The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại (P.10)




YOKO ONO – CÔNG HAY TỘI

Chuyện tình của John Lennon, thủ lĩnh tài hoa nhóm Beatles, và Yoko Ono, nữ nghệ sĩ trường phái avant-garde Nhật Bản là một trong những chuyện tình tốt nhiều giấy mực nhất của giới showbiz. Nhiều người cho rằng Yoko Ono là tình yêu đích thực của John, người phụ nữ giúp John tìm thấy bản sắc của mình sau bao nhiêu năm không lối thoát trong lốt con bọ Beatles. Tuy nhiên, hầu hết những fan của John nói riêng và của nhóm Beatles nói chung đều kết án Yoko là kẻ đóng chiếc đinh quyết định vào cỗ quan tài chôn sống một ban nhạc huyền thoại. Vậy người phụ nữ mang cái tên Yoko Ono này là người như thế nào? Có thực sự bà là một con hồ li tinh cướp đi của thế giới một thiên tài âm nhạc hay chỉ là nạn nhân thói kì thị và ganh ghét? Bài viết dưới đây không đưa ra một kết luận hay khẳng định nào mà chỉ giúp nguời hâm mộ hiểu hơn về con người của người phụ nữ đình đám này.


Tuổi trẻ đầy “thành tích”

Yoko Ono sinh ngày 18/12/1933 tại Tokyo, Nhật Bản trong một gia đình thuộc giới trung lưu cao cấp của Nhật bản. Cha của Yoko, ông Eisukei Ono, một chủ nhà băng ở Nhật đã từng là nghệ sĩ piano cổ điển. Điều đó có thể lí giải phần nào niềm đam mê nghệ thuật của cô con gái. Trong suốt thời niên thiếu, Yoko Ono sống ở cả Mỹ lẫn Nhât nên khả năng tiếng Anh của cô có thể nói là khá tốt. Gia đình Ono rất tự hào về con gái mình nhất là sau khi Yoko tốt nghiệp ngành triết học ở một trường đại học ở Nhật đã được nhân vào đại học Harvard danh tiếng của Hoa kì. Những chỉ trong một thời gian ngắn, Yoko chuyển sang đại học Sarah Lawrence và cũng rời bỏ trường sau gần ba năm theo đuổi đèn sách.

Với cá tính nổi loạn, Yoko gặp và yêu chàng nghệ sĩ trẻ Toshi Ichiyanagi và cặp đôi này kết hôn với nhau mặc cho sự phản đối kịch liệt của gia đình Ono. Chỉ trong một thời gian ngắn chung sống với nhau tại New York, Yoko bắt đầu chán cuộc sống gia đình và có những mối quan hệ ngoài hôn nhân. Cặp vợ chồng trẻ quyết định li thân để theo đuổi con đường riêng của mình cho đến khi gia đình Ono thuyết phục Yoko quay về với chồng năm 1961. Thời gian này, Yoko hay bị trầm cảm và thường có những hành động tự sát như cắt tay hay lao ra cửa sổ. Toshi nhiều lần phải dùng đến thuốc ngủ dể trấn an những cơn kích động của vợ và đưa cô vào bênh viện điều trị trầm cảm.

Yoko Ono
Là một nghệ sĩ thị giác theo trường phái cấp tiến, Yoko Ono thu hút được sự chú ý của nhiều thành viên trong giới văn nghệ sĩ New York, trong đó có nhiếp ảnh gia Tony Cox. Trong vai một bác sĩ tâm lí, Tony Cox đã tiếp cận với Yoko trong thời gian ở bệnh viện và tìm cách đưa cô ra ngoài. Năm 1962, cuộc hôn nhân giữa Toshi và Yoko chấm dứt, và cô nhanh chóng kết hôn cùng Tony Cox. Kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai này là sự ra đời của bé Kyoko Chan ngày 8/8/1963. Những người bạn của Tony Cox thường nói về Yoko như một người phụ nữ hay yêu sách và thích ra lệnh còn Tony cư xử như là một người hầu của vợ. Chính Tony Cox sau này cũng thú nhận rằng Yoko đã từng kề dao vào cổ uy hiếp ông hoặc nhốt chồng vào nhà tắm nhiều giờ đồng hồ để đi hẹn hò với một người đàn ông khác.

Năm 1964, Yoko trở thành thành viên của nhóm nghệ thuật cấp tiến Fluflux ở New York. Cũng trong thời kì này Yoko đã mở cửa một số triển lãm nghệ thuật cá nhân của mình như Cut Piece (Yoko ngồi bất động trên sân khấu để cho khan giả từng ngươì cầm kéo cắt một mảnh vải trên y phục cho đến khi không còn mảnh vải nào.) hoặc Bagism (Yoko và một bạn diễn nam chui vào trong một cái túi vải to, cởi quần áo rồi mặc lại quần áo trong túi). Những buổi triển lãm như thế thường gây được sự tò mò về tính lập dị của chúng hơn là giá trị nghệ thuật đích thực. Là một anh chàng khá dẻo miệng và quảng giao, Tony Cox đã nhiều lần thuyết phục được các chủ gallery danh tiếng ở New York cho Yoko sử dụng studio của mình để thực hiện các show như vậy.


John và Yoko đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào?

John Lennon và Yoko Ono

Ngày 9/11/1966, John tình cờ đến dự buổi triển lãm mang tên Unfinished Paintíngs and Objects by Yoko Ono trước ngày khai trương một ngày. Những tác phẩm trong buổi triển lãm khiến chàng John thích thú về những ý tưởng độc đáo. Đứng trước tác phẩm “Hammer a Nail in” John hỏi xin phép Yoko rằng liệu mình có thể đóng một cây đinh khung ảnh đó không.. Lúc đầu Yoko bảo rằng không vì chưa đến ngày khai trương nhưng khi biết anh chàng đứng trước mặt mình là John Lennon của nhóm nhạc Beatles nổi tiếng, Yoko đổi ý và bảo: “Tôi cho anh đóng một cây đinh vào nhưng anh phải trả tôi 5 shillings” Nghĩ ngợi một lúc John khôi hài bảo” Được thôi, tôi sẽ trả cho cô 5 shillings tưởng tượng và tôi sẽ đóng vào cái khung này một chiếc đinh tưởng tượng.” Trên đường ra cửa, khi thấy một trái táo đặt trên kệ trưng bày với bảng giá 200 bảng Anh, John không ngần ngại đưa nó lên miệng cắn một miếng rồi để quả táo lại chỗ cũ rồi rảo bước đi, bỏ lại Yoko ngỡ ngàng vì sự táo tợn của mình

Sau này Yoko luôn trả lời phỏng vấn rằng mình gặp John là một điều hết sức tình cờ và không hề biết John là thủ lĩnh của nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng theo những người biết Yoko thời gian đó, ai cũng có cùng một ý nghĩ rằng Yoko đã lên kế hoạch tiếp cận với nhóm Beatles nhằm mục đích xin tài trợ cho những buổi triển lãm của mình tại Anh. Bằng chứng là sau buổi tối hôm ấy, Yoko tìm nhiều cách để liên lạc làm quen với cả Paul và John. Cô gửi cho John một bản của cuốn sách Grapefruit của mình đồng thời xin John một bản thảo viết tay của ban nhạc Beatles để bán đấu giá. Giữa năm 1968, John đồng ý cho Yoko 5000 bảng Anh để mở một buổi triển lãm mang tên Yoko and Me.

Cũng trong thời gian đó, mâu thuẫn giữa Yoko và Tony Cox ngày càng căng thẳng và kết quả là hai vợ chồng đã đồng ý li thân. Điều này càng tạo điều kiện cho Yoko tiếp cận John. Chuyện gì đến đã đến, một ngày giữa tháng năm 1968, Cynthia người vợ chính thức của John khi trở về nhà sau chuyến du lịch Hi Lạp do chồng sắp đặt đã hết sức choáng váng khi thấy John và Yoko trên giường với nhau. Trong bộ quần áo ngủ của Cynthia, Yoko chào tình địch khốn khổ của mình bằng vẻ tự đắc và thoả mãn không hề giấu giếm.

Trong suốt ba tháng tiếp theo, John và Yoko khắng khít với nhau như hình với bóng. Cả hai đều nỗ lực để hoàn tất thủ tục li dị để được sống với nhau. Tháng 11/1968, John và Cynthia chính thức li hôn và John dọn vào ở với Yoko trong căn hộ bỏ trống của Ringo vì Cynthia được quyền sở hữu căn nhà. Về sau John thú nhận rằng Cynthia là một người vợ tốt, hoàn toàn không có lỗi gì với chồng con. Lý do duy nhất để John li dị vợ mình là vì Yoko không phải như những cô gái khác mà John đã từng qua đêm. “Yoko là tình yêu đích thực của tôi” John thổ lộ, “đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình yêu, một sự đồng điệu tuyệt vời về cả tinh thần lẫn thể xác.”

Plastic Ono Band

Búa rìu của dư luận

Những gì tiếp theo của cái gọi là tình yêu đồng điệu tuyệt vời đó là những chuỗi sự kiện gây chú ý khá điên rồ mang tên John và Yoko. Khi bị từ chối không cho trưng bày hai quả sồi trong cuộc triển lãm nghệ thuật điêu khắc đương đại ở London, Yoko đã nổi cơn tam bành nằn nặc đòi gọi điện cho hiệp hội điêu khắc hoàng gia Anh làm cho ra lẽ. Tháng 10/1968, John và Yoko bị cảnh sát London bắt về tội tàng trữ trái phép chất cần sa khi đang say giấc nồng. Để bảo vệ Yoko lúc ấy đang mang thai, John nhận tội về phía mình và chịu nộp phạt để được tại ngoại. Ngày 11 tháng 11 năm 1968, John và Yoko phát hành album Unfinished music no.1: Two Virgins một album thu âm những mẩu âm thanh rời rạc chắp vá không hề mang tính âm nhạc, cái mà John gọi là “âm nhạc của tương lai”. Điều động trời là bìa của album này là hình khoả thân toàn diện của John và Yoko chụp từ phía trước và phía sau. Kết quả là album bị bắt buộc bỏ vào túi giấy màu nâu và thậm chí cả những fan cuồng nhiệt nhất của Beatles cũng tẩy chay không ngó ngàng gì đến nó.

Ngày 21/11, Yoko bị sảy thai đứa con đầu lòng với John và John đã ở trong bênh viện trong suốt thời gian đó để ghi âm lại tiếng nhip tim đập nhỏ dần đến khi tắt hẳn của bào thai. Sau khi ra viện, Yoko hầu như thường trực ở bên John suốt ngày. Cô thậm chí còn mang cả một chiếc giường đôi đặt ngay tại phòng thu âm Abbey Road và nằm đó đan tất khi John và những thành viên khác thu nhạc. Trong những lúc như thế, Yoko luôn lớn tiếng phê bình chê bai và bắt John cùng những thành viên khác chơi theo ý của mình. Điều này làm mọi người hết sức khó chịu vì qui luật bất thành văn của nhóm là khi thu âm, không ai được mang vợ hoặc bạn gái vào phòng thu để tránh sự mất tập trung. Hầu như mọi người, kể cả nhà sản xuất George Martin đều nhất trí rằng kiến thức âm nhạc của Yoko chỉ là một con số không và những góp ý phê bình của cô đều không có giá trị. Tuy nhiên Yoko vẫn khẳng định rằng mình được đào tạo âm nhạc cổ điển chính qui. Thâm chí cô còn mạnh miệng tuyên bố: Nếu không có tôi bên cạnh John trong thời gian đó, nhóm Beatles sẽ không sáng tác được những album kinh điển như White Album hay Abbey Road. Một lần, do chịu không nổi sự quá quắt của Yoko, Ringo, anh chàng Beatles dễ tính nhất đã trực tiếp gặp John để phàn nàn: “Này John, chẳng lẽ Yoko cứ lẽo đẽo bám theo cậu suốt ngày đêm thế này sao?” Đáp lại, John nói: “Cậu chẳng hiểu đâu, Yoko không phải là một phụ nữ bình thường. Cô ta là một ngoại lệ”

Tháng 1 năm 1969, John và Yoko gặp Allan Klein để mời ông này về làm quản lí cho công ty Apple và nhóm Beatles. Là người xảo quyệt, Allan dùng miệng lưỡi tâng bốc Yoko lên tận mây xanh khiến cặp đôi này quyết định kí kết hợp đồng với ông ta mặc cho Paul lên tiếng phản đối kịch liệt. Đối với đội ngũ nhân viên cty Apple, cả Allan Klein và Yoko Ono đều để lại cho họ những ấn tượng không mấy đẹp đẽ. “Yoko đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là nô lệ của bà ấy. Bà ta thường lớn tiếng quát tháo để tỏ uy của mình” một cựu nhân viên của Apple nhớ lại. Cũng trong năm 1969, khi nhạc hội rock lịch sử Woodstock diễn ra ở Mỹ, nhà tổ chức Michael Lang đã gửi thư mời nhóm Beatles sang biểu diễn với số thù lao khổng lồ. Đáp lại lời đề nghị ấy, John bảo rằng nhóm Beatles sẽ không biểu diễn ở Woodstock được nhưng nếu muốn anh và Yoko cùng nhóm nhạc riêng sẽ đến. Dĩ nhiên là Michael Lang từ chối thẳng thừng mà không cần suy nghĩ.

Plastic Ono Band

Năm 1969, ngay sau khi Paul McCartney và Linda Eastman làm lễ cưới, John và Yoko cũng vội vã kết hôn ngày 20/3. Hôn lễ của cặp đôi đình đám này được tiếp nối bằng sự kiện “Bed-In for Peace” nổi tiếng tại khách sạn Hilton ở Amsterdam. Hàng trăm phóng viên hăm hở vác bút và máy ảnh đến phòng tân hôn của John và Yoko, hí hửng vì tưởng rằng sẽ ghi lại những hành động quái gở gây sốc thậm chí là cả một cuốn băng sex của cả hai người. Nhưng khi đến nơi, những gì họ thấy được là cảnh hai vợ chồng mới cuới trong bộ pyjama trắng ngồi nói chuyện về hoà bình thế giới. Với khẩu hiệu “Give Peace a Chance” John và Yoko kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở VN và những cuộc bạo động khác trên thế giới. Tháng năm 1969, Bed In for Peace lại tiếp tục diễn ra tại khách sạn Queen Elizabeth ở Toronto Canada. Tại đây John cho lắp một máy thu âm để ghi âm lại ca khúc “Give Peace a Chance” nổi tiếng. Cũng trong thời gian này, John chính thức đổi tên khai sinh của mình từ John Winston Lennon sang John Ono Lennon.

Mặc dù gây được sư chú ý một cách tích cực bằng những buổi đấu tranh vì hoà bình thế giới. Hình ảnh của Yoko trong mắt người hâm mộ Beatles vẫn không được cải thiện hơn. Trong những buổi live show của John Lennon ở liên hoan Peace in Toronto hay chương trình Rock and Roll Circus của Rolling Stones, Yoko xuất hiện trên sân khấu bên cạnh John chỉ để cầm những mảnh giấy có ghi lời bài hát cho John, rít vào micro những âm thanh những chuỗi âm thanh phi âm nhạc và sau đó là chui vào một cái túi vải trắng khổng lồ được đặt sẳn trên sân khấu. Tại live show trường đại học Cambridge, hàng trăm sinh viên fan của Beatles đã hụt hẫng và giận dữ khi chương trình kéo dài bằng việc Yoko đứng trước micro và rít lên những âm thanh vô nghĩa trong khi John quay cây đàn guitar điện của mình vào dàn loa để tạo nên những âm thanh feedback chói tai. Album Unfinished Music No.2: Life with the Lions và the Wedding Album cũng bị người hâm mộ quay lưng như Two Virgins. Trong thời gian này, Yoko lại sảy thai đứa con thứ hai của John.


Plastic Ono Band

Năm 1970, hàng triệu con tim người hâm mộ trên thế giới tan vỡ khi Paul McCartney lên báo tuyên bố về sự chính thức tan rã của the Beatles. Trên thực tế thì Beatles đã không còn là một ban nhạc hơn một năm về trước khi mỗi thành viên đều theo đuổi những dự án riêng. Không lâu sau đó, John và Yoko chính thức thành lập nhóm Plastic Ono Band và thực hiện những album mang tính âm nhạc nghiêm túc hơn. Single “Instant Karma” với hình ảnh John và Yoko với mái tóc cắt thật sát được đón nhận một cách tích cực. Những album tiếp theo Plastic Ono Band và Imagine chứng tỏ rằng John vẫn là một tài năng tuyệt vời của nhạc rock. Bằng âm nhạc của mình, John và Yoko đã khéo léo cổ suý cho phong trào đấu tranh cho hoà bình thế giới, chấm dứt chiến tranh qua những ca khúc mang đậm màu sắc chính trị như Power to the People, Mind Games, Happy Christmas (War Is Over). Từ năm 1969 đến 1972, John và Yoko trở thành biểu tượng của những cuộc đấu tranh phản chiến.

Năm 1971, cựu Beatles George Harrison ngỏ lời mời John tham gia buổi diễn từ thiện vì quyên góp cho nạn đói ở Bangladesh cũng với những nghệ sĩ tên tuổi khác. John đồng ý với điều kiện Yoko được biểu diễn cùng. Điều này dẫn đến sự tranh cãi kịch liệt giữa hai cựu thành viên của Beatles. John cho rằng George đang cố tình tạo sự hiểu lầm rằng Beatles sẽ tái hợp vì Paul và Ringo cũng được mời tham gia chương trình còn George thì nhấn mạnh Yoko không được xuất hiện trong chương trình của mình. Kết quả tên của John bị gạch khỏi danh sách nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Năm 1972, John và Yoko chuyển sang sống ở New York và bắt đầu cuộc đấu tranh dai dẳng để xin thẻ xanh định cư tại Mỹ. Cơ quan an ninh và nhập cư của Mỹ thời Nixon xem cặp đôi này là mối hiểm hoạ cho an ninh quốc gia vì những phát ngôn chống chiến tranh có sức ảnh hưởng mạnh đối với những người hâm mộ. Căn hộ nơi John và Yoko ở luôn bị theo dõi và điện thoại đều bị đặt máy ghi âm nghe lén. Thời gian ở New York, ngoài việc giao du với nhiều thủ lĩnh các phong trào hippie và cánh tả như Abbie Hoffman và Jerry Rubin, John còn sử dụng nhóm nhạc theo tư tưởng Marxism ở New York là nhóm Elephant’s Memory làm ban nhạc đệm cho mình trong buổi diễn tại Madison Square nhằm đấu tranh đòi trả tự do cho John Sinclair, thủ lĩnh của nhóm chính trị White Panther. Những hành động này góp phần gây trở ngại cho việc cấp phép lưu trú dài hạn cho John và Yoko.

Năm 1973 đánh dấu sự rạn nứt của mối quan hệ giữa John và Yoko. Yoko sắp đặt cho John đến sống ở Los Angeles với cô thư kí của mình là May Pang trong suốt 18 tháng trời, khoảng thời gian mà John thường nhắc đến bằng cụm từ” những ngày cuối tuần lạc lối”. Hai người quyết định quay trở lại với nhau sau khi John xuất hiện với tư cách khách mời trong live show của Elton John ngày 28/11/1974. Đó là lần cuối cùng John biểu diễn trước công chúng.

Sean Lennon và bố mẹ
Không lâu sau đó, Yoko lại tuyên bố có thai ở tuổi 42. Đã ba lần sảy thai, sự ra đời của bé Sean Lennon ngày 9/10/1975 là một phép màu đối với cả John và Yoko. Kì lạ hơn nữa, đó cũng là ngày sinh nhật lần thứ 35 của John. “Sean và tôi, hai cha con giống như hai anh em sinh đôi vì chúng tôi có cùng một ngày sinh.” Không để con mình trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng, John chắp nhận lui vào bóng tối để làm một người cha-chồng-nội trợ để Yoko lo việc đối ngoại. Cũng trong giai đoạn này, John và Yoko đã thắng trong cuộc chiến xin giấy thường trú tại Mỹ.

Theo Fred Seaman, trợ lí riêng của John từ giữa năm 1979 cho đến ngày John bị ám sát, mâu thuẫn giữa John và Yoko lại phát sinh khi Yoko có những biểu hiện hoang tưởng vể tuổi tác và nhan sắc của mình. Cô sử dụng cocaine và trang điểm thật đậm để che đi những vết nhăn của tuổi tác. Mỗi lần John đi ra ngoài một mình, Yoko đều cho người theo dõi. Nhiều bằng chứng cho thấy Yoko còn có một mối quan hệ trên mức tình bạn với Sam Green, một nhân viên môi giới nghệ thuật. Seaman khẳng định Yoko nhiều lần đòi li hôn và chỉ rút lại ý định này khi John quyết định quay lại phòng thu sau 5 năm vắng bóng. Cô muốn nửa album của John là những ca khúc của mình và John đã đồng ý như một giải pháp cứu vãng cuộc hôn nhân.


Cuộc sống sau khi John bị ám sát

Ngày 8/12/1980 là một ngày không thể nào quên đối với người hâm mộ âm nhạc và yêu hoà bình trên thế giới khi John Lennon, cánh chim đầu đàn của ban nhạc vĩ đại nhất thế giới ngã xuống trước họng súng của một kẻ hâm mộ điên khùng ngay trước cửa toà nhà Dakota, New York. Bà quả phụ Yoko quyết định không tổ chức tang lễ hay họp báo mà hoả tang thi thể của chồng và tuyên bố ngắn gọn: “Tôi quyết định không tổ chức tang lễ long trọng theo ý nguyện của John, anh ấy muốn sự yên bình” và kêu gọi fan thay vì gửi hoa chia buồn thì hãy gửi tiền vào quĩ Spirit Foundation Inc. quĩ từ thiện mà John và Yoko lập ra vì hoà bình thế giới.

Bìa đĩa Season of Galss - Album solo đầu tiên của Yoko Ono

Trong khi cả thế giới đều bày tỏ sự thương tiếc đối với một tài hoa bạc mệnh như John Lennon, Yoko, ngưòi đáng lẽ đau khổ nhất lại có những hành động chọc giận người hâm mộ cũng như bạn bè của John. Tháng 3/1981, Yoko thu âm album solo Season of Glass với bìa đĩa in hình cặp kính dính máu của John khi bị bắn. Khi thu âm album, Yoko đã sử dụng lại ban nhạc đệm và ê kíp làm việc với John trong album cuối cùng Double Fantasy nhưng mọi người từ chối hợp tác với bà vì sự quá quắt trong cách cư xử. Cũng trong năm 81, Yoko cho đổi tên công ty phát hành băng đĩa Lenono music thành Ono Music by Yoko và dính vào vụ kiện tụng rùm beng với nhà sản xuất Jack Douglas khi có ý định quịt tiền công của ông này trong việc sản xuất album Double Fantasy của John. Ngày 9/10/1981, Yoko xuất hiện trước công chúng và tuyên bố ngày sinh của John được hiệp hội vì hoà bình quốc tế chọn làm ngày hoà bình thế giới.

Những năm tháng tiếp theo, Yoko tiếp tục sự nghiệp âm nhạc không mấy thành công và sự nghiệp nghệ thuật khó hiểu của mình. Hầu hết mỗi buổi triển lãm của Yoko đều gây nên sự chú ý theo kiểu tạo scandal như vào tháng 10 năm 1994, cả thành phố Langenhagen Đức bỗng dưng tràn ngập 70,000 poster chụp ảnh những cặp mông trần, một ý tưởng điên rồ của Yoko. Năm 2004, một lần nữa Yoko lại chọc giận dân thành phố Liverpool, quê hương của John, bằng hàng chục ngàn tấm poster mang hình bộ ngực trần và âm hộ của một phụ nữ. Theo Yoko, đó là một cách tôn vinh nữ quyền và vinh danh bà Julia, mẹ đẻ của John Lennon, một công dân Liverpool. Hơn 90% dân số Liverpool lên tiếng phản đối cuộc triển lãm này và gọi nó là một sự báng bổ dơ bẩn. Trước sức ép dư luận, Yoko buộc phải tháo bỏ những poster khiếm nhã kia.

Tuy nhiên, với tư cách là người duy nhất thừa hưởng chính thức di sản của John Lennon, Yoko đã rất biết cách kiếm lợi từ bất cứ thứ gì liên quan đến John từ những ca khúc thu dở, những bức tranh nguệch ngoạc do John vẽ và cả những đoạn đối thoại không đầu không đuôi của John được thu âm tại nhà. Đó chính là lí do bà không tái hôn với hàng tá nhân tình sau khi John mất vì điều này đồng nghĩa với việc bà phải từ bỏ quyền thừa kế di sản của John. Đối với những thành viên còn lại của Beatles, Yoko luôn có những hành động và lời nói mang tính khiêu khích, chọc tức sau đó lạị tìm cách giảng hoà rồi lại tiếp tục gây sự. Người mà Yoko chĩa mũi dùi nhiều nhất vẫn là Paul McCartney, Trong một lần họp báo, Yoko tuyên bố rằng Paul là người luôn tìm cách kìm hãm tài năng của George Harrison khi còn trong nhóm Beatles còn John mới chính là người nâng đỡ và ủng hộ George sáng tác. Năm 2005, tại lễ trao giải thưởng thành tựu trọn đời của tạp chí âm nhạc Q, Anh quốc, trước mặt nhiều anh tài của làng nhạc thế giới như Barry và Robin Gibb của nhóm Bee Gees, Ray Davies (nhóm Kinks) và Jimmy Page (nhóm Led Zeppelin), Yoko công khai chế giễu Paul McCartney về tài viết nhạc của ông. Bà phát biểu: “John thường thức giấc vào những lúc nửa đêm về sáng, anh ấy luôn bị ám ảnh rằng doanh số bán đĩa của mình thấp hơn của Paul và taị sao các ca sĩ trẻ thường hay chọn nhạc của Paul để cover lại. Tôi đã phải an ủi anh ấy rằng nhạc của anh bán không chạy bằng Paul vì chúng cao cấp hơn và kén người nghe hơn.” Ngay sau đó, Yoko lập tức xin lỗi Paul, cho rằng những phát biểu của mình chỉ nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về John chứ không có ý xúc phạm đến Paul.

Đối với những người thân của mình và của John, có vẻ Yoko cũng không tạo được thiện cảm. Cynthia Lennon, vợ cũ của John Lennon không tiếc lời bày tỏ sự oán hận đối với Yoko: “Đó là một người đàn bà ích kỉ và thực dụng. Bà ta đã lợi dụng John để được nổi tiếng. Yoko đã cướp của tôi một người chồng và tệ hơn nữa, cướp đi từ Julian một người cha.” Cynthia đã nói về Yoko như thế trong cuốn tự truyện của mình. Julian Lennon, con trai của John và Cynthia

Cynthia kể về Yoko với nỗi cay đắng không hề giấu giếm. “Khi bố tôi còn sống, bà ta luôn cản trở không cho cha con tôi gặp nhau. Những điều tốt đẹp mà Yoko nói với báo chí về mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi sau khi bố tôi mất chỉ là một màn kịch. Có một lần sinh nhật tôi, tôi nhận được món quà đặc biệt là cây đàn guitar thùng mà bố tôi đã từng sử dụng trong thập niên 70. Tôi rất cảm động vì đó là món quà rất có ý nghĩa đối với tôi như thể tôi nối lại mối quan hệ với bố tôi sau nhiều năm xa cách. Nghĩ rằng Yoko đã gửi nó cho tôi, tôi gọi điện thoại cho bà để cảm ơn về cây đàn. Bên kia ống nghe, Yoko nổi điên gọi tôi là kẻ ăn cắp và sai người bay sang Los Angeles ngày hôm sau để lấy lại cây đàn. Tôi thật sự bị shock vì cách cư xử của bà ta. Có thể đó là một sự hiểu lầm, có thể cây đàn đó có một ý nghĩa quan trọng đối với bà ấy. Nhưng tôi cũng là con của John Lennon. Yoko muốn chứng tỏ với cả thế giới này rằng bà là người duy nhất có tư cách thừa hưởng bất kì những gì mà bố tôi để lại.” Anh cũng nói rằng Yoko nhiều lần gọi điện cho anh chỉ để chê bai chế giễu rằng anh không có được tài năng của bố mà chỉ có Sean (con của John và Yoko) mới thừa hưởng gene của người bố thiên tài.


Tony Cox, người chồng trước của Yoko cũng ôm hận không kém. “Điều hối hận duy nhất của tôi trong đời” Tony phát biểu “ là đã sắp đặt cho Yoko và John gặp nhau.” Là người cứu Yoko ra khỏi viện điều dưỡng thần kinh, tạo mọi điều kiện cho Yoko thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình, Tony không thể không bị choáng váng vì sự phụ bạc của Yoko sau khi gặp John. Năm 1968, Tony buộc phải kí đơn li dị và để cho Yoko dành quyền nuôi con gái của hai người là bé Kyoko. Nhưng sau khi nhìn thấy một tấm ảnh chụp John và Kyoko cùng tắm trong một bồn tắm trong tình trạng nude hoàn toàn, Tony đã lên kế hoạch bắt cóc con ruột của mình và nuôi nấng bé Kyoko một mình. Trong suốt thời gian đó, Kyoko được đổi tên thành Rosemary và được nuôi dạy với niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Sau khi John bị ám sát, Tony cho phép Kyoko gọi điện thoại về cho Yoko để an ủi nhưng không tiết lộ địa chỉ của mình. Chỉ đến năm 1996, Kyoko và con gái Emi mới chính thức tái lập lại mối quan hệ với Yoko sau gần hơn 30 năm xa cách.


(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ and Blogger Themes.