The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại (P.12)
Phần II: GIẢI MÃ CÁC CA KHÚC CỦA THE
BEATLES
Nhóm Beatles có tất cả bao nhiêu ca
khúc?
Đây là một câu hỏi khá đánh đố với
các fan của nhóm Beatles vì thế nào là một ca khúc đúng nghĩa của Beatles là
điều đáng dể tranh cãi. Theo Cao Xuân Thành, một tác giả đã từng có những cuốn
sách chuyên viết về Beatles ở Việt Nam thì một ca khúc của Beatles đúng nghĩa
là một ca khúc do các thành viên của nhóm sáng tác, thu âm và phát hành chính
thức trên đĩa. Với tiêu chí trên, ông Cao Xuân Thành đã lọc ra được 182 ca khúc
được chính thức coi là của nhóm Beatles với công thức tính sau đây:
• Lấy
226 nhạc phẩm được phát hành chính thức trong 13 album, 22 đĩa single và 12 đĩa
EP trừ đi 7 nhạc phẩm không lời của ông George Martin trong album soundtrack
Yellow Submarine, 24 ca khúc nhóm Beatles cover lại của những nghệ sĩ khác, hai
phiên bản tiếng Đức của “She Loves You” và “I Want to Hold Your Hand” và bài
hát dân gian “Maggie Mae” của Liverpool, ta còn 192 bài
• Lại
lấy tiếp 192 bài này trừ đi một số ca khúc có hai hoặc nhiều phiên bản khác
nhau như “Love Me Do” (2 phiên bản), Revolution (3 phiên bản), Across the
Universe (2 phiên bản), Get Back (2 phiên bản) và Let It Be (2 phiên bản) và
hai bài hát xuất hiện hai lần tren hai album khác nhau là “Yellow Submarine” và
“All You Need Is Love”, tổng số bài hát bây giờ là 182 bài.
• Ngoài
con số này ra, nhóm Beatles còn có thêm khoảng 30 ca khúc khác chưa bao giờ
được xuất bản chính thức, hoặc chỉ xuất hiện ở dạng demo trong bộ sưu tập Anthology.
Rất nhiều trong số những ca khúc kém may mắn này đã trở thành những bài hit cho
các nhạc kém nổi tiếng hơn hoặc trở thành những ca khúc solo của các thành viên
sau khi rã nhóm.
• Năm
1995, cùng với sự ra đời của bộ sưu tập có giá trị Anthology, các fan của nhóm
Beatles còn được thưởng thức hai ca khúc mới toanh được ba thành viên còn lại
của nhóm thu âm cùng nhau từ bản demo của thành viên quá cố John Lennon là
“Real Love” và “Free as a Bird”. Và nếu tính luôn cả hai ca khúc đầu tiên được
thu âm chính thức của Beatles là “Ain’t She Sweet” và “Cry For A Shadow” lúc
còn là ban nhạc đệm cho Tony Sheridan ở Hamburg thì bộ sưu tập này sẽ là con số
186.
Vì sao phải giải mã những ca khúc
của Beatles?
Trước hết, đây là một cách thể hiện
sự ngưỡng mộ và tri ân trước tài năng của một huyền thoại âm nhạc trên thế giới
đã có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của văn hóa thế giới trong thế kỉ
20. Từ khi làm quen với âm nhạc của Beatles qua những cuốn băng cassette thu
lại từ những chiếc đĩa CD hiếm hoi tại Việt Nam những năm đầu thập niên 90, tôi
đã bị thứ âm nhạc kì diệu này mê hoặc và nó đã trở thành một phần không thể
thiếu trong cuộc đời của tôi. Nhạc của the Beatles gắn với từng kỉ niệm vui
buồn trong cuộc đời của tôi và cho đến giờ phút này, những ca khúc của the
Beatles vẫn giúp tôi vượt qua những thử thách lớn trong cuộc sống. Là những
nghệ sĩ sáng tạo chân chính, mỗi ca khúc của the Beatles đều ghi lại dấu ấn của
sự trưởng thành về cả nội dung và nghệ thuật từng thành viên ở tư cách cá nhân
và tập thể. Bên cạnh đó còn là sự đóng góp của rất nhiều những người hậu cần
trong việc tạo ra một ca khúc đẹp mà công đầu phải kể đến nhà sản xuất George
Martin và kĩ sư âm thanh Geoff Emerick.
Thứ hai, cũng như câu ngạn ngữ nổi
tiếng của Anh “ Every picture tells a story”, mỗi bài hát của the Beatles đều
là một câu chuyện thú vị qua đó thể hiện rất rõ tính cách và nhân sinh quan của
từng thành viên. Cũng qua nội dung của các bài hát Beatles, người nghe còn có
thể hiểu thêm những biến đổi về lịch sử, văn hoá và xã hội cuả giai đoạn thập
niên 60, một giai đoạn có nhiều dấu ấn quan trọng của thế kỉ 20.
Thứ ba, đây là một lời tri ân sâu
sắc đối với tác giả Cao Xuân Thành, một bậc tiền bối, tác giả của những cuốn
sách về Beatles đầu tiên của Việt Nam sau ngày giải phóng như Ban nhạc của thế
kỉ 20-The Beatles-100 bài hát chọn lọc (năm 1990), John Lennon, trang cuối đời
(1992) và Beatles, ban nhạc thế kỉ, toàn tập ca khúc (2000). Những năm đầu của
thập niên 90 thế kỉ trước khi thông tin là một thứ gì đó cực kì khan hiếm,
những cuốn sách của tác giả Cao Xuân Thành đã khiến cho thế hệ những người say
mê the Beatles hiểu được một cách đầy đủ hơn về nhóm nhạc mình yêu thích. Dĩ
nhiên trong thời đại thông tin ngày nay, chỉ với một cái click chuột, người hâm
mộ có thể tìm được hàng tá tin tức từ phổ thông nhất cho đến dạng “thâm cung bí
sử” nhất, nhưng để có những tư liệu quí giá cách đây 20 năm, đó là một nỗ lực
phi thường. Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tác giả Cao Xuân Thành,
người đã tạo cảm hứng cho quyển sách này ra đời.
Cuối cùng, đây là kết quả nghiên cứu
của tôi, một người yêu âm nhạc the Beatles trong suốt hơn 15 năm. Trong thời
gian sống, học tập và làm việc tại Mỹ, tôi may mắn có nhiều cơ hội tiếp xúc với
nhiều tư liệu về ban nhạc the Beatles trong đó có ba cuốn sách gây ấn tượng
mạnh đối với tôi là Beatlesongs của tác giả William J. Dowling (1989), A Hard
Day’s Write, the stories behind every Beatles song. của Steve Turner (1994) và
The Complete Beatles Recording
Sessions của Mark Lewisohn (1988), phân tích một cách chi tiết tất cả những bài
hát của the Beatles về mặt nội dung, nghệ thuật và kĩ thuật thu âm. Sau khi đã
nghiên cứu, đối chiếu, lượt bỏ những đoạn có nội dung trùng lắp, không phù hợp
hoặc thiên về kĩ thuật chuyên môn khiến người đọc khó hiểu và đối chiếu lại với
những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tôi bắt tay vào việc biên dịch cuốn
sách này với hi vọng chia sẻ những gì mình biết với đội ngũ người hâm mộ the
Beatles ở Việt Nam. Được bắt đầu đăng trên box Beatles của diễn đàn ttvnol.com
từ giữa năm 2006 duới chủ đề Giải mã toàn bộ các ca khúc của nhóm the Beatles,
những bài viết trên đã nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực từ đông đảo bạn
bè cùng sở thích. Năm 2010, nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh của John Lennon, 40
năm ngày tan rã của nhóm Beatles và 30 năm ngày mất của John Lennon, tôi muốn
giới thiệu một cách đầy đủ nhất loat bài viết này với đông đảo người hâm mộ
Beatles ở Việt Nam như một tài liệu đầy đủ nhất về nhóm nhạc huyền thoại này do
một fan Beatles người Việt Nam biên soạn.
Sử dụng phần tra cứu này như thế
nào?
Các bài hát sẽ được giới thiệu theo
từng album bắt đầu từ Please Please Me (1963) đến album cuối cùng Let It Be
(1970). Ở mỗi album bạn sẽ tìm thấy từ những thông tin cơ bản như hoàn cảnh ra
đời, thời gian thu âm, ngày phát hành, số lượng đĩa bán ra, những giải thưởng
mà album đạt được cho đến những nội dung chi tiết hơn về sự phát triển của nhóm
trong thời gian đó, ý nghĩa của ảnh bìa album và những giai thoại liên quan về
album. Các ca khúc trong album sẽ được giới thiệu theo thứ tự xuất hiện trên
đĩa với thông tin về tác giả sáng tác, vị trí trên bản xếp hạng (nếu có), đóng
góp của từng thành viên trong việc thu âm và những câu chuyện có liên quan đến
nội dung ca khúc. Những ca khúc được thu âm trong album nhưng không phải do
chính nhóm Beatles viết sẽ không đựơc giới thiệu cũng như đối với những ca khúc
có nhiều phiên bản hoặc xuất hiện trên hai album khác nhau. Riêng những ca khúc
vừa xuất hiện trong album và trong đĩa single sẽ được giới thiệu một lần trong
phần album. Phần giới thiệu về đĩa single và đĩa EP sẽ được sắp xếp riêng.
Trong quá trình biên dịch và tổng
hợp, sai sót là điều không thể tránh khỏi, mong bạn đọc vui lòng bỏ qua. Hi
vọng phần biên khảo này sẽ mang lại những thông tin bổ ích về nhóm nhạc mà
chúng ta cùng yêu mến, the Beatles.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2010.
PLEASE PLEASE ME (1963)
Đây là album đầu tay của Beatles năm
1963 sau thành công của hai hit single “Please Please Me” (hạng 1) và “Love Me
Do” (hạng 17). Được thu âm ngày 11/2/1963, album được hoàn thành khá nhanh
chóng và đơn giản với khoảng 13 giờ thu âm với các nhạc cụ cơ bản nhất và kinh
phí khá khiêm tốn khoảng 400 bảng Anh. Tại Anh, album được phát hành ngày
22/3/1963 bởi hãng Rush ngay sau khi bài hát chủ đề đứng nhất bảng xếp hạng.
Album lọt vào bảng xếp hạng trong vòng 1 tuần sau khi phát hành ở vị trí thứ 9
(7 tuần) sau đó lên thẳng hạng nhất và trụ lại ở vị trí đầu bảng suốt 29 tuần.
Tuy nhiên, ở Mỹ, sau khi hãng Capitol từ chối phát hành album này, một công ty
không mấy danh tiếng là Vee Jay đã nhận phát hành album với cái tên Introducing
the Beatles và loại bỏ hai bài “Please Please Me” và “Ask Me Why”.
Album được thu cực kì đơn giản với
kĩ thuật thu âm cơ bản nhất. Các ca khúc hoàn toàn được thu trực tiếp, không
chỉnh sửa, không remix hoặc thu chồng âm. Mỗi bài hát chỉ được thu lại tối đa
là 4 lần vì ông George Martin muốn chuyển tải cái không khí sôi động và chân
thực của những buổi diễn tại Cavern Club vào đĩa thu âm. Ý định của ông George
Martin lúc đó là cho thu âm cả một buổi diễn live của Beatles tại Cavern Club
rồi chọn ra những bài hay nhất để cho ra đĩa. Nhưng do không sắp xếp được giờ
giấc thích hợp, ông Martin quyết định lên lịch cho nhóm thu tại phòng thu Abbey
Road với ba session kéo dài khoảng 3 tiếng mỗi lần. Trong 14 ca khúc được thu
âm trong album có 8 ca khúc do chính những thành viên trong nhóm sáng tác, 6
bài còn lại: “Anna (Go to Him),” “Chains,” “Boys,” “Baby, It’s You,” “A Taste
of Honey,” và “Twist and Shout” là những ca khúc cover mà nhóm thường chơi
trong những buổi diễn ở Cavern Club. Điều này khiến tờ báo Rolling Stone đánh
giá “ Album này mở đầu cho thời kì những ban nhạc tự lực cánh sinh, tự chơi
nhạc cụ, tự hát và quan trọng hơn hết là tự sáng tác.”
Bìa album được Angus McBean chụp
nhóm Beatles đứng nhoài nguời ra lan can nhìn xuống đất tại tổng hành dinh của
công ty EMI ở Manchester Square, London. McBean cũng là người chụp tấm hình của
tứ quái tại vị trí này sáu năm sau với dự định dùng nó làm bìa đĩa cho album
Get Back. Tuy nhiên album này đã không được thực hiện và tấm hình sau được sử
dụng làm bìa cho album hợp tuyển the Beatles 1967-1970. Paul McCartney là người
thiết kế bìa đĩa với cái tên Off the Beatle Track. Thiết kế của Paul được sử
dụng nhưng cái tên thì đổi thành Please Please Me. Tựa gốc Off the Beatle Track
được George Martin sử dụng cho album hoà tấu cover lại các bài hit của Beatles
sau này.
Lượm lặt:
• Năm
2003, tạp chí Rolling Stone xếp album này ở vị trí 39 trong số 500 album vĩ đại
nhất mọi thời đại. Có tất cả 6 album của Beatles lọt vào danh sách này.
• Cũng
theo Rolling Stone, ca khúc “I Saw Her Standing There” và “Please Please Me”
được xếp hạng 139 và 184 trong số 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại.
• Tháng
5/1963, album Please Please Me đứng nhất bảng xếp hạng Anh Quốc trong suốt 30
tuần để rồi nhường chỗ cho một album khác cũng của Beatles, With the Beatles
• Do
thu âm suốt ngày và do đang bị cúm, giọng của John Lennon càng lúc càng khản
đặc. Chính vì vậy, George Martin quyết định thu ca khúc “Twist and Shout” sau
cùng và chỉ thu một lần duy nhất. Sau khi nghe lại bản thu này, ông nhận xét:
“Tôi không biết rằng các cậu ấy làm như thế nào, nhưng phải công nhận rằng,
càng về sau thì họ chơi càng tốt.”
• Sau
một ngày thu âm mệt nhoài, mỗi thành viên của nhóm nhận được 7 bảng và 10
shillings tiền công do hãng Parlophone trả công.
• Một
điều thú vị nữa về album này là khi thu âm, các thành viên của Beatles yêu cầu
ông George cung cấp cho mình một lọ kẹo ho để giữ giọng và hai bao thuốc lá
hiệu Peter Stuveysant để hút. Hai thứ này trở thành vật không thể thiếu của
Beatles trong các buổi thu âm sau này.
I Saw Her Standing There
(McCartney 8/Lennon 2)
UK Chart: - US chart 14
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar
Starr: drums.
Ca khúc này được Paul viết khoảng
tháng 9 năm 1962 với tựa là “Seventeen” và hai câu đầu “She was just seventeen,
never been a beauty queen.” Nhưng khi Paul đưa cho John góp ý, John đã sửa câu
“never been a beauty queen” thành “you know what I mean” vì theo John, nó có vẻ
sexy hơn. Sau này, câu “you know what I mean” được khá nhiều các nhóm nhạc khác
sử dụng trong các bài hát của mình.
Paul viết ca khúc này tặng cho Iris
Caldwell, em gái của ca sĩ Rory Storm của nhóm Rory Storm and the Hurricanes.
Paul và Iris từng hẹn hò với nhau khoảng hai năm khi Iris mới 17 tuổi và là một
vũ công chuyên nghiệp tại các club ở Liverpool. Mối tình của Paul và Iris tan
vỡ khi nhóm Beatles sang Hamburg lập nghiệp nhưng Paul vẫn giữ mối quan hệ với
Rory Storm. Paul đã từng có ý định để cho nhóm RS and the Hurricanes chơi bài
này nhưng ông bầu Brian Epstein không cho phép vì theo ông đây là một bài hay
của Beatles. Được sử dụng để mở đầu album, ca khúc được bắt đầu như một bài hát
live với tiếng đếm nhịp 1..2…3..4 của Paul. “I Saw You Standing There” nhanh
chóng trở thành một ca khúc không thể thiếu trong các buổi trình diễn của
Beatles vì nó có sức hút khá mãnh liệt đối với các khán giả nữ trẻ (vì ai cũng
nghĩ rằng bài hát dành cho mình). Paul thừa nhận rằng mình đã copy lại các câu
bass của bài “I’m Talking About You” của Chuck Berry năm 1961 cho bài hát này.
Misery
(Lennon 6/McCartney 4)
McCartney: bass/ hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums
George Martin: piano
Đây là sáng tác chính của John với
sự giúp sức của Paul và hai thành viên ban nhạc the Hollies là Allan Clarke và
Graham Nash. Nó đánh dấu rõ sự khác biệt giữa các ca khúc của John và của Paul.
Các ca khúc của Paul luôn có nội dung vui tươi và tích cực về tình yêu, còn ca
khúc của John trong thời kì đầu luôn nghi ngờ và tiêu cực. Lúc đầu ca khúc được
dự định bán cho nữ ca sĩ Helen Shapiro nhưng ông bầu của ca sĩ này đã không sử
dụng nó vì cho đến năm 1963, các ca sĩ Anh vẫn xem việc cover lại các ca khúc
của Mỹ là mode thời thượng. Beatles mặc dù đã chứng tỏ được tài năng sáng tác
của mình qua “Love Me Do” và “Please Please Me” nhưng vẫn chưa được công nhận
một cách rộng rãi với tư cách nhạc sĩ sáng tác. Năm 1964, ca sĩ da đen người
Anh Kelly Lynch mua lại “Misery” và biến nó thành một bài hit nho nhỏ theo
phong cách gospel.
Ask Me Why
(Lennon 7/ McCartney 3)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: lead guitar, bè
Starr: drums.
Đây là một trong những sáng tác đầu
tiên của cặp Lennon/McCartney được thu âm năm 1962. Nhóm Beatles định sử dụng
nó làm single đầu tay nhưng George Martin cho rằng bài hát không đủ chất lượng
nên chỉ phát hành nó ở mặt B của single “Please Please Me”. Bản gốc thu âm ca
khúc này được giới thiệu trong chương trình Teenager’s Turn của đài BBC tháng 6
năm 1962, còn bản phát hành trong album “Please Please Me” là bản thu lại năm
1963.
Please Please Me
(Lennon 10)
UK Chart: 1
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát chính,
harmonica
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Được phát hành dưới dạng đĩa đơn thứ
hai của Beatles, bài hát đứng hạng nhất ở Anh trong hai tuần nhưng không có tên
trong bảng xếp hạng ở Mỹ và bị nhiều hãng đĩa ở Mỹ từ chối phát hành. Mặc dù
được kí tên Lennon/McCartney, đây là ca khúc hoàn toàn của John. Là một người
thích chơi chữ, John đã lợi dụng tính đa nghĩa của từ “please” để viết ca khúc
này sau khi nghe bài “Please” của Bing Crosby phát hành năm 1932.Nội dung bài
hát là lời than vãn của một chàng trai khi người yêu tỏ ra lạnh nhạt với mình.
Chàng trai tâm sự: “Em biết không, anh không muốn lúc nào cũng than thở nhưng
lòng anh rối bời. Anh làm tất cả để em vui lòng, còn em thì lúc nào cũng làm
anh buồn cả. Hỡi người yêu, làm ơn làm cho anh vui đi nhé.” Bài hát thể hiện
rất rõ sự yếm thế và hoài nghi đối với tình yêu ở John, người không may mắn như
những thành viên khác có một tuổi ấu thơ hạnh phúc yên ấm.
Lúc đầu bài hát được chơi dưới dạng
ballad theo phong cách của Roy Orbison nhưng ông George Martin muốn nhóm thu âm
nó với tốc độ nhanh kèm với tiếng kèn harmonica. Bản thu âm đầu tiên vào tháng
9 năm 1962 của nhóm là bản với tốc độ chậm đã không được sử dụng. Sau thành
công của “Love Me Do”, Beatles muốn phát hành “Please Please Me” dưới dạng
single nhưng ông George Martin không thích. Ông muốn nhóm thu ca khúc “How Do
You Do It?” viết bởi một nhạc sĩ chuyên nghiệp để làm single thứ hai. Nhưng
John và Paul nhất trí với nhau nhóm chỉ phát hành những single do chính mình
sáng tác. Cuối cùng ông George Martin đành phải nhượng bộ với một điều kiện,
bài “Please Please Me” phải được thu với tốc độ nhanh và Beatles phải thu âm
luôn bài hát “How Do You Do It?” để phòng nếu bài hát không vào được bản xếp
hạng thì nhóm sẽ phát hành ca khúc kia để gỡ gạt. Tuy nhiên khi “Please Please
Me” đứng nhất bản xếp hạng, Beatles đã không cần đến “How Do You Do It?”. Bài
hát này được một nhóm nhạc Liverpool khác là Gerry and the Pacemakers thu âm và
phát hành, version của nhóm này đạt hạng nhất trên bảng xếp hạng.
Love Me Do
(Lennon 3/ McCartney 7)
UK Chart: 27, 17/ US Chart: 1 (1964)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: rhythm guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar, hát bè
Starr: tambourine
Andy White: drums.
Paul viết bài hát này năm 17 tuổi và
John đóng góp phần harmonica intro theo phong cách của Delbert McClinton trong
ca khúc “Hey! Baby!” John rất ấn tượng với cách chơi harmonica của McClinton
nên khi gặp ông này năm 1962 tại Hamburg, John đã năn nỉ McClinton chỉ mình
cách chơi harmonica với cây kèn John xoáy được trong một hiệu bán nhạc cụ.
Ngoài “Love Me Do”, Lennon còn chơi harmonica trong một số ca khúc khác của
Beatles như “Please Please Me,” “Thank You Girl,” “From Me To You,” “I Should
Have Known Better” và “I’m a Loser”.
Có hai phiên bản của “Love Me Do”,
phiên bản đầu tiên được thu ngày 4/9/1962 với Ringo Starr chơi trống. Tuy nhiên
ông Martin không thích phiên bản này lắm vì ông nghĩ phần trống vẫn chưa tốt.
Một tuần sau, nhóm thu lại bài này với Andy White chơi trống và Ringo gõ
tambourine. Buổi thu âm “Love Me Do” là một trong những buổi thu âm tồi tệ nhất
của Beatles. Thiết bị phòng thu rất kém, ông George Martin lại tỏ ra khó chịu
vì ông không thích lời bài hát này khiến John và Paul khá căng thẳng. Còn
George Harrison đến phòng thu với con mắt bầm tím do bị các fan của Pete Best
tấn công sau khi tay trống này bị sa thải. Không chỉ có mình ông George Martin
không ưa “Love Me Do”, dì Mimi của John cũng chẳng thích gì nó. Bà nói thẳng
với John rằng: “Nếu anh nghĩ rằng các anh có thể làm nên chuyện với những ca
khúc kiểu này thì hãy suy nghĩ lại!” Tuy nhiên, đối với một số nghệ sĩ sau này
như Sting, đây là ca khúc giúp họ lựa chọn âm nhạc làm con đường đi cho mình.
Khi bài này được phát hành thành đĩa single đầu tiên của Beatles, ông Epstein
đã bỏ tiền ra mua 1000 bản để ca khúc được tăng số giờ phát sóng trên đài.
P.S I Love You
(Lennon 2/ McCartney 8)
US chart: 10 (1964)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: acoustic rhythm guitar, hát
chính
Harrison: lead guitar
Starr: Maracas
Andy White: drums.
Đây là ca khúc Paul viết cho cô bạn
gái của mình là Dorothy Dot Rhone năm 1962. Khi nhóm Beatles sang Hamburg biểu
diễn, Cynthia Powell và Dot Rhone có sang Đức để thăm người yêu của mình. Tại
Hamburg, Cynthia ở chung với Astrid Kirchner còn Dot ở chung với Paul. Paul
viết ca khúc này dưới dạng một lá thư gửi cho Dot sau khi cô cùng Cynthia trở
về Anh. Tuy nhiên mối tình của hai người chấm dứt chỉ vài ngày sau khi nhóm
Beatles kí hợp đồng với ông Epstein. Dot khi thấy Cynthia kết hôn với John nên
giục Paul kết hôn với mình. Tuy nhiên là một người đầy tham vọng, Paul nghĩ
rằng kết hôn lúc này là quá sớm nên anh chủ động chia tay. Dot đã suy sụp tinh
thần sau khi bị Paul bỏ rơi. Cũng như “Love Me Do” ca khúc này có hai phiên
bản, một phiên bản do Ringo chơi trống và phiên bản còn lại do Andy White chơi
trống. Điều này cho thấy lúc đầu ông George Martin không tin tưởng vào tài năng
của Ringo cho lắm.
Do You Want to Know a Secret?
(Lennon 10)
US chart: 2 (1964)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, hát chính
Starr: drums.
John viết bài hát này để tặng
Cynthia trong ngày cưới của hai người. Lời của bài hát theo John lấy cảm hứng
từ bài “Wishing Well” trong bộ phim hoạt hình Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, bài
hát mà bà Julia thường ru John ngủ lúc bé. Về phần nhạc, George Harrison cho
rằng ca khúc này chịu ảnh hưởng từ bài hit “I Really Love You” của nhóm R’n’B
the Stereos năm 1961. Mặc dù John viết ca khúc này, anh lại để cho George hát
chính. Sau này trong mỗi album của Beatles đều có một hoặc hai bài dành cho
George và Ringo thể hiện. Ngoài ra, nhóm Billy J. Kramer and the Dakotas, một
nhóm nhạc Beat khác do ông Epstein quản lí cũng cover lại bài này. Bản cover
của nhóm Dakotas đạt hạng nhất ở Anh. Điều này khẳng định tài viết nhạc của cặp
Lennon/McCartney có thể viết những hit song cho các nhóm nhạc khác.
There’s a Place
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: rhythm guitar, harmonica, hát chính
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums.
John viết bài này theo phong cách nhạc blues và soul của Motown. Bài hát phản ánh tính hướng nội của John, đối lập với vẻ sôi nổi bên ngoài. Sau những buổi diễn mệt nhoài và những buổi tiệc tùng, John mong muốn có một nơi yên tĩnh để giấu mình hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Mặc dù đây là ca khúc hoàn toàn của John, Paul nhận rằng tựa của ca khúc là gợi ý của mình lấy ý tưởng từ bài hát chính của bộ phim Westside Story (1957) là “There’s a Place For Us”.
(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ,
một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.
0 nhận xét: