Me hoàn tất chỉ trong vòng 10 tiếng đồng hồ, "A Day in the Life" quả là một kì công trong phòng thu. Số tiền bỏ ra cũng tốn kém không ít. Riêng cho dàn nhạc 40 người, George Martin đã phải chi gần 400 bảng Anh, một số tiền không nhỏ thời đó. Đã vậy để ăn mừng, nhóm quyết định mở một party ngay tại phòng thu với tất cả các nhạc sĩ tham gia thu âm và một số khách mời như Mick Jagger, Keith Richards, Marriane Faithfull....Buổi tiệc này được thu hình làm video quảng bá cho ca khúc với các nhạc sĩ nhạc giao hưởng mỗi người đeo một chiếc mũi đỏ giả trên mũi của mình.

Sau khi ca khúc kết thúc khoảng 10 giây, người nghe có thể nghe câu "Never could see any other one!" được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây là lỗi kĩ thuật khi thu âm, George Martin đã nối nhầm một cuộn băng khác vào "A Day in the Life" nhưng sau đó nhóm quyết định không xoá nó đi. Nhóm the Who trong album Sells Out phát hành vài tháng sau đó đã nhại lại lỗi kĩ thuật này bằng cách phát đi phát lại cụm từ "track records” ở cuối đĩa. Trong album "Sgt. Pepper" bài hát này đóng vai trò của một bài hát encore, tức là bài hát thêm sau khi ban nhạc đã chính thức kết thúc buổi diễn. Vì thế nó được xếp sau bài “Sgt. Pepper's reprise” để người nghe có cảm giác rằng album là một buổi diễn live thực sự.

”A Day in the Life" được đánh giá như một kì công trong lĩnh vực thu âm do sự phối hợp một cách nhuần nhuyễn nhạc pop và nhạc cổ điển theo phong cách nghệ thuật tiên phong avant garde và trường phái nghệ thuật ấn tượng. Sự thành công trong việc thu âm ca khúc này đã nâng giá trị một ca khúc nhạc pop từ một nhạc phẩm mang tính thương mại cao lên tầm một tác phẩm nghệ thuật thật sự.

Sau vụ khủng bố 9.11, các đài phát thanh ở Mỹ lập ra một danh sách các ca khúc tạm thời ngưng phát để tránh chạm vào vết thương lòng của gia đình những nạn nhân, trong đó có "A Day in the Life". Đến nay, vẫn còn một số người mê tín không nghe ca khúc này khi đang lái xe vì họ cho rằng ca khúc này mang đến điềm gở.


MAGICAL MYSTERY TOUR (1967).


Năm 1967 là một năm đầy biến cố đối với nhóm Beatles. Bên cạnh việc thay đổi hình tượng và sự thành công vượt bậc về mặt nghệ thuật lẫn về thương mại của Sgt. Pepper, Beatles còn làm quen với môn thiền và triết lí phương Đông qua sự hướng dẫn của thiền sư Maharishi Maheshi Yogi. Tuy nhiên bước ngoặc lớn nhất của Beatles chính là cái chết bất ngờ của Brian Epstein, người có công dẫn dắt và tạo nên danh tiếng cho nhóm Beatles. Khi còn ông Epstein, nhóm chỉ việc sáng tác, thu âm và lưu diễn. Nay ông Epstein mất đi, các thành viên phải đứng trước sự lựa chọn mới hoặc là chọn một người khác làm quản lí hoặc tự đứng ra quản lí. Đây là cơ hội tốt để Paul McCartney đứng ra nắm quyền lãnh đạo. Và quyết định đầu tiên của Paul là dự án làm bộ phim Magical Mystery Tour một bộ phim theo thể loại avant-garde (nghệ thuật tiên phong). Ý tưởng làm bộ phim về một chuyến xe bus đi đến những vùng đất thần kì của Paul được hình thành sau khi Paul xem bộ phim tài liệu của nhóm hippie Merry Pranksters được nhà văn Mỹ Ken Kesey lãnh đạo. Nhóm này tổ chức những chuyến đi vòng quanh nước Mỹ trên một chiếc xe bus sơn vẽ sặc sỡ có tên là “Furthur” để quay lại tất cả những gì mình thấy được từ năm 1964 tới 1969. Một điều nữa đã tạo cảm hứng cho bộ phim này là những chuyến “mystery tour” rất phổ biến trong giới lao động ở Anh. Mystery tour là những chuyến picnic tập thể của những người ít tiền. Thường thì một người đứng ra tổ chức và thu tiền từ những người muốn tham gia. Đến hẹn, những người tham gia sẽ cùng leo lên một chiếc xe bus để đi tới một địa điểm mà chỉ có người lái xe và người tổ chức mới biết được. Với ý tưởng đó, Paul muốn làm một bộ phim không cần kịch bản và diễn viên. Tất cả mọi người trên chiếc xe bus sẽ là diễn viên và diễn biến tiếp theo của bộ phim sẽ được viết ngay trên chuyến xe bus đó.

Mặc dù chưa bao giờ viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất phim, nhóm đã rất “can đảm” đứng ra nhận hết tất cả những việc khó khăn ấy với Paul và Ringo làm đạo diễn chính. John lúc đầu không thích dự án này lắm vì anh cho rằng Paul làm bộ phim này để thoả mãn cái tôi của mình và số tiền đầu tư 75000 bảng Anh là một số tiền khổng lồ. Tuy nhiên là một người thích phiêu lưu, nhất là về nghệ thuật, John nhanh chóng trở nên thích thú với bộ phim này. Đến khi bộ phim ra đời, Beatles gặp một cú shock lớn khi hầu hết tất cả báo chí đều chỉ trích và phê bình bộ phim không thương tiếc. Đây là lần đầu tiên từ khi bắt đầu nổi tiếng, nhóm bị phê bình nhiều như vậy, nếu không tính đến lời phát biểu gây shock của John về sự nổi tiếng hơn chúa Cứu Thế của nhóm Beatles năm 1966. Với bộ phim không đầu không đuôi ngớ ngẩn, nhóm đã chứng tỏ cho cả thế giới biết “trình độ” làm phim của mình tới đâu. Để gỡ gạt, nhóm quyết định cho ra đời album soundtrack cùng tên. Được phát hành với quyển booklet màu 24 trang với kịch bản phim được trình bày như một cuốn truyện tranh và những hình ảnh chụp trong giai quá trình làm phim, album này trái lại lại đạt được thành công đáng kể. Ở Anh, Magical Mystery Tour được phát hành dưới dạng EP với ba bài hát mỗi mặt. Ở Mỹ, MMT được nâng cấp lên thành một album với sáu ca khúc trong phim ở mặt A và 5 bài hát tổng hợp từ những single đã phát hành trước đó.


Magical Mystery Tour
(McCartney 9/ Lennon 1)

McCartney: Bass, piano, hát chính
Lennon: acoustic guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, tambourine,
Dàn nhạc đệm: 3 trumpets

Paul có ý tưởng về bộ phim “Magical Mystery Tour” trên chuyến máy bay từ Denver về London. Khi trở về phòng thu với cái tựa “Magical Mystery Tour”, Paul bắt đầu thể hiện vai trò lãnh đạo của mình qua việc bắt Mal Evans đi tìm những poster quảng cáo để làm cảm hứng sáng tác. Sau hai tiếng đồng hồ tìm kiếm Mal trở về tay không vì không tìm được những mẩu quảng cáo mà Paul muốn. Thế là Paul bắt đầu bắt các thành viên khác và cả những kĩ sư thu âm đóng góp bất cứ những cụm từ nào mình nghĩ ra để viết bài hát và Mal Evans có nhiệm vụ ghi lại tất cả những ý tưởng. Những cụm từ đựoc Paul chọn bao gồm “ trip of a lifetime”, “satisfaction guaranteed” “reservation”, “invitation”. Sau đó Paul mang đống lộn xộn ấy về nhà ghép lại thành bài hát hoàn chỉnh. Đến khi thu âm, Paul đứng ra chỉ đạo và sắp đặt việc thu phần nhạc nền với các nhạc sĩ phòng thu trong khi John, George và Ringo ngồi ngoài phòng tập chờ tới phiên mình. Sau khi phần nhạc đệm đã thu xong, Paul mới cho gọi ba tay Beatles còn lại vào và chỉ đạo tiếp việc thu âm thế nào cho vừa ý mình.

The Fool on the Hill
(McCartney 10)

McCartney: piano, flute, hát chính
Lennon: harmonica, maracas,
Harrison: lead guitar, harmonica
Starr: finger cymbals.

Theo Alistair Taylor, Paul viết bài này trong thời gian thu âm Sgt. Pepper cùng một lúc với “With a Little Help From My Friends” nhưng mãi đến cuối năm 67 mới đưa vào album MMT. Ngoại cảnh của bài hát này được quay ở Nice, Pháp. Trong khi nhóm Beatles đang bận rộn làm phim ở London, Paul lẳng lặng bỏ sang Pháp để quay cảnh này một mình. Do vội vã, Paul quên mang theo passport và tiền mặt. Vì quá nổi tiếng, nên Paul được hải quan cho lên máy bay với điều kiện hộ chiếu phải được gửi tới Pháp trong ngày. Khi đến Pháp, Paul phát hiện mình không có tiền mặt trong người và ống kính thích hợp dùng để quay ngoại cảnh cũng không mang theo nốt. Paul phải điện về gấp cho trợ lí Peter Brown gửi gấp tiền, hộ chiếu và ống kính sang Pháp để quay. Điều này làm cho chuyến đi bí mật của Paul bị bật mí, và dĩ nhiên làm phật lòng các Beatles khác. Chi phí cho cảnh quay Paul trên đồi ở Nice ngốn hết 4000 bảng Anh. Tuy nhiên, mặc cho những phiền toái kể trên, bài hát này là một trong bài hát của Paul được John ưa thích.

Flying
(Lennon 2,5/ McCartney 2,5/ Harrison 2,5/ Starkey 2,5)

McCartney: guitar,
Lennon: Mellotron
Harrison: guitar,
Starr: drums, maracas.

Còn được biết đến với cái tên “Aerial Tour Instrumental” bài này là bản hoà tấu duy nhất Beatles thu âm trong thời gian kí hợp đồng cho hãng Parlophone và là bản hoà tấu thứ ba mà nhóm sáng tác. Hai bài đầu là “Cry for a Shadow “ của John và George và bài “12-bar original” viết năm 1965 nhưng không được thu âm, đến năm 1969, George đặt lời cho bài này và gọi nó là “For You Blue”. Đây cũng là bài duy nhất tác quyền chia đều cho cả bốn thành viên.

Blue Jay Way
(Harrison 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: tambourine
Harrison: Hammond Organ, hát chính và hát bè
Starr: drums
Nhạc công: cello

George viết bài này khi đang ở Hollywood cùng với Pattie, Neil Aspinall và Alex Mardas. Khi đến LA, George thuê căn hộ trên đường Blue Jay, một con đường nhỏ bên hông đại lộ nổi tiếng Sunset Boulevard để ở. Derek Taylor, nhân viên lo việc báo chí của Beatles cũng đến Hollywood chỉ sau George vài tiếng. Khi tới nơi, Derek gọi điện cho George để hỏi đường đến chỗ của George, George bảo rằng nếu không tìm được thì cứ hỏi cảnh sát. Rủi thay, đêm đấy lại có sương mù dày đặc và con đường Blue Jay là một con đường cực kì khó kiếm nên Derek Taylor bị lạc suốt vài tiếng đồng hồ. Trong thời gian chờ đợi, George đã sáng tác bài “Blue Jay Way” trên cây đàn Hammond organ có sẳn trong nhà. Mặc dù chỉ đơn giản là một bài hát viết về việc chờ đợi, nhưng từ khi nhóm Beatles cho ra đời album “Sgt. Pepper”, hầu như các bài hát của nhóm đều bị mổ xẻ xem có chứa những thông điệp ngầm nào không và dĩ nhiên bài này cũng thế. Câu “please don’t be long” (xin đừng đến trễ) được nhiều người hiểu theo nghĩa “please don’t belong (to the society)” và câu “and my friends have lost their way” được xem như một lời ám chỉ về giới hippie, the lost generation. Trong phần phim minh hoạ bài này, George ăn mặc như một người hát rong ngồi dưới đất với cây đàn organ vẽ bằng phấn trên mặt đất và dòng chữ “tôi có hai vợ và một con phải nuôi”.

Your Mother Should Know
(McCartney 10)

McCartney: bass, piano, hát chính và bè
Lennon: organ, hát bè
Harrison: tambourine, tabla, hát bè
Starr: drums

Paul viết bài hát mang tính hoài cổ này vào tháng 5/67 theo phong cách ragtime và big band, thể loại mà ông Jim McCartney thường chơi lúc còn trẻ để làm vui lòng hai vợ chồng người cô Gin và dượng Harry khi họ đến chơi London và ở nhà của Paul. Trong bộ phim MMT, bài này được dùng làm cảnh kết với nhóm Beatles mặc áo đuôi tôm trắng từ trên cầu thang đi xuống. Trên áo của John, George và Ringo đều cài một bông hoa cẩm chướng màu đỏ trong khi hoa của Paul lại màu đen. Điều này khiến cho tin đồn vế cái chết của Paul càng được củng cố.

I Am the Walrus
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: Melotron, hát chính
Harrison: tambourine, hát bè
Starr: drums
Dàn nhạc phòng thu: 8 violins, 4 cellos, 3 horns
Dàn đồng ca thiếu nhi: 6 nam hát đoạn “Oompah, oompah, stick it up your jumper” và sáu nữ hát đoạn “everybody’s got one”


Một ngày năm 1967, John nhận được một bức thư do một học sinh trường Quarry Bank gửi bảo rằng các học sinh ở Quarry Bank được thầy giáo dạy môn văn bắt phân tích lời các ca khúc của Beatles. Điều này khiến John cảm thấy thú vị. Anh cùng với Pete Shotton cùng ngâm nga lại bài đồng dao lúc còn học ở Quarry Bank “ Yellow Matter Custard/ green slop pie/ Mix together with a dead dog’s eye/ slap it on a butty, ten foot thick/ then wash it down with a cup of cold sick”. Đó là nguồn cảm hứng để John sáng tác “I am the Walrus.” Giai điệu của bài hát được kết hợp từ ba bài hát dang dở của John, một bài dựa trên tiếng còi xe của cảnh sát tuần tra với câu “mister city police” phát ra từ loa phóng thanh của xe cảnh sát. Bài thứ hai là đoạn “sitting in an English garden” viết về ngôi vườn của John và bài cuối cùng là một bài hát vô nghĩa gồm những từ vớ vẩn kiểu “elementary penguin”, “selmolina pilchard”, “texpert, “clabalocker” ghép lại với nhau. Phần điệp khúc “ I am the eggman/ I am a walrus” lấy cảm hứng từ bài thơ “The Walrus and the Carpenter” của nhà văn viết truyện thiếu nhi Lewis Carroll, tác giả của “Alice trong xứ thần tiên” mà John rất thích. Theo những người từng quen biết John, “elementary penguins singing Hare Krishnar” ám chỉ nhà thơ của trào lưu Beat rất nổi tiếng thời bấy giờ là Allen Ginsberg, người đã tụ tập một đám đông người qua đường và dạy họ cách tụng kinh Hare Krishna. “Eggman” là biệt danh của Eric Burdon, ca sĩ chính nhóm Animals, người có một thói quen khá quái đản là đập những quả trứng sống trên mình các cô gái cùng qua đêm với anh rồi liếm sạch. Còn “Selmolina Pilchard” theo Marianne Faithful chính là trung sĩ Norman Pilcher, người có công truy quét các buổi tụ tập hút hít của giới nghệ sĩ ở London. Mick Jagger, Keith Richards của nhóm Stones và ngay cả John và Yoko sau này đều là nạn nhân của những buổi càn của trung sĩ Pilcher. Điều đáng nói là trong thập niên 70, chính ông này lại vào tù ngồi bóc lịch vì tội tàng trữ và sử dụng ma tuý. Cũng như “Lucy in the Sky with Diamonds”, bài hát này là một bài hát hoàn toàn vô nghĩa gồm những hình ảnh siêu thực ghép lại với nhau. John cho rằng nếu Bob Dylan được ca ngợi với những ca khúc kiểu này thì tại sao mình không làm theo. Bài hát này mất cả tháng trời mới thu âm xong vì ông George Martin muốn tìm những nhạc cụ có thể hỗ trợ một cách hoàn hảo nhịp điệu và dòng chảy của những từ ngữ mang tính hình tượng của John.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.