The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.18)
Abbey Road là album studio đúng
nghĩa cuối cùng của nhóm Beatles mặc dù nó được phát hành trước Let It Be. Được
thu âm trong giai đoạn cực kì căng thẳng vì những vụ kiện tụng và bất đồng trong
quan điểm nghệ thuật lẫn quản lí, Abbey Road thể hiện sự bị quan và bất mãn
trong các bài hát. Nếu như trong các album trước đó, Beatles hát về tình yêu
thì trong Abbey Road nhóm hát về nợ nần, cảm giác chán nản khi bị lợi dụng, sự
mệt mỏi trong vai trò một Beatles và nghiệp báo. Hiếm khi người ta thấy cả bốn
thành viên xuất hiện cùng một lúc tại trường thu để làm việc chung với nhau vì
John, George và Ringo đều có cảm giác mình bị Paul đối xử như những nhạc công
đánh thuê. Một mối bất đồng nữa giữa Paul với ba thành viên còn lại là việc
Paul kiên quyết đòi sử dụng cha vợ và anh vợ của mình làm quản lí cho nhóm
trong khi John, George và Ringo thống nhất để cho ông bầu đầy tai tiếng Allen
Klein thay thế vị trí ông Epstein. Là một người thô lỗ và có cách hành xử kiểu
mafia, Allen Klein đã không chiếm được cảm tình của Paul ngay từ phút giây đầu
tiên mặc dù ông này đã cố gắng vực dậy sự nghiệp của Beatles và giúp nhóm thống
kê số tiền bị mất mát trong những năm mở công ty Apple. Việc đầu tiên của Allen
Klein khi đứng ở vai trò quản lí là đuổi cổ hơn một nửa số nhân viên vô tích sự
ở công ty Apple, những kẻ ăn bám mà không làm được lợi ích gì. Sau đó ông làm
lại sổ sách, tính lời lãi trong năm 68 và 69 đồng thời vạch ra kế hoạch trong
vòng 10 năm tới cho Beatles. Không thuyết phục được ba thành viên kia, Paul
đành phải nhượng bộ chấp nhận Allen Klein nhưng lại sử dụng John Eastman làm
quản lí riêng. Với tư cách ông bầu của Paul, Eastman bắt đầu chỉ vẽ cho Paul
tìm cách để đối phó với ba thành viên còn lại. Khi nghe công ty Northern Songs
bán lại bản quyền của những ca khúc của nhóm, Paul đã lẳng lặng mua lại 51% cổ
phần của công ty này để có quyền sử dụng các bài hát mà không thông qua John
cũng như các thành viên khác. Điều này khiến John rất tức giận. Anh đã thông
báo ngắn gọn với Paul rằng mình muốn một cuộc li dị, giống như cuộc li dị giữa
anh và Cynthia. Và Paul phải nhận trách nhiệm tuyên bố sự tan rã của Beatles
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng như John, Paul bắt đầu mang
theo Linda và con riêng của vợ vào phòng thu và từ chối không tham gia bất cứ
một hoạt động nào mà không có Linda bên cạnh. là Một đêm nọ, Paul gọi đến
studio báo rằng mình không thể đến thu âm được vì đêm đó là đêm kỉ niệm ngày
Paul và Linda quen nhau. John đã nổi trận lôi đình lập tức lái xe ngay đến nhà
Paul, mang theo bức tranh mình vẽ để tặng Paul và xét nát trước mặt bạn.
Mặc cho những bất đồng cá nhân và
kiện tụng dai dẳng, Abbey Road thể hiện được sự hoà quyện ở đỉnh cao nhất về
mặt nghệ thuật. Khi nghe album này, khó ai có thể đoán được rằng những thành
viên trong ban nhạc lại có mâu thuẫn với nhau đến mức không thể hoà giải. Ông
George Martin được mời làm nhà sản xuất của album theo ý của Paul. Mặt A của
album là những bài hát hoàn chỉnh và riêng lẻ, còn những bài hát ở mặt B thì
nối liền với nhau như trong một vở nhạc kịch. Với thiết bị thu âm 8 track tân
tiến, album được trau chuốt khá kĩ lưỡng. John đánh giá album này tương đương
với Revolver năm 69 nhưng cho rằng nó không còn sức sống như album trước.
Ảnh bìa của album được Ian Macmillan
chụp ngay trước cổng studio Abbey Road trong một ngày nắng gắt. Đó là lí do tại
sao Paul lại đi chân đất. Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ chặn xe vào ra khúc
đường ấy để cho việc chụp ảnh đựoc thuận lợi. Ngày nay ảnh bìa của album Abbey
Road được xem như là một hình ảnh kinh điển trong nhạc rock và được nhiều ban
nhạc và nghệ sĩ trong đó có cả chính Paul McCartney nhái lại.
Ở Anh, album được phát hành ngày
26/9/69 và đứng vị trí đầu bảng suốt 18 tuần. Ở Mỹ, album này trình diện công
chúng ngày 1/10/69 trụ hạng nhất suốt 11 tuần. Cho đến tháng 11 cùng năm, album
đã bán được trên 4 triệu bảng. Điều này chứng tỏ mặc cho người khổng lồ Beatles
đang hấp hối, những gì thuộc về nhóm vẫn tiếp tục được người hâm mộ đón nhận
nồng nhiệt. Mặc dù phê bình nhóm đã thu âm album một cách quá cầu kì, tờ báo
Rolling Stones vẫn phải công nhận đây là một album thật sự tuyệt vời. Trong 500
album xuất sắc nhất của RS, Abbey Road đứng hạng 15.
Come Together
(Lennon 10)
US Chart 1
McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, electric piano,
hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums, maracas
Được John viết cho ông Timothy Leary
với ý định làm một bài hát cổ động trong cuộc chay đua giành ghế thống đốc bang
California của ông này với Ronan Reagan. Là một bác sĩ kiêm chính trị gia có tư
tưởng khá thoáng về các loại thuốc kích thích, Timothy Leary được giới hippie
ủng hộ vì ông hứa sẽ hợp pháp hoá LSD, cần sa và những thứ khác nếu được làm
thống đốc của Cali. Khẩu hiệu của Timothy là “come together, join the party”
lấy cảm hứng từ một câu trong kinh Dịch của Trung Quốc. John đã viết một đoạn
ngắn ngay trước mặt ông Leary: “Come together right now, don’t come tomorrow,
don’t come alone. Come together right now, over me. All I can tell you is you
gotta be free” rồi thu thành một bản demo cho ông này sử dụng. Ông Leary đã sử
dụng băng demo của John để phát trên các đài ở California trong chiến dịch kêu
gọi bỏ phiếu cho ông. Tuy nhiên, khi trở về Anh, John đã sửa lại lời bài hát và
thu âm bản hoàn chỉnh với nhóm Beatles. Cuộc vận động bầu cử ông Leary đã không
diễn ra như ý vì tháng 12 năm 69, ông bị bắt vì tội tàng trữ ma tuý trong nhà.
Trong thời gian ăn cơm tù, ông Leary được nghe bản thu hoàn chỉnh của “Come
Together”. Điều này khiến ông hơi phật ý vì John không hỏi ý ông khi phát hành.
Khi ra tù, ông viết thư trách John và được anh trả lời rằng: “Ông là người
khách hàng còn tôi là người thợ may, khi ông không đến lấy chiếc áo mình đặt
may thì tôi có quyền bán nó cho người khác.”
Hai câu mở đầu trong “Come Together”
được John lấy từ bài ‘You Can’t Catch Me”của Chuck Berry. Chính vì thế John đã
bị hãng đĩa Big Seven kiện về tội đạo nhạc. Đến năm 1973, John giải quyết êm
thấm vụ kiện này bằng cách hứa sẽ thu âm ba ca khúc của Big Seven Music trong
album mới của mình. Đó là ba ca khúc “Sweet Little Sixteen” và “You Can’t Catch
Me” của Chuck Berry trong album Rock and Roll và “Ya Ya” của Lee Dorsey/Morris
Levy trong album Walls and Bridges năm 74.
Việc thu âm bài hát này bị gián đoạn
do John và Yoko bị tai nạn xe hơi đến ngày 21/9 mới bắt đầu trở lại. Khi phát
hành, đài BBC đã cấm phát thanh ca khúc này vì nó có chứa từ Coca Cola mà theo
luật của Anh thời đó, bất cứ ca khúc nào có chứa thương hiệu của một sản phẩm
đều bị cấm trừ khi đó là bài hát quảng cáo chính thức.
Something
(Harrison 10)
UK Chart 10/ US Chart 3
McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar
Harrison: lead guitar, organ, hát
chính
Starr: drums, hát bè
Session musicians: strings
George viết bài này khi đang thu
âm White Album dựa trên tựa đề bài “Something In the Way She Moves” của nhạc sĩ
trẻ James Taylor mà Apple vừa kí hợp đồng với cảm hứng là cô vợ xinh đẹp Pattie
Boyd (Sau này George phủ nhận việc mình viết bài này vì Pattie có lẽ do cay cú
vợ bỏ theo Eric Clapton.) Do không kịp thu âm để phát hành trong album trắng,
George có ý định đưa cho ca sĩ nhạc soul da trắng Joe Cocker thu âm nhưng bị đại
diện của Joe từ chối. Khi Allen Klein yêu cầu nhóm Beatles phải cho ra một
single mang tính thương mại để khôi phục lại số tiền mà nhóm đã mất trong thời
gian qua, “Something” được chọn đưa vào mặt A của single mới. Đây là lần đầu
tiên và cũng là lần duy nhất một bài hát do George sáng tác được đưa vào mặt A
của đĩa single. Mặc dù không đạt được thứ hạng cao nhưng “Something” đã trở
thành ca khúc có thể xem là hay nhất của George từng viết trong thời gian ở
Beatles. Nó còn là ca khúc được cover nhiều nhất sau “Yesterday.” Cả John và
Paul đều không tiếc lời ca ngợi bài hát này, gọi nó là ca khúc hay nhất trong album
Abbey Road. Còn Frank Sinatra thì gọi bài này là “bản tình ca đẹp nhất trong 50
năm gần đây.” Phần video minh hoạ của bài này có đầy đủ mặt bốn vị phu nhân của
tứ quái bên cạnh chồng.
Maxwell’s Silver Hammer
(McCartney 10)
McCartney: guitar, piano, bass,
hát chính và bè
Lennon: ukulele, acoustic guitar,
lead guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, ukulele,
Moog synthesizer
Starr: drum, búa và đe, hát bè
George Martin: organ
Paul gọi bài này là một bảng tóm
tắt về sự sụp đổ của Beatles. Cứ mỗi khi mọi việc có vẻ thuận buồm xuôi gió thì
“bang, bang!” cây búa của Maxwell lại đập tan tất cả. Các con bọ khác ghét cay
ghét đắng bài này vì Paul đã mất quá nhiều thời gian để thu cho thật vừa ý của
mình. John gọi nó là “ca khúc hot nhất của các bà già!” Còn George thì bảo:
“Đây là một bài khá bệnh hoạn vì tay Maxwell cứ giết hết người này đến người
khác!” Cụm từ “pataphysical”, ngành học của gã Maxwell trong bài hát, thật ra
là một cách chơi chữ để chỉ sự say xỉn. Paul phát hiện từ này tại một hộp đêm
mang tên “ Pataphysical Club” ở Paris. Theo một nguồn khác, từ này là từ do nhà
viết kịch người Pháp Alfred Jerry chế ra để thay thế cho từ “metaphysical”. Đây
cũng là ca khúc duy nhất của nhóm sử dụng nhạc cụ tổng hợp âm thanh của hãng
Moog, tiền thân của đàn organ hiện đại.
Oh Darling!
(McCartney 10)
McCartney: bass, piano, hát chính
và bè
Lennon: hát bè
Harrison: lead guitar,
synthesizer
Starr: drums
Paul sáng tác bài này theo cảm hứng
từ các bài rock and roll của thập niên 50 của Jackie Wilson. Khi thu âm bài
này, Paul muốn giọng hát của mình phải thật khàn và thô như thể “phải biểu diễn
live suốt một tuần không ngừng nghỉ”. John gọi bài này là một bài hay của Paul
nhưng phần trình bày thì không đạt yêu cầu. Theo John, nếu để mình hát bài này
thì sẽ hay hơn là Paul.
Octopus’ Garden
(Starr 10)
McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, hát chính
Ca khúc thứ hai và cũng là ca
khúc cuối cùng mà Ringo cống hiến trong suốt thời gian ở nhóm Beatles. Bài này
được anh viết khi đi du lịch cùng với gia đình ở quần đảo Sardinia trong thời
gian thu Album Trắng. Trên chiếc du thuyền tham quan vùng biển, người thuyền
trưởng mời gia đình Ringo dùng bữa trưa với món bạch tuộc và kể cho Ringo nghe
chuyện những con bạch tuộc thường hay nhặt những vật sáng lấp lánh dưới đáy biển
để xây các khu vườn. Mặc dù không dám thử món bạch tuộc, Ringo lại cảm thấy rất
hứng thú về câu chuyện của người thuyền trưởng. Khi về lại Abbey Road, George
đã giúp Ringo hoàn thành ca khúc này. Trong bộ phim “Let It Be” có cảnh George
và Ringo cùng nhau viết lời cho bài hát bên cây piano. Cả John và George đều ca
ngợi bài hát này, nhất là câu” warm below the storm” như là một bài hát tuyệt vời
đối với một người chỉ biết có 3 hợp âm. Còn đối với các fan của Beatles, bài
này được xem như phần 2 của “Yellow Submarine”.
I Want You (She’s So Heavy)
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, organ, hát
chính.
Harrison: rhythm guitar,
synthesizer
Starr: drums
Được đánh giá như một trong những
ca khúc “heavy metal” của Beatles, John viết ca khúc này lấy cảm hứng từ bài
thơ chỉ có một chữ “water” của Yoko. Từ ý tưởng đó, John lặp đi lặp lại ca từ “
I want you so bad, it’s driving me mad” trên nền riff guitar thật nặng. Theo
John, anh muốn viết một ca khúc hoàn hảo với ca từ ở mức tối thiểu. Sau này,
John đã nổi cáu khi đài BBC đã mang bài hát này ra làm ví dụ cho những ca khúc
vớ vẩn nhất của nhạc pop. Lần thu đúp hiệu ứng cho ca khúc này là lần cuối cùng
cả bốn tay Beatles thu âm cùng nhau.
Here Comes the Sun
(Harrison 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, hát bè
Harrison: acoustic guitar, Moog,
hát chính
Starr: drums
Dàn nhạc nền: strings
Một trong những ca khúc đẹp nhất
và được biết đến nhiều nhất của George Harrison.Trong thời gian nhóm Beatles sa
đà vào kiện tụng, George muốn tìm một chỗ bình yên để thư giãn, tránh xa khỏi
những phiền phức giấy tờ. Anh phát biểu: “Tôi có cảm giác như mình phải đi học
trở lại mỗi ngày đến Apple. Chúng tôi không còn là những nhạc sĩ mà là những
nhà doanh nghiệp với hàng đống giấy tờ hợp đồng và đơn từ phải kí. Đối với tôi,
mùa đông năm ấy kéo dài vô tận. Một ngày nọ, tôi quyết định bỏ hết tất cả để đến
chơi nhà Eric Clapton. Với cây đàn thùng của Eric trong tay, tôi dạo bước trong
khu vườn yên tĩnh đầy nắng ấm và viết “Here Comes The Sun”.
Phần liên khúc:
Because
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè chính
Lennon: lead guitar,
harpsichords, hát bè chính
Harrison: Moog, hát bè chính
Năm 1969, John bắt đầu không còn
hứng thú với rock and roll. Anh không muốn bị so sánh với Elvis Presley hay
Rolling Stones mà tìm cách để khẳng định vị trí của mình ngang hàng với những
nghệ sĩ lớn như Beethoven hay Schubert. Một hôm khi đang nằm thư giãn trên sofa
nghe Yoko chơi phần đầu bản Sonata Ánh trăng, John bỗng bảo Yoko chơi đoạn hợp
âm của phần đó theo hướng ngược lại. Đó là cảm hứng để John sáng tác “Because”.
Với phần bè ba khá phức tạp được thu chồng âm ba lần để trở thành bè chín, ca
khúc này được George Harrison xem như là bài hát có phần bè hay nhất của
Beatles.
You Never Give Me Your Money
(McCartney 10)
McCartney: bass, piano, hát
chính, hát bè
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: rhythm guitar
Starr: drums, tambourine
Bài hát đầu tiên ở mặt B, bắt đầu
cho liên khúc các bài hát dang dở. Ca khúc này thật ra là sự kết hợp giữa ba
bài dang dở của Paul. Đoạn đầu là thái độ bực dọc của Paul về những tranh chấp về
tài chính của nhóm và công ty Apple. Anh nghi ngờ Allen Klein thông đồng với ba
tay còn lại để qua mặt mình chia chác tiền bạc. Trên thực tế, cả John, George
và Ringo đều chịu những thiệt hại như Paul. George nhớ lại: “Đó là thời kì mà
chúng tôi không biết mình có và mất bao nhiêu tiền. Tất cả những gì mà người ta
đưa cho chúng tôi xem là những tờ giấy ghi số tiền mà thôi. Tuyệt nhiên tôi
không thấy được một đồng xu nào tiền mặt cả.” Phần thứ hai nói về cảnh túng quẫn
của một chàng trai sau khi tốt nghiệp đại học nhưng giọng điệu có phần lạc quan
hơn nhiều. Phần cuối là ước mong được cùng người yêu leo lên xe, đạp ga rồi lau
nước mắt bỏ lại những muộn phiền sau lưng đến một nơi thật lí tưởng. Bài này được
George xem như một ca khúc yêu thích của mình.
Sun King
(Lennon 10)
McCartney: bass, harmonium
Lennon: lead guitar, maracas, hát
chính
Harrison: lead guitar,
Starr: drums, bongos
George Martin: organ
Bài hát này được John viết từ một
giấc mơ kì lạ. Anh thấy mình lạc vào cung điện của vua Louis XIV, vị vua cuối
cùng của nền quân chủ Pháp, người tự đặt biệt danh cho mình là “vua mặt trời”.
Khi thấy đức vua đến, mọi người đều cười nói vui vẻ và tỏ ra rất hạnh phúc. Do
bí phần tiếp theo nên John đã lượm lặt các mẩu từ quảng cáo bằng tiếng Ý, Tây
Ban Nha, Bồ đào Nha để ghép vào không theo một thứ tự nhất định nào cả. Phần
guitar của bài hát được George chơi lấy cảm hứng từ bài hit mơ mộng “Albatros”
của nhóm Fleetwood Mac. Do phần ca từ ngớ ngẩn, John lúc đầu gọi ca khúc này là
“Los Paranoia” (lũ điên, tiếng Tây Ban Nha).
Mean Mr. Mustard
(Lennon 10)
McCartney: fuzz bass, hát bè
Lennon: piano, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums, tambourine
Bài này được thu âm cùng lúc với
“Sun King”. John đọc trên báo một mẩu tin về một người đàn ông hà tiện tới mức,
ông ta luôn tìm cách để giấu tiền của mình vào những nơi khó tìm nhất để phòng
khi người khác bắt ông ta phải xài tiền. Một cảm hứng nữa để John viết bài này
là một bà già vô gia cư sống ở Hyde Park. Người đàn bà tội nghiệp ấy ngủ trong công
viên trên các ghế đá và nhặt giấy vụn kiếm sống. Những đồ vật tuỳ thân của bà
được bà cho vào một túi nylon to và luôn mang theo bên mình khiến bọn trẻ đặt
biệt hiệu cho bà là “bag lady”. Là người luôn quan tâm đặc biệt (theo nghĩa xấu)
đến những kẻ tàn tật và cơ nhỡ, người đàn bà bất hạnh này đã được Lennon sử dụng
trong bài hát của mình. Trong bản thu âm đầu tiên, tên cô em của lão Mustard hà
tiện là Shirley, nhưng sau John đổi thành Pam để cho hợp với bài hát kế tiếp là
“Polythene Pam”.
Polythene Pam
(Lennon 10)
McCartney: bass, lead guitar, hát
bè
Lennon: acoustic guitar, lead
guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar,
tambourine
Starr: drums, maracas
Cũng như “lão Mustard bần tiện”
“Polythene Pam” là sự kết hợp của hai hình tượng. Nguyên mẫu thứ nhất là Pat
Dawson, một fan của Beatles thời còn ở Liverpool. Cô này được bạn bè đặt cho biệt
danh là Polythene Pat vì thói quen khá quái đản thích ăn những ống hút làm bằng
chất polythene (nhựa PE). Nguyên mẫu thứ hai là một người đàn bà được biết đến
với cái tên Stephanie, người được xem là bạn gái của nhà thơ Beat của Anh
Royston Ellis. Royston Ellis được xem như là Allan Ginsberg của nước Anh. Giữa
nhà thơ này và nhóm Beatles có một mối quan hệ đặt biệt. Ellis là người tập cho
Beatles chơi ma tuý. Một lần, John đến nhà của Ellis và cả hai cùng làm tình với
Stephanie, người dùng vải phủ nhựa polythene quấn quanh người thay cho quần áo.
Ấn tượng về cuộc ái ân quái dị này ám ảnh John trong nhiều năm liền. Bài hát được
John hát với thổ âm “scouse” đặt sệt của Liverpool có lẽ vì lí do thứ nhất.
She Came In Through the Bathroom
Window
(McCartney 10)
McCartney: lead guitar, hát chính
và bè
Lennon: acoustic guitar, hát bè
Harrison: bass, tambourine
Starr: drums, maracas
Trong số hàng vạn cô gái hâm mộ
nhóm Beatles, có một số người có nhan sắc và nhiệt tình được tuyển chọn thành một
đội groupie đặt tên là Apple Scruffs. Các cô gái này sẵn sàng và lấy làm vinh dự
khi được nhóm Beatles giao cho bất kì công việc gì, từ việc giúp lau dọn nhà cửa,
dắt chó đi dạo, cho đến những việc ….tới Z. Một ngày năm 1968, một thành viên
nhóm Apple Scruffs là Diana Ashley đã nhân lúc Paul đi vắng leo vào cửa sổ buồng
tắm căn hộ của anh và khoắn đi một số vật dụng cá nhân của Paul làm kỉ niệm.
Lúc này Paul đang ở Mỹ để kí kết hợp đồng với hãng Capitol. Khi Diana Ashley
mang chjến lợi phẩm của mình về khoe với các bạn, một cô Apple Scruffs khác là
Margo Bird, người khá được Paul tín nhiệm đã gọi điện thoại báo cho anh biết. Để
tỏ ra mình là người quân tử, Paul quyết định không truy cứu việc xâm nhập gia
cư bất hợp pháp mà chỉ đòi lại một bức hình của mình được lồng trong một khung ảnh
cổ, quà tặng của cha anh. Margo đã giúp Paul đòi lại kỉ vật đó. Trên đường ra
sân bay để về Anh cùng Linda, Paul đã viết bài hát với tên gọi “Bathroom
Window”. Trong một lần thu âm, John đã hát chính bài này.
Golden Slumbers
(McCartney 7/ Thomas Decker 3)
McCartney: bass, piano, vocal
Starr: drums
Dàn nhạc nền: strings.
Có một lần trong một cuộc phỏng vấn,
Paul đã vui miệng gọi nhóm Beatles là “những kẻ đạo nhạc siêu hạng.” “Golden
Slumbers” là một bài bị Paul chôm khá trắng trợn. Trong một lần về thăm cha ở
Chesire, Paul bắt gặp một quyển bài hát cũ để bên cây đàn piano, trong đó có ca
khúc “Golden Slumbers” của Thomas Decker, một nhạc sĩ cùng thời với
Shakespeare. Bài hát có một đoạn lời như sau:
“Golden slumbers kiss your eyes
Smiles awake you when you rise
Sleep pretty wantons do not cry
And I will sing a lullaby
Rock them rock them lullaby.”
Do không biết đọc nốt nhạc nên
Paul đã viết giai điệu mới cho bài hát cùng với một phần lời mới dựa trên ca từ
của bài hát có từ thế kỉ thứ 17 này.
Carry that Weight
(McCartney 10)
McCartney: piano, hát chính và hợp
xướng
Lennon: bass, hợp xướng
Harrison: lead guitar, hát hợp xướng
Starr: drums, hợp xướng
Dàn nhạc nền: strings, brass
Paul gọi giai đoạn năm 69 là những
ngày tháng đen tối nhất của đời mình với những vụ tranh chấp kiện tụng và mâu
thuẫn bất tận. Cái tên Beatles giờ đây không còn là vinh quang hoặc niềm tự hào
mà đã trở thành một gánh nặng cho người mang nó. Vì Beatles vừa kí kết hợp đồng
mới thêm 10 năm, Paul cảm thấy rằng mình còn phải mang cái gánh nặng này một thời
gian dài nữa. Tuy nhiên đến cuối năm 1970, bất chấp mọi hợp đồng và nỗ lực hàn
gắn, nhóm Beatles đã chính thức đường ai nấy đi, giải thoát cho nhau khỏi gánh
nặng mà mỗi người đều phải gánh vác.
The End
(McCartney 10)
McCartney: bass, piano, lead
guitar, hát chính và bè
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: rhythm guitar, lead
guitar, hát bè
Starr: drums
Dàn nhạc nền: strings
Đây là ca khúc cuối cùng của
album cuối cùng đánh dấu sự kết thúc của một huyền thoại. Bài này của Paul được
John đánh giá là một bài hát đầy triết lí. Tuy nhiên vẫn với giọng mỉa mai cố hữu,
John nhận xét: “Điều này chứng tỏ rằng Paul vẫn là kẻ biết suy nghĩ nếu anh ta
chịu động não một tí!” Đây là ca khúc duy nhất ba tay Beatles chia nhau phần
solo guitar và cũng là ca khúc duy nhất Ringo solo trống.
Her Majesty
(McCartney 10)
McCartney: acoustic guitar, hát
chính
Paul viết bài này ở Scotland về sự
phải lòng một bức ảnh thời còn trẻ của nữ hoàng Elizabeth II. Được dự định chọn
làm ca khúc chen giữa Mean Mister Mustard và Polythene Pam, bài này được Paul
thu với đàn thùng một mình trong khi chờ các thành viên khác đến để thu âm
cùng. Nhưng sau khi ghép ba bài lại với nhau, Paul tỏ ý không thích và quyết định
loại bài này. Do sơ xuất nên hợp âm cuối cùng của bài này vẫn còn dính vào phần
trước của bài Polythene Pam. Khi chuẩn bị ra đĩa, Paul lại đổi ý và đưa ca khúc
này vào cuối album như một bài khuyến mãi. Ở đợt xuất bản đầu tiên, tên bài hát
này không có trong danh sách in trên bìa đĩa.
(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học xuất bản.
0 nhận xét: