The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại (P.17)

THE BEATLES (WHITE ALBUM) (1968)

Sau ba tháng khi tung ra đĩa đơn “Hey Jude/ Revolution” và hơn 18 tháng khi album Sgt. Pepper ra đời, Beatles làm dịu cơn khát của người hâm mộ bằng một album đôi với bìa đĩa màu trắng tuyền với hơn 94 phút âm nhạc. Hầu hết các ca khúc trong album này đều được nhóm sáng tác trong thời gian ở Rishikesh, Ấn Độ để học khoá tham thiền của thiền sư Maharishi Maheshi Yogi. Ước tính có hơn 40 ca khúc được viết trong thời gian đó, và 23 bài được sử dụng cho White Album. Nhiều bài như “Something”, “Long and Winding Road”, “Polythene Pam”, “Mean Mr. Mustard” xuất hiện trong album Abbey Road. “Child of Nature”, “Look at Me” của John, “Teddy Boy” và “Junk” của Paul, “Circles” và “Not Guilty” của George sau này đều được các thành viên thu âm trong những album solo của mình khi Beatles tan rã. Những bản thu mộc bằng guitar của những ca khúc nói trên sau này được tổng hợp trong album “Anthology” cùng với những bài hát không được phát hành của nhóm.


Bìa Album White
Được sự đón nhận nồng nhiệt của các fan và những lời đánh giá tốt từ phía các nhà phê bình do sự đa dạng về mặt âm nhạc, album the Beatles hay còn được biết đến với cái tên album trắng lại là cột mốc đánh dấu cho sự tan rã của nhóm. Trước hết, lí do Beatles cho ra đời một album đôi là vì nhóm muốn nhanh chóng kết thúc hợp đồng với hãng NME để có thể theo đuổi sự nghiệp riêng. Trước khi White Album được phát hành, George đã phát hành album soundtrack của bộ phim Wonderwall còn John thì cùng với Yoko cũng cho ra một album mang tính thử nghiệm với bìa đĩa chụp hai người trong tư thế khoả thân 100% Unfinished Music Vol. 1: Two Virgins. Thứ hai, không khí khi thu album rất căng thẳng giữa các thành viên với nhau nhất là việc Paul càng ngày càng lấn lướt các thành viên khác. George và Ringo thường xuyên than phiền rằng Paul đã sử dụng mình như những nhạc công phòng thu không hơn không kém. George Harrison phát biểu: “Paul thường tỏ ra thương hại và đề nghị giúp đỡ thu một ca khúc của tôi sau khi tôi đã phải chìu lòng thu 10 bài của anh ấy. Thật là ích kỉ”. Còn Ringo thường đến phòng thu chỉ để chơi bài với Mal Evans và Neil Aspinall. Thậm chí, phần đệm trống của Ringo trong các bài hát phần lớn đều được Paul thu lại khi mọi người ra về. Sau một thời gian giả vờ “mắt lấp tai ngơ”, Ringo đã bỏ phòng thu ra về giữa một lần thu âm do không chịu được sự can thiệp quá đáng của Paul. Anh ở lì ở nhà suốt tuần lễ và nói với Maureen rằng nhóm Beatles không cần mình nữa. Để cố gắng xoá đi những bất hoà, John và Paul đã viết thư xin lỗi, gọi Ringo là tay trống giỏi nhất thế giới và phủ đầy hoa tươi lên dàn trống của anh ngày Ringo trở lại phòng thu. Cũng trong thời gian đó, Geoff Emerick, kĩ sư thu âm của nhóm, người đóng góp không ít cho những thành công của các abum trước, cũng nói lời chia tay.

Một điều quan trọng nữa gây nên sự bất đồng sâu sắc nội bộ Beatles là sự xuất hiện thường trực của nhân vật mà ai cũng ghét, Yoko Ono. Sau khi đã chiếm được John, người đàn bà Nhật này luôn cặp kè với anh như hình với bóng mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi John đi vào nhà vệ sinh. Cho đến thời điểm trước khi Yoko xuất hiện, nhóm Beatles có một qui luật bất thành văn là không để cho bạn gái hoặc vợ vào phòng thu khi nhóm đang làm việc vì sợ mất tập trung. Giờ thì John phá lệ bằng cách để Yoko mang cả giường ngủ vào trong studio khiến các con bọ khác cảm thấy vô cùng chướng tai gai mắt. Nhiễu sự hơn, Yoko luôn cho mình cái quyền góp ý phê bình cách chơi của mỗi người trong khi mình không hiểu gì lắm về nhạc rock. George và Paul không hề giấu giếm sự hằn học của mình đối với Yoko và luôn tìm cách để bày tỏ sự bất mãn đó bất cứ khi nào có thể. Ringo mặc dù nhũn nhặn hơn nhưng cuối cùng cũng không chịu được. Anh đến gặp John trực tiếp và hỏi thẳng rằng có nhất thiết phải mang Yoko vào phòng thu không. Đáp lại, John chỉ trả lời gọn lỏn: “Hoặc là tôi đến phòng thu với Yoko, hoặc là tôi sẽ không đến nữa!”. Mối bất hoà giữa các thành viên càng rõ nét khi nhóm tự ý mời những nhạc sĩ khác vào thu âm cho ca khúc của mình mà không thông qua các thành viên trong nhóm. Nhiều bài hát trong album được Paul, John và George thu âm một mình mà không có sự giúp đỡ của những người còn lại.

Được thu âm từ ngày 30/5/68 đến ngày 14/10/68, Album Trắng là album mất nhiều thời gian thu âm nhất của Beatles. Trung bình mỗi bài hát mất khoảng 30 tiếng đồng hồ thu âm và mix. Trong thời gian thu âm, ông George Martin đi nghỉ mát ba tháng, do đó phần lớn các bài hát được giao cho trợ lí của ông là Chris Thomas phối. Ông Martin thấy việc cho ra đời một album đôi là khá phiêu lưu vì theo ông một số bài trong album không đủ chất lượng. Ông tìm mọi cách để thuyết phục John và Paul chọn lại những bài hát thực sự đủ tiêu chuẩn để cho album một album đơn nhưng bị từ chối. Nhưng cũng vì như thế mà người nghe được thưởng thức tài năng của Beatles một cách trọn vẹn hơn. Mặc dù ít tính thử nghiệm và không nhất quán bằng Revolver hay Sgt. Pepper, Album Trắng thể hiện được tính đa dạng về thể loại. Những người thích thể loại rock nặng sẽ được thoả mãn với “Back in the USSR”, “Birthday”, “Helter Skelter”, và “Why Don’t We Do It in the Road”, còn với những người thích những bản ballad acoustic guitar nhẹ nhàng thì lại tìm thấy được những bài theo đúng gu của mình như “Dear Prudence”, “Blackbird”, “Mother Nature’s Son”, “Julia” và “I Will”. Nhúng nhảy một chút với phong cách reggae vùng Caribean? Say “Obladi-blada” nào! Nhạc pop kiểu thập niên 40? “Honey Pie” là thích hợp nhất. Muốn có tí thời gian để suy gẫm về thế sự hay nội tâm? Đã có “I’m So Tired”, “Sexy Sadie”, hoặc “Long, Long, Long”. Châm biếm và đùa vui cho bớt căng thẳng? Nghe “Piggies” và “Savoy Truffle” nhé! Còn như ai thích những bản psychedelic kiểu hơi ‘điên điên” đúng chất của John thì đã có “Glass Onion”, “Bungalow Bill”, “Happiness is a Warm Gun”. Điên năng hơn? “Revolution 9” và “Wild Honey Pie” hi vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn. Fan của thể loại electric blues thì không thể bỏ qua ca khúc bất hủ “While My Guitar Gently Weeps” của George với tiếng đàn trên cả tuyệt vời của Eric Clapton và “Yer Blues”, một bài blues “sầu thảm và đen tối” của John. Muốn nghe country thì chọn “Rocky Raccoon” của Paul hoặc “Don’t Pass Me By”, một sáng tác hiếm hoi của Ringo. Và sau khi đã thoả mãn với khu vườn âm nhạc đầy màu sắc này rồi thì hãy để Ringo ru bạn ngủ với một “Good Night” thật thanh thoát.

Ý tưởng về một bìa đĩa trắng tinh là của nghê sĩ Richard Hamilton. Theo ông nhóm nên đánh số thứ tự cho những album phát hành đầu tiên để mọi người sưu tập như một tác phẩm nghê thuật kiểu avant-garde. Paul tiến xa hơn một bước, muốn tổ chức một cuộc xổ số qua những album nhưng sau đó lại rút lại ý kiến trên vì anh cho rằng làm như vậy “thưong mại” quá. Bên trong bìa đĩa là hình bốn thành viên chụp riêng, một tờ poster khổ lớn với lời của các bài hát và những bức hình nhỏ chụp các thành viên Beatles. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm Beatles xuất hiện trên hình theo từng cá nhân chứ không chụp chung với nhau. Mal Evans và Neil Aspinall được giao nhiệm vụ chọn hình còn việc sắp xếp thì giao cho Jeremy Banks. Không biết vô tình hay cố ý mà trong phần hình ảnh có cả một tấm hình John hoàn toàn nude ngồi nghe điện thoại với Yoko nằm bên. Điều này diễn ra khi sự cố về bìa đĩa Two Virgins còn chưa lắng xuống đã tạo nên một scandal nho nhỏ.

Được phát hành ở Anh ngày 22/11/68, album lên hạng nhất năm ngày sau đó và đứng tại vị trí này 9 tuần liên tiếp. Tại Mỹ, album đã được đặt hàng gần 2 triệu bảng trước ngày phát hành. Cũng trụ hạng nhất suốt chin tuần, album bán được trên 4 triệu bản chỉ trong tháng đầu tiên phát hành. Đến năm 1970, con số bán ra lên đến 6,5 triêu bản khiến album này trở thành album đôi có số lượng phát hành cao nhất trong thập niên 60. Năm 2003, Rolling Stone xếp album Trắng hạng 10 trong số 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại.

Disc 1

Back in the USSR
(McCartney 10)

McCartney: lead guitar, piano, drums, hát chính và hát bè
Lennon: bass 6 dây, hát bè
Harrison: jazz bass, hát bè

Paul sáng tác bài này khi ở Ấn Độ với sự giúp sức của Mike Love, thành viên của nhóm Beach Boys. Ý định của Paul khi sáng tác ca khúc này là nhại lại bài hát “Back in the U.S.A” của Chuck Berry với những đặc trưng của nước Mỹ như hamburger, những toà nhà chọc trời, rạp chiếu phim ngoài trời và máy hát đĩa tự động và phong cách hát bè kiểu Beach Boys. Nhận thấy rằng các ca khúc rock and roll phổ thông hay mượn nhiều địa danh của Mỹ như New Orleans, Chicago, Mississippi,…Paul nghĩ rằng sẽ thú vị khi đưa những địa danh Nga như Moscow, Ukraine và những đặc thù của nước Nga như đàn balalaika, những đỉnh núi đầy tuyết phủ… vào nhạc rock. Bài hát nói về tâm trạng của một gián điệp người Liên Xô sống ở Mỹ lâu năm, nay được trở về Tổ Quốc, anh đã thốt lên: “ Thật là may mắn khi được trở lại Liên Xô.” Bài hát này ra đời trong thời kì chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư Bản và Xã Hội chủ nghĩa cùng với sự đấu tranh phản chiến Việt Nam đã khiến cho nhiều tay theo chủ nghĩa McCarty lên án Beatles dữ dội. Nhiều kẻ quá khích còn cho rằng Beatles chính là những điệp viên của Liên Xô cũ đội lốt nhạc sĩ để tẩy não thanh thiếu niên phương Tây. Ca khúc này được thu lúc Ringo rời nhóm nhạc và Paul đảm nhiệm phần trống. Một sự thú vị nữa là sự hoán đổi vị trí giữa Paul, John và George với Paul chơi lead guitar còn hai tay guitar lại đảm nhận phần bass.

Dear Prudence
(Lennon 10)

McCartney: bass, drums, piano, flugelhorn, hát chính và bè
Lennon: lead guitar, hát chính và bè
Harrison: acoustic guitar, hát bè
Mal Evans: tambourine.

Prudence Farrow là em gái của nữ diễn viên Mia Farrow, cả hai chị em cùng tham gia khoá học thiền tại nơi ở của Maharishi Maheshi Yogi với nhóm Beatles năm 68. Hơn ai hết, Prudence là người tuyệt đối tin tưởng vào những giáo huấn của ông Yogi. Cô đã đóng cửa để thiền suốt ba tuần liền không tiếp xúc với bất cứ một ai cho đến khi mọi người phát hiện ra cô đang ở tình trạng sống dở chết dở. Khi được đưa ra ngoài, Prudence xanh như tàu lá và không còn nhận thức được những gì diễn ra xung quanh, thậm chí cô cũng không nhận biết được những người thân của mình. Người duy nhất mà Prudence có thể nhận ra là ông Maheshi Yogi. George và John được phân công nói chuyện với Prudence để dần dần đưa cô trở lại với thực tế và John viết bài hát này dựa trên những cảm hứng đó. Tuy nhiên, George lại là người hát bài này tặng cho Prudence khi còn ở Ấn Độ.

Glass Onion
(Lennon 10)

McCartney: bass, piano, sáo
Lennon: acoustic guitar, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums, tambourine
Session musicians: orchestra.

Với nền văn hoá hippie và ma tuý ngày càng phát triển mà Beatles lại là những kẻ tiên phong, hầu hết các bài hát của nhóm luôn được đem ra mổ xẻ để xem có dính dáng gì đến ma tuý không. Điều này khiến John cảm thấy thích thú. Là người thích chơi chữ, John quyết định viết một ca khúc kiểu không đầu không đuôi, lấy từ các bài hát cũ như “ There’s a Place”, “Strawberry Fields,” Within You, Without You”, “I Am a Walrus” “Fool on the Hill”, “Fixing a Hole” và “Lady Madonna” mỗi thứ một ít để viết một bài hát cho thiên hạ tha hồ mà đoán già đoán non. John công nhận mình cố ý viết “The walrus was Paul” để đánh lạc hướng mọi người. Một hình ảnh gây khá nhiều tranh cãi trong bài hát là hình ảnh “bent back tulips”. Nhiều người cho rằng đó là trí tưởng tượng của John bị bóp méo do ảnh hưởng của ma tuý. Nhưng theo Derek Taylor, “bent back tulip” là một loại hoa có thật với những cánh hoa khi nở uốn cong ra ngoài khiến người ta có thể thấy rõ bên trong của nó. Loại hoa quí này được nhà hàng Parkes, một nhà hàng sang trọng ở London những năm 60 trồng trong những chậu bên cạnh cửa số. John là một thực khách quen thuộc của nhà hàng này. Theo Derek, John viết câu “Looking through the bent back tulips, to see how the other half lives” có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là nhìn qua những cánh hoa, người ta sẽ thấy phần nhị hoa và những gì còn lại của nó. Ý nghĩa thứ hai là nhìn qua khung cửa số của nhà hàng sang trọng nơi đặt những chậu hoa đắt tiền, người ta sẽ thấy được cuộc sống của những người lao động bình thường, phần còn lại của thành phố London. John định gọi ban nhạc the Iveys là the Glass Onion theo bài hát của mình nhưng nhóm không thích cái tên này, kết quả nhóm chọn tên Badfinger dựa theo bài “With a Little Help From My Friends”.

Ob-la-di Ob-la-da
(McCartney 10)

McCartney: bass, piano, hát chính
Lennon: maracas, hát bè
Harrison: acoustic guitar, hát bè
Starr: drums
Dàn nhạc hỗ trợ: kèn đồng

“Ob-la-di Ob-la-da” là câu nói cửa miệng của Jimmy Scott, một tay chơi congas người Nigeria mà Paul quen ở London. Mỗi khi khuyên ai điều gì, Jimmy thường bảo: “Ob-la-di Ob-la-da, đời là thế”. Tuy nhiên ông này chưa bao giờ tiết lộ cho bất kì ai Ob-la-di Ob-la-da là gì. Khi Paul viết bài hát này, Jimmy than phiền là mình đáng lẽ phải được trả tiền bản quyền nhưng Paul không đồng ý vì theo anh, đây chỉ là một câu nói vu vơ. Mâu thuẫn của Paul với các thành viên khác lên đến cực điểm khi Paul bỏ gần cả tuần lễ liền để thu âm bài này với hi vọng biến nó thành một đĩa single. Tuy nhiên John và George bỏ phiếu chống vì bài này theo hai thành viên là không có gì mới mẻ. Một lần, sau khi đã quá chán nản vì phải thu lại một bài nhiều lần và một phần do ảnh hưởng của ma tuý, John đã gây sự với Paul bằng cách nện rầm rầm trên các phím đàn piano và hỏi với giọng thách thức: “Thế này được chưa?” Một điều khá thú vị là ở đoạn cuối, Paul hát sai “Molly stays at home and does her pretty face” thành “Desmond stays at home” nhưng nhóm quyết định để như thế để người nghe lầm tưởng Desmond là một gã đồng bóng. Mặc dù không được Beatles phát hành dạng single, nhưng “Ob-la-di Ob-la-da” đã giúp hai nhóm nhạc Anh khác là Marmalade và the Bedrocks đứng nhất bảng xếp hạng với phần cover của mình. Năm 76, hãng Capitol phát hành single này nhưng nó chỉ xếp hạng 49, trở thành single duy nhất của Beatles không lọt nổi vào top 30.

Wild Honey Pie
(McCartney 10)

McCartney: bass, electric guitar, acoustic guitar, drums, hát chính

Bài hát ngắn nhất và được lặp lại nhiều nhất của Beatles với một câu “Honey Pie” hát đi hát lại nhiều lần. Paul có cảm hứng viết bài này trong một lần cầu nguyện tập thể với các tín đồ khác ở Ấn Độ. Anh bảo rằng không định đưa vào album nhưng vì Pattie Harrison thích bài này nên mới quyết định phát hành. Có thể tin được không hay đây chỉ là một lí do để Macca tự biện hộ cho tính “tham lam” của mình?

The Continuing Story of Bungalow Bill
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic guitar, organ, hát chính
Harrison: acoustic guitar, hát bè
Starr: drums, tambourine, hát bè
Yoko Ono: hát bè, hát chính (câu “not when he looks so fierce”)
Maureen Starkey: hát bè
Chris Thomas: mellotrone

Bungalow Bill tên thật là Richard Cooke III, một sinh viên Mỹ đến thăm bà mẹ là Nancy trong khoá học thiền ở Ấn Độ. Là một người ưa phiêu lưu mạo hiểm và các môn thể thao cảm giác mạnh, Richard đã cùng mẹ đi săn cọp trên lưng voi trong thời gian ở Ấn Độ. Khi đi săn về, Richard bỗng cảm thấy có tội và sợ bị nghiệp báo trong khi bà mẹ thì đi khoe khắp với mọi người rằng con mình đã bắn được con hổ. Điều này khiến ông Yogi khá bực mình và bỏ dở buổi giảng kinh của mình. Khi John trách Richard đã ra tay sát sinh, anh chàng người Mỹ này bào chữa rằng đó là hành động tự vệ. “Bungalow Bill” là cách chơi chữ của John khi ghép “bungalow” (nhà chòi ở Ấn Độ) với nhân vật nổi tiếng sát “bò rừng” Bufallo Bill của miền Viễn Tây nước Mỹ. Richard hoàn toàn không biết bài hát này viết về mình cho đến khi anh nhận được thư từ và bưu thiếp của bạn bè gửi về bắt đầu bằng câu: “Hey Bungalow Bill, what đid you kill?”

While My Guitar Gently Weeps
(Harrison 10)

McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: acoustic guitar, organ, hát bè
Harrison: acoustic, lead guitar, hát chính
Starr: drums, castanets, tambourine
Eric Clapton: lead guitar

Một trong những ca khúc hay nhất của Beatles và của George Harrison được viết với sự ảnh hưởng của cuốn kinh Dịch của Trung Quốc cổ. Là một người say mê văn hoá và triết học phương Đông, George đã cảm thấy thu hút về sự diễn giải về cái gọi là “duyên” trong quan niệm phương Đông mà theo quan niệm của phương Tây chỉ là sự ngẫu nhiên. Bị ám ảnh bởi khái niệm này, trong một lần về thăm cha mẹ ở Lancashire, George quyết đinh viết một bài hát dựa trên bất cứ một từ nào mà anh ngẫu nhiên bắt gặp được để xem mình có duyên với từ đó không. Mở một cuốn tiểu thuyết ra, từ đầu tiên đập vào mắt anh là “gently weeps”. Thế là George viết ca khúc này dựa trên khái niệm “gently weeps”. Khi George hát ca khúc này cho ba thành viên còn lại nghe trên nền nhạc đệm guitar thùng, không ai tỏ ra tán thành vì ca từ quá trừu tượng trong khi cách chơi nhạc lại quá đơn điệu. Nhưng George nhất định thu âm bài này vì theo anh đây là một bài hay. Để gây sức ép, George mời Eric Clapton cùng thu âm bài này với mình. Điều này khiến các thành viên khác phải nhượng bộ để giữ thể diện. Phần solo đánh đôi của bài hát này giữa George và Eric (Eric là chủ yếu) đã trở thành một trong 100 khúc solo bất hủ của nhạc rock.

Happiness Is a Warm Gun
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: Lead guitar, hát chính, hát bè, tambourine
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums

Đây thực sự là ba bài hát dang dở của John ghép lại với nhau. Bài đầu tiên là sự góp nhặt những chuyện vớ vẩn mà John nghe được trong những lần tán gẫu với mọi người, từ việc một kẻ có thói quen vuốt ve người yêu mình bằng bao tay nhung (she’s well-acquainted with the touch of the velvet hand) đến chuyện một fan của đội Manchester United bị bắt vì tôi gắn gương trên mũi giày để nhìn trộm dưới váy các cô gái (man with the multi-colored mirror on his hobnail boots),chuyện một gã trộm thường gắn hai bàn tay bằng nhựa vào ống tay áo, trong khi đôi tay thật của hắn thì dùng để khua khoắn các thứ cho vào bị (lying with his eyes while his hands are working overtime) đến việc những kẻ hay thích phóng uế bừa bãi trong các lùm cây bên bờ sông Mersey (a soap impression of his wife which he ate and donated to the National Trust, (National Trust là công ty chuyên dọn vệ sinh vùng nông thôn ở Anh).) Bài thứ hai là bài ca ngợi hạnh phúc do Yoko mang đến, John gọi Yoko là Mother Superior (trong phần thu âm của Anthology, có thể nghe thấy John hát tiếp câu “Yoko, Ono, oh no! Yoko, Ono oh yes!” Còn bài thứ ba lấy cảm hứng từ một bài báo có tựa đề “Happiness Is a Warm Gun” lấy từ một tạp chí quảng cáo súng của Mỹ. Đây cũng là bài được thu đi thu lại nhiều lần nhất trong album. Sau 45 lần thu âm không vừa ý, nhóm quyết định cắt những đoạn ăn ý trong các lần thu trước rồi ghép với nhau. Bài này bị đài BBC cấm phát thanh do nhiều đoạn ám chỉ tình dục, ma tuý và bạo lực.

Martha My Dear
(McCartney 10)

McCartney: piano, hát chính
Lennon: bass
Harrison: lead guitar
Starr: drums
Dàn nhạc đệm: strings, brass

Martha là chú chó chăn cừu của Paul, nhưng trong bài hát Martha lại là một cô gái mà theo nhiều người đó là Jane Asher. Paul viết bài này như một sự cứu vãn mối quan hệ giữa hai người. Tuy hai người đã đính hôn đầu năm 68, nhưng khi Jane bận việc với đoàn kịch, Paul lại lăng nhăng với các cô gái khác, trong đó có cả Linda Eastman, người sau này trở thành Macca phu nhân. Trong thời gian Paul thu âm “Martha My Dear” Linda đã chính thức thay thế Jane Asher trong cuộc đời của anh.

I’m So Tired
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: acoustic, lead guitar, hát chính, organ
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Sau ba tuần thiền định ở Ấn Độ, John trở nên mất ngủ vì thời gian thiền buổi sáng kéo dài. Cơn thèm thuốc lá và rượu càng khiến cho anh cảm thấy bứt rứt. Nhưng trên tất cả là nỗi nhớ của John dành cho Yoko. Anh bỏ hàng giờ để viết thư cho Yoko mỗi ngày. Tuy nhiên, John vẫn bị dằn xé bởi trách nhiệm của mình với Cynthia là Julian. Vì mình là người có lỗi, John không thể mở miệng nói lời chia tay với Cynthia được. Được đánh giá là một trong những ca khúc u ám nhất của Beatles, “I’m So Tired” thể hiện khá trung thực sự đấu tranh giữa lương tâm và tình cảm của John trước khi đi đến quyết định đến với Yoko.

Blackbird
(McCartney 10)

McCartney: acoustic guitar, percussion, hát chính

Paul viết bài này dựa trên ảnh hưởng của bản Bouree cung mi thứ của Bach với phần ca từ lấy cảm hứng từ bài báo viết về một cuộc bạo động chính trị của người da đen ở Mỹ năm 68 (blackbird là tiếng lóng chỉ người da đen). Tuy nhiên theo bà Angie McCartney mẹ kế của Paul, Paul viết bài này để tặng cho mẹ của bà (tức bà ngoại ghẻ của Paul) trong lúc bà bệnh. Bà Edie Stopforth, mẹ của Angie, có một lần đã bảo với Paul rằng bà chỉ ngủ được khi nghe tiếng chim hót ban đêm. Paul đã mang máy thu âm, thu tiếng chim hót để tặng bà. Đến nay bà Angie McCartney vẫn còn giữ một đoạn băng thu âm bài “Blackbird” được bắt đầu bằng giọng của Paul: “This one’s for Edie.”

Khi trở về Anh, Paul đã khiến các fan kinh ngạc khi bỗng nhiên xuất hiện bên cửa sổ một buổi sáng sớm và hát ca khúc này cho họ nghe với đàn thùng. Tuy nhiên mọi việc đều có lí do. Lí do chính của sự hào phóng bất ngờ này là để gây ấn tượng với Linda Eastman, người đã bay từ New York đến ở với Paul đêm hôm trước.

Piggies
Harrison 9/Lennon 1

McCartney: bass
Lennon: tape loops
Harrison: acoustic guitar, vocal
Starr: tambourine
Chris Thomas: harpsichord
Dàn nhạc đệm: strings

George viết bài này vào năm 1966 cùng lúc với Taxman như một sự châm biếm đối với giai cấp trung lưu ở Anh. Tuy nhiên ở Mỹ, “pig” lại là tiếng lóng để chỉ cảnh sát và chính vì thế mà Charles Manson, kẻ sát nhân nổi tiếng của thập niên 60 đã diễn giải câu “ They need a damn good whacking” thành “nên đập cho bọn cảnh sát một trận ra trò.” Trong những vụ giết người của Charles Manson như vụ thảm sát nữ diễn viên Sharon Tate, vụ Leno LaBianca và vụ Gary Hinman, Charles Manson đã dùng máu của các nạn nhân viết những chữ “pig” trên tường. Tất cả các nạn nhân của Manson đều bị đâm chết bằng dao và nĩa như trong câu “clutching forks and knives to eat their bacon”. Ngay cả khi vào tù, tên giết người man rợ này vẫn thường dẫn lời bài hát “Piggies” để biện hộ cho hành động phạm tội của mình. Khi biết được chuyện này, George đã rất sợ hãi vì anh không ngờ bài hát của mình lại bị bóp méo một cách kinh dị như vậy. Anh nói câu “they need a damn good whacking” là do mẹ anh, bà Louise Harrison góp ý khi anh tìm một từ nào đó có vần với “backing” và “lacking” cho bài hát chứ hoàn toàn không có liên quan gì đến giết người hoặc cảnh sát cả.

Rocky Raccoon
(McCartney 10)

McCartney: acoustic guitar, hát chính
Lennon: harmonica, harmonium, hát bè
Harrison: bass, hát bè
Starr: drums
George Martin: honky-tonk piano

Đây là bản Country & Western đầu tiên của Beatles. Được viết ở Ấn Độ với sự giúp sức của Donovan, bài hát là câu chuyện về một chàng cowboy tên Rocky Sassoon (sau Paul đổi lại thành Rocky Raccoon để nghe có vẻ cowboy hơn) đọ súng với kẻ tình địch để giành lại người yêu nhưng lại bị bại trận. Sau này nhiều người phát hiện ra sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa bài hát này và một bài thơ mang tên “The Shooting of Dan McGrew” của Robert Service năm 1907 về cả cốt chuyện lẫn tên của các nhân vật. Paul bảo rằng mình không hề biết đến bài thơ này khi sáng tác “Rocky Raccoon.” Phần ca từ về đoạn Rocky Raccoon được một ông bác sĩ say sưa nồng nặc mùi rượu chữa bệnh chính là kinh nghiệm của Paul. Năm 1966, Paul bị ngã khi chạy xe đạp và bị rách mép. Ông bác sĩ đến khám cho Paul trong tình trạng “stinking of gin”. Kết quả là Paul phải để ria mép suốt một thời gian dài để che vết khâu nham nhở ở môi trên, tác phẩm của lão bác sĩ say rượu

Don’t Pass Me By
(Starr 10)

McCartney: bass
Lennon: acoustic guitar, tambourine
Harrison: violin
Starr: drums, piano, hát chính

Đây là ca khúc trọn vẹn đầu tiên mà Ringo viết được thời Beatles. Về khả năng sáng tác của mình, Ringo phát biểu: “Tôi thử tập chơi piano và guitar nhưng chỉ biết được vài hợp âm, và các sáng tác của tôi đều chẳng đi đến đâu. Đôi khi tôi viết được một bài mới và mang đến cho John và Paul nghe thử. Cả hai thường chỉ cho tôi rằng giai điệu của bài hát mới của tôi là giai điệu của một bài nào đó. Hoá ra tôi chỉ sửa lời lại một chút, còn giai điệu thì cứ bê từ một bài quen quen mà không biết.” Nhiều người cho rằng Ringo viết “Don’t Pass Me By” khi ở Ấn Độ, nhưng gần đây, một đoạn phỏng vấn mà nhóm Beatles thực hiện ở New Zealand năm 1964 đã tiết lộ bài này viết trong giai đoạn Beatlesmania. Trong đoạn phỏng vấn, Ringo nài nỉ John và Paul hát ca khúc sáng tác của mình mang tên “Don’t Pass Me By”. John và Paul mỗi người thay phiên nhau hát một đoạn trong bài hát, Ringo lại góp ý “Bài này phải hát theo kiểu country mới đúng điệu.Tôi không biết John và Paul có định thu âm bài này không, nhưng tôi nhất định sẽ yêu cầu họ thu âm cho bằng được” Và phải mất gần 4 năm, bài hát của Ringo mới được thu âm.

Why Don’t We Do It In the Road?
(McCartney 10)

McCartney: bass, lead guitar, piano, drums, hát chính

Một bài rất John từ phong cách, giai điệu đến ca từ nhưng lại là sáng tác 100% của Paul. Paul viết bài này khi tình cờ bắt gặp hai con khỉ đang làm “trò khỉ “ trên một đường phố Ấn Độ. Điều này đã khiến Paul nảy ra một ý nghĩ khá tinh nghịch rằng: “tại sao con người chúng ta lại không thể cùng nhau ân ái bất cứ nơi nào mà ta muốn, sẽ chẳng có ai thèm quan tâm hay chê bai nếu ai cũng như thế.” Paul đã rút đi sang một phòng khác để tự thu âm bài này khi các tay Beatles khác còn đang bận. Điều này làm John rất tức giận. Tuy nhiên, anh cũng công nhận rằng đây là một bài mình ưa thích.

I Will
(McCartney 10)

McCartney: bass, acoustic guitar, hát chính
Starr: drums, bongos, maracas

Bài hát đầu tiên Paul viết cho Linda Eastman. Đây là một bài tuy khá đơn giản nhưng lại tốn rất nhiều công sức thu âm. Toàn bộ lời gốc của bài hát được viết ở Ấn Độ đã bị Paul thay thế bằng lời mới khi trở về Anh. Sau 67 lần thu âm không thành công, Macca cuối cùng đành phải nhượng bộ sử dụng lần thu thứ 65 để đưa vào album để tránh mất thời gian của những người khác.

 Julia
(Lennon 7,5/ Yoko Ono 2/ Kahlil Gibran 0,5)

Lennon: acoustic guitar, bass, hát chính

John viết Julia như một lời tưởng niệm dành cho người mẹ quá cố của mình là Julia Stanley. Không như người dì nghiêm khắc Mimi, mẹ của John là một người khá tự do và phóng khoáng, có thể coi như là nổi loạn. Bà cưới ông Fred Lennon, cha của John chỉ sau vài lần gặp gỡ lúc mơi 16 tuổi mặc cho sự phản đối của gia đình. Sau khi John ra đời, bà gửi cậu bé cho người chị Mimi nuôi để phiêu lưu với các mối tình khác. Tuy nhiên, đối với John sau này, bà luôn là người tỏ ra hiểu cậu. John thừa hưởng tính khôi hài và năng khiếu âm nhạc từ mẹ. Cái chết bất ngờ của bà Julia đã ám ảnh John suốt nhiều năm trời và khiến anh trở thành người trái tính trái nết. John tâm sự khi gặp được Yoko, anh đã tìm thấy được một cái gì đó gần với sự che chở của người mẹ, điều mà anh đã mất đi. “Julia” là hình ảnh của bà Julia và Yoko Ono, trong đó cái tên Yoko (Dương Tử) được John dịch sang tiếng Anh thành “ocean child.” Hai câu đầu của bài hát và cụm từ “sea shell eyes” được John lấy ý từ một bài thơ mang tên “Sand and Foam” của nhà thơ Libăng là Kahlil Gibran: “Half of what I say is meaningless/ But I say it so the other half could reach you.” Phần đệm bằng cách móc ngón được John học từ Donovan, người được xem là Bob Dylan của Anh. Đây là ca khúc duy nhất John thu âm một mình không có sự giúp đỡ của các Beatles khác.


Disc 2

Birthday
(McCartney 7/ Lennon 3)

McCartney: piano, hát chính
Lennon: lead guitar, hát bè và hát chính
Harrison: bass, tambourine
Starr: drums
Yoko Ono & Pattie Harrison: hát bè

Paul viết bài này khi trở về Abbey Road studio với ý định cách tân bài “Happy, Happy Birthday” một bài hit năm 1957 của nhóm nhạc Mỹ Tuneweavers. Có nguồn cho rằng Paul viết bài này nhân dịp sinh nhật lần thứ 26 của Linda Eastman, cũng có nguồn cho rằng Paul tặng bài này cho Pattie Harrison. Phần riff chính của bài hát dựa trên bài “Just a Little Bit” của Rosco Gordon năm 1960. Paul vào studio và bắt đầu chơi giai điệu chính trên đàn piano. John, George và Ringo lần lượt vào sau đó và mỗi người góp một câu để hoàn thành lời bài hát. Bài hát được viết và thu âm ngay trong đêm hôm đó với các Beatles trong tình trạng phấn khích sau khi xem bộ phim nhạc rock “The Girls Can’t Help It”. Paul luôn đánh giá đây là một trong những bài hay nhất thời Beatles của mình, còn John thì gọi nó là “đồ rác rưởi”.

Yer Blues
(Lennon 10)

McCartney: bass
Lennon: lead guitar, vocal
Harrison: lead guitar
Starr: drums

Đây là một bài hát tuyệt vọng nhất của John nếu không tính đến “Cold Turkey” sau này. Bị dằn xé giữa sự nghiệp, trách nhiệm gia đình và tình yêu đối với Yoko, John đã nhiều lần có ý định tự sát trong thời gian ở Ấn Độ. Trong suốt thời gian ở Ấn Độ, nhiều lần John muốn thú nhận mối quan hệ của mình với Yoko cho Cynthia nghe nhưng vì nam nữ được bố trí ở những dãy nhà riêng nên John không có cơ hội nói. Trong chuyến bay trở về Anh, John đã lấy hết can đảm thú nhận với Cynthia và xin cô tha lỗi. Cynthia hoàn toàn bị shock và bất ngờ vì mặc dù cô biết John là người không chung thuỷ, nhưng cô không thể nào ngờ được người chiếm được trái tim của John lại là Yoko Ono. Cuối năm 1968, John trình diễn bài này dưới tên gọi Winston Legthigh và ban nhạc Dirty Mac gồm Eric Clapton, Keith Richards và Mitch Mitchell (tay trống của nhóm Jimi Hendrix Experience) trong cuốn phim Rock and Roll Circus của Rolling Stones. Đến năm 1969, John lại trình diễn lại bài này tại liên hoan Live Peace in Toronto với nhóm Plastic Ono Band gồm Eric Clapton, Klaus Voorman và Alan White.

Mother Nature’s Son
(McCartney 10)

McCartney: acoustic guitar, bongos, tympany, hát chính
Dàn nhạc nền: horns

Trong thời gian ở Ấn Độ, cả Paul và John đều viết những ca khúc về sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên. Ca khúc của Paul mang tên “Mother Nature’s Son” còn của John gọi là “Son of Nature”. Bài của Paul hay hơn nên được chọn để thu âm cho album trắng còn ca khúc của John sau này được viết lại lời và được biết đến với cái tên “Jealous Guy.” Paul thu bài này với George Martin mà không thông qua các Beatles khác. Ken Scott, kĩ sư thu âm đảm nhận nhiệm vụ thu âm bài này kể lại rằng John và Ringo đột nhiên xuất hiện khi Paul đang thu âm “Mother Nature’s Son” với bộ mặt hình sự khiến không khí trở nên cực kì căng thẳng. Ai cũng cảm thấy như mình bị bắt quả tang làm một điều gì khuất tất. Phải mất khoảng 10 phút mọi người mới có thể tiếp tục làm việc bình thường.

Everybody’s Got Something to Hide Except For Me and My Monkey
(Lennon 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, maracas, hát chính
Harrison: rhythm guitar, firebell
Starr: drums

Đây là lời tuyên bố khá thẳng thắn của John về mối quan hệ của mình với Yoko mặc cho sự lên án chỉ trích của đồng nghiệp, bạn bè và xã hội. Bài hát này lúc đầu được gọi vắn tắt là “Come On, Come On” nhưng sau John đổi tên lại để thể hiện quan điểm của mình một cách mạnh mẽ hơn.

Sexy Sadie
(Lennon 10)

McCartney: bass, piano, hát bè
Lennon: rhythm guitar, acoustic guitar, organ, hát chính và bè
Harrison: lead guitar, hát bè
Starr: drums, tambourine

Năm 1968, nhóm Beatles theo ông Maharishi Maheshi Yogi đến Rishikesh Ấn Độ để học thiền. Là học trò của ông từ năm 1966, nhóm Beatles, nhất là John và George tin vào những gì mà ông Maheshi dạy với hi vọng tìm được sự bình yên tĩnh tại trong tâm linh để có thể sáng tác mà không cần rượu hoặc ma tuý. Tuy nhiên, khi đến “tịnh thất” của ông Maheshi, nhóm cảm thấy bất ngờ trước cảnh xa hoa của vị thiền sư, ngưòi chuyên dạy các đệ tử xa rời cuộc sống vật chất. Một điều nữa khiến các Beatles thất vọng là ông Maheshi thuyết phục nhóm tham gia vào một cuốn phim quảng bá về mình với hi vọng dùng nhóm Beatles để tăng sức thuyết phục về sự màu nhiệm của ông. Sau cùng, một số nữ đệ tử đã cáo buộc ông Maheshi lạm dụng tình dục họ trong lúc dạy thiền trong đó có nữ diễn viên Mia Farrow. Mặc dù không có chứng cứ rõ ràng nhưng vịêc này khiến lòng tin của Beatles với ông Maheshi bị lung lay. Khi trở về Anh, John đã trút sự bất mãn và hoài nghi của mình vào “Sexy Sadie”. Lúc đầu John chỉ mặt đặt tên trực tiếp ông Maheshi trong bài hát với đoạn mở đầu: “Maharishi, what have you done? You played the fool on everyone!” Nhưng sau anh đã sửa lại thành Sexy Sadie để tránh tạo scandal.

Helter Skelter
(McCartney 10)

McCartney: bass, lead guitar, hát chính
Lennon: bass, lead guitar, saxophone, hát bè
Harrison: rhythm guitar, hát bè
Starr: drums
Mal Evans: trumpet

Paul viết một trong những bài rock “nặng và bẩn” nhất của Beatles để cạnh tranh với “I Can See For Miles” của nhóm the Who. Sau khi đọc một bài báo tán dương “tiếng guitar cuồng nộ và tiếng cymbal cáu kỉnh trong “I Can See For Miles” đã khiến nhóm The Who trở thành nhóm rock chủ đạo của năm 68” Paul quyết đinh viết một bài thật nặng kí để cho mọi người biết mặt. Ngày 18/7/68, cả bốn tay Beatles vào phòng thu với tình trạng lâng lâng ma tuý đã thu một phiên bản Helter Skelter dài gần 30 phút. Bản thu âm ngày 9/9/68 là bản được chọn để đưa vào album.

Cùng với “Piggies”, “Helter Skelter” là ca khúc được tên sát nhân Charles Mansion dẫn giải để bào chữa cho tội ác của mình. Theo Manson câu “helter skelter is coming down fast” ám chỉ sự xuống dốc của người da trắng trong cuộc đấu tranh chủng tộc ở Mỹ. Đi xa hơn, Charles Manson còn cho rằng bốn tay Beatles là bốn thiên thần trong sách Khải Huyền của kinh Tân Ước, xuất hiện để báo với hắn và những kẻ đồng bọn trốn ra sa mạc đế tránh thảm hoạ diệt vong của Chúa Trời.

Long, Long, Long
(Harrison 10)

McCartney: bass, piano, Hammond organ
Lennon: acoustic guitar
Harrison: acoustic guitar, hát chính
Starr: drums

George viết bài này lấy cảm hứng việc sử dụng hợp âm trong ca khúc “Sad Eyed Lady of the Lowlands” của Bob Dylan. Bài hát thoáng nghe giống như tâm sự của một người đang yêu khắc khoải chờ được gặp lại người mình yêu sau một thời gian dài xa cách. Tuy nhiên theo George, đó là sự mong mỏi của anh tìm được một sự che chở về mặt tâm linh. Sau khi từ bỏ ông Maheshi Yogi, George trở thành thành viên tích cực của phong trào Krishna Consciousness Quốc Tế. Thậm chí anh còn giúp hội này thu âm bài kinh Hare Krishna và biến nó thành một hit single nhờ danh tiếng của mình.

Honey Pie
(McCartney 10)

McCartney: piano, hát chính
Lennon: lead guitar
Harrison: bass
Starr: drum
Dàn nhạc nền: brass

Một bài hát nữa của Paul dành cho cha, ông Jim McCartney với phong cách pop của thập niên 30-40.Tuy nhiên, lời bài hát có cái gì đó ám chỉ về mối tình tan vỡ của anh và Jane Asher. Anh đổ lỗi cho người yêu bỏ mình đi vì sự nghiệp Hollywood, còn mình thì “in love but lazy” nên không muốn đi tìm cô về mà chỉ chờ đợi. Phần guitar solo của John trong bài này được George ca ngợi là thông minh và gợi nhớ đến nghệ sĩ jazz Django Reinhart.

Savoy Truffle
(Harrison 9/ Derek Taylor 1)

McCartney: bass,
Lennon: lead guitar,
Harrison: lead guitar, hát chính, organ
Starr: drums
Dàn nhạc đệm: 2 baritone saxes, 4 tenor saxes

George Harrison gặp Eric Clapton năm 1966 và hai người nhanh chóng trở thành bạn thân do mến tài nhau. Trong thập niên 60, Eric được giới mê nhạc ở Anh phong tặng danh hiệu “thượng đế” do ngón đàn tuyệt vời. Cũng trong những năm 60, Eric là một trong những rocker có cuộc sống “sa đoạ” nhất. Một điều đáng nói là Eric lại rất hảo ngọt và mặc dù luôn than rằng mình bị chứng đau răng hành hạ, thượng đế guitar này không bao giờ từ chối món khoái khẩu chocolate. Eric trong một lần đến nhà George chơi đã thấy một hộp chocolate hiệu Good News loại có nhân bên trong. Trước khi mang ra thết bạn, George đã cảnh báo Eric rằng ăn vừa vừa thôi kẻo lại phải tốn tiền đi nha sĩ. Cũng giống như John đã làm với “Mr. Kite” George sử dụng tên các loại kẹo trong hộp để viết lời bài hát. Phần điệp khúc “ you know that what you eat you are” là do Derek Taylor gợi ý sau khi xem bộ phim “You are what you Eat” của hai nhà làm phim Mỹ, Alan Pariser và Barry Feinstein.

Cry Baby Cry
(Lennon 10)

McCartney: bass
Lennon: acoustic guitar, piano, hát chính
Harrison: lead guitar
Starr: drums, tambourine
George Martin: harmonium

Bài hát này là sự kết hợp giữa khẩu hiệu quảng cáo “Cry baby Cry, make your mother buy!”, bài đồng dao trẻ thơ “Sing a Song of Sixpence” và trí tưởng tượng phong phú của John về cuộc sống vương giả của những nhân vật tưởng tượng như nữ bá tước Kirkady, và vua Marigold. Một bài hát theo đúng kiểu của John

Revolution 9
(Lennon 7,5/ Ono 2,5)

Lennon: voice
Harrison: voice
Starr: voice

Với độ dài 8 phút 15 gồm những thứ âm thanh hỗn tạp, chen lẫn với những đoạn trò chuyện vớ vẩn, Revolution 9 luôn là ca khúc bị “ghét” nhất của nhóm Beatles. George Martin và các con bọ khác tìm mọi cách thuyết phục John không đưa nó vào album, còn Paul thì ghét cay ghét đắng cái của nợ này. Khỏi phải nói John tự hào về bài này như thế nào vì đây là bài đầu tiên anh làm cùng với Yoko. John đã khá tự tin khi tuyên bố: “Revolution 9 là thứ âm nhạc cuả tương lai. Trong tương lai, mọi người không cần biết chơi nhạc vẫn có thể thu âm thứ âm nhạc riêng của họ.” Tạ ơn Chúa vì lời tiên đoán của John đã không trở thành sự thật.

Charles Manson xem Revolution 9 là cách John truyền đạt chương 9 của sách Khải Huyền trong kinh Tân Ước nói về ngày tận thế do sự giống nhau giữa từ Revelation (khải huyền) và “Revolution” (cách mạng).

Good Night
(Lennon 10)

Starr: vocal
Session musicians: dàn hoà tấu 30 người, harp
Hợp xướng: 4 nam, 4 nữ

John viết bài này cho Julian Lennon có lẽ một phần muốn bù đắp lại một chút gì đó vì đây là giai đoạn anh và Cynthia chia tay nhau. Không biết vì lí do gì, John lại để Ringo hát chính. Được sắp xếp ngay sau mớ âm thanh hổ lốn của Revolution 9, “Good Night” với giai điệu mượt mà êm ái đã xoa dịu sự bực bội của người nghe sau khi chịu sự tra tấn của bài trước. Một bài hát thích hợp để kết thúc album.


YELLOW SUBMARINE (1969)


Có thể nói Yellow Submarine là album yếu nhất của Beatles. Hầu như chẳng ai quan tâm đến việc làm album này cả. Bộ phim hoạt hình Yellow Submarine ra đời chẳng qua là để hoàn tất hợp đồng lúc trước ông Epstein đã kí với hãng EMI mà thôi. Không ai trong nhóm Beatles hài lòng với việc mình bị biến thành những nhân vật hoạt hình nên cuối cùng, nhóm từ chối lồng tiếng cho các nhân vật trong phim. Album soundtrack của bộ phim này cũng được làm một cách khá chắp vá. Trong số 13 bài của album, 7 bài sau là phần nhạc hoà tấu của ông Martin viết cho bộ phim. Sáu bài của Beatles đóng góp thì “Yellow Submarine” và “All You Need Is Love” là hai bài xào lại. “All Together Now” rõ ràng là viết để trả nợ quỉ thần, không xứng với tầm vóc của Beatles chút nào. “Only a Northern Song” và “It’s All Too Much” là hai tác phẩm của George bị gạt ra khỏi dự án Sgt. Pepper. Một album chỉ có bốn bài mới trong đó 2 bài của George chứng tỏ rằng hai ông lớn John và Paul không thèm đếm xỉa gì tới nó cả. Chỉ có “Hey Bulldog” là một ca khúc có giá trong album này. Mặc dù được thu âm trước White Album, Yellow Submarine mãi đến đầu năm 69 mới được phát hành, sau khi bộ phim hoạt hình ra đời gần 9 tháng. Ở Anh, album này leo lên được hạng 3, còn ở Mỹ, album lúc đầu lọt vào bảng xếp hạng ở hạng 86, đột ngột vọt lên hạng 2 trong 1 tuần rồi mất tích.

Only a Northern Song
(Harrison 10)

McCartney: bass
Lennon: piano
Harrison: organ, hát chính
Starr: drums
Dàn nhạc đệm: kèn đồng

Có hai nguồn ý kiến trái ngược nhau về xuất xứ của bài hát mang âm hưởng Ấn Độ này. Theo nguồn của Steve Turner trong cuốn “ A Hard Day’s Write” thì bài này được George viết và thu âm từ tháng 2 năm 67 với dự định đưa vào trong album Sgt Pepper nhưng bị từ chối. Còn theo cuốn “Beatlesongs” của William J. Dowling thì George xung phong viết bài này khi ông George Martin cần một bài hát cho bộ phim “Yellow Submarine” khi John và Paul có vẻ khá thờ ơ. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, bài hát này cũng thể hiện sự bất mãn của George về công ty Northern Songs Ltd. được lập ra để bảo vệ tác quyền của nhóm. Do John và Paul là hai sáng tác chính nên 30% cổ phần của công ty này thuộc về hai người này. George và Ringo chỉ được hưởng 1,6 % từ mỗi bài hát của nhóm. Do đó có thể thấy việc Paul và John làm ngơ những sáng tác của George không hẳn vì lí do âm nhạc mà còn là vì lí do tiền bạc. Chính vì sự chia chác không đồng đều về mặt quyền lợi này mà George luôn là người bàn ra trong những dự án tái hợp của Beatles.

All Together Now
(McCartney 10)

McCartney: bass, acoustic guitar, hát chính
Lennon: banjo, bè
Harrison: harmonica, bè
Starr: drums, finger cymbals, bè

Paul viết bài này theo dạng một bài hát thiếu nhi để mọi người hát theo, kiểu như một “Yellow Submarine” thứ hai. John lúc đầu không thích bài này lắm, nhưng sau khi biết được các fan bóng đá Anh đã sử dụng bài này để cổ vũ đội bóng của mình thì anh mới đổi thái độ. Theo lời kể của Paul Horn, một người có mặt cùng với nhóm Beatles ở Ấn Độ, khi hát câu “H, I, J, I love you”, nhóm đã sửa thành “H,I, Jai Guru Dev” để ca ngợi sư phụ của thiền sư Maharishi Maheshi Yogi.

Hey Bulldog
(Lennon 9,5/ McCartney 0,5)

McCartney: bass, hat be
Lennon: piano, lead guitar, hat chinh
Harrison: lead guitar, tambourine
Starr: drums

Đây là bài hát cuối cùng nhóm Beatles thu âm trước khi lên đường đi Ấn Độ năm 68. Hôm đó nhóm có hẹn với đoàn làm phim để quay phần phim minh hoạ cho “Lady Madonna”. Trong thời gian chờ đợi, Paul đề nghị John viết một bài hát gì đó để giải khuây, thế là cả hai bắt tay vào viết “Hey Bulldog” và thu âm tại chỗ. Tựa ban đầu của ca khúc là “Hey Bullfrog” nhưng khi thu âm, Paul bất chợt nhái tiếng chó sủa để chọc cười mọi người, thế là John ứng khẩu hát luôn “Hey bulldog”. Buổi thu âm đó cũng là lần đầu tiên John dẫn Yoko theo, bắt đầu cho sự hiện diện thường trực của Yoko trong phòng thu.

Sau này Erich Segal, tác giả của chuyện tình “Love Story” nổi tiếng, người đã viết kịch bản cho bộ phim hoạt hình “Yellow Submarine” cho rằng John viết bài này để cảm ơn ông vì con chó ngao là vật khước của trường đại học Yale nơi ông Erich Segal làm giảng viên.

It’s All Too Much
(Harrison 10)

McCartney: bass, hát bè
Lennon: lead guitar, hát bè
Harrison: lead guitar, organ, hát chính
Starr: drums, tambourine
Dàn nhạc phụ hoạ: 2 trumpets

George viết bài này sau một lần thử LSD năm 1967. Trước khi gặp ông Maharishi, George thường nghĩ rằng chất LSD giúp mình phá vỡ được những rào cảng về mặt tâm linh. Tuy nhiên sau khi học thiền ở Ấn Độ, George bắt đầu nhận ra rằng LSD không giúp anh đạt được sự thăng hoa về mặt tinh thần. Câu “With your long blond hair and your eyes of blue” là câu George viết lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của cô vợ Pattie.


(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học  xuất bản.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ - Created by SoraTemplates and Blogger Themes.