The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.19)
Mặc dù được phát hành vào tháng 5
năm 1970 khi nhóm Beatles chỉ còn trên danh nghĩa, Let It Be là album studio được
thu trước album Abbey Road phát hành năm 1969. Như vậy nếu tính theo thời gian
thu âm, Let It Be là album kế cuối chứ không phải album cuối cùng như mọi người
lầm tưởng. Được bắt đầu thu âm vào tháng 1 năm 1969 với cái tên The Beatles Get
Back, Let It Be là nỗ lực không thành công để níu kéo sự tồn tại của người khổng
lồ trong âm nhạc the Beatles.
Mâu thuẫn của Beatles trong năm
1969 đã lên tới cực điểm, chủ yếu xoay quanh việc xuất hiện của Yoko và sự nắm
quyền sinh sát trong tay của Paul. Theo hợp đồng với United Artists, Beatles
còn phải làm một bộ phim trước khi thập niên 60 kết thúc. Với tinh thần căng thẳng,
nhóm không thể tập trung vào làm một bộ phim theo kiểu A Hard Day’s Night hay
Help! trước kia nữa. Vì thế Paul đưa ra ý tưởng quay một bộ phim tài liệu tại
studio Twickenham và Abbey Road về những hoạt động thu âm của nhóm Beatles.
Cùng với dự án làm phim là một loạt các dự án rất hấp dẫn nhằm vực dậy sự nghiệp
đang xuống dốc của Beatles và dĩ nhiên tất cả những dự án đó đều do Paul đưa
ra. Theo kế hoạch của Paul, nhóm sẽ thu một album đúng chất rock and roll
nguyên thuỷ, không bị thêm bớt và can thiệp bới các kĩ xảo thu âm hay dàn nhạc
giao hưởng. Đặc biệt hơn nữa, album này sẽ được thu live hoàn toàn có nghĩa là,
nhóm sẽ tổ chức một buổi diễn chỉ trình diễn những bài hát mới và thu âm buổi
diễn đó như một album thực thụ. Tuy nhiên hầu như trừ Paul ra, không ai còn hứng
thú với những dự án hứa hẹn nguồn lợi béo bở nữa. Ở thời điểm này, các thành
viên của Beatles không cần tiền bạc cũng như danh tiếng. Cái mà họ cần là sự tự
do về mặt tư tưởng và nghệ thuật, không bị người khác chèn ép. Khi Paul đưa ra
một số địa điểm mà nhóm có thể tổ chức buổi diễn live như Royal Albert Hall hay
đấu trường La Mã ở Ý, John đã nửa đùa nửa thật bảo rằng nên tổ chức trong một
nhà thương điên là tốt nhất.
Việc quay phim khi nhóm đang làm
việc trong phim trường Twickenham hoá ra lại là một ý kiến tồi tệ khi các thành
viên cảm thấy căng thẳng và không tự nhiên trước máy quay phim. Những buổi tập
với nhau được người ngoài cuộc đánh giá là cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp. Paul
dường như được dịp để chứng tỏ tài lãnh đạo của mình trước ống kính nên anh “trổ
tài” ra lệnh hết cho George phải chơi thế này, Ringo phải đánh thế khác.Giải
thích cho thái độ kẻ cả của mình, Paul nói rằng đó chỉ là thiện ý của anh kết nối
mọi người lại với nhau khi các thành viên không nhìn chung một hướng. John thì
hầu như bất cần tất cả, chỉ cần biết sao Yoko có ở bên mình. Nguời cảm thấy khó
chịu nhất là George Harrison. Trước khi bắt đầu quay phim, anh đã theo nhóm
Delanie và Bonnie và Eric Clapton sang Mỹ trình diễn. Phát biểu về chuyến đi
này, George nói: “Đó là một sự đổi mới. Khi ở Mỹ, những người chơi nhạc cùng
tôi bày tỏ sự tôn trọng và thoải mái, không có ai làm chủ của ai. Nhưng khi trở
về với nhóm Beatles, tôi lại phải đối đầu với một chàng Paul đầy tự phụ và một
chàng John luôn chế nhạo ý tưởng của người khác. Ho luôn chỉ trích và sửa lưng
tôi ngay cả trước ống kính máy quay.” Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa Paul và
George là khi George bỏ về nhà suốt ba ngày liền sau khi bị Paul bảo phải chơi
theo ý của mình trong bài “I’ve Got A Feeling.” Trong thời gian ở nhạc, George
đã sáng tác bài “Wah-wah”, một ca khúc kể tội Paul được thu âm trong album solo
“All Things Must Pass”. Sau đó, một cuộc cãi vã nảy lửa giữa George và John mà
theo nhiều người có mặt tại đó, ngoài lời nói, hai chàng nhạc sĩ này còn sử dụng
cả nấm đấm với nhau. Kết quả George tuyên bố rút khỏi ban nhạc và John lập tức
nghĩ ngay đến việc mới Eric Clapton vào thay thể vị trí của George. Rất may là
Paul và Ringo không tán đồng ý kiến này. Ngày 10/1/69, George tuyên bố mình phản
đối việc trình diễn và thu âm live trước công chúng. Trước thái độ cương quyết
của George, nhóm đành đổi kế hoạch thu một album sử dụng thông thường. George
cũng mang theo Billy Preston vào studio với ý định các thành viên khác sẽ giữ
mình một chút trước mặt người lạ, giống như khi anh mang Eric Clapton vào thu
âm chung. Buổi diễn live hoành tráng cuối cùng được rút lại bằng sự xuất hiện bất
ngờ trên nóc toà nhà Apple ngày 30/1/69 trong tiết trời lạnh giá để cùng nhau
chơi nhạc sống một lần cuối cùng.
Không khí căng thẳng của những buổi
thu âm đã khiến cho chẳng ai muốn ngó ngàng gì đến đống băng gốc khi thu xong.
Điều duy nhất mà tứ quái đồng ý với nhau lúc bấy giờ là không thêm bớt bất cứ một
kĩ xảo nào cho những bài hát đã thu, cứ để như thế và phát hành. Hơn 96 giờ
quay phim và 30 giờ thu âm được giao cho nhà sản xuất Glyn Johns muốn xào nấu
thế nào cũng được. Kết quả là đống băng gốc bị chất vào nhà kho cho đến tháng 3
năm 1970 mới được Phil Spector lấy ra sản xuất lại và phát hành. Bất chấp nguyện
vọng của nhóm, Phil đã mix thêm dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng nữ vào bốn ca
khúc “Let It Be”, “The Long and Winding Road”, “Across the Universe” và “I Me
Mine”. Khi nghe lại phần mix của Phil, Paul điên tiết và trả đũa bằng cách nhất
quyết không chịu lùi ngày phát hành album solo đầu tiên của mình lại như thoả
thuận để Let It Be được phát hành trước. “Nhiệm vụ bất khả thi” thuyết phục
Paul dời ngày phát hành album của mình lại được giao cho Ringo vì trong nhóm chỉ
còn mình anh là có quan hệ tương đối tốt với Paul. Khi Ringo đến gặp Paul tại
nhà riêng để khuyên Paul dời ngày, Paul đã nổi nóng quát vào mặt tay trống tội
nghiệp rằng: “Tao sẽ chấm dứt cả lũ chúng mày! Bọn bay sẽ phải trả giá!” rồi tống
Ringo ra cửa. Kết quả, Paul phát hành album solo của mình vào tháng 4/70 trước
Let It Be một tháng. Cùng với sự phát hành album solo, Paul chính thức tuyên bố
rời bỏ nhóm Beatles trên báo chí. Khi bộ phim Let It Be được công chiếu, chẳng
có tay Beatles nào buồn xuất hiện để quảng bá cho bộ phim cả.
Trước tình hình đó, cái tên đầy
hi vọng “Get Back” được đổi thành một cái tên có vẻ buông xuôi “ Let It Be”.
Ngay cả hình bìa đĩa chụp tứ quái trên cầu thang của Parlophone đúng ở vị trí
mà trước đây nhóm chụp hình bìa cho album đầu tay Please Please Me cũng bị thay
bằng bìa album màu đen tang tóc với bốn tấm hình của bốn tay Beatles chụp riêng
biệt đựơc John Kosh thiết kế. Ở Anh, album được phát hành với một quyển booklet
mang tên Beatles Get Back với hình ảnh và những lời thoại trong phim.
Mặc cho sự ra đời đầy ảm đạm và
thù hằn, album Let It Be vẫn đạt hạng nhất ở Anh và Mỹ sau khi phát hành tháng
5/70. Ở Mỹ, album được đặt 3.7 triệu bảng trước ngày phát hành, trở thành album
có số lượng pre-order lớn nhất cho đến thời điểm đó. Tuy nhiên, tất cả những điều
đó đều trở thành vô nghĩa đối với nhóm Beatles vì năm 1970 là một năm đầy kiện
tụng cho tới tháng 12, nhóm Beatles chính thức tan rã về mặt pháp lí.
Two Of Us
(McCartney 10)
McCartney: acoustic guitar, hát
chính
Lennon: acoustic guitar, hát
chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums
Nhiều người vẫn tưởng đây là bài
hát của Paul viết về mình và John thời niên thiếu ở Liverpool. Thật ra đây là
bài hát Paul viết tặng cho Linda, lúc này đã là vợ của mình. Với cuộc sống của
một Beatles đầy căng thẳng, Paul hầu như quên đi những thú vui đơn giản. Chính
Linda là người đã mang lại cho Paul những niềm vui đó bằng cách lái xe đưa anh
đi đến những vùng nông thôn thơ mộng một cách không có chủ đích và gửi cho nhau
những tấm bưu thiếp đầy lời lẽ yêu thương lãng mạn. Trong phim “Let It Be” bài
này được trình bày hai lần. Ở lần đầu Paul và John hát với tốc độ nhanh và thêm
thắt ứng khẩu ở nhiều đoạn. Lần thứ hai là lần được thu âm vào album.
Dig a Pony
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar,
Starr: drums
Billy Preston: piano
Một bài lắp ráp vô nghĩa theo kiểu
của John với phần điệp khúc “All I want is you” rõ ràng là dành tặng cho Yoko.
Lúc đầu John định hát là “con a lowry” và “dig a skylight” nhưng theo anh “dig
a pony” và “dig a road hog” nghe mạnh mẽ hơn nên anh quyết định sửa lại mặc dù
anh cũng đồng ý là câu “dig a skylight” nghe thơ mộng hơn. Trong cuộc phỏng vấn
cuối cùng với Playboy năm 80, John gọi bài này bằng hai từ “rác rưởi”.
Across the Universe
(Lennon 10)
McCartney: piano
Lennon: acoustic guitar, lead
guitar, organ, hát chính
Harrison: sitar
Starr: maracas
George Martin: organ
Dàn nhạc nền: strings và hợp xướng
nữ (phiên bản trong Let It Be)
Lizzie Bravo và Gayleen Pease:
hát bè (phiên bản single)
Được John viết đầu năm 68 sau một
lần cãi nhau với Cynthia. Nằm trăn trở trên giường với câu “pools of sorrow,
waves of joys” lặp đi lặp lại trong đầu, John đã ngồi dậy và viết bài hát này với
ca từ chứa đựng những hình ảnh trừu tượng và siêu thực. Có hai phiên bản của ca
khúc này. Phiên bản đầu tiên được John thu âm ngày 4/2/68 với tiếng chim hót và
sự trợ giúp hát bè của hai fan nữ tình nguyện là Lizzy Bravo và Gayleen Pease.
Được dự định phát hành ở mặt A của đĩa single năm 68, nhưng đến phút chót “Lady
Madonna” được chọn làm mặt A. Đầu năm 69, John tặng bài này cho album từ thiện
gây quĩ cho World Wildlife Fund mang tên “No One’s Gonna Change Our World”. Đến
ngày 2/10/69, Phil Spector đã tìm lại phiên bản này, lọc đi phần bè và phần tiếng
chim, giảm tốc độ lại và phối thêm dàn hợp xướng và đồng ca rồi đưa vào album
“Let It Be”. Phần “Jai Guru Deva Oom” được hát để tôn vinh sư phụ của ông
Mahesh Yogi, Guru Dev. Năm 1975, David Bowie đã cover lại ca khúc này trong
album Young Americans với John đảm nhiệm phần guitar đệm.
I Me Mine
(Harrison 10)
McCartney: piano, hát bè
Harrison: acoustic guitar, lead
guitar, hát chính
Starr: drums
Billy Preston: organ
Session musicians: strings
George viết bài này để phản đối
chủ nghĩa cá nhân và cái tôi ích kỉ. Là một ngôi sao nổi tiếng lại từng phiêu
lưu với ma tuý, George tự nhận rằng mình từng là người chỉ biết về bản thân
mình mà thôi cho tới khi anh tìm thấy được sự cứu cánh trong triết lí và tôn
giáo phương Đông. Phần nhạc của bài hát được lấy cảm hứng từ bản valse
“Kaiserwalzer” của Johann Strauss II. Bài này được đài BBC sử dụng làm nhạc hiệu
cho chương trình Europa: the Titled and Untitled. John tỏ ra cực kì ác cảm với
ca khúc này của George vì theo John, Beatles là một nhóm rock and roll chứ
không phải là một ban nhạc chơi valse.Trong lúc ba tay Beatles thu âm bài này,
John và Yoko cùng nhau khiêu vũ theo điệu valse của bài hát, một cách thể hiện
sự bất hợp tác của mình.
Dig It
(Lennon 2,5/ McCartney 2,5/
Harrison 2,5/ Starr 2,5)
McCartney: piano
Lennon: vocal.
Harrison: lead guitar
Starr: drums
Billy Preston: organ
John tự ứng tác ứng tấu bài này với
sự giúp sức của các Beatles khác mỗi người góp vào một cái tên như: Matt Busby
(chủ tịch câu lạc bộ Manchester United), nghệ sĩ blues B. B. King và Freddie
King, diễn viên Doris Day, FBI, CIA, BBC. Lúc đầu phần ứng tác dài khoảng 5
phút được dự định phát hành nhưng sau Phil Spector quyết định cắt xuống còn 50
giây vì nó lặp lại quá nhiều.
Let It Be
(McCartney 10)
UK chart 3/ US chart 1
McCartney: hát chính, piano
Lennon: bass, hát bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums
Billy Preston: organ
Nhạc nền: dàn giao hưởng (được
mix vào sau)
Đây là bài hát Paul sáng tác để vực
dậy tinh thần của mình những lúc bị dao động trước tương lai u ám của Beatles.
“Mother Mary” trong bài hát không phải là đức mẹ đồng trinh như nhiều người tưởng
mà chính là bà Mary, mẹ của Paul người đã mất do bệnh ung thư khi Paul mới 14
tuổi. Paul tiết lộ rằng mình đã nằm mơ thấy người mẹ quá cố trong một lần căng
thẳng, bà đã khuyên anh rằng “let it be” (cứ để mọi chuyện diễn ra như thế). Với
phong cách thánh ca và hình ảnh “mẹ Mary”, trong một thời gian dài, bài hát được
xem như một trong những ca khúc tôn giáo hiện đại. Có hai phiên bản của ca khúc
này với hai khúc solo guitar hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra phiên bản single có
Billy Preston đảm nhận phần organ, phiên bản album phần organ được thay thế bằng
dàn giao hưởng của Phil Spector.
I’ve Got a Feeling
(Lennon 5/ McCartney 5)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: lead guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar
Starr: drums
Billy Preston: organ
Bài này là sự kết hợp giữa hai
bài hát dang dở “I’ve Got a Feeling” của Paul và “Everybody’s Had a Hard Year”
của John. Trong cuốn phim tài liệu về John mang tên Imagine có đoạn quay cảnh
John và Yoko ngồi trong vườn nhà John ở Ascot và hát phần “Everybody’s had a
hard year” vào tháng 12/68. Năm 1968 đúng là một năm đầy khó khăn cho John. Anh
và Cynthia li dị, Cynthia được quyền nuôi Julian, Yoko sảy thai, John và Yoko bị
bắt trong một lần xét ma tuý và John khám phá ra rằng tài sản cá nhân của mình
bị thâm hụt đến 50.000 bảng Anh một cách khó hiểu.
The Long and Winding Road
(McCartney 10)
US Chart 1
McCartney: piano, hát chính
Lennon: bass
Nhạc nền: dàn hợp xướng, nhạc
dây, harp và trống
Paul viết bài này lấy cảm hứng từ
con đường dài và lầy lội mỗi lần trời mưa dẫn đến nông trang bí mật của anh
vùng High Park, Scotland, nơi Paul mua để đến thư giãn sau mỗi lần làm việc
căng thẳng với ảnh hưởng của Ray Charles. Con đường dài và ngoằn ngoèo trong
bài hát chính là con đưòng mang số B842 dài trên 25 dặm nối vùng Kintyre và
Campbeltown ở Scotland. Việc Phil Spector mix thêm phần nhạc giao hưởng đã làm
Paul hết sức khó chịu. Anh nhất quyết đòi bằng được băng gốc để mix lại nhưng bị
Allen Klein từ chối. Điều này khiến Paul quyết định bỏ nhóm Beatles
One After 909
(Lennon 10)
McCartney: bass, hát chính
Lennon: lead guitar, hát chính
Harrison: rhythm guitar
Starr: drums
Billy Preston: organ
Mặc dù xuất hiện chính thức trong
album Let It Be, bài này lại là một trong những bài hát được John viết sớm nhất.
Nếu hồi ức của John là chính xác, bài này có lẽ được viết những năm 57-58 khi
Paul và John mới sáng tác chung. John viết bài này lấy cảm hứng từ những bài
hát về việc đưa tiễn chia tay nơi ga tàu rất thịnh hành lúc đó như “Last Train
to San Fernando”, “Cumberland Gap”, “Rock Island Line”. Trong suốt thời gian
nhóm Beatles diễn tại Hamburg và Cavern Club, bài này là một trong những bài do
nhóm sáng tác được chơi bên cạnh “Love Me Do”, và “Misery”. Trong buổi thu âm đầu
tiên với Parlophone, nhóm đã thu ca khúc này cùng với “Please Please Me” nhưng
ông George Martin không ấn tượng nên đã không đưa nó vào album. Phần thu âm năm
63 có thể nghe trong bộ đĩa Anthology phát hành sau này.
You Blue
(Harrison 10)
McCartney: bass, piano
Lennon: steel guitar
Harrison: slide acoustic guitar,
hát chính
Starr: drums.
Có lẽ trong nhóm Beatles, George
Harrison là người chịu khó rèn luyện kĩ thuật của mình nhất. Anh luôn tìm tòi học
hỏi các thể loại nhạc và kết bạn với những nhạc sĩ của những dòng nhạc khác
nhau từ Eric Clapton cho tới Ravi Shankar. “For You Blue” là bài hát viết cho
Pattie dựa trên bài tập 12-bar blues truyền thống. Phát biểu về bài này, George
chỉ nói ngắn gọn rằng: “Đây chỉ là một bài blues 12-bar như bất cứ một bài
blues 12-bar nào trên đời, chỉ có điều nó là một bài blues vui vẻ và may mắn!”
Get Back
(McCartney 10)
UK Chart 1/US Chart 1
McCartney: bass, hát chính
Lennon: lead guitar,
Harrison: rhythm guitar
Starr: drums
Billy Preston: electric piano
Với phần solo piano tuyệt vời của
Billy Preston, “Get Back” là một trong những ca khúc được biết đến nhiều nhất của
Beatles. Tuy nhiên trong thời gian đầu được phát hành, nhiều người cho rằng đây
là một bài hát phân biệt chủng tộc vì vấn đề nóng bỏng nhất trong xã hội Anh những
năm cuối thập niên 60 là việc người Pakistan tị nạn chính trị nhập cư vào Anh
ngày càng nhiều. Để đáp lại lời buộc tội này, nhóm Beatles tuyên bố: “Đây không
phải là bài hát phân biệt chủng tộc, đây là một bài hát chống phân biệt chủng tộc.
Beatles luôn là một nhóm đi đầu trong việc chống phân biệt chủng tộc. Tất cả những
người mà nhóm Beatles ngưỡng mộ đều là người da đen.” Trên thực tế, nhóm
Beatles đã có những hành dộng đáng hoan nghênh như từ chối không diễn ở các buổi
diễn mà ngưòi da trắng và da đen ngồi ở những hàng ghế riêng và từ chối lời mời
béo bở lưu diễn tại Nam Phi năm 66 khi chế độ Apartheid đang ở giai đoạn cực thịnh.
Về phần John, đây là một bài ưa thích của anh, một phiên bản “sạch sẽ hơn của
Lady Madonna” mặc dù John vẫn có cảm giác Paul viết bài này nhằm đả kích Yoko
vì mỗi khi hát đến câu “Get back to where you once belonged” Paul lại đưa mắt về
phía Yoko đầy ẩn ý.
(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học xuất bản.
0 nhận xét: