The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.8)
GEORGE HARRISON – MỘT TÀI NĂNG TRẦM
LẶNG
Khi nói đến George Harrison, “con
bọ trầm lặng”, người hâm mộ của nhóm Beatles thường hay nhớ đến một đôi mắt rất
sáng ẩn dưới đôi lông mày rậm, cái miêng cười thật tươi trên gương mặt gầy gầy
khắc khổ. Tất cả những nét dường như tương phản đó phản ánh khá chính xác tính
cách bên trong của tay guitar lead tài hoa của nhóm Beatles: hài hước nhưng khá
bí ẩn, thông minh nhưng có vẻ hơi yếm thế. Ngay cả trong những bài hát hoặc những
câu guitar của George cũng phản phất một nét gì đó u buồn và nội tâm. Trong suốt
những năm tháng là một thành viên trong nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới,
George Harrison đã chịu khá nhiều thiệt thòi khi bị hai cái bóng quá lớn của
John Lennon và Paul McCartney che khuất. Dường như chỉ sau ngày ông qua đời năm
2001 do bệnh ung thư, người ta mới bắt đầu có một cái nhìn đúng đắn hơn về đóng
góp của cậu em út trong nhóm Beatles này.
Sinh ra để chơi guitar
Quả thật George Harrison được
sinh ra để gắn đời mình vào phím đàn guitar. Từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường,
George đã có một thú vui là ngồi vẽ những cây đàn guitar dựa trên những hình ảnh
quảng cáo trên báo. Đến năm 13 tuổi, George có được cây đàn guitar đầu tiên,
cây guitar gỗ hiệu Eggmond và bắt đầu tham gia vào nhóm nhạc skiffle của người
anh lớn là Peter. Chỉ một năm sau, cậu nhóc George đã được Paul McCartney giới
thiệu cho John Lennon, thủ lĩnh kiêu ngạo của ban nhạc Quarry Men. Lúc đầu John
đã không thèm ngó ngàng đến George vì cậu nhỏ hơn John đến 3 tuổi. Nhưng đến
khi George trổ tài chơi bản “Raunchy” một cách hoàn hảo trên cây đàn của mình
thì John mới cho cậu nhập bọn. Và phải mất thêm một vài năm chầu rìa cho Quarry
Men, George mới được John chính thức xem như một thành viên của ban nhạc này.
![]() |
George Harrison và cây Rickenbacker 12 |
![]() |
Georger và Sitarist nổi tiếng Ravi Shankar |
Một đóng góp khá quan trọng khác
của George Harrison cho guitar nhạc rock là kĩ thuật chơi slide guitar độc đáo.
Mặc dù không phải là người sáng tạo là kĩ thuật chơi slide guitar nhưng cách
chơi slide của George Harrison mang một nét đặc trưng rất riêng không lẫn với bất
cứ kĩ thuật của bất cứ một ai khác. Tài năng của George Harrison đã được Eric
Clapton, thượng đế guitar, đồng thời cũng là một người bạn thân của George tán
tụng: “Mặc dù tôi là người giúp George làm quen với slide guitar, nhưng chỉ
trong một thời gian ngắn, George đã trở thành thầy của tôi. Cái tên George
Harrison đồng nghĩa với slide guitar” Trong album Imagine của John Lennon năm
1971, George đã đóng góp phần slide guitar cho 5 ca khúc và chính John đã phải
khen ngợi rằng: “Đó là những câu solo hay nhất mà George đã từng chơi, hay hơn
nhiều so với thời còn là một thành viên của Beatles.” Tiếc là những tác phẩm có
phần slide xuất sắc của George Harrison đều ra đời trong thời gian hậu Beatles
nên nếu bạn không mặn mà lắm về sự nghiệp solo của các thành viên Beatles sau
khi tan rã, bạn sẽ khó có cơ hội thưởng thức khả năng này của George.
Mặc dù là một tay guitar không
thiên về kĩ thuật lắc léo hay tốc độ kinh hồn bạt mạng, những câu solo của
George rất dạt dào tình cảm với một nét buồn man mác khó có thể lẫn lộn được.
Chính vì vậy mà tạp chí Rolling Stone đã xếp George Harrison hạng 21 trong top
100 greatest guitarists of All Times, một sự tưởng thưởng khá xứng đáng.
Một nhạc sĩ sáng tác có tài
Có thể nói trong suốt thời gian
chơi cho nhóm Beatles, mặc dù đạt được thành công tột đỉnh về tiền bạc và danh
vọng, George Harrison chưa bao giờ thật sự thoả mãn khi tài năng sáng tác của
anh đã không được công nhận một cách đúng đắn. Ở vai trò guitar lead và là
thành viên nhỏ tuổi nhất ban nhạc, George phần lớn đảm nhận vị trí hát bè cho
John hoặc Paul và thỉnh thoảng được hai ông lớn làm phúc cho hát một vài ca
khúc mà cả John và Paul không có hứng hát. Sáng tác đầu tiên của George
Harrison được chấp nhận là bài “Don’t Bother Me” trong album “Please Please Me”
năm 63, Mãi đến hai năm sau, George mới có thêm hai ca khúc xuất hiện trong
album “Help!”. Kể từ đó, những ca khúc của George bắt đầu xuất hiện một cách đều
đặn hơn trong các album sau nhưng cũng chỉ giới hạn tối đa là 2 bài một album
so với con số 9-10 bài của John và Paul. Sở dĩ có sự bất công như thế là ngoài
việc sợ George sẽ có thể cạnh tranh với mình trong lĩnh vực sáng tác, John và
Paul còn muốn nắm độc quyền viết ca khúc để bảo đảm không mất đi số lợi nhuận
đáng kể thu được từ tiền tác quyền ca khúc. Sự kìm hãm này khiến George rất bất
mãn. Sự bất mãn đó càng dồn nén từ sau năm 1968 khi mối quan hệ của các thành
viên có dấu hiệu rạn nứt. Oái oăm thay, đó lại là thời kì George cho ra đời nhiều
tác phẩm có thể gọi là kinh điển nhất như “Here Comes the Sun”, “Something”,
“While My Guitar Gently Weeps”. Ngay cả Paul McCartney cũng phải công nhận với
John Lennon rằng: “Những tác phẩm của George về sau này hay không kém gì những
bài hát của chúng ta.”
Một điều khá mỉa mai là khi nhóm
Beatles tan rã, thành viên đầu tiên đạt được thành công vượt bậc về mặt nghệ
thuật và thương mại không phải là John hay Paul mà lại là George Harrison. Với
những bài bị John và Paul từ chối không cho thu âm khi còn ở trong nhóm
Beatles, George Harrison đã có đủ “vốn” để tung ra một album solo ba đĩa với
cái tên thể hiện quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ: “All Things Must Pass” năm
1970. Ngay sau khi ra đời, album nhận được đánh giá rất tích cực từ phía những
nhà phê bình và fan. Single “My Sweet Lord”, một ca khúc mang tính chất tôn
giáo đã đứng nhất bảng xếp hạng cả Anh lẫn Mỹ khiến George trở thành cựu thành
viên đầu tiên của nhóm Beatles có đĩa đơn đứng nhất bảng xếp hạng với tư cách
là một nghệ sĩ solo. Tuy nhiên “My Sweet Lord” cũng chính là ca khúc gây cho
George rất nhiều rắc rối về mặt tác quyền chỉ vài năm sau đó.
![]() |
Ca khúc bất hủ "While my guitar gentle weeps" do George Harrison sáng tác và Phần Lead Guitar trong bài được thể hiện bởi Eric Clapton |
Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất
của nhóm the Beatles, những tác phẩm của George lại mang tính triết lí hơn những
bài hát của John và Paul. Cách nhìn của George về cuộc đời cũng sâu sắc hơn
nhưng cũng không kém phần hài hước. Có thể chia những tác phẩm của George
Harrison làm bốn mảng chính: Đầu tiên là mảng triết lí tôn giáo phương Đông với
những ca khúc mang nặng âm hưởng huyền bí của nhạc cổ truyền Ấn Độ như “Within
You, Without You,” “Love You To”, “Only a Northern Song”, “The Inner Light”,
“While My Guitar Gently Weeps” và “My Sweet Lord”. Hầu hết các phẩm này đều được
sáng tác trong giai đoạn 1966-68 khi nhóm Beatles theo thiền sư Maharishi
Maheshi Yogi tập thiền định. Trong các thành viên, George là người bị triết lí
của đạo Hindu ảnh hưởng nhiều nhất, đến mức anh cải đạo sang Ấn Độ giáo và ăn
chay trường từ năm 27 tuổi. Mảng sáng tác thứ hai của George là mảng châm biếm
một cách khá hài hước những điều chướng tai gai mắt trong xã hội điển hình như
‘Taxman” (1966) về chế độ thuế khoá bất công đối với nghệ sĩ ở Anh, “Piggies”
(1968) đả kích xã hội tư bản hay “This Song” năm 1976 về vấn đề tác quyền. Thậm
chí việc người bạn thân, tay guitar Eric Clapton thèm ăn ngọt nhưng sợ bị hư
răng cũng được George lấy cảm hứng để viết ca khúc “Savoy Truffle”. Là một người
có tính hài hước, quả thật không bất ngờ khi trong suốt thập niên 70, George là
Mạnh Thường Quân hỗ trợ tài chính cho series phim hài nổi tiếng cuả Anh Monty
Python mà anh là một fan cuồng nhiệt. Mảng thứ ba là những tác phẩm thể hiện sự
bất mãn của mình đối với những ngày tháng bị chèn ép dưới cái bóng của John và
Paul như “Wah-wah”, “All Things Must Pass”, “I Me Mine”, “Not Guilty”, “Sue Me,
Sue You Blues” và “Cockamamie Business”. Có thể chính vì tâm trạng bất mãn này
mà phần lớn các bài hát kể trên mặc dù đựơc viết thời còn trong nhóm Beatlesn,
chúng đã bị bộ máy kiểm duyệt mang tên Lennon-McCartney không cho phát hành.
Mãi đến khi trở thành một nghệ sĩ tự do, George mớí công bố những tác phẩm này.
Có thể lấy ví dụ ca khúc “Not Guilty” viết năm 1968, được thu âm nhưng không được
đưa vào White Album của the Beatles. Mãi đến năm 1979, bài hát mới xuất hiện
trong album solo mang tên George Harrison. Bài hát là một lời biện bạch với hai
ông anh lớn rằng, tôi chẳng cố tỏ vẻ lấn lướt ai mà tôi chỉ muốn bảo vệ những
gì tôi xứng đáng được hưởng. Rõ ràng George đã tìm cách đấu tranh cho những đứa
con tinh thần của mình được công nhận một cách đúng đắn. Mảng sáng tác cuối
cùng của George là những bản tình ca, tuy không nhiều như Paul, nhưng vẫn gây
được ấn tượng với “Here Comes the Sun”, “Something” hay “For You Blue”. Chính
Frank Sinatra, ca sĩ được mệnh danh là “the Voice” của nước Mỹ đã gọi
“Something” là tình khúc hay nhất của thập kỉ và Elvis Presley cũng đã cover lại
ca khúc này. Trong vai trò một người sáng tác, tài năng của George Harrison
không hề thua kém John và Paul.
Chìm nổi với sự nghiệp solo
Sau thành công to lớn của “All
Things Must Pass”, George Harrison một lần nữa đã gặt hái được danh tiếng khi tổ
chức một cách thành công buổi hoà nhạc từ thiện đầu tiên mang tên “Concert for
Bangladesh” năm 1971 tại Madison Square Garden, New York với sự tham gia của
dàn sao như Eric Clapton, Bob Dylan, Leon Russell, Billy Preston, nhạc sĩ sitar
Ravi Shankar và cựu thành viên nhóm Beatles là Ringo Starr. Với mục đích quyên
góp tiền cứu trợ nạn đói cho nhân dân Bangladesh, một quốc gia vừa tách ra khỏi
Pakistan, tất cả tiền vé và tiền thu được từ việc bán các ấn phẩm của chương
trình được dự định sẽ chuyển hết cho Bangladesh. Tuy nhiên những vấn đề rắc rối
về pháp lí đã khiến cho việc chuyển tiền mất rất nhiều thời gian và cả khoản tiền
cũng bị thâm hụt đáng kể. Tuy nhiên, nỗ lực của George Harrison đã tạo tiền đề
cho các buổi diễn hoặc thu âm từ thiện rất phổ biến sau này.
Nếu những năm đầu thập niên 70, sự
nghiệp của George Harrison tươi sáng bao nhiêu thì từ năm 1974 tảơ đi, vận may
dường như không còn mỉm cười với anh nữa. Các album “Dark Horse” hay “Living in
the Material World” không được đón nhận nồng nhiệt cho lắm vì tính chất tôn
giáo của nó. Năm 1974, George tổ chức một tour diễn vòng quanh nước Mỹ nhưng
tour diễn thực sự là một thảm hoạ. Thay vì sử dụng một ban nhạc rock để mở màn
cho mình, George sử dụng một dàn nhạc cổ truyền Ấn Độ chơi mở màn. Phần hoà tấu
các nhạc cụ cổ truyền Ấn Độ có khi kéo dài gần một giờ đồng hồ khiến cho những
rock fan mất bình tĩnh bỏ về. Khi George xuất hiện trên sân khấu, anh lại dường
như thử thách tính kiên nhẫn của khán giả bằng cách bắt họ cùng mình đồng thanh
đọc to những bài kinh tán tụng những vị thần của Ấn Độ giáo như Krishna hay
Vishnu. Khi đám đông khán giả tỏ ý bất bình, George phản ứng lại bẳng cách gọi
họ là “những con cá chết”. Nếu tài chơi guitar của anh được nhiều người công nhận,
giọng hát của George lại là nhược điểm của anh. Một mình George không thể kham
nổi một buổi diễn với mười mấy ca khúc liên tục. Tour diễn ở Mỹ kết thúc nhanh
ngoài dự định, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Đó là lần cuối cùng
George Harrison lưu diễn ở Mỹ.
Kiện tụng cũng là một vấn đề kìm
hãm sự phát triển sự nghiệp solo của con bọ trầm lặng này. Mặc dù rời khỏi nhóm
Beatles, nhưng những vấn đề thủ tục và hợp đồng bó buộc khiến cho các thành
viên vẫn còn liên quan với nhau về mặt danh nghĩa cho đến tận năm 1980. Điều
này khiến cho John, Paul và George quay sang kiện tụng lẫn nhau và cả ông bầu
Allen Klein để tự giải thoát mình. Điều này được George thể hiện qua ca khúc
“Sue Me, Sue You Blues” của mình. Vận rủi thật sự đến với George năm 1976 khi
anh bị hãng đĩa của mình là Dark Horse kiện vì tội vi phạm hợp đồng khiến cho
album solo Thirty Three 1/3 phát hành chậm hơn dự kiến. Cũng trong năm đó, công
ty tác quyền Bright Tunes đòi George phải bồi thường hơn 1 triệu 6 dollar vì ca
khúc “My Sweet Lord” giống với ca khúc “He’s So Fine” của nhóm Chiffons về mặt
giai điệu. Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi ông bầu của George là Alan Klein bỗng
dưng phản phé đầu quân cho Bright Tunes để trục lợi khi thấy hãng dĩa này có thể
giành phần thắng. Sau nhiều năm kiện tụng rối rắm, toà án tối cao Mỹ xử George
thua kiện với tội danh “đạo nhạc một cách vô thức” bài “He’s So Fine” và George
phải bồi thường hơn nửa triệu dollar cho Bright Tunes. Những album tiếp theo của
George Harrison đều không đạt được thành công đáng kể về mặt thương mại lẫn nghệ
thuật.
Trong những năm thập niên 80,
George gần như mất tích trong thế giới âm nhạc để theo đuổi những sở thích khác
như làm phim, đua xe thể thức 1 và làm vườn. Cùng với Denis O’Brien, George
thành lập hãng phim Handmade Films năm 1978 chủ yếu để tài trợ kinh phí cho
series phim hài Monty Python. Handmade Films tuy chỉ tồn tại trong 6 năm nhưng
đã trở thành một hãng phim nổi tiếng ở Anh và cả Hollywood, sản xuất 23 bộ phim
trong đó có thể kể đến Withnail and I, Mona Lisa và Shanghai Surprise (do
Madonna và Sean Penn đóng vai chính. Từ suốt năm 1980 đến 1986, George Harrison
chỉ xuất hiện một lần duy nhất tại Birmingham Heart Beat Charity Concert biểu
diễn cùng với Robert Plant và nhóm Moody Blues. Năm 1987, George trở lại với thế
giới âm nhạc bằng một album được đánh giá cao mang tên Cloud Nine với bài hit hạng
nhất “Got My Mind Set On You.” Cũng trong năm đó, George Harrison cùng với một
số tên tuổi lớn khác trong làng nhạc rock như Eric Clapton, Elton John, Ringo
Starr đã cùng biểu diễn lại hai ca khúc “Here Comes the Sun” và “While My
Guitar Gently Weeps” trong buổi hoà nhạc gây quĩ từ thiện của Hoàng Gia Anh
mang tên the Prince Trust’s Concert.
Năm 1988, George Harrison cùng với
Bob Dylan, Jeff Lynn, Tom Petty và Roy Orbison lập nên siêu nhóm rock country
the Traveling Wilburys với hai album vol.1 và vol. 3 (không có vol.2) rất được
ưa chuộng. Nhóm tan rã sau cái chết của Roy Orbison. Trong suốt thập niên 90,
George không cho ra thêm một album solo nào nữa. Và cũng sau một thời gian dài
vắng bóng trên sân khấu nhạc sống, George đã tháp tùng Eric Clapton trong chuyến
lưu diễn ở Nhật Bản năm 1991 khá thành công. Lần cuối cùng George xuất hiện trước
công chúng là buổi hoà nhạc tri ân Bob Dylan tại Madison Square Garden năm
1992.
Rắc rối đời tư
Khi nhóm Beatles đang ở trên đỉnh
cao danh vọng năm 1963, George được rất nhiều cô gái hâm mộ. Khi biết được anh
thích kẹo dẻo mềm “jelly babies”, trong ngày sinh nhật của mình, George được
người hâm mộ gửi đến hàng trăm hộp kẹo dẻo đủ loại và khi nhóm Beatles biểu diễn
trên sân khấu, khán giả bên dưới đã ném lên cho George rất nhiều viên kẹo loại
này. Ở Mỹ, vì không có kẹo dẻo mềm nên fan đã dùng kẹo jelly beans cứng hơn để
ném lên sân khấu đến mức ban nhạc phải doạ rằng ngưng chương trình nếu cứ tiếp
tục bị trúng đạn kẹo. Năm 1966, George Harrison làm lễ cưới với cô người mẫu
xinh đẹp Pattie Boyd và trở thành cặp đôi đẹp nhất trong làng giải trí của Anh
Quốc. Tuy nhiên đoạn kết của cuộc tình George-Pattie lại là một đoạn kết không
có hậu. Tay guitar huyền thoại Eric Clapton, đồng thời là bạn thân của George
Harrison đã mê mẩn vợ của bạn mình ngay từ những lần đầu gặp mặt. Sau nhiều lần
từ chối tình yêu của Eric, Pattie cuối cùng cũng đã xiêu lòng đi theo tiếng đàn
của Eric và trở thành vợ của nhân vật tiếng tăm này năm 1979. Sự thay lòng đổi
dạ của Pattie cũng có phần trách nhiệm của George Harrison khi anh dành quá nhiều
thời gian cho tôn giáo Ấn Độ và chạy những mối tình qua đường khác trong đó có
cả Maureen vợ của Ringo Starr và Paula Boyd, em gái của Pattie. Trong cuốn tự
truyện của mình Eric Clapton đã kể rằng chính George đã sắp xếp cho Eric có cơ
hội theo đuổi Pattie để mình có thời gian tán tỉnh cô em vợ Paula. Năm 1973,
hai nguời li thân và đến năm 1974, George và Pattie chính thức li dị và Pattie
đến sống với Eric Clapton. Sự thay vợ đổi chồng khá lộn xộn giữa hai tay guitar
nổi tiếng này không làm ảnh hưỏng đến tình bạn của hai người. Họ còn vui đùa gọi
nhau là “husbands-in-law” vì Pattie lúc đầu là vợ của George sau về làm vợ của
Eric. Năm 1978, George làm đám cưới với cô thư kí người Mexico tên Olivia
Trinidas Arias. Hai người có với nhau một đứa con mang tên Dhani, và cuộc hôn
nhân thứ hai này bền vững đến lúc George qua đời.
Sau khi nhóm Beatles tan rã,
George đã thể hiện sự bất mãn của mình đối với Paul McCartney bằng cách cộng
tác với John Lennon thu âm những ca khúc đả kích Paul không thương tiếc như
“Crippled Inside” và “How Do You Sleep?’ trong album Imagine của John. Trong suốt
thập niên 70, George luôn từ chối những lời mời tái hợp hoặc cộng tác với Paul.
Trả lời phỏng vấn, George thẳng thắn phát biểu rằng anh luôn sẳn lòng chơi
chung một ban nhạc với Ringo hoặc John nhưng không bao giờ với Paul do những bất
đồng về quan điểm âm nhạc hơn là những mâu thuẫn cá nhân. Tuy nhiên, mối quan hệ
của George và John cũng không phải tốt đẹp gì hơn. Năm 1979, George xuất bản cuốn
tự truyện I, Me, Mine trong đó tên của John Lennon chỉ xuất hiện đúng ba lần.
Điều này khiến John bị tổn thương sâu sắc. Sau này, George có gọi điện xin lỗi
John nhưng John đã không bắt máy. Mối bất hoà này đã không có cơ hội để hoá giải
vì chẳng bao lâu sau đó John đã bị ám sát. Để tưởng niệm John, George đã mời
Paul và Ringo cùng thu âm ca khúc “All Those Years Ago” trong album solo của
mình. Đó là lần đầu tiên ba thành viên của nhóm Beatles tái hợp với nhau.
Những ngày cuối đời
Sau sự trở lại đình đám cùng với
Paul McCartney và Ringo Starr để quảng bá cho Anthology, những năm cuối thập
niên 90, George dường như chọn cách sống ẩn dật với thú đam mê làm vườn của
mình. Mỉa mai thay, những năm tháng sóng gió nhất của George lại là những năm
tháng cuối đời của ông. Năm 1997, George Harrison được chẩn đoán mắc bệnh ung
thư vòm họng do hút thuốc quá nhiều nhưng được chữa khỏi. Cũng trong năm này,
ông xuất hiện trên một buổi talk show của kênh truyền hình âm nhạc VH1. Với cây
guitar thùng trong tay, George đã ngẫu hứng chơi lại ca khúc “All Things Must
Pass” và ca khúc mới “Any Road”. Khi khán giả yêu cầu ông chơi một ca khúc của
thời Beatles, George đã từ chối khéo bằng cách nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng
mình nhớ một bài nào cả” Đó là buổi xuất hiện cuối cùng của George Harrison trước
công chúng.
Ngày 30/12/1999, vào lúc ba giờ
sáng, một tên điên tên Michael Abram đã đột nhập vào nhà riêng của George
Harrison và dùng dao đâm ông 15 nhát. Chính Olivia, vợ của George đã tấn công
tên sát nhân bằng cây cời lò bằng sát và cứu chồng thoát chết trong gang tấc.
Khi bị bắt, kẻ sát nhân đã khai rằng hắn nghe một giọng nói trong đầu bảo rằng
nhóm Beatles là những tên phù thuỷ ghê gớm cưỡi chổi xuống để gieo rắc kinh
hoàng cho nhân loại và nhiệm vụ của hắn là phải diệt trừ tên đầu sỏ chính là
George Harrison. Sau vụ chết hụt lần đó, George Harrison gần như tránh tiếp xúc
với thế giới bên ngoài.
Năm 2001, báo chí bắt đầu đưa tin
về tình trạng sức khoẻ ngày một xuống cấp của George Harrison với khối u ác
tính ở não và ở phổi. Cũng trong thời gian này, George cùng với sự giúp sức của
người bạn thân Jeff Lynn và con trai là Dhani Harrison đã cố gắng thu âm album
“Brain Washed”, album cuối cùng trong sự nghiệp âm nhạc của George. Ngày
29/11/2001, chỉ vài ngày trước ngày giỗ của John Lennon, tay guitar trầm lặng của
nhóm Beatles, George Harrison cũng qua đời sau một thời gian dài chống chọi với
bệnh tật. Bên cạnh anh những ngày cuối đời ngoài vợ con còn có cựu thành viên
Beatles Paul McCartney. Trong những ngày cuối cùng ấy, hai người bạn cũ đã cùng
nhau ôn lại những kỉ niệm xưa và xoá bỏ mọi hiềm khích hận thù trong bao nhiêu
năm đối đầu.
Một năm sau đó, gia đình và những
bạn bè thân thiết nhất của George Harrison như Eric Clapton, Ringo Starr, Jeff
Lynn, Tom Petty và Paul McCartney đã tổ chức một buổi diễn tưởng niệm mang
tên:”Concert for George” chơi lại những ca khúc hay nhất của ông trong suốt sự
nghiệp âm nhạc. Với những cống hiến trong suốt ba thập niên cho nhạc rock với
tư cách một nghệ sĩ guitar, một nhạc sĩ và một ca sĩ, George Harrison nhận được
vinh dự hai lần được đề cử vào Bảo Tàng Rock and Roll như một thành viên của
the Beatles năm 1988 và như một nghệ sĩ độc lập năm 2004. Giờ đây có lẽ trên
thiên đàng, cùng với người bạn cũ John Lennon, George Harrison đã có thể mỉm cười
với những sự tưởng thưởng xứng đáng mà ông từ lâu mong đợi.
DANH MỤC ALBUM SOLO CỦA GEORGE
HARRISON
Album phòng thu:
• Wonderwall (soundtrack) (1968)
• Electronic Sound (1969)
• All Things Must Past (1970)
• Living in the Material World (1973)
• Dark Horse (1974)
• Extra Texture (Read All About It)
(1975)
• Thirty Three 1/3 (1976)
• George Harrison (1979)
• Somewhere in England (1981)
• Gone Troppo (1982)
• Cloud Nine (1989)
• Brain Washed (2002)
Với nhóm Traveling Wilburys
• Traveling Wilburys vol.1 (1988)
• Traveling Wilburys vol. 3 (1990)
Album tổng hợp:
• Best of George Harrison (1976)
• Best of Dark Horse: 1976-1989 (1989)
• Let It Roll: Songs by George
Harrison (2009)
Album trực tiếp:
• Concert for Bangladesh (1971)
• Live in Japan (1992)
• The Concert for George (2003)
(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ,
một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.
0 nhận xét: