John Lennon- Một thiên tài nổi loạn.
John Lennon là một cái tên có sức
ảnh hưởng rất mạnh đối với âm nhạc của thế kỉ 20. Với tư cách là một thành viên
của nhóm Beatles, cùng với Paul McCartney, anh là tác giả của hàng trăm ca khúc
tuyệt tác làm say đắm lòng người. Không chỉ như thế, John luôn là một nghệ sĩ
luôn đi tiên phong trong sáng tạo âm nhạc. Với tư cách một nghệ sĩ solo, John
luôn giữ vững vai trò một chiến sĩ đấu tranh không ngừng nghỉ cho phong trào
hoà bình và nhân quyền trên thế giới. Nổi loạn, cáu kỉnh, châm biếm, ghen tuông
nhưng cũng rất lãng mạn, tinh tế và hài hước, John Lennon tập trung những cá
tính đối lập khiến việc đánh giá thế nào cho đầy đủ con người thật sự của John
là một việc không đơn giản. Có thể nói trong bốn thành viên của Beatles, John
là ngưới có tính cách phức tạp nhất.
Nổi loạn từ thời niên thiếu
 |
John Lennon khi còn là thành viên ban nhạc Quarryman |
“Mọi việc đang trở nên tốt hơn bởi
vì chúng không còn chỗ để tiếp tục tệ” (It’s getting better ‘cause it can’t get
much worse)-Getting Better, 1967.
 |
Ông Fred Lennon |
Có thể sự nổi loạn trong con người của John được
hình thành từ rất nhỏ. Cha anh, ông Fred Lennon là một thuỷ thủ kiêm nhạc sĩ
hát rong đã gặp và yêu cô gái năng động Julia Smith, lúc này chỉ mới 16 tuổi và
kết quả của cuộc tình này là cậu bé John Winston Lennon, ra đời ngày 9/10/1940,
trong một cơn oanh tạc ác liệt của không quân Đức ở Liverpool. Quen với cuộc sống
tự do rày đây mai đó, ông Fred đã để lại vợ và con để tiếp tục những chuyến
lênh đênh trên biển của mình và không lâu sau đó, bà Julia cũng tái giá để lại
John cho chị mình là bà Mary Smith, người đựơc biết đến với cái tên dì Mimi,
cùng chồng là dượng George nuôi nấng. Trong suốt thời thơ ấu của mình, John chỉ
gặp cha một lần duy nhất năm 6 tuổi khi ông Fred đột ngột xuất hiện, dẫn con
trai đi nghỉ ở Blackpool và nói với cậu rằng muốn đưa cậu sang Úc với mình. Nếu
bà Julia, không xuất hiện kịp thời với khuôn mặt đẫm lệ thì có lẽ lịch sử âm nhạc
đã khác rất nhiều, John Lennon đã có thể trở thành một anh chàng vô danh nào đó
ở xứ sở chuột túi chứ không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng như chúng ta đã biết.
John trải qua thời thơ ấu của
mình dưới sự yêu thương chăm sóc nhưng cũng rất nghiêm khắc của dì và dượng.
Tuy nhiên sự giáo dục chu đáo và có phần hơi bảo thủ của dì Mimi vẫn không kìm
hãm được tính cách nổi loạn bẩm sinh của John. Ở trường, John là một cậu học
sinh khá đặc biệt có năng khiếu về mĩ thuật nhưng lại lười học và hay bày những
trò tai quái để trêu chọc các thầy giáo. Hầu hết các giáo viên của John ở trường
Quarry Bank đều đánh giá rằng cậu học trò ngỗ nghịch này sẽ không có được một
tương lai xáng lạn và trại cải huấn trẻ vị thành niên có thể là nơi cậu sẽ dừng
chân. Chỉ khi một giáo viên phát hiện tài năng của John và giới thiệu cậu vào học
tại học viện Mỹ thuật Liverpool, John mới tạm yên ổn một thời gian.
Những người bạn thời niên thiếu của
John ở Liverpool như Ivan Vaughan hay Peter Shotton đều kể về John như một người
thông minh, năng động nhưng cũng rất thất thường trong tính cách. John có thể nổi
cáu một cách bất ngờ và không ngại dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Từ nhỏ,
John đã có một thú tiêu khiển khá quái dị đó là quan sát những người tàn tật rồi
nhái lại những khuyết tật của họ. Những bức tranh John vẽ thời thiếu niên phần
lớn mô tả những người hoặc con vật dị dạng. Một trò tai ác mà John hay chơi
trong thời gian còn ở Liverpool là giả vờ tốt bụng đưa một người mù qua đường
nhưng khi đến giữa đường thì cậu giật lấy cây gậy và bỏ chạy, mặc cho con người
khốn khổ kia không biết xoay sở thế nào, Khi nhóm Beatles đang ở đỉnh cao của
cơn Beatlemania, nhiều fan cuồng tín đã mang người thân của mình, những người bị
tàn tật hoặc thiểu năng về trí tuệ, đến bất cứ nơi nào nhóm Beatles có mặt để
nhờ các thành viên của nhóm chạm vào người họ, với niềm tin quyền năng siêu
phàm của Beatles sẽ chữa khỏi bệnh cho thân nhân của họ. John đã quan sát rất
kĩ những đứa trẻ bị bênh down và khi lên sân khấu biểu diễn, anh đã nhại lại những
cử động khó khăn hay vẻ mặt đần độn của những đứa trẻ tội nghiệp đó.
Trong thời gian đầu với the
Beatles, John luôn là người làm khó các thành viên khác trong những biểu quyết
chung. Cho dù anh có thích điều đó đi nữa thì John vẫn là người đồng ý cuối
cùng sau khi đã mè nheo đủ kiểu. Là người sau cùng đổi sang kiểu tóc mop top và
luôn phản đối việc mặc complê để biểu diễn, John thích hình ảnh áo da đen và quần
bò bạc phếch cùng với mái tóc chải ngược kiểu Elvis Presley vì đó là một hình ảnh
mang tính phản kháng của giới trẻ thời đó. Và cũng chính John là người luôn có
những lời lẽ châm biếm cay độc sự đồng tính của ông bầu Brian Epstein, người có
công rất lớn trong thành công của Beatles khiến ông nhiều lần bị tổn thương sâu
sắc. “Gã Do Thái đồng tính giàu sụ” (rich fag Jew) là từ mà John dùng để ám chỉ
Brian Epstein mỗi lần nhắc đến ông. Và cũng chính John là người đã có câu phát
biểu gây shock khi trả lời báo chí rằng nhóm Beatles nổi tiếng hơn cả Chúa Cứu
Thế trong một phút bốc đồng, dẫn đến sự tẩy chay nhóm Beatles ở nhiều nơi trên
thế giới năm 1966.
Sự ghen tuông mù quáng và sự yếu
đuối trong tình cảm
“Anh không muốn có ý làm em tổn
thương, anh xin lỗi vì đã làm em khóc. Anh chỉ là một gã ghen tuông” (I didn’t
mean to hurt you, I’m sorry that I’ve made you cry. Oh no, I didn’t want to
hurt you. I’m just a jealous guy.)-Jealous Guy (1971)
“Jealous Guy” ca khúc nổi tiếng
trích từ album “Imagine” năm 1971 của John là lời tự thú chân thật nhất về tật
xấu này. Thật vây, những cơn ghen khủng khiếp của John thường nổi lên không kiểm
soát được khi John thấy người phụ nữ của mình nói chuyện với một nguời con trai
khác, ngay khi người đó là bạn thân nhất của mình. Cynthia, người vợ đầu của
John là nạn nhân của những trận đòn ghen của anh nếu cô lỡ dại có một hành động
thân thiện với một chàng trai nào đó. Một lần khi thấy Cynthia nói chuyện một
cách khá vui vẻ với Stuart Sutcliff, bạn nối khố của mình, John đã quật Stuart
xuống đất và đá liên tiếp vào đầu của bạn. Rất nhiều người sau này cho rằng khối
u não ác tính dẫn đến cái chết bất ngờ của Stu năm 21 tuổi chính là hậu quả của
hành động bạo lực này. Với Yoko, John thường hay bắt vợ liệt kê tất cả những mối
tình trước khi hai người đến với nhau để rồi dằn vặt cô rất nhiều.
Nếu tinh ý, người nghe sẽ thấy được
sự đối lập khi nói về tình yêu trong những bản tình ca của John và của Paul thời
kì 1963-1966 Những ca khúc về tình yêu của
John trong giai đoạn này luôn chất chứa sự bức xúc ngấm ngầm, sự ghen tuông và
sự châm biếm cay độc. Nếu Paul hấp dẫn người nghe bởi những bản tình ca lí tưởng
theo kiểu "tình cho không biếu không" như " All My Loving",
"And I Love Her", "Can't Buy Me Love" hay "Eight Days
a Week" thì John lại đưa những người đang yêu vào một thế giới rất thật,
thậm chí khá bi quan về tình yêu. Tình yêu của John không có sự dâng hiến trọn
vẹn như Paul. Đó là lời than trách của chàng trai vì sao cô gái suốt ngày cứ ca
cẩm trong khi chàng quần quật từ sáng đến tối trong "Please Please
Me": Anh không muốn than thở nhưng em phải hiểu rằng anh không cảm thấy
thoái mái chút nào/ Anh làm tất cả để cho em vui lòng nhưng thật là khó khi phải
cãi lí với em vì em luôn làm cho anh bực bội! (I don't wanna sound complainin',
but you know there's always rain in my heart/ I do all the pleasin' with you,
it's so hard to reason with you, whoah yeah, why do you make me blue.) John
luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi và phản bội, vì thế cơn ghen của anh đôi khi thật
quá quắt và tàn nhẫn. John hăm doạ người yêu rằng sẽ bỏ rơi cô gái nếu anh bắt
gặp cô nói chuyện với người con trai khác trong "You Can't Do That" bởi
vì "mọi người đều cảm thấy ganh tị khi anh có được em/ Nhưng họ sẽ cười
vào mặt anh nếu họ thấy em nói chuyện với hắn" (Ev'rybody's green,'cause
I'm the one who won your love/ But if they've seen,You're talking that way
they'd laugh in my face). John tuyên bố trong "Run For You Life" rằng
: " Tôi thà rằng nhìn thấy em chết
còn hơn thấy em yêu một người đàn ông khác/ Em liệu mà giữ lấy hồn vì tôi đang
lên cơn điên...Em hãy chạy cho thật xa, trốn cho thật kĩ vì nếu tôi nhìn thấy
em với một người khác thì coi như em hết
đời" (Well I'd rather see you dead, little girl than to be with another
man/You better keep your head, little girl or I won't know where I am. You
better run for your life if you can, little girl. Hide your head in the sand
little girl. Catch you with another man. That's the end'a little girl). John
cay cú và giành giật trong " You're Gonna Lose that Girl", nhạo báng
tình yêu của người khác trong "You've Gotta Hide Your Love Away" rồi quay
ra dằn vặt chính mình trong " I'm A Loser" khi người mình yêu lại
không phải là người yêu mình như chàng trai trong "Baby's In Black".
Đôi khi anh cảm thấy mình lạc lõng trong một bữa tiệc đông người để rồi lặng lẽ
ra đi vì không muốn sự thất vọng của mình làm hỏng không khí vui tươi của buổi
tiệc ( I Don’t Wanna Spoil the Party). So với các bản tình ca của Paul, những
ca khúc về tình yêu của John đem lại cho người nghe một cảm giác thật hơn, đầy
đủ hơn nhưng lại bi quan và yếm thế hơn về một mối quan hệ.
 |
John Lennon và Mẹ Julia. Ảnh chụp năm 1948. |
Sự ghen tuông và mất tin tưởng
trong tình yêu của John là kết quả của một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm. Thời
niên thiếu của mình, John trải qua hai sự mất mát lớn đó là cái chết của hai
người cậu yêu thương nhất: ông dượng George, chồng của dì Mimi và bà Julia mẹ
John. Chính bà Julia là người dạy John chơi guitar, khuyến khích John chơi nhạc
và bao che cho cậu những lần trốn học đi chơi nhạc với nhóm Quarry Men. Cũng
chính bà là người mua cho John cây đàn guitar đầu tiên trong đời. Năm John 17
tuổi, tai nạn giao thông đột ngột đã cướp đi của John một người mẹ, một người mặc
dù không luôn ở bên John nhưng lại là người hiểu cậu nhất. Điều đó làm cho John
luôn cảm thấy mình thiếu thốn tình mẫu tử thiêng liêng. Anh tâm sự khi trả lời
phỏng vấn rằng mình đã mất mẹ hai lần. Hình bóng của người mẹ yêu dấu và tình mẫu
tử mà John không bao giờ được hưởng trọn vẹn luôn ám ảnh John qua những ca khúc
khá xúc động viết về mẹ như “Julia”, “Mother” và “My Mommy’s Death”. Cynthia
Powell, vợ cũ của John, đã lí giải về mối quan hệ của John và Yoko Ono trong cuốn
tự truyện của mình rằng do mất mẹ từ nhỏ, John luôn cần có một người phụ nữ lớn
tuổi hơn để cho anh cảm giác được chở che như một đứa trẻ và Yoko là người đã
làm được điều đó. Trong ca khúc “Woman” nổi tiếng, John bộc bạch: “Người phụ nữ
ơi, anh biết em hiểu được rằng bên trong than xác một người đàn ông là tâm hồn
của một đứa trẻ.” Năm 1971, sau những biến cố lớn trong đời như sự tan rã của
nhóm Beatles và những vụ kiện tụng mệt mỏi, John đã tham gia khoá trị liệu tâm
lí mang tên Primal Scream, phương pháp trị liệu giúp người bệnh đối diện với những
nỗi ám ảnh trong tâm hồn, trong một nỗ lực đoạn tuyệt với ma tuý. Khoá trị liệu
tuy thất bại nhưng nó phần nào giúp John lấy lại cân bằng trong cuộc sống và
tình yêu. Và Yoko Ono, tội nhân thiên cổ trong nghi án “cái chết của Beatles” lại
là người mang lại được cho John thứ tình yêu anh cần. Quả vậy, hầu hết những ca
khúc đẹp và lãng mạn nhất về tình yêu như “ Love”, “Oh My Love” hay “Woman” đều
viết để dành tặng cho Yoko Ono.
Nỗi cô đơn thầm kín
“Phía sau chiếc mặt nạ cưòi là một
gương mặt ủ ê” (Beneath that mask I’m wearing a frown)-I’m a Loser (1964)
Là người chịu nhiều mất mát về mặt
tình cảm trong cuộc sống thời niên thiếu, John Lennon có thể nói là một người
có tính cách khá lập dị, cái lập dị của một thiên tài. Nếu có dịp đọc “In His
Own Write” bộ sưu tập những bài thơ, truyện ngắn và tranh vẽ của John thời niên
thiếu, người đọc ắt hẳn sẽ phải giật mình kinh ngạc trước trí tưởng tượng cực
kì phong phú của một cậu thiếu niên. Trong sáng tác, không bao giờ John muốn lập
lại một lối mòn nào cả. Anh muốn những tác phẩm của mình phải mang những dấu ấn
riêng không thể lẫn vào đâu được. Chẳng hạn khi thu âm “Tomorrow Never Knows” một
bài hát được lấy cảm hứng từ cuốn “Sinh Tử Kinh” của phật giáo Tây Tạng, John
muốn giọng ca của mình giống như tiếng của “hàng ngàn lạt ma tụng kinh vang vọng
trên đỉnh núi Himalaya tuyết phủ” Còn trong “Being for the Benefit of Mr. Kite”
ca khúc mà John viết hoàn toàn dựa trên những dòng quảng cáo của một poster rạp
xiếc của thế kỉ 19 anh mua được tại một tiệm bán đồ cổ, anh muốn thính giả phải
ngửi được mùi mạt cưa và kim tuyến của một gánh xiếc rong thật sự khi nghe ca
khúc này. Rất may cho John, nhà sản xuất George Martin luôn là người lắng nghe
những ý tưởng điên rồ đó và cố gắng để biến nó thành hiện thực.
Có thể trong tất cả bốn thành
viên của Beatles, John là bậc thầy trong việc chơi chữ. Rất hâm mộ Lewis
Carroll, tác giả của Through the Looking Glass và Alice’s Adventure in
Wonderland, John viết nhiều bài hát với lời ca là sự kết hợp một cách sáng tạo
những ngôn từ vô nghĩa và những hình ảnh siêu thực để tạo thành một bức tranh lập
thể đẹp một cách trừu tượng. Những sáng tạo nghệ thuật của John trong giai đoạn
Sgt. Pepper vừa ngây thơ trong sáng như những bài đồng dao trẻ thơ vừa huyền bí
khó hiểu như chứa đựng một thông điệp bí ẩn nào đó. Khi nhắc tới những tác phẩm kiểu này của
John, không thể không nhắc đến “Lucy in the Sky With Diamond”, bài hát được xem
như là cổ suý cho phong trào dùng chất kích thích LSD và vì thế bị cấm trên đài
phát thanh, “I Am the Walrus” bài hát chịu ảnh hưởng lớn của hai bài thơ của
Lewis Carroll là “The Walrus and the Carpenter” và “Jabberwocky”, “Glass Onion”
bài hát đối với nhiều người là lời giải cho câu đố phức tạp “I am the Walrus”
và “Come Together” một ca khúc mang tính tuyên truyền cho chủ nghĩa hippie. Mặc
dù không hiểu phần lớn nội dung của những ca khúc nói trên, hầu hết fan (người
hâm mộ) của Beatles đều công nhận đó là những ca khúc hay với vẻ đẹp khó có thể
lí giải bằng ngôn ngữ thông thường.
Chính vì sự lập dị thiên tài của
mình, John luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng trên đỉnh cao danh vọng và tiền bạc.
Vợ anh Cynthia là một người vợ tốt, một nội trợ kiểu mẫu nhưng không phải là
người có thể chia sẻ những suy nghĩ của chồng. Paul, George và Ringo, những tay
Beatles còn lại là những người bạn thân, những đồng nghiệp nhưng mỗi người là một
thế giới nghệ thuật riêng. Họ vừa là người đồng hội đồng thuyền vừa là đối thủ
cạnh tranh ngấm ngầm từ bên trong. Bắt đầu từ năm 1964, sau lần tiếp xúc đầy ấn
tượng với huyền thoại nhạc folk Mỹ là Bob Dylan và được Bob khuyên tìm sang tác
những ca khúc thể hiện nội tâm, John bắt đầu viết những ca khúc để thể hiện sự
cô đơn về tâm hồn như “Help!”, “I’m a Loser”, “I Don’t Want to Spoil the
Party”, “I’m Only Sleeping”, “Nowhere Man” và “Strawberry Fields Forever”. Qua
những ca khúc này, người nghe có thể thấy được một John Lennon thật sự cô đơn
giữa vòng vậy của những phù phiếm, cái giá phải trả của sự nổi tiếng. Có lẽ vì
thế, khi gặp được Yoko Ono, một nghệ sĩ tạo hình trường phái tiên phong avant-garde, ngưòi có những ý tưởng quái
chiêu không kém, John đã bị cuốn hút và giữa hai tâm hồn nổi loạn này hình
thành một tình yêu bất chấp khoảng cách về mặt tuổi tác và những định kiến xã
hôi.
Quan điểm chính trị của John
Lennon
“Nếu bạn nói sự phá hoại thì đừng
bao giờ lôi kéo tôi vào.” (But when you talk about destruction, don’t you know
that you can count me out!) Revolution 1.
Bắt đầu từ cuối năm 1965, ông bầu Brian
Epstein đã phải rất vất vả để canh chừng các thành viên nhóm Beatles không được
nhắc đến những vấn đề thời sự nhạy cảm thời đó, đặc biệt là cuộc chiến tranh
đang diễn ra ở Việt Nam vì điều đó không ít thì nhiều có ảnh hưởng xấu đến danh
tiếng của nhóm Beatles. Nhưng John là người luôn tìm cách để thể hiện tinh thần
chống chiến tranh của mình bất cứ khi nào mà anh có thể. Và đến khi tách ra khỏi
nhóm Beatles để bắt đầu sự nghiệp solo, John đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm
chính trị của mình qua những ca khúc mang đậm chất đấu tranh
Rất nhiều tay cánh hữu cực đoan đã xem John
như một phần tử cánh tả nguy hiểm, thậm chí là một gián điệp của Liên Xô dưới
cái lốt nghệ sĩ dùng âm nhạc để tẩy não thanh thiếu niên phương Tây. Tờ báo
Times năm 1968 đã gọi John Lennon và chủ tịch Mao Trạch Đông của TQ là hai nhân
vật chính trị có ảnh hưỏng nhất của thập kỉ. Thậm chí cục tình báo trung ương
CIA của Mỹ còn lập cả một hồ sơ mật trên 400 trang về mọi hoạt động của John
Lennon. Nhưng những người hiểu rõ về John nhất thì đều cho những điều đó là
hoang tưởng, một “chứng bệnh” mà những chính trị gia của cả hai khối thời chiến
tranh lạnh đều mắc phải. Thật ra cái gọi là tư tưởng cộng sản hay quan điểm
chính trị tả khuynh của John đều bắt nguồn từ tính cách nghệ sĩ nổi loạn của
John. Bất bình trước những thảm hoạ do quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam, với bản
tính bộc trực của mình, John đã lên tiếng chống đối như một vịêc hết sức tự
nhiên, hết sức bản năng. Nhất là từ sau khi tham gia đóng bộ phim hài về chiến
tranh “How I Won the War” năm 66, John bắt đầu cảm thấy căm ghét những gì do
chiến tranh gây ra. Cùng với sự phát triển của phong trào hippie phản chiến bắt
đầu từ “mùa hè tình yêu” năm 1967, cũng như bao nhiêu văn nghệ sĩ cấp tiến
khác, John Lennon cảm thấy mình có nhiệm vụ dùng sức ảnh hưởng từ danh tiếng của
mình để làm một điều gì đó có lợi cho hoà bình. Và một cách rất bản năng, John
đã làm điều anh nghĩ là đúng.
Quan điểm chính trị của John
trong giai đoạn 67-68 là một quan điểm hoà bình bất bạo động theo kiểu cách mạng
Ấn Độ của Gandhi. “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu” (All you need is love)
bài hát nổi tiếng của nhóm Beatles do John sáng tác năm 1967 thể hiện rất rõ
quan diểm đó. “Đừng lôi kéo tôi đến chiến hào của bạn nếu nơi đấy không cắm đầy
hoa”, John đã trả lời phỏng vấn về thái độ của mình đối với chiến tranh. Là một
người có thói quen sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn lúc còn trẻ, John
Lennon dường như đã trưởng thành hơn khi nhận thức được rằng bạo lực không thể
giải quyết bằng bạo lực mà cần có một giải pháp hoà bình.
John và Yoko biểu tình trên giường ngủ để phản đối những cuộc chiến tranh vô nghĩa
Với suy nghĩ đó, John và Yoko
trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 đã dấu tranh không ngừng
nghỉ cho hoà bình bằng những biện pháp bất bạo động, bắt đầu bằng chuỗi sự kiện
“Bed-ins” trong tuần trăng mật của hai người năm 1969 ở Amsterdam và Toronto.
Trong những bộ pyjama trắng giữa chăn gối cũng mang một màu trắng, John và Yoko
tổ chức họp báo để tranh thủ rao giảng cho hoà bình, Đây có thể nói là một hành
động cực kì khôn ngoan vì thời gian đó cái tên John và Yoko đồng nghĩa với những
scandal. Các tay phóng viên hí hửng đến phòng riêng tân hôn của cặp đôi lập dị
này với một niềm tin chắc như bắp rằng thế nào mình cũng sẽ thấy được nhiều trò
sexy quái đản nào đó, phen này thì tha hồ bán báo. Nhưng tất cả đều bị hố, mọi
thứ mà họ thấy đều rất đẹp một cách thánh thiện. Trả lời phỏng vấn, John thắng
thắn nói: “Chúng tôi sẳn sàng biến mình thành những tên hề cho cả thế giới cười
cợt, miễn sao trò hề của chúng tôi đóng góp phần nào cho việc chấm dứt chiến
tranh” Từ khi thoát ra khỏi cái vỏ bọc the Beatles để được tự do là chính bản
thân mình, John đã thoát khỏi mọi ràng buộc để theo đuổi đến cùng niềm tin của
mình. Và chưa bao giờ anh chùng bước hay cảm thấy hối hận về những điều mình đã
làm.
Một kết cục không có hậu cho một thiên tài
“Tại sao chúng ta lại không cùng nhau cất cánh bay đến một nơi nào đó thật ra để sống hạnh phúc bên nhau như những ngày đầu?” (Just Like Starting Over, 1981)
Cuối năm 1980, John Lennon làm cho người hâm mộ khắp nơi phấn khởi khi tuyên bố anh sẽ trở lại với âm nhạc sau 5 năm sống ẩn dật để chăm sóc cho cậu con trai Sean tại căn hộ khu chung cư Dakota ở New York. Với đĩa single đầy hi vọng “(Just Like) Starting Over” và album “Double Fantasy”, ở tuổi 40, John Lennon trưởng thành và chin chắn hơn bao giờ hết. Gạt bỏ cái quá khứ huy hoàng cũng như những hệ luỵ mệt mỏi do cái tên the Beatles mang lại, vượt qua những vấn đề cá nhân trong hôn nhân, ma tuý và cả cuộc đấu tranh dai dẳng để được quyền ở lại Mỹ thường trú, John Lennon đã có một khoảng thời gian 5 năm thật đẹp để sống một cách bình dị ở New York. Anh học cách làm bánh mì, có thời gian nối lại những mối quan hệ bằng hữu với những tay Beatles trước kia, và quan trọng hơn hết là có thời gian chăm sóc bé Sean, đứa con thứ hai của anh mà như một phép lạ, ra đời đúng vào ngày sinh của cha. Những ca khúc của John trong thời gian ở ẩn này thể hiện niềm hạnh phúc từ những điều hết sức đơn giản như dọn dẹp nhà cửa (Cleanup Time), đi ra ngoài dạo chơi (Stepping Out), chăm sóc cho con (Beautiful Boy), những điều đơn giản mà gần 20 năm làm một nghệ sĩ nhạc rock, anh chưa bao giờ có được. Con người nổi loạn, ghen tuông và giận dữ của một John Lennon thời trai trẻ đã được thay thế hoàn toàn bằng một người đàn ông yêu thương và đầy trách nhiệm. Và trong thế giới âm nhạc, những người hâm mộ vẫn chưa quên anh, họ vẫn mong chờ anh trở lại.
Thế nhưng khi John Lennon quyết định quay trở lại đối với công chúng, thì đó cũng là lúc mọi người mất anh mãi mãi. Đêm 8/12/1980, sau khi trở về từ phòng thu để hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng của album Double Fantasy cùng với Yoko, John Lennon đã bị một fan tâm thần tên Mark Chapman, kẻ đã kiên nhẫn đứng chờ anh suốt cả ngày trước cổng khu nhà Dakota bắn chết. Chỉ vài tiếng đồng hồ trước đó thôi, kẻ sát nhân đã xin chữ kí của nạn nhân mình trên bìa đĩa của album vừa phát hành. Trong năm phát đạn mà Mark dành cho John, hai viên đạn đầu tiên đã đủ để lấy đi sinh mạng của một thiên tài. Cả thế giới mất đi một huyền thoại.
Cái chết của John là một sự mai mỉa của số phận. Không mai mỉa sao khi John đã bị sát hại ở New York, nơi anh chọn để làm nơi dừng chân của mình vì theo anh, ở New York anh có thể sống một cuộc sống yên bình, mọi người gặp anh đều thân thiện chào hỏi anh chứ không vồ vập anh như đối với một ngôi sao. Không mỉa mai sao khi chỉ trước khi chết bao lâu, John đã có một bài phỏng vấn đầy hi vọng về sự trở lại của mình cho báo Playboy và một bài hát anh viết cho album mới của mình có tựa đề là “Life Begins at 40”. Rõ ràng là ở tuổi 40, John cảm thấy tự tin và sẳn sàng để sống hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày trước khi chết, John đã tặng một số tiền khá lớn cho cảnh sát New York để họ trang bị áo giáp chống đạn. Và cũng thật chua xót khi kẻ giết chết anh lại là một fan cuồng nhịêt của the Beatles, người đã học chơi guitar và cưới một cô vợ người Nhật để giống thần tượng của mình. Một người đấu tranh hết mình để chống lại bạo lực cuối cùng lại là nạn nhân của bạo lực.

John Lennon ký tặng Mark Chapman vào buổi chiều trước khi bị fan hâm mộ này ám sát vào buổi tối.
Có rất nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của John Lennon. Có người cho rằng kẻ sát nhân là một điệp viên CIA được phái đến để ám sát anh. Có người vẫn từ chối tin rằng thần tượng của mình đã chết. Nhưng dù cho là lí do gì đi nữa, cái chết của John Lennon vẫn là một trong những cái chết gây đau xót và tiếc nuối nhiều nhất trong lòng người hâm mộ. Không như những ngôi sao nhạc rock khác như Jim Morrison, Jimi Hendrix hay Elvis Presley, những người tự huỷ hoại mình do lối sống vô độ của rượu và ma tuý, John Lennon đã chết vì điều mà anh luôn đấu tranh không ngừng nghỉ. Cái chết của anh không hề vô ích; nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực và hậu quả của nó, khiến mọi người ý thức hơn về vai trò của mình trong việc ngăn chặn bạo lực. Như một câu ngạn ngữ cổ “Khi kẻ thù giết đi một người anh hùng, chúng chỉ làm cho ngưòi đó trở thành bất tử”, cái chết của John Lennon khiến anh trở thành bất tử trong lòng những người hâm mộ hôm nay và của những thế hệ sau này.
DANH MỤC ALBUM SOLO CUA JOHN LENNON
Album phòng thu:
• Unfinished Music No.1-Two Virgins (1968)
• Unfinished Music No.2- Life with the Lions (1969)
• The Wedding Album (1969)
• John Lennon/Plastic Ono Band (1970.
• Imagine (1971)
• Some Time in New York City (1972).
• Mind Games (1973).
• Walls and Bridges (1974)
• Rock 'n' Roll (1975)
• Double Fantasy (1980)
• Milk and Honey (1984)
Album tổng hợp:
• Shaved Fish (1975)
• John Lennon Collection (1982)
• Menlove Ave (1986)
• John Lennon: Imagine (1988)
• Lennon (1990): 4 CD Box set
• Lennon Legend: The Very Best of John Lennon (1997)
• John Lennon Anthology (1998): 4 CD Box set
• Wonsaponatime (1998)
• Acoustic (2004)
• Working Class Hero: The Definitive Lennon (2005)
• The U.S. vs. John Lennon (2006)
Album trực tiếp (live):
• Live Peace in Toronto (1969)
• Live in New York City (1972)
(còn tiếp)
Nguồn: The Beatles - Nửa thế kỉ,
một huyền thoại. Khảo luận của Huỳnh Chí Viễn. NXB Văn học, 11-2010.
0 nhận xét: