The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.20)
Cũng như hầu hết các ban nhạc và
ca sĩ thời bấy giờ, trước khi bắt tay vào thu âm và phát hành một album 33
vòng, nhóm Beatles sẽ tung ra thị trường 1 hoặc 2 đĩa single giới thiệu vài ca
khúc mới để xem sự hưởng ứng của các fan như thế nào. Đĩa single với tốc độ
quay 45 vòng trong một phút chỉ có thể chứa được 1 bài mỗi mặt được xem là công
cụ hữu hiệu để quảng cáo album mới của một nhóm nhạc trước khi kênh truyền hình
MTV ra đời. Thường thì các bài hát trong đĩa single sẽ được gửi đến các đài
phát thanh và sẽ được các DJ phát sóng trong tuần. Thứ hạng của một ca khúc
trong đĩa single dựa vào số lần phát sóng và yêu cầu phát sóng của thính giả
trong tuần hoặc tháng. Trong thời gian tồn tại (1962-1970), nhóm Beatles đã
phát hành chính thức tại Anh 22 đĩa single và 13 đĩa EP (extended play). Một số
bài phát hành dưới dạng đĩa single được đưa vào các album LP chính thức của
nhóm và rất nhiều bài không được phát hành dưới dạng album. Khi đĩa CD bắt đầu
thay thế cho đĩa single và LP, các ca khúc được phát hành dạng single và EP của
Beatles được tập hợp vào hai CD mang tên Past Master vol.1 (bìa đen) và vol.2
(bìa trắng). Sau đây xin giới thiệu với bạn đọc các ca khúc phát hành dạng
single của the Beatles nhưng không xuất hiện trong các album chính thức.
From Me To You
(Lennon 5/ McCartney 5)
UK Chart 1
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, harmonica,
hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Đây là single thứ ba của Beatles.
John và Paul viết ca khúc này khi đi tour cùng với Helen Shapiro từ York đến
Shrewsbury như một lời tán tỉnh cô ca sĩ này cùng với ca khúc “Thank You Girl”.
Sự cạnh tranh giữa hai tài năng thể hiện qua việc thách đố nhau, mỗi người viết
một câu xen kẽ cho đến khi bài hát hoàn thành. Tuy nhiên Helen Shapiro có vẻ
không ấn tượng với ca khúc này lắm khi John và Paul hát thử cho cô nghe. Cảm thấy
xấu hổ, cả hai định loại “From Me to You” ra khỏi danh sách những bài hát mới
cho tới khi ông James McCartney, cha của Paul khẳng định đây là một ca khúc
hay. Tựa của bài hát được lấy cảm hứng từ chuyên mục “From You To Us” của tạp
chí New Musical Express và phần hát bè “whooh!!” đầy phấn khích ở cuối đoạn điệp
khúc bắt chứơc “Twist and Shout”, ca khúc của nhóm Isley Brothers mà nhóm
Beatles đã chơi lại. Helen Shapiro kể lại rằng khi hát đến đoạn này, cả John lẫn
Paul đều cố hết sức để chứng tỏ rằng mình có thể hát cao hơn người kia để khoe
mẽ với người đẹp, một sự cạnh trạnh khá trẻ con và dễ thương.
Thank You Girl
(Lennon 5/ McCartney 5)
UK Chart: -/ US Chart: 35.
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, harmonica,
hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums.
Được viết cùng một lúc với “From
Me to You” với cái tựa “Thank You Little Girl”, bài hát này dược John và Paul dự
định phát hành mặt A của single mới và “From Me to You” ở mặt B vì cả hai cho rằng
“Thank You Girl” hay hơn “From Me to You.” Nhưng ông George Martin thấy được tiềm
năng của “From Me to You” nên thuyết phục nhóm sử dụng ca khúc này ở mặt A và
“Thank You Girl” ở mặt B. Sau này cả Paul và John đều chê “Thank You Girl” là một
trong những ca khúc tồi nhất mà họ từng viết.
She Loves You
(Lennon 5/ McCartney 5)
UK Chart 1/ US Chart 1 (1964)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Đây là single thứ tư của Beatles
trong năm 1963 và là single thứ ba của nhóm đạt hạng nhất ở Anh. Thành tích này
đã đưa nhóm lên vị trí “Toppermost of the Poppermost” (đỉnh cao của thế giới nhạc
pop, chữ của John.) mà John vẫn ao ước. Single này bán được trên 1,3 triệu bảngchỉ
trong năm 1963. Nó trở thành single bán chạy nhất ở Anh cho đến năm 1978 khi
Paul McCartney và nhóm Wings phá kỉ lục bằng single “Mull of Kyntire”. Lấy cảm
hứng từ ca khúc “Forget Him” của Bobby Rydell, Paul đề nghị John viết ca khúc
này với tư cách một người ngoài cuộc khuyên bạn mình hãy làm hoà với cô bạn gái
của mình. Từ trước đến nay, các ca khúc của Beatles đều viết với tác giả là
trung tâm của câu chuyện tình, không có người thứ ba. “She Loves You” là bài đầu
tiên, tác giả không trực tiếp liên quan đến cuộc tình. Điều này chứng tỏ Paul
và John có khả năng thoát khỏi lối mòn trong việc sáng tác ca khúc và sự tinh tế
về mặt cảm xúc, có thể nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Lúc đầu, Paul viết
“She loves you, yes, yes, yes!” nhưng bị John chê là thiếu thân thiện nên đã đổi
thành “yeah, yeah, yeah!” Ba chữ đơn giản “Yeah, yeah, yeah” ấy đã trở thành
câu nói cửa miệng của giới trẻ trong hai năm 1963-1964 và được trích dẫn trong
hầu hết các bài báo viết về Beatles trong thời gian đó. Ngược lại ộng James
Paul McCartney lại cho rằng ba chữ “yeah, yeah, yeah” kia là “không đứng đắn”
và “bắt chước lối nói chuyện sỗ sàng của người Mỹ.”
I’ll Get You
(Lennon: 5/ McCartney: 5)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, harmonica,
hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Đây là một trong những ca khúc
yêu thích của Paul trong thời đầu của Beatles, dù lời của ca khúc này phần lớn
là do John viết. Sau này, những nhà phê bình thường so sánh hai câu đầu của
“I’ll Get You”: “Imagine I’m in love with you, it’s easy ‘cause I know” với hai
câu đầu của bài “Imagine”: “Imagine there’s no heaven, it’s easy if you try” để
chứng tỏ John luôn là một kẻ mộng mơ ngay từ khi còn rất trẻ. Một điều đáng chú
ý nữa trong ca khúc này là việc chuyển đột ngột từ hợp âm D trưởng sang hợp âm
Am đoạn “It’s not like me to pretend”, một sự phá cách rất hiếm khi đựoc sử dụng
trong nhạc pop thời bấy giờ. Paul và John thừa nhận rằng cảm hứng của việc thay
đổi hợp âm đột ngột đó được lấy từ ca khúc “All My Trials” của Joan Baez.
I Want to Hold Your Hand
(Lennon: 5/ McCartney: 5)
UK Chart: 1/US Chart 1.
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Đây là single đầu tiên của
Beatles đạt hạng nhất ở Mỹ mở đầu cho cơn cuồng Beatles trong năm 1964. Trước
"I Wanna Hold Your Hand", các single của Beatles phát hành tại Mỹ đều
do hãng đĩa không mấy tên tuổi đảm nhận, do đó hầu như chẳng có cái nào đạt được
thứ hạng cao mặc dù luôn đứng nhất ở Anh. Capitol sau nhiều lần từ chối phát
hành các đĩa single của Beatles cuối cùng cũng đồng ý phát hành "I Wanna
Hold Your Hand" vì ông Epstein bảo đảm rằng, ca khúc này hợp với "thị
hiếu của người Mỹ". Phát hành vào tháng giêng năm 1964, "I Wanna Hold
Your Hand" vào thẳng top 40, leo lên vị trí đầu bảng và trụ lại đó suốt 7
tuần. Sau đó nó tiếp tục ở lại top 40 thêm 14 tuần nữa ở các vị trí khác nhau.
Capitol lập tức kí hợp đồng nhận làm công ty phát hành chính thức của Beatles tại
Mỹ và bỏ ra trên 50,000 bảng để quảng cáo cho Beatles. Đối với các ca sĩ và
nhóm nhạc Anh, đây là điều chưa bao giờ xảy ra. Ngôi sao sáng nhất của Anh trên
đất Mỹ lúc bấy giờ là Cliff Richards phải chật vật lắm mới có được một bài hit
nho nhỏ là "Living Doll" trong top 40 của Billboard. Từ sau "I
Wanna Hold Your Hand" trật tự bảng xếp hạng bị đảo ngược. Người Mỹ bắt đầu
mê mẩn các nhóm nhạc Anh quốc cho đến giữa thập niên 60, người Anh gần như chiếm
lĩnh thị trường rock and roll ở Mỹ.
John và Paul viết ca khúc này ở
nhà của Jane Asher trên cây đàn piano của Jane theo cách viết quen thuộc của
hai người, mỗi người viết một câu rồi thách người kia viết câu tiếp theo. Chứng
kiến sự ra đời của ca khúc góp phần làm thay đổi lịch sử của nhạc rock là hai
chàng trai may mắn Gordon Waller và Peter Asher. Peter Asher chính là anh trai
của Jane Asher. Hai nhân vật này sau này dưới sự giúp đỡ của John và Paul trở
thành nhóm song ca Peter and Gordon khá thành công trong thập niên 60 với
"A World Without Love" một sáng tác của Paul.
Trở lại với bài "I Wanna
Hold Your Hand", khi bài hát đạt hạng nhất ở Mỹ, nhóm Beatles đang lưu diễn
tại Paris và chuẩn bị thu âm tại phòng thu EMI của Pháp. Một buổi tiệc lớn ăn mừng
thành công không ngờ của "I Wanna Hold Your Hand" đã diễn ra tại khách
sạn George V, Paris với tứ quái, ông Epstein và ông George Martin.
Sau thành công vượt bậc của
"I Wanna Hold Your Hand" đại diện của hãng EMI tại Đức đã yêu cầu
nhóm thu phiên bản tiếng Đức "Komm, Gib Mir Deine Hand". Bản thu âm
tiếng Đức này được thực hiện ngày 29/1/64 tại studio Pate Marconi, Paris.
Về ca khúc nổi tiếng này, có nhiều
giai thoại khá thú vị. Năm 1969, như một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn sự tan
rã của Beatles, tứ quái đã có ý định thu âm lại một trong những ca khúc hit ban
đầu với phong cách mới. Cả Paul và John cùng đề xuất thu âm lại "I Wanna
Hold Your Hand."
Một giai thoại khác cũng thú vị
không kém là nhà thơ của phong trào Beatnik nổi tiếng Allen Ginsberg, người có ảnh
hưởng lớn đối với John và Bob Dylan, khi nghe ca khúc này trong một hộp đêm ở
New York đã rời chỗ ngồi và nhảy theo, điều mà trước giờ ông không bao giờ làm
nơi công cộng.
Khi Beatles đến lưu diễn tại Mỹ,
họ đã có dịp gặp gỡ Bob Dylan. Dylan rất bất ngờ khi các tay Beatles thú nhận rằng
mình chưa từng thử hút cần sa. Hóa ra là do ông vua nhạc folk nghe nhầm câu
" I can’t hide" thành "I get high"
This Boy
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
John viết bài này theo phong cách
Smokey Robinson. Đây là ca khúc đầu tiên của tứ quái hát bè ba. John luôn tự
hào về ca khúc này của mình về phần giai điệu và phần phối bè khá lắt léo. Tuy
nhiên, về phần lời, John luôn từ chối nói rõ lấy cảm hứng ở đâu, mặc cho nhiều
người đoán già đoán non rằng John viết bài này về một mối tình tan vỡ của mình.
Trong bộ phim "A Hard Day's Night" phần hoà tấu ca khúc này được đặt
tên là "Ringo''s Theme" với cảnh Ringo đi dọc bờ sông một mình trước
buổi diễn của Beatles.
I Call Your Name
(Lennon 10)
McCartney: bass
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr:drums
John thường bảo rằng mình viết ca
khúc này năm 17 tuổi khi còn ở trong nhóm Quarry Men. Tuy nhiên theo Rod Davis,
một cựu thành viên của Quarry Men, John với vốn liếng guitar ít ỏi lúc đó không
sáng tác được ca khúc nào cho đến khi gặp Paul. Rod Davis kể lại rằng ông và
John thường cố chép lời những ca khúc rock and roll thịnh hành từ radio xuống để
cùng tập với nhóm của mình. Nếu không nghe kịp, John luôn là người chế ra phần
lời mới và nhận đó là sáng tác của mình. John đã viết lại toàn bộ lời của ca
khúc "Streamline Train" và đổi tên thành "Long Black Train"
cũng như sửa lời của bài "Come Go With Me" của nhóm Del Viking. Vì vậy
theo Davis, nếu "I Call Your Name" quả thực được sáng tác khi John 17
tuổi, phần nhạc chắc chắn là nhạc của một ca khúc nào đó. Tuy nhiên theo nhiều
nhà nghiên cứu Beatles, “I Call Your Name” có lẽ được viết trong khoảng năm
63-64 vì đoạn solo guitar giữa bài chịu ảnh hưởng của thể loại Jamaican ska, thể
loại khá phổ biến ở Anh đầu thập niên 60. Sau này phần ca từ "I never weep
at night/ I call your name" được so sánh với phần ca từ "In the
middle of the night/ I call your name" của ca khúc Oh Yoko năm 1971 trong
album Imagine. Năm 1990, Ringo đã thu lại ca khúc này cho chương trình tưởng niệm
10 năm ngày mất của John tại Liverpool.
I Feel Fine
(Lennon 10)
UK Chart 1/ US Chart 1
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, lead
guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Được phát hành dưới dạng single
tháng 11/64 (ngày 23 ở Mỹ và 27 ở Anh), đây là đĩa đơn đầu tiên của Beatles được
phát hành trước ở Mỹ. Nếu như cách đây chưa đầy một năm, các hãng đĩa lớn ở Mỹ
luôn từ chối phát hành đĩa của Beatles vì không tin tưởng vào mức độ thành công
của nhóm nhạc Anh này trên đất Mỹ thì đến cuối năm 1964, họ lại chầu chực mong
được kí hợp đồng phát hành đĩa cho nhóm.
John viết đoạn riff của ca khúc
này dựa trên ca khúc “Watch Your Step” của Bobby Parker năm 1961. Theo lời của
Ringo thì anh có giúp John hoàn tất phần lời của bài hát, tuy nhiên khi đăng kí
quyền tác giả, bài này vẫn được đăng kí với cái tên Lennon/McCartney chứ không
phải là Lennon/Starkey. Một điều nữa thường hay bị ngộ nhận về “I Feel Fine” là
tiếng feedback của cây guitar nghe ở đầu bài không phải của George mà là của
John. John tựa cây đàn Gibson của mình vào loa sau khi tập và vô tình tạo hồi
âm. Thay vì loại bỏ nó như những lần thu âm trước, John đề nghị ông George
Martin giữ lại và thế là bài hát được mở đầu bằng tiếng feedback như một kĩ thuật
thu âm mới. Sau này Jimi Hendrix và Pete Townshend của the Who khai thác triệt
để tiếng feedback khi chơi guitar live.
She’s A Woman
(McCarney 9/ Lennon 1)
US Chart 4
McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: rhythm guitar
Harrison: lead guitar
Starr: drums,maracas.
Paul sáng tác bài này ngày
8/10/1964 tại khu St John’s Wood và thu âm cùng ngày hôm đấy. Đây là nỗ lực của
Paul bắt chứơc “Lucille” của thần tượng Little Richard và cũng là bài đầu tiên
của Beatles ám chỉ đến việc sử dụng ma tuý (turns me on when I get lonely). Được
phát hành ở Mỹ dưới dạng single, bài hát này lúc đầu không được đón nhận nồng
nhiệt cho lắm vì nhiều người cho rằng Paul hát lạc tone.
Yes It Is
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
John không thích ca khúc này. Anh
gọi nó là một bản sao thất bại của “This Boy” và cho rằng mình sáng tác bài này
chỉ để đáp ứng thị hiếu của thính giả lúc bấy giờ.
I’m Down
(McCartney 9/ Lennon 1)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: Hammond organ, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, bongos
Một của Paul bắt chước “Lucille” của
Little Richard. Trong nhóm Beatles, Paul là fan trung thành nhất của Little
Richard và chịu ảnh hưởng rất lớn của nghệ sĩ rock and roll đàn anh này. Năm
1962, nhóm Beatles có dịp được gặp gỡ với Little Richard khi ông trình diễn tại
Hamburg,. Trong tour diễn cuối cùng ở Mỹ, Beatles thường chơi “I’m Down” để kết
thúc buổi diễn của mình.
Day Tripper
(Lennon 8/ McCartney 2)
UK chart 1/ US chart 5
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, tambourine,
hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums
John viết bài này dưới áp lực của
việc thị trường lên cơn khát một single mới của Beatles vào mùa Giáng Sinh.
Theo John, cách anh xây dựng bài hát này cũng giống như bài “I Feel Fine” với
đoạn riff guitar làm nền. Về nội dung, “Day Tripper” úp mở về chuyện nhóm
Beatles đã dùng chất kích thích LSD (từ “trip”là tiếng lóng nói về sự say
thuốc) và ám chỉ về tình dục. Câu “She’s a big teaser" lúc đầu được viết
là “She’s prick teaser” nhưng khi thu âm phải đổi lại để tránh scandal vì những
vấn đề tình dục đối với thời bấy giờ vẫn là một điều cấm kị trong các ca khúc.
We Can Work It Out
(McCartney 7/ Lennon 3)
US Chart 1
McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic guitar, harmonium,
hát bè
Harrison: tambourine
Starr: drums
Nhiều người cho rằng bài hát này nói
về những xung đột giữa Paul và John trong nhóm Beatles, nhưng thật ra, bài hát
này nói về mối quan hệ giữa Paul và Jane Asher. Khi nhóm Beatles chuẩn bị thu
âm album Rubber Soul, Jane Asher quyết định tham gia công ty điện ảnh Bristol
Old Vic Company và theo công ty này đến miền tây của nước Anh quay phim. Điều
này khiến Paul suy sụp vì anh không muốn Jane tiếp tục sự nghiệp diễn viên.
Nhưng là một cô gái có cá tính mạnh, Jane quyết định theo đuổi con đường đã
chọn hơn là núp sau cái bóng của Paul để rồi được biết đến như “người tình của
một tay Beatles”. Trong bài hát này, Paul mặc dù xuống nước năn nỉ nhưng vẫn
không nhượng bộ. Anh muốn Jane đặt mình vào vị trí của Paul để nhận ra những
việc cô làm là sai trái. Đoạn điệp khúc ở giữa “Life is very short, and there’s
no time for fussing and fighting my friend” là của John. Phát biểu về ca khúc
này, John nói:” Paul luôn tỏ ra lạc quan ngay khi căng thẳng nhất còn tôi thì
dễ mất kiên nhẫn, cuộc đời đối với tôi lúc nào cũng quá ngắn” Đoạn này lúc đầu
được chơi theo nhịp 4/4 nhưng George đã đề nghị chuyển sang ¾ để nghe có vẻ gấp
gáp hơn.
Paperback Writer
(McCartney 8/ Lennon 2)
UK Chart 2/ US Chart 1
McCartney: Rickenbacker bas, hát
chính
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Paul lấy cảm hứng sáng tác bài này
trong thời gian giúp một người bạn sắp xếp lại hiệu sách Indica Bookstore. Đặt
mình vào vị trí của một nhà văn viết tiểu thuyết, Paul viết bài hát này dưới
dạng một lá thư thuyết phục nhà xuất bản cho ra đời tiểu thuyết của mình. Cũng
có giả thuyết cho rằng Paul viết bài này khi một người thân trong gia đình
khuyến khích anh viết một hit single không phải về tình yêu. Trong lúc giải lao
sau một đợt thu âm tại phòng thu, nhìn thấy Ringo say mê đọc cuốn tiểu thuyết
bỏ túi mới mua, Paul quyết định viết bài hát về “Paperback Writer”. Lần đầu
tiên, tiếng guitar bass được sử dụng làm tiếng lead với âm lượng khá lớn và
“bẩn”. Để tạo ra hiệu ứng này, kĩ sư phòng thu Ken Townshend đã đặt loa bass
đối diện với loa chính để lợi dụng tần số rung động của loa chính khuếch âm
tiếng bass. Mặc dù tạo được hiệu ứng mới, Ken Towshend đã bị ban giám đốc của
studio Abbey Road quở trách do không tuân theo nguyên tắc bố trí âm thanh. Về
hiệu quả tạo ra bới tiếng bass của Paul, John nói đùa rằng: “Paul định bắt
chước tôi sử dụng hiệu ứng của guitar trong “Day Tripper” cho bass. “Paperback
Writer” là con của “Day Tripper”. Một điều thú vị về bài hát này nữa là bài hát
đồng dao của Pháp “Frere Jacques” được sử dụng làm nền. Có giả thuyết cho rằng
Beatles đã sử dụng một dàn đồng ca trẻ em để hát phần này, trong khi các giả
thuyết khác cho rằng đó là giọng của John, Paul, và George.
Rain
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, tambourine
John viết bài này để khẳng định triết
lí “nắng hay mưa là chuyện tự nhiên của trời đất, còn thích hay không đó là
chuyện của con người.” Qua đó, John cũng muốn ám chỉ đến sự riêng tư của mình
bị bới móc trên các phương tiện truyền thông để người đời mổ xẻ bàn tán. John
thu nháp bản này rồi mang về nhà nghe lại. Trong lúc đang phê cần sa, John vô ý
xếp cuộn băng gốc theo chiều ngược lại và thế là bài hát được chơi ngược. Cảm
thấy thú vị với phát kiến mới này, John đã yêu cầu ông George Martin chen một
đoạn băng chơi ngựơc vào bài hát. Ông Martin đã cắt câu” when the rain comes,
they run and hide their head” và nối nó vào băng thu âm chính thức theo chiều
ngược lại. Từ đó, kĩ thuật sử dụng “backward loops” để thu âm được nhóm khai
thác triệt để trong các album sau. Một sáng kiến nữa được sử dụng trong bài hát
này là sau khi thu âm bài “Tomorrow Never Knows”, ông Martin cảm thấy nếu thu
phần nhạc đệm với tốc độ thật nhanh sau đó chơi lại với tốc độ chậm sẽ hay hơn
là thu bằng tốc độ bình thường. Ông đã đề nghị nhóm chơi phần nhạc đệm của bài
“Rain” nhanh gấp đôi, sau đó hạ xuống tốc độ cần thiết. Trước đây, ông đã sử
dụng kĩ thuật này với chiều ngược lại, chơi đoạn solo piano của bài “In My
Life” với tốc độ chậm rồi tăng nó lên cho đúng nhịp của bài.
Penny Lane
(McCartney 8/ Lennon 2)
UK Chart 2/ US Chart 1
McCartney: bass, Arco String bass,
Mellotrone, hát chính
Lennon: piano, hát bè
Harrison: conga drum. Firebell
Starr: drums
George Martin: piano
David Mason: piccolo trumpet
Philip Jones: trumpet
Theo Paul, Penny Lane là tên của một
bùng binh của thành phố Liverpool nơi có một tiệm hớt tóc mà lúc nhỏ John, Paul
và George đã từng được người chủ tiệm người gốc Ý Bioletti cắt tóc cho. Tuy
nhiên trên thực tế, ở Liverpool chỉ có con đường mang tên Penny Lane và một khu
vực mua sắm với cái tên không chính thức là Penny Lane. Những thứ như bùng
binh, ngân hàng, tiệm hớt tóc và trạm cứu hoả đều không nằm trên con đường mang
tên Penny Lane mà nằm rải rác trong khu vực Penny Lane, chủ yếu trên đường
Allerton. “Penny Lane” là ca khúc gợi nhớ những kỉ niệm thời thơ ấu của Paul
McCartney tại Liverpool. Paul có cảm hứng sáng tác ca khúc này sau khi đọc bài
thơ “Fern Hill”, một bài thơ với những hồi ức tuổi thơ của nhà thơ Mỹ Dylan
Thomas. ầC khúc “Penny Lane” từ âm nhạc đến hình tượng mang một nét Anh rất đặc
trưng. Đây là lần đầu tiên một địa phương của Anh với phong cảnh được mô tả
trong nhạc rock thay vì những “Chicago” hay “Kansas city” hay “New Orleans” của
Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng, nhạc rock Anh bắt đầu có vị trí cạnh tranh trên thị
trường quốc tế ngang ngửa với nhạc rock Mỹ chứ không chỉ đứng ở vị trí thứ hai
nữa. Điều nghịch lí là mặc dù bài hát đứng hạng nhất ở Mỹ, ở Anh nó chỉ xếp
hạng thứ 2. Đây là đĩa đơn đầu tiên của Beatles từ “Please Please Me” không lọt
vào hạng nhất bảng xếp hạng ở Anh. Trong bài hát, Paul sử dụng hai cụm từ tiếng
lóng khá tục của thành phố Liverpool là “finger pie” và “the fireman keeps his
fire engine clean”.
Do sự nổi tiếng của bài hát, khu
Penny Lane ở Liverpool đã trở thành khu du lịch hút khách vào bậc nhất. Tấm
biển tên đường Penny Lane cũ đã bị ai đó gỡ mất để làm kỉ niệm. Chính quyền
thành phố phải thay vào đấy một tấm biển mới gắn vào tường ở xa tầm với của các
du khách để tránh bị mất cắp. Tiệm hớt tóc xưa đã trở thành một beauty salon
với hình của nhóm Beatles dán ở cửa ra vào. Bùng binh xe bus được sửa chửa và
biến thành quán rượu mang tên Sgt Pepper’s Bistro. Một tiệm rượu nữa mang tên
Penny Lane thu hút khách du lịch với lời bài hát được viết trên cửa sổ.
Được phát hành dưới dạng đĩa đơn
cùng với ca khúc cũng nổi tiếng không kém "Strawberry Fields Forever"
của Lennon, "Penny Lane" khiến kẻ đã trót yêu hình ảnh "comple,
đầu nấm" và những ca khúc đơn giản như "She Loves You" hay
"Love Me Do", bị shock nặng. Việc Beatles tuyên bố ngừng lưu diễn
vĩnh viễn đã khiến họ cảm thấy hụt hẫng. Giờ đây với những ca khúc phức tạp và
đầy tính triết lí cùng với hình ảnh những chàng trai Beatles râu ria rậm rạp
lại càng khiến cho các cô các cậu thiếu niên thấy rằng mình bị phản bội. Tuy
nhiên đối với những người hâm mộ thực sự và giới phê bình, đĩa đơn này được
hoan nghênh như một bước trưởng thành thực sự về mặt nội dung lẫn nghệ thuật
của nhóm Beatles. Thoát khỏi được cái vỏ bọc hiền lành dễ thương nhưng đầy tính
thương mại và những cuộc lưu diễn dường như bất tận, tứ quái Beatles đã được
sáng tạo theo đúng tài năng thiên phú của mình. "Penny Lane/ SFF" mở
đầu cho cuộc cách mạng thử nghiệm trong âm nhạc với tất cả các ý tưởng điên rồ
nhất của những năm cuối thập niên 60 với thể loại psychedelic và progressive/art
rock.
Strawberry Fields Forever
(Lennon 10)
US Chart 8
McCartney: bass, bongos, piano,
Mellotron,
Lennon: lead guitar, harpsichord,
hát chính
Harrison: lead guitar, tympani
Starr: drums
Mal Evans: tambourine
Philip Jones: alto trumpet
Session musicians: 2 cellos, 2 horns
Sau khi ngừng đi tour, các tay
Beatles dành một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi và "giải độc".
John bay sang Tây Ban Nha để tham gia vào bộ phim "How I Won the War"
trong vòng sáu tuần lễ. Tại đây, anh đã sáng tác "Strawberry Fields
Forever", ca khúc được xem như là cột mốc của thể loại psychedelic rock và
là một trong những ca khúc hay nhất của Beatles. Strawberry Field trên thực tế
là trại mồ côi của tổ chức tôn giáo từ thiện Salvation Army trên đường
Beaconsfield, Woolton, cách ngôi nhà của dì Mimi chỉ khoảng 5 phút đi bộ.Thuở
nhỏ, John và các bạn như Pete Shotton và Ivan Vaughan hay đến chơi đùa.
Về mặt nội dung, "SFF" là
những hồi tưởng về những kỉ niệm thời thơ ấu của John Lennon đan xen với triết
lí cuộc sống theo kiểu rất "John". Anh cảm thấy áp lực nặng nề trong
cái vỏ bọc của một người nổi tiếng trong một thế giới đầy nghi kị và hiểu lầm.
John cảm thấy mình không được sống thật như chính bản thân mình muốn sống để
rồi mơ ước được cùng với người mình yêu đi về những cánh đồng dâu, một miền đất
hoang đường cổ tích nhưng lại là một miền đất không có những lo toan bề bộn. Ca
từ và âm nhạc của "SFF" đã thể hiện được độ chín về mặt tư tưởng của
John Lennon, mở màn cho những sáng tác mang tầm vóc thiên tài khác.
Khi trở về Anh, John trình bày ca
khúc này với nhà sản xuất George Martin và các con bọ khác bằng guitar thùng.
Ngay lập tức, mọi người đều nhận ra đây là một ca khúc thực sự tuyệt vời. Với
John Lennon chơi guitar thùng và hát chính, Paul McCartney chơi mellotron, George
Harrison chơi slide guitar và Ringo chơi trống, nhóm đã hoàn thành phiên bản
đầu tiên của "SFF" ngay trong chiều hôm ấy và mọi người đều cảm thấy
mãn nguyện trước thành quả của mình.
Nhưng khi chưa kịp đưa ca khúc ra
phát hành, John bất chợt lại đổi ý vì anh cảm thấy chưa vừa lòng với bản thu âm
này. Anh muốn hát phần điệp khúc trước khi vào lời chính. Anh mang ý nghĩ của
mình nói với Paul và kì lạ thay chính McCartney cũng trăn trở với
"SFF". Anh bỏ ra hàng tuần đánh vật với nhạc cụ Mellotron để tạo ra
khúc intro hoàn hào cho bài hát.Thế là phiên bản thứ hai hoàn hảo hơn được thu
âm ngày 28/11/1966 dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của George Martin với phần intro
bằng tiếng sáo giả của nhạc cụ Mellotron và phần điệp khúc mở đầu bài hát.
Nhưng chỉ trong vòng một tuần, Lennon lại tìm George Martin để xin thu âm lại
ca khúc. Là một nhạc sĩ viết nhạc theo cảm tính chưa từng được đào tạo một cách
chính qui, John Lennon có nhiều ý tưởng độc đáo nhưng anh không biết diễn đạt
thế nào bằng giấy trắng mực đen để có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Rất may
cho John và cho cả nhóm Beatles vì George Martin không những là một nhà sản
xuất giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản mà còn là một người biết lắng nghe
và ủng hộ những ý tưởng mới. Chính ông là người đã biến nhiều ý tưởng tưởng
chừng như điên rồ của John, Paul và George thành những bản thu âm chuẩn mực cho
các nghệ sĩ đàn em noi theo. Lần này ý tưởng thu âm của John làm cho mọi người
khá kinh ngạc. Anh muốn sử dụng dàn nhạc khí dây và kèn đồng để thu âm để tăng độ
dày cho ca khúc. Được Martin chấp thuận dễ dàng, George Harrison được nước
"mè nheo" đòi đưa nhạc cụ swordmandel của Ấn độ vào ca khúc. Việc thu
âm ca khúc ngày càng trở nên phức tạp và tốn kém hơn.
Phiên bản hoàn chỉnh thứ ba của
"SFF" hoàn thành vào ngày 21/12/1966 với đầy đủ guitar, Mellotron,
dàn nhạc dây, kèn đồng, sáo và swordmandel, gần một tháng sau khi ca khúc được
John giới thiệu với mọi người. Lần đầu tiên trong lịch sử nhạc rock, một ca
khúc được thu âm lâu và có nhiều thay đổi đến như vậy được biết đến.
Nhưng rồi cả phiên bản này cũng
không làm vui lòng chàng Lennon khó tính. Anh nói với George Martin rằng mình
vừa thích cả phiên bản "sạch sẽ" lẫn phiên bản mới và đề nghị George
tìm cách nối hai phiên bản lại với nhau. George giải thích rằng hai phiên bản
được thu âm với hai tone nhạc khác nhau và tốc độ cũng khác nhau nên việc nối
chúng lại là một việc không đơn giản. Không chịu thua, John năn nỉ George tìm
cách nâng tốc độ của phiên bản 1 và giảm tốc độ của phiên bản 2 xuống cho đến
khi chúng cùng tốc độ và đổi về cùng một tone. Thay vì bực mình vì bị yêu sách
quá nhiều, George Martin một lần nữa chấp nhận yêu cầu của John. Và đó là bản
thu âm mà các fan đã được thưởng thức, một ca khúc được thu âm phức tạp nhất
tính tới thời điểm đó.
All You Need Is Love
(Lennon 10)
UK Chart 1/ US chart 1
McCartney: bass, hát bè
Lennon: harpsichord, hát bè, hát
chính
Harrison: violin, guitar, hát bè
Starr: drums
George Martin: piano
Dàn nhạc đệm: 2 trumpets, 2
trombones, 2 saxophones, 1 accordion, 4 violins và 2 cellos.
Tham gia hát bè gồm có: Mick Jagger,
Gary Leeds, Keith Richards, Marianne Faithful, Janes Asher, Pattie Harrison.
Keith Moon, Graham Nash, Eric Clapton, Brian Epstein và Mike McGear.
Tháng 5/1967, Beatles được đài BBC
chọn để đại diện nước Anh tham gia vào chương trình ca nhạc tạp kĩ đa quốc gia
lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới qua vệ tinh nhân tạo
mang tên Our World. Paul và John được phân công viết một ca khúc với ca từ và
giai điệu dễ nhớ dễ thuộc nhưng phải giàu ý nghĩa để mọi người cùng hát theo.
Paul và John mỗi người viết một ca khúc riêng biệt và “All You Need Is Love”
của John được chọn vì nó phản ánh đúng đắn không khí của năm 1967 với phong
trào đấu tranh vì hoà bình của các nhóm hippie. Để bài hát mang tính quốc tế
hoá cao, ông George Martin đã sử dụng một phần nhạc của các bài “La
Marseillaise” của Pháp, “In the Mood” của Mỹ, “Brandeburg concerto” của Đức và
“Greensleeves” của Anh trong phần intro và outro. Phần nhạc nền của bài hát được
thu sẳn ở Abbey Road studio, khi nhóm Beatles được thu hình biểu diễn để phát
sóng, phần nhạc nền được chơi playback trong khi nhóm hát live theo. Khi được
hỏi về cảm hứng sáng tác bài hát này, John nói: “Tôi thích viết những bài hát
từ những khẩu hiệu hoặc biến những bài hát của mình thành những khẩu hiệu chính
trị. Tôi rất thích xem quảng cáo trên truyền hình vì những nhà quảng cáo thường
có những khẩu hiệu hay. Là một nghệ sĩ vì hoà bình, tôi muốn sử dụng những bài
hát của mình như những khẩu hiệu quảng cáo cho hoà bình.” Đó là lí do sau này
John viết những ca khúc mang tính khẩu hiệu kiểu “Give Peace a Chance” hay
“Power to the People” khá thành công.
Baby You’re a Rich Man
(Lennon 5/ McCartney 5)
US chart 34
McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: clavioline, piano, hát chính
Harrison: tambourine, hát bè
Starr: drums, maracas
Dàn nhạc đệm: vibes
Bài hát này được viết theo dạng “ A
Day In the Life” có nghĩa là nó được hình thành từ hai bài hát không hoàn chỉnh
của John và Paul ghép lại với nhau. Phần đầu của John được gọi là “ One of the
beautiful people” ca ngợi những nhóm hippie, còn phần của Paul là “Baby you’re
a rich man” nhằm ám chỉ ông bầu Brian Epstein. “Beautiful people” là cụm từ phổ
biến trong thập niên 60 để chỉ những nhóm hippie cổ suý cho phòng trào hoà
bình, tự do tình dục và tự do sử dụng ma tuý. Những thành viên của các nhóm này
thường dùng từ “beautiful” để nói về những gì mình thích. Phần của Paul thì lại
nhằm vào ông Brian Epstein. Như một qui luật bất thành văn, bất cứ nơi nào muốn
mời nhóm Beatles đến diễn, ngoài tiền công trả cho nhóm và ông Epstein trong
hợp đồng, người tổ chức còn phải trao cho ông Epstein thêm từ $25000-50000 tiền
mặt trước mỗi buổi diễn. Số tiền này được gói cẩn thận trong một bao giấy màu
nâu. Khi biết được về số tiền này, các thành viên Beatles cảm thấy mình bị bóc
lột, nhất là Paul. Còn riêng ông Epstein, từ khi Beatles ngừng lưu diễn, dĩ
nhiên là ông bị mất đi một khoảng thu nhập đáng kể từ những túi giấy màu nâu
như thế. Vì thế chuyện cái túi giấy màu nâu đựng tiền của ông Epstein được Paul
đưa vào bài hát của mình trong đoạn: “You keep all your money in the big brown
bag inside the zoo, what a thing to do!” Trong băng demo thu âm ca khúc này,
John còn cay độc hơn khi cố tình hát câu: “baby you’re a rich man too” thành
“baby you’re a rich fag Jew”.
Ngày 7/8 năm 1967, George và Pattie
khi đến Haight Ashbury, San Francisco, thủ phủ của dân hippie đã hát lại ca
khúc này dưới sự cổ vũ của hàng trăm “beautiful people” đang trong tình trạng
lâng lâng say thuốc.
Hello, Goodbye
(McCartney 10)
UK Chart 1/ US chart 1
McCartney: bass, bongos, congas,
piano, hát chính và hát bè
Lennon: lead guitar, organ, hát bè
Harrison: lead guitar, tambourine,
hát bè
Starr: drums, maracas,
Session musicians: 2 violas
Alistair Taylor, trợ lí của ông
Epstein kể về việc ra đời của ca khúc này như sau: “Paul khoe với tôi cây đàn
harmonium được chạm trổ khá tinh xảo bằng tay mà anh mới mua được. Sau đó Paul
bắt đầu ngồi xuống và chơi một giai điệu và bắt tôi phải hát tiếp theo những
câu Paul hát với bằng những từ trái nghĩa.” Tuy nhiên theo Alistair, bài hát
“Hello, Goodbye” mà Paul sáng tác lúc đó có giai điệu hoàn toàn khác với giai
điệu của bài hát được phổ biến. Ông nói: “John và Paul luôn có sẳn những giai
điệu đẹp trong đầu, cũng như những cái kén tháng Năm vậy. Tuy nhiên, một số
giai điệu được chắp cánh và hoá bướm bay đi, số còn lại trở thành những cái kén
khô, hoàn toàn không được ai biết đến.” Có lẽ sau khi tìm đựơc ca từ cho bài
hát, Paul đã lại sáng tác ra một giai điệu thích hợp hơn nên giai điệu cũ bị bỏ
rơi. Đây là một bài John rất ghét vì theo John bài này tối nghĩa và quá đơn
giản. John nói: “Đây là một mẩu rác không hơn không kém, chỉ có phần ứng tác
“hey la, hey aloha” ở đoạn cuối là còn nghe được, còn tất cả chỉ đáng vứt đi”
Lady Madonna
(McCartney 10)
UK Chart 1/US chart 4
McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Ronnie Scott: saxophone
Harry Klein: saxophone
Bill Povey: saxophone
Bill Jackman: saxophone
Paul viết ca khúc này dựa trên nền
riff của bản nhạc hoà tấu “Bad Penny Blues” năm 1956 của tay kèn trumpet nhạc
jazz Humprey Lyttelton. Ca khúc này đánh dấu sự trở lại với thể loại rock and
roll truyền thống của Beatles sau hai năm thử nghiệm với thể loại psychedelic.
Mặc dù là vay mượn nền nhạc của Humprey Lyttelton, ông này không hề cảm thấy
phiền lòng, trái lại còn cảm thấy vinh dự vì được Beatles sử dụng nhạc của
mình. Ý định của Paul lúc đầu khi viết bài hát này là để ca ngợi đức mẹ đồng
trinh Maria, nhưng sau đó, anh cảm thấy đây là một bài hát ca ngợi phụ nữ nói
chung. Khi chọn bài hát để phát hành đĩa đơn năm 68, nhóm đã dự định sử dụng
bài “Across the Universe” nhưng đến giờ chót lại phát hành “Lady Madonna” và
giữ bài kia lại đến tận năm 1970 mới phát hành.
The Inner Light
(Harrison 10)
US Chart 96
McCartney: hát bè
Lennon: hát bè
Harrison: hát chính
Dàn nhạc đệm chơi tất cả những nhạc
cụ trong ca khúc
Ngày 29/9/1967, John và George được
David Frost chọn làm khách mời cho chương trình talk show mang tên the Frost
Report của mình. Buổi nói chuyện chủ yếu xoay quanh các vấn đề triết học và
thiền định phương Đông, dựa trên buổi phỏng vấn thiền sư Maharishi Maheshi Yogi
trước đó. Trong số người tham dự chương trình có Juan Mascaro, một giáo sư
tiếng Sanskrit ở đại học Cambridge tham dự. Khá ấn tượng về sự hiểu biết về
triết học phương đông của George, một tháng sau, ông này gửi cho George quyển
sách mang tên Lamps of Fire, một quyển sách gồm những bài giảng về triết lí
phương Đông mà ông sưu tập và biên dịch. Juan nhờ George viết nhạc cho phần lời
dịch của một đoạn trích từ bộ “Đạo Đức Kinh” của Trung Quốc có tựa đề là ‘The
Inner Light”. George đã sử dụng gần như toàn bộ lời của bài thơ cho ca khúc của
mình, chỉ thay đổi chút ít cho hợp với nhạc. Ca khúc được những nhạc sĩ dân tộc
Ấn độ chơi phần nhạc nền cũng như những ca khúc trước đây của George. Đựơc sử
dụng cho mặt B của single “Lady Madonna”, đây là ca khúc đầu tiên của George
được chọn làm single và cũng là ca khúc duy nhất của Beatles có vị trí thấp
nhất trên bảng xếp hạng.
Hey
Jude
(McCartney
10)
UK
chart 1/ US chart 1
McCartney:
bass, piano, hat chinh
Lennon:
acoustic guitar, hat be
Harrison:
lead guitar, hat be
Starr:
drums, tambourine
Năm
1968, khi John và Yoko công khai hoá mối quan hệ của mình, chuyện li dị giữa
John và Cynthia là điều tất yếu. Trong số các Beatles, Paul là người quan tâm
đến số phận và tương lai của cậu bé Julian Lennon nhất. Một hôm, trên đường đến
thăm Julian và Cynthia, Paul có ý tưởng viết một bài hát để an ủi Julian. Bài
hát lúc đầu được gọi là “Hey Jules” nhưng Paul đổi lại thành “Hey Jude” theo
tên một nhân vật trong vở nhạc kịch Oklahoma! Đây là single thành công nhất của
Beatles và cũng dài nhất từ trước đến nay với độ dài 7 phút 11 giây. Ngay từ
sau khi phát hành, “Hey Jude” lên thẳng hạng nhất của hầu hết tất cả các bảng
xếp hạng trên các nước trên thế giới và đến cuối năm 1968, single này được bán
trên 5 triệu bảng. Khi viết ca khúc này, Paul không hài lòng lắm với câu “The
movement you need is on your shoulder” và định tìm câu khác để thay thế, nhưng
John cho rằng câu đấy lại là câu hay nhất trong bài. Cả hai thoả thuận nếu Paul
giữ câu đấy trong bài hát thì John sẽ nhượng bộ để “Hey Jude” nằm ở mặt A single
còn “Revolution” của mình nằm ở mặt B. Phiên bản đầu tiên của ca khúc dài chỉ
khoảng hơn 4 phút do phần hợp xướng cuối bài không được thu âm. Hôm sau, nhóm
thu lại phiên bản hoàn chỉnh với phần hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng 40
người.
Trong
tuần lễ phát hành “Hey Jude” nhóm Beatles đóng cửa cửa hiêụ bán quần áo Apple
do thua lỗ. Đêm trước khi phát hành album, Paul đã lẻn vào cửa hàng Apple dùng
sơn trắng sơn các cửa sổ và viết chữ “Hey Jude!” thật to như một cách quảng bá
cho single mới. Rủi thay, ngày hôm sau, cộng đồng người Do Thái ở London khi
nhìn thấy dòng chữ “Hey Jude” đã nghĩ rằng đây là một khẩu hiệu chống Do Thái
(Juden là cách gọi không mấy lịch sự để chỉ người Do Thái). Trứơc khi nhóm
Beatles đến để giải quyết thì tấm kính cửa số có dòng chữ kia đã bị ai đó dùng
đá ném vỡ.
Revolution
(Lennon
10)
US
chart 12
McCartney:
bass, organ
Lennon:
lead guitar, hat chinh
Harrison:
lead guitar
Starr:
drums
Nicky
Hopkins: piano
Mùa
xuân năm 1968 được gọi là “mùa xuân cách mạng” với các phong trào đấu tranh
chống cuộc chiến Việt Nam lên đến đỉnh điểm. Tháng 3/1968, hàng nghìn sinh viên
ở London tuần hành biểu tình trước sứ quán Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh. Ở Pháp,
các cuộc nổi dậy của sinh viên ngày càng phát triển mặc cho sự đàn áp của cảnh
sát. Trước khí thế sôi sục đó, John bắt đầu viết ca khúc mang tính chính trị
đầu tiên của mình khi ở Ấn Độ và hoàn thành nó khi trở về Anh. Khi John đưa ra
ý định sử dụng “Revolution” làm mặt A đĩa single mới, cả George và Paul đều
phản đối kịch liệt vì bài hát chẳng những không thành công về mặt thương mại mà
còn đụng chạm tới nhiều vấn đề tế nhị. Sau một thời gian cãi vã, John nhượng bộ
phát hành bài này ở mặt B của “Hey Jude” và chơi với tốc độ nhanh, trong khi đó
George và Paul cũng đồng ý phiên bản chậm sẽ xuất hiện trong album kế tiếp.
Thông điệp của John trong ca khúc này khá đơn giản: “Muốn làm cách mạng thì nên
thay đổi cách suy nghĩ cố hữu trước, còn bạo lực không giải quyết được gì” Tuy
nhiên trong bài hát, John cũng bộc lộ sự phân vân của mình giữa hai con đường
bạo động và bất bạo động. Ngay sau chữ “out” trong câu: “But if you talk about
destruction, don’t you know that you can count me out” (Nếu các bạn muốn sử
dụng bạo lực thì hãy chừa tôi ra), trong phiên bản chậm, John đã hát thêm chữ
“in” với ý nghĩa, “cho tôi nhập bọn với”. Chính sự phân vân đó mà bài này bị cả
hai phái bạo động và bất bạo động chỉ trích. Tờ Rampart của Mỹ gọi John là kẻ
phản bội, trong khi tờ báo cánh tả New Left Review đánh giá bài hát này như
‘một tiếng than thở đầy sợ hãi của giai cấp tư sản (trước sức mạnh của các cuộc
đấu tranh)”. Gay gắt hơn, một sinh viên cực tả ở đại học Keele, trong bức thư
gửi cho tạp chí của trường đã nói về “Revolution” như sau: “ Nó (bài hát) chẳng
có một chút gì gọi là tính cách mạng cả, cũng như vở kịch radio Mrs Dale’s
Diary mà thôi. Muốn thay đổi thế giới này, ta phải tìm hiểu nguồn gốc của mọi
điều xấu xa để rồi tận diệt nó một cách không thương tiếc. Không có gì gọi là
ác độc hoặc điên cuồng trong việc sử dụng bạo lực để làm cách mạng cả vì chúng
ta đang đấu tranh để chống lại những sự áp bức và nhục nhã, nguồn gốc của mọi
sự bất hạnh do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Những thứ gọi là tình yêu không dám đấu
tranh về những vấn đề này đều là nguỵ biện và hèn nhát. Trên đời này không có
cái gọi là cách mạng bất bạo động” Tuy nhiên John vẫn giữ vững lập trường đấu
tranh bất bạo động của mình. Trong bài phỏng vấn với Playboy năm 1980, John bày
tỏ quan niệm chính trị của mình: “Đừng lôi kéo tôi vào những trò bạo động. Đừng
mong tôi đến chiến hào của bạn nếu chiến hào không cắm đầy hoa.”
Năm
1987, hãng giày thể thao Nike đã trả $250,000 để mua bản quyền ca khúc này cho
Capitol và EMI và dùng nó để quảng cáo. Lập tức, ba con bọ còn lại kiện Nike vì
tội lợi dụng “ thiện chí và hình ảnh của Beatles” với mục đích kinh doanh mà
không được sự đồng ý của nhóm. Đại diện của Nike phản pháo bảo rằng Yoko vợ goá
của John đã cho phép họ toàn quyền sử dụng ca khúc này. Yoko cho rằng: “Những
bài hát của John không nên xem như những bài thánh ca dành cho những kẻ tử đạo.
Nó phải được giới trẻ hiện đại lắng nghe một cách phổ biến.” Để trả lời, Paul
phát biểu: “Điều đáng nói là có những kẻ tự tiện sử dụng những ca khúc của
Beatles để thu lợi riêng cho cá nhân trong khi họ không có quyền làm như vậy
(ám chỉ Yoko). Không ai cho phép họ được làm như thế. Nhất là sử dụng những ca
khúc của Beatles để quảng cáo. Có thể 20 năm sau tôi sẽ thay đổi ý kiến, nhưng
bây giờ thì chắc chắn là không được.” Cùng quan điểm với Paul, George cũng nói:
“Nếu việc này cứ tiếp diễn, rồi đây tất cả các ca khúc của Beatles sẽ được dùng
để quảng cáo đồ lót phụ nữ hoặc xúc xích. Chúng ta phải ngăn chặn việc này lại
trước khi quá muộn. John tuy mất rồi nhưng ba chúng tôi vẫn còn sống, Tôi nghĩ
họ phải tôn trọng những ca khúc chúng tôi đã sáng tác và ghi âm vì đó là một
phần cuộc sống của tôi.” Cuối cùng hãng Nike đồng ý không sử dụng Revolution
nữa vào ngày 22/3/88, một năm sau khi đưa bài này vào chiến dịch quảng cáo của
mình.
Don't
Let Me Down
(Lennon
10)
US
chart 35
McCartney:
bass, hát bè
Lennon:
lead guitar, hát chính
Harrison:
rhythm guitar
Starr:
drums
Billy
Preston: organ
Là
người chịu đựng nhiều mất mát về mặt tình cảm từ nhỏ, John luôn bị ám ảnh bởi
nổi sợ bị bỏ rơi. Bài hát này là lời cầu xin của John dành cho Yoko, tình yêu
mới của mình, mong cô đừng bao giờ bỏ rơi anh. Đây cũng là bài đề cập đến tình
dục một cách công khai và nóng bỏng nhất từ trước đến nay của Beatles. Tuy được
đánh giá là một trong những ca khúc nhất của Beatles, "Don''t Let Me Down"
chỉ đứng hạng 35 khi phát hành dưới dạng single ở Mỹ, một vị trí khá khiêm tốn
so với các single đã được phát hành trước kia của nhóm. Đây cũng là một trong
những ca khúc nhóm Beatles đã chơi với nhau trong buổi chơi nhạc live cuối cùng
trên nóc toà nhà Apple
The
Ballad of John and Yoko
(Lennon
10)
UK
Chart 1/ US chart 8
McCartney:
bass, drums, piano, maracas
Lennon:
acoustic guitar, lead guitar, hát chính.
Đây
là single đầu tiên của Beatles được phát hành dưới dạng stereo. Mặc dù mối quan
hệ giữa Paul và John ngày càng căng thẳng và dĩ nhiên Paul không ưa gì Yoko, ca
khúc này lại được Paul giúp John thu âm một cách nhiệt tình và thân thiện trong
khi George và Ringo từ chối tham gia vì nó quá "riêng tư". Để đáp lại
lòng tốt của Paul, John đã ghi tên anh vào phần đồng sáng tác trong ca khúc
"Give Peace a Chance" của mình.
"The
Ballad of John and Yoko" phản ánh khá trung thực những trở ngại mà cặp vợ
chồng mới cưói John và Yok gặp phải khi tìm nơi kết hôn. Ngày 14/3/69, tức là
hai ngày sau chàng Beatles độc thân cuối cùng Paul McCartney lên xe hoa với nữ
nhiếp ảnh gia Linda Eastman, John quyết định kết hôn với Yoko khi hai người
đang trên đường từ nhà dì Mimi về London. Thay vì trở về nhà ở London, John lái
xe ra thẳng bến cảng Southampton và hỏi thủ tục đăng kí kết hôn trên biển. Sau
khi biết rằng việc kết hôn trên biển là bất khả thi, John quyết định đăng kí ở
Paris. Peter Brown, trợ lí của Beatles đã gọi cho John và cho anh biết anh
không thể làm đám cưới ở Paris vì John là công dân Anh còn Yoko là công dân
Nhật Bản. Cách duy nhất là hai người kết hôn ở quần đảo Gilbraltar thuộc địa
của Anh ở vùng Địa Trung Hải.
Ngày
20/3/69, John và Yoko đăng kí kết hôn chớp nhoáng tại lãnh sự quán Anh ở
Gibraltar rồi bay ngay sang Amsterdam để hưởng tuần trăng mật. Tại khách sạn
Hilton, John và Yoko đã làm một việc vô tiền khoáng hậu là mở rộng cửa phòng
đón tiếp tất cả mọi người đến từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày. Đã quá
quen với những trò quậy của John và Yoko, cánh nhà báo và giới truyền thông
chắc như đinh đóng cột rằng họ sẽ chứng kiến những trò sexy của đôi vợ chồng
mới cưới hoặc chí ít cũng moi được tin tức về tương lai của Beatles. Tuy nhiên,
họ đã thất vọng khi thấy John và Yoko trong bộ pyjama trắng ngồi trên giường và
chỉ nói về một đề tài duy nhất: hoà bình. Trong suốt một tuần lễ, cặp vợ chồng
mới cưới này đã dùng sự nổi tiếng (và tai tiếng) của mình để rao giảng về hoà
bình. John phát biểu: "Yoko và tôi sẳn sàng biến mình thành những tên hề
cho cả thế giới miễn là chúng tôi làm được điều gì đó có ích cho hoà
bình".
Sau
khi rời Amsterdam, John và Yoko bay đến Vienna, ở lại khách sạn Sancher một đêm
để thưởng thức món bánh socola Sancher Torte nổi tiếng rồi bay về Anh ngày
1/4/69. Trái với dự đoán của John rằng mọi người sẽ lạnh nhạt khi anh đặt chân
xuống sân bay. báo chí Anh đã tặng cho cặp vợ chồng mới cưới một sự tiếp đón
đầy thiện cảm và nồng nhiệt. Tuy nhiên "The Ballad of John và Yoko" bị
nhiều người lên án vì John ví việc chuyện tính cảm của mình bị soi mói với việc
chịu khổ hình của chúa Jesus trên cây thập giá. Xét cho cùng đây đâu phải là
lần đầu tiên John phát biểu những lời có tính báng bổ đối với đạo Kitô.
Old
Brown Shoe
(Harrison
10)
McCartney:
bass, piano, hát bè
Lennon:
hát bè
Harrison:
lead guitar, hát chính
Starr:
drums
Billy
Preston: organ
George
sáng tác bài này theo kiểu "Hello, Goodbye" của Paul với những ý
tưởng đối lập nhau để làm nổi bật tâm điểm là quan niệm của mình về thế giới
vật chất và tâm linh. Theo George, nếu con người có thể thoát khỏi được những
ràng buộc về vật chất (stepping out of this old brown shoe), họ sẽ nhận thức
được thế giới vật chất chỉ là một ảo giác trong khi thế giới tâm linh mới là
cái có thực. George thu bản demo ca khúc này cùng với "Something" và
"All Things Must Pass" tại Abbey Road trong cùng một ngày 25/2/69.
You
Know My Name (Look Up the Number)
(Lennon
10)
McCartney:
piano, bass đôi, hát chính
Lennon: maracas, hát chính
Harrison: xylophone, hát bè
Starr: drums, bongos, hát chính
Brian Jones (nhóm Rolling Stones): saxophone
Mal Evans: hát bè
Một ngày nọ, John vào studio và nói với Paul rằng mình
muốn thu bài hát mới có tựa là "You Know My Name, Look Up the
Number". Khi Paul ngỏ lời muốn xem lời bài hát, John bảo tựa đề cũng chính
là lời của bài hát dựa theo phong cách bài "Reach Out, I''ll be
There" của the Four Tops với câu tựa bài được lặp lại từ đầu đến cuối bài.
Nhóm bỏ ra ba ngày để thu âm và thêm thắt các hiệu ứng cho bài hát. Đây có thể
xem như buổi thu âm trong không khí vui vẻ cuối cùng của nhóm Beatles với đầy
đủ các thành viên. Một điều khá thú vị là trong bài hát, John hai lần nhắc đến
tên của nhà sản xuất phim Denis O'Bell, người đã sản xuất bộ phim A Hard Day's
Night trước đây. Sau khi đĩa đơn "Let It Be/ You Know My Name" được
phát hành, ông Denis nhận được hàng trăm cú điện thoại nặc danh mỗi ngày của
một kẻ lặp đi lặp lại một câu: "We know your name and now we've got your
number." Mãi đến khi Denis sản xuất bộ phim the Magic Christian do Ringo
đóng, Ringo cho ông nghe ca khúc này, lúc đó Denis mới hiểu ra tại sao mình bị gọi
điện quấy rối.
Nguồn:
The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn.
NXB Văn học, 11-2010.
0 nhận xét: