The Beatles - Nửa thế kỷ một huyền thoại (P.6)


MƯỜI CA KHÚC ĐẤU TRANH NỔI TIẾNG CỦA JOHN LENNON

Trong nhóm Beatles, John Lennon nổi tiếng là người có tính cách thẳng thắn và nổi loạn nhất. Không như một số thần tượng nhạc rock khác, những người biến sự nổi loạn của mình thành những hành động tiêu cực phá hoại để nổi tiếng thậm chí tự huỷ hoại bản thân mình, John Lennon đã sử dụng sự nổi loạn của mình một cách rất tích cực: viết nên những ca khúc đấu tranh vì hoà bình và nhân quyền. Tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ đó của John đã nâng anh lên một tầm vóc vĩ đại hơn so với những nghệ sĩ nhạc rock nổi tiếng cùng thời: người phát ngôn cho hoà bình thế giới. Tuy chưa bao giờ được UNICEF hay Liên Hiệp Quốc cử làm đại sứ thiện chí một cách chính thức, John Lennon luôn thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với những tầng lớp bị áp bức trong xã hội và những đất nước vẫn còn chìm đắm trong bom đạn chiến tranh. Những kẻ không thích Lennon thường hay xuyên tạc rằng anh mượn những phong trào đấu tranh để củng cố tên tuổi mình. Lennon không cần làm điều đó, vì với tư cách thủ lĩnh của nhóm Beatles, anh có thừa danh vọng và tiền bạc và với tài năng sáng tác của mình, cho dù chỉ viết những bản tình ca êm ái, Lennon vẫn có thể giữ vững tên tuổi mình như một nhạc sĩ hàng đầu của thế kỉ 20. Xét cho cùng, những hành động đấu tranh của John gây cho anh nhiều bất lợi hơn là giúp anh vun vén lợi ích cá nhân. Ngày 25/11/ 1969, để phản đối sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với cuộc xâm lược của Mỹ ở VN và việc Anh tăng cường quân chiếm đóng ở một số nước Châu Phi, John Lennon đã gửi trả lại điện Buckingham huân chương MBE cao quí mà nữ hoàng Anh đã ban thưởng cho anh năm 1965. Là người Anh, John lại lên tiếng phản ứng khá gay gắt trước sự kiện “ngày chủ nhật đẫm máu” khi lính Anh bắn chết 13 người biểu tình hoà bình tại Cộng Hoà Bắc Ireland tháng 1/1972. Muốn được nhập tịch ở Mỹ nhưng John vẫn thắng thắn chống đối đến cùng cuộc chiến xâm lược Việt Nam của chính quyền Nixon. Anh công khai giao du với những nghệ sĩ cánh tả, kết bạn với những thủ lĩnh các phong trào đấu tranh đòi nhân quyền. Thậm chí, anh còn sử dụng nhóm nhạc rock mang tư tưởng Marxism-Leninism ở New York là Elephant’s Memory làm ban nhạc đệm cho mình trong một thời gian dài. Kết quả là việc xin thẻ xanh của anh bị gây khó dễ rất nhiều. Nhà riêng của John ở New York bị theo dõi, điện thoại của anh bị gài máy nghe lén và CIA thậm chí còn lập cả một tủ hồ sơ mật về John Lennon như đối với một phần tử nguy hiểm của chính phủ. Tất cả những thử thách đó đều không làm John Lennon lùi bước.

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của John Lennon, một nghệ sĩ luôn đấu tranh cho hoà bình thế giới, xin được giới thiệu 10 ca khúc đấu tranh nổi tiếng nhất của John Lennon giai đoạn còn là một thành viên nhóm Beatles và khi trở thành một nghệ sĩ solo.

I. Revolution
(Album: The Beatles 1968)

Đây là ca khúc khởi đầu cho một loạt các bài hát mang khuynh hướng phản chiến của John nhắm chống lại sự leo thang chiến tranh của Mỹ tại chiến trường miền nam Việt Nam. Revolution là ca khúc duy nhất của Beatles xuất hiện với ba phiên bản, phiên bản nhanh được phát hành duới dạng đĩa đơn cùng với Hey Jude của Paul McCartney, phiên bản “Revolution No.1” chậm hơn xuất hiện trong bộ album đôi White Album và “Revolution No. 9” một thử nghiệm thu âm khá điên của John và Yoko cũng trong White Album. Ca khúc thể hiện rõ quan điểm đấu tranh bất bạo động theo chủ nghĩa Gandhi của John: “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới này thì trước tiên hãy thay đổi chính bản thân mình. Còn nếu bạn muốn nói về phá hoại hay đổ máu thì đừng hòng tôi ủng hộ bạn.” Năm 1988, những thành viên còn lại của Beatles cùng rất nhiều fan Beatles đã rất tức giận khi Yoko đã cho phép hãng Nike sử dụng ca khúc này để quảng cáo cho sản phẩm giày thể thao. Theo họ, điều đó đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của bài hát. Sau môt năm đấu tranh dai dẳng, Nike đành phải nhượng bộ không sử dụng ca khúc này cho chương trình quảng cáo.

II. Give Peace a Chance
(Single đầu tiên của John với tư cách nghệ sĩ solo 1969)


John Lennon viết ca khúc này khi đang ở chiến dịch Beds-in for Peace với Yoko Ono tại khách sạn Queen Elizabeth, Toronto, Canada. Mặc dù kí tên tác giả là Lennon-McCartney nhưng đây là ca khúc hoàn toàn của John. John làm như thế để trả ơn Paul đã giúp mình thu âm ca khúc "The Ballad of John and Yoko” khi cả George và Ringo từ chối. "Give Peace a Chance" được thu bằng một máy thu âm 8 track mà John thuê vào đặt trong phòng với nhạc cụ duy nhất là cây guitar thùng và tiếng vỗ tay của những người đi ngang qua.Lời bài khác có vẻ rối rắm vì John dùng một loại những từ ngữ có kết cấu giống nhau.Thực ra ý nghĩa của bài hát khá giản dị nhưng sâu sắc:"Chúng ta suốt ngày nói về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ,chức vị này chức vị kia,xem vào chuyện đời của những nguời nổi tiếng,nhưng những gì chúng ta cần nói bây giờ là "Hãy cho hoà bình một cơ hội!"."Give Peace a chance" trở thành câu khẩu hiệu bất tử của các cuộc đấu tranh vì hoà bình sau này.
  
III. Working Class Hero
(Album Plastic Ono Band 1970)


Được giới trẻ của thập niên 60-70 tôn sùng như một lãnh tụ tinh thần vĩ đại của những cuộc đấu tranh vì nhân quyền và phản chiến, John cảm thấy giằng xé giữa cuộc sống giàu sang của một ngôi sao nổi tiếng và sứ mạng đại diện cho giai cấp lao động mà mình gánh vác. Working Class Hero là câu chuyện của một người lớn lên trong thế giới tư bản, chịu nhiều áp lực từ nhỏ đến lớn để cố gắng thoát khỏi xuất thân lao động của mình mà chen chân vào giới tư sản. Anh ta vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân của những cám dỗ trong xã hội tư bản: sex, ma tuý và phương tiện truyền thông. Và lời khuyên dành cho chàng trai này là: “Hãy làm một người hùng của giai cấp công nhân.”

IV. Power to the People
(Single thứ 4 của John và nhóm Plastic Ono Band.1971)


Với lời ca lặp đi lặp lại như một khẩu hiện “Quyền lực cho nhân dân! Hãy trao ngay quyền lực cho người dân”, “Power to the People” nhanh chóng được các phong trào đấu tranh vì nhân quyền chọn làm thánh ca của mình trong những cuộc biểu tình. Trong ca khúc, John nhấn mạnh quyền lợi của giai cấp lao động và quyền lợi của phụ nữ đang bị bóc lột và chà đạp, cần có một hành động cụ thể đế đấu tranh giành lại sự công bằng cho những người bị áp bức.

V. Imagine
(Album: Imagine 1971)


Cũng như "Give Peace a Chance", "Imagine" được xem như ca khúc phản chiến hay nhất của John Lennon và không thể thiếu trong những cuộc đấu tranh vì hoà bình.Lời lẽ của John trong ca khúc này khá súc tích nhưng đầy ý nghĩa: thiên đàng hay địa ngục, tất cả đều do con nguời tưởng tượng ra, cũng như lòng tham, tôn giáo hay chính trị đều là những cái cớ để con nguời chém giết lẫn nhau mà thôi. Cứ tưởng tượng rằng một ngày nào đó,những thứ như vậy không hiện hữu trên đời,thế giới sẽ thanh bình biết mấy,sẽ chẳng còn chiến tranh và thù hận chỉ còn tình anh em giữa các dân tộc với nhau.


VI. I Don’t Want to Be a Soldier
(Album: Imagine 1971)


“Con không muốn làm một người lính vì con không muốn chết. Mẹ ơi con không muốn làm một luật sư vì con không biết nói dối” Giai điệu đơn giản như tiếng kinh cầu được lặp lại trên nền nhạc khá nặng nề như một lời than vãn của những thanh niên sắp bị bắt ra trận đã đánh vào tâm lí chán ghét chiến tranh của cả giới trẻ và những người mẹ mất con ở chiến trường. Mặc dù không phải là một bài hit của John, ca khúc này vẫn được nhiều người yêu hoà bình trên thế giới biết đến.

VII. Happy Xmas (War Over)
(Single 1972.)


Ca khúc này được viết mùa Giáng sinh năm 72,khi chiến tranh xâm lược Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối.Vào thời điểm này nguời ta bắt gặp trên những trung tâm thương mại ở 12 thành phố lớn trên thế giới như New York, London, Paris và Tokyo những tấm pano màu trắng với dòng chữ "War is over! If you want it. Happy Christmas from John and Yoko." Mong mỏi của John Lennon và Yoko Ono cũng là mong mỏi của nhân loại yêu hoà bình trên thế giới, sớm chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa để mọi nguời được hưởng một mùa giáng sinh an lành.Để tăng thêm tính phản chiến của bài hát,John đã dùng một dàn đồng ca thiếu nhi hát phần hợp xướng của ca khúc bên cạnh tiếng guitar thùng đơn giản của mình.

VIII. John Sinclair
(Album: Some Time in New York City 1972.)


John Sinclair là một nhà thơ, nghệ sĩ và lãnh đạo của tổ chức chống phân biệt chủng tộc White Panthers ở Mỹ. Cũng như hầu hết giới thanh niên hippie của thập niên 70, John Sinclair cũng hút và tàng trữ cần sa. Năm 1969, ông bị kết án mười năm tù vì đã đưa cho một tay hippie (thực chất là cảnh sát chìm) hai điếu cần sa. Việc bắt giữ và kết án quá nặng tay với John Sinclair đã gây nên nhiều làn sóng phản đối khắp nước Mỹ. Tháng 12 năm 1971, nhiều nghệ sĩ cánh tả trong đó có John Lennon đã biểu tình đòi thả John Sinclair. Trong ca khúc có tên Sinclair, John Lennon kêu gọi: “Hãy thả John Sinclair về với vợ con, hãy để anh ta hít thở khí trời” và lên án chính phủ Mỹ: “Nếu anh ta là một tên lính viễn chinh đang ra tay tàn sát người vô tội ở VN thì có lẽ các người sẽ không bỏ tù anh ấy.”

IX. The Luck of the Irish
(Album Some Time in New York City 1972.)


Là một người Anh, John lại đứng về phía nhân dân Ireland lên tiếng chống lại sự thống trị của người Anh trên đất nước Ái Nhĩ Lan. “Nếu bạn có vận may của một người Ireland thì bạn thà rằng mình chết đi còn hơn” Trong ca khúc, John không người lên án sự tàn bạo của thực dân Anh trên mảnh đất Ireland xinh đẹp, gọi chính phủ Anh là những kẻ đằng sau giật dây gây ra cuộc nội chiến đẫm máu giữa Bắc Ireland và cộng hoà Ireland và gọi tội ác của đế quốc Anh đối với người dân và đất nước Ái Nhĩ Lan là tội diệt chủng.

X. Sunday Bloody Sunday:
(Album: Some Time in New York City 1972.)



Ngày Chủ nhật, 30/1/1972 là một ngày không thể nào quên đối với người dân Bắc Ireland, 27 người biểu tình không vũ trang ở Bogside, Bắc Ireland bị lực lượng lính dù Anh xả súng bắn trong một cuộc biểu tình bất bạo động. Mười ba người chết tại chỗ, một người chết trong bênh viện sau nhiều tháng điều trị. Sự kiện khiến nhiều nhà bảo vệ hoà bình trên thế giới căm phẫn. Ngày 25/2/1972, Paul McCartney thu âm ca khúc “Give Ireland back to the Irish” và lập tức bị đài BBC cấm phát hành. Cùng một cảm xúc bất bình, John Lennon viết ca khúc “Sunday Bloody Sunday” để tưởng niệm mười ba người tử nạn trong ngày chủ nhật đẫm máu đó. Trong ca khúc của mình, John lên tiếng ủng hộ quan điểm của Paul: “Hãy trả Ireland về cho người Ái Nhĩ Lan, đẩy nước Anh về phía bên kia bờ biển.”


(còn tiếp)

Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ, một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.

About the author

Admin
Donec non enim in turpis pulvinar facilisis. Ut felis. Praesent dapibus, neque id cursus faucibus. Aenean fermentum, eget tincidunt.

0 nhận xét:

Template by Clairvo Yance
Copyright © 2012 Quán Nhạc Cũ - Created by SoraTemplates and Blogger Themes.